Chủ nhật, ngày 13/07/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
LÀM BÁO THỜI BAO CẤP (09/07/2025-10:12)
    NLBTH - 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), đây là một chặng đường dài báo chí đã phát triển, khẳng định vị thế không thể thiếu trong đời sống xã hội suốt một thế kỷ. Ngược dòng lịch sử, nghề báo có nhiều gian nguy và thử thách, nhất là thời kỳ bao cấp. Nhà báo khi dấn thân vào nghề này đều phải có niềm đam mê; đó chính là tình yêu, ngọn lửa đam mê với nghề đã được đánh thức, giúp họ dám đương đầu với mọi thử thách để quyết liệt đi theo con đường mình đã chọn.

 Đồng chí Lê Huy Ngọ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đến thăm và làm việc tại Báo Văn Hóa Thông tin năm 1988

Tôi bén duyên với nghề làm báo từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, cho đến khi xác lập phong cách và tìm được chỗ đứng trong làng báo là một hành trình không dễ dàng, thậm chí đầy ry khó khăn. Dù bằng cảm hứng hay trong hoàn cảnh nào thì xuyên suốt trong trang viết của các nhà báo mà tôi đã biết vẫn là thái độ cầu thị nghiêm túc và say mê, tâm huyết với nghề. Nhớ lại thời kỳ làm báo Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (sau đổi thành Báo Văn hóa & Đời sống) từ những năm 1980, tôi giữ chức Phó TBT kiêm thư ký tòa soạn, tôi có nhiều “duyên may” chứng kiến sự thay đổi và phát triển của báo chí nước nhà qua thời kỳ bao cấp đến sự đổi mới mạnh mẽ như hôm nay.

Nhớ lại giai đoạn lịch sử của cơ chế quản lý hành chính bao cấp (cơ chế bao cấp), một giai đoạn khó khăn nhưng đầy ắp kỷ niệm của thế hệ những người làm báo thời bấy giờ; họ vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với tinh thần nghĩa vụ đầy đủ của một công dân cũng như trách nhiệm xã hội của người làm báo chúng tôi.

Phương tiện đi cơ sở lúc bấy giờ chủ yếu là xe đạp. “Khắc đi khắc đến”, chẳng hẹn trước vì không có điện thoại. Thế nhưng, cơ sở thấy nhà báo đến thì họ đón tiếp niềm nở như đã thân quen từ thuở nào. Đó cũng là động lực để chúng tôi có mặt ở khắp nơi trên mọi no đường của tỉnh. Từ vùng sâu, vùng xa để lấy tin, bài; chủ yếu là thông tin về người tốt, việc tốt: Phong trào thi đua: “Thanh niên ba sn sàng- Phụ nữ ba đảm đang”… Rồi viết về các điển hình tiên tiến về sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn ấy, tỉnh Thanh Hóa lấy Hợp tác xã Định Công làm ngọn cờ đầu, với những bài học kinh nghiệm “Định Công hóa” để mọi nơi làm theo. Và đây cũng là phong trào thi đua được cả nước học tập và hưởng ứng. Có điều, trước một thông tin xã hội quan tâm, nhà báo thời bao cấp có thể không vội vàng mà có thể từ từ đi, từ từ viết. Vì trong tuần, Tòa soạn chỉ xuất bản 1 số báo, viết ngay cũng chẳng để làm gì, lại không phải cạnh tranh với tờ báo khác.

Nhờ những chuyến đi trong giai đoạn “lịch sử” của thời bao cấp mà chúng tôi biết được cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn của nhân dân… mới hiểu được ý nghĩa và quyết tâm của lãnh đạo xã Định Công, huyện Thiệu Yên, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Đắc, Bí thư Đảng ủy xã, một người hết lòng vì quê hương, đất nước. Ông luôn đồng hành, xắn quần lội ruộng đưa anh em nhà báo chúng tôi đến các tổ đội sản xuất, gặp gỡ những những cá nhân, những điển hình tiến tiến; được chứng kiến hàng trăm xã viên HTX sản xuất trên “cánh đồng 5 tấn” ăn cơm nắm ngay trên bờ ruộng trong giờ nghỉ trưa.

Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những con người luôn sẵn sàng tương trợ, càng gian khó, người ta càng đoàn kết lại với nhau. Khó khăn như một liều thuốc gắn kết người dân lại với nhau hơn.

 

Thời đó, nhà ai có người làm trong cửa hàng bán thực phẩm, chất đốt thì được coi là may mắn. Bởi cái sự xếp hàng từ sáng tinh mơ khi mậu dịch còn chưa mở cửa rõ là một nỗi tra tấn khi phải đợi chờ…

 

Các nhà báo Văn Hóa thông tin trong quá trình tác nghiệp tại cơ sở..

Đời sống của một giai đoạn lịch sử khó khăn đã xuất hiện nhiều bài ca “kinh điển” ở nhiều địa phương mới nghe cũng đã biết cuộc sống của người dân còn thống khổ nhưng chẳng ai kêu ca phàn nàn. Người ta cứ vui, cứ sống một cuộc đời êm trôi: Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu có thuốc đánh răng hàng ngày. Những tưởng đó là câu chuyện phi lý, nhưng đó là sự thật được gói lại thành diễn ngôn…

Còn thu nhập chủ yếu và duy nhất của nhà báo thời bấy giờ là lương theo ngạch bậc quy định. Nhuận bút bèo bọt. Nhưng bù lại, chúng tôi được lãnh đạo các địa phương và nhân dân vô cùng quý mến, nhiều khi xuống cơ sở, còn được địa phương mời cơm miễn phí.

Nhờ những chuyến đi như thế, chúng tôi nắm được khá chắc tình hình cơ sở về nhiều lĩnh vực. Sản xuất đình trệ, manh mún, hàng hóa thiếu thốn, thậm chí không lưu thông được, đời sống dân nông thôn, đô thị đều gặp khó khăn…

Để hoàn thành nhiệm vụ, việc tự học là yếu tố cần thiết. Rất nhiều nhà báo thời bấy giờ chưa được đào tạo bài bản ở các trường đào tạo báo chí như hiện nay.

Thế nhưng, dù gian khổ, thiếu thốn, nhưng rất ít phóng viên nghĩ việc chuyển nghề. Niềm vui và cũng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất để các nhà báo say sưa “sống chết” với nghề chính là sự đón nhận của bạn đọc. Tôi cho đó chính là những “đường dẫn khơi gợi lòng trắc ẩn”, là bài học vô cùng giá trị với cái nhìn tích cực.

Còn nữa, các nhà báo trong thời kỳ bao cấp, ngoài nhiệm vụ viết lách, đi cơ sở tác nghiệp còn phải biết tăng gia sản xuất để chống đói. Tôi đã đưa anh em trong tòa soạn về quê đặt vấn đề với bố mẹ giúp đỡ dành cho hơn một sào đất để cấy lúa. Nói là về quê để tăng gia sản xuất, nhưng thực chất có ai biết cấy cày và làm ruộng đâu; tất cả đều khoán trắng cho bố mẹ tôi. Mùa gặt năm ấy thu được trên 2 tạ thóc tươi. Từ đồng chí TBT đến các nhà báo, lái xe được chia đều. Tôi còn nhớ anh Vũ Nguyên Ngữ, Phó TBT, trước khi nâng bao thóc buộc lên xe trở về thành phố, mắt anh ngấn lệ cảm động nói: Như thế là quý lắm rồi đấy, tất cả từ công gieo trồng, cấy, gặt đều do “ông bà” lo cho chúng con hết…”.  Kể ra đó cũng là những kỷ niệm sâu sắc và niềm vui nho nhỏ của nghề làm báo thời bao cấp…

Những câu chuyện khó khăn của nhà báo thời bao cấp chưa bao giờ bị quên lãng, chỉ nằm im trong ký ức của mỗi người. Trong thời buổi khó khăn đó, nhà báo vẫn tìm được cho mình những niềm tin yêu, những giá trị cốt lõi về tinh thần. Cùng với đó cái được của thời bao cấp, là con người sống với nhau bằng tình cảm, sự chia sẻ, nhân ái.

Đôi điều cảm nhận về thời kỳ bao cấp của dân tộc, để những người làm báo sẽ có niềm cảm thông và trân quý hơn với lớp cha anh. Qua đó, giúp các nhà báo trẻ ý thức được giá trị lớn lao của thành tựu mà dân tộc đạt được cho tới ngày hôm nay là vô cùng vĩ đại.

Đành rằng, hiện nay từ tôn chỉ, mục đích của mỗi tờ báo hay tạp chí đã khác, các phương tiện tác nghiệp cũng khác, báo chí chính thống đã và đang có dấu hiệu chới với trước sức ảnh hưởng của mạng xã hội, nhưng uy tín và bản lĩnh trung thực của nhà báo chính là bảo chứng mà Đảng ta, nhân dân ta mong đợi nhất.

Theo Nhà báo Triều Nguyệt/Nguoilambaothanhhoa.vn

 

Các tin khác:
  • Làm Báo – Sự cẩn trọng không bao giờ thừa (09/07/2025-10:02)
  • Dấu ấn Hội Nhà báo Thanh Hóa trong nhiệm kỳ (27/06/2025-14:55)
  • TỰ HÀO NHỮNG TỜ TIỀN THÂN TRÊN HÀNH TRÌNH 100 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ THANH HÓA (27/06/2025-14:07)
  • NOI THEO LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CỦA CÁC NHÀ BÁO LÀ LIỆT SĨ QUÊ THANH HÓA (27/06/2025-13:51)
  • Phát thanh – Truyền hình trong kỷ nguyên số: Thách thức và cơ hội chuyển mình (27/06/2025-13:44)
  • Báo Thanh Hóa nỗ lực phát triển trong kỷ nguyên số (27/06/2025-14:34)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Tấm gương sáng của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại (27/06/2025-11:44)
  • Báo chí cách mạng Thanh Hoá - Một thế kỷ tự hào (27/06/2025-11:30)
  • Báo chí Thanh Hoá trong kỷ nguyên mới (27/06/2025-11:16)
  • Chuyện nghề những người làm báo (20/06/2025-18:39)