Chủ nhật, ngày 13/07/2025
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tác nghiệp nơi phên giậu Tổ quốc (09/07/2025-10:33)
    NLBTH - Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi lại nhớ về những tháng năm miệt mài tác nghiệp ở Mường Lát, mảnh đất vùng biên phía Tây xứ Thanh, nơi đang từng bước chuyển mình từ đói nghèo, lạc hậu vươn lên phát triển bằng chính nỗ lực, ý chí của người dân cùng sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước.

Một góc bình yên ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát đã có nhiều đổi thay.

Những ký ức không quên

Mường Lát là một trong những huyện biên giới đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa, giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Đây là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Mông, Thái, Dao, Khơ Mú… Gần 10 năm gắn bó với công việc phóng viên thường trú tại Thanh Hóa, tôi đã nhiều lần có mặt tại các bản làng heo hút của Mường Lát, ghi lại những câu chuyện về cuộc sống, con người nơi đây: mộc mạc, chân chất, hiếu khách, nhưng cũng không ít phần lam lũ, cơ cực.

Ở nơi biên cương này, có những ký ức khiến tôi không thể nào quên. Trong một chuyến tác nghiệp tại xã Trung Lý, tôi gặp chị Hạng Thị Cu, người phụ nữ Mông từng bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ. Chồng đi tù vì liên quan đến ma túy, một mình nuôi hai con nhỏ, chị Cu rơi vào bế tắc. Tin lời kẻ lạ rủ đi làm ăn, chị trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị đưa sang bên kia biên giới. Suốt nhiều năm bị bạo hành, bóc lột, đến năm 2018, chị may mắn trốn thoát về quê trong tình trạng đang mang thai. Ngày trở về cũng là lúc chồng chị mãn hạn tù. Họ làm lại từ đầu giữa bộn bề khó khăn, nhưng ít ra là được sống trên quê hương. Giờ đây, nhờ nỗ lực của chính quyền địa phương và sự bao dung của gia đình, chị đã có một cuộc sống ổn định, khép lại quá khứ đắng cay. 

Mường Lát cũng là nơi tôi có cơ hội gặp gỡ những con người thầm lặng dâng hiến cả tuổi xuân cho sự nghiệp gieo chữ. Đó là những thầy cô giáo miền xuôi lên cắm bản ở những điểm trường khó khăn như Suối Tung, Suối Phái, Sài Khao... Họ băng rừng, vượt suối để mang con chữ đến với học sinh vùng cao. Họ chính là những "người truyền lửa", hun đúc khát vọng tri thức và mở cánh cửa tương lai cho nhiều thế hệ trẻ em người Mông, người Dao...

Và không thể không nhắc đến những người lính biên phòng, những “lá chắn sống” nơi phên giậu Tổ quốc. Tôi từng nhiều lần cùng họ tuần tra dọc tuyến biên giới Việt - Lào, giữa những ngày mưa rừng dầm dề hay dưới cái nắng cháy da. Giữa hiểm nguy rình rập bởi tội phạm ma túy, họ vẫn kiên cường bám trụ. Họ cũng là những người bạn lớn của dân bản, hỗ trợ bà con làm nhà, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, cứu trợ mùa lũ... Hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời bình hiện lên rõ nét và đầy xúc động.

Chuyến tác nghiệp để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi là năm 2018, khi huyện Mường Lát hứng chịu trận lũ lịch sử. Bản Poọng, xã Tam Chung gần như bị xóa sổ; hàng chục người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi. Trong đau thương, tôi chứng kiến tình người nồng ấm, sự kiên cường của đồng bào khi dựng lại từng mái nhà, sửa sang từng thửa ruộng để ổn định cuộc sống. Nay trở lại, tôi không khỏi nghẹn ngào khi thấy những ngôi nhà kiên cố đã mọc lên, trường học, trạm y tế đầy đủ, trẻ em tung tăng đến lớp.

Tác nghiệp ở Mường Lát nhiều khi không có sóng điện thoại, không có mạng internet, việc gửi tin bài phải “canh sóng” ở những điểm cao, thậm chí phải về tận thị trấn mới truyền được dữ liệu. Nhưng đổi lại, tôi nhận được những chất liệu đời sống quý giá – những câu chuyện thật, người thật, việc thật – đôi khi không cần phải trau chuốt câu chữ, bởi bản thân hoàn cảnh và con người nơi đây đã tạo nên sức lay động mãnh liệt.

Nhớ những ánh mắt thơ ngây của em nhỏ người Mông ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát.

 Những lá đơn xin thoát nghèo

Đầu năm 2025, tôi có chuyến đi trở lại Mường Lát và rất ấn tượng với sự đổi thay nhanh chóng nơi đây. Những con đường đã được bê tông hóa, bản làng khoác lên màu áo mới với nhiều ngôi nhà khang trang, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, tôi xúc động khi chứng kiến một điều hiếm thấy ở một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn: hàng trăm lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo được gửi về chính quyền.

Tôi gặp anh Tặng Văn Sinh, bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, người vừa nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo sau nhiều năm nỗ lực. Nhà đông con, ruộng nương thì ít, quanh năm làm quần quật mà cái ăn vẫn chật vật, tưởng như gia đình anh khó mà thoát khỏi cảnh nghèo “bền vững”. Đã có lúc, anh nghĩ đến chuyện vào Nam làm thuê, nhưng rồi quyết định ở lại quê hương, xoay xở từ vài gốc cam, vài con bò và số tiền vay ngân hàng chính sách. “Tôi hiểu một điều, chỉ có mình mới cứu được mình. Trông chờ mãi vào hỗ trợ thì bao giờ mới khá lên được?”, anh tâm sự.

Anh Sinh học hỏi mô hình trồng cam, kết hợp chăn nuôi, vươn lên có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Không chỉ xin thoát nghèo, anh còn vận động 8 hộ dân khác cùng viết đơn, nhường phần hỗ trợ cho những người khó khăn hơn.

Ông Vi Văn Thứ – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu – cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo của xã nay chỉ còn 13,66%. Hơn 90% hộ có tivi, xe máy, nhiều hộ xây được nhà kiên cố. Thành quả ấy đến từ chính sự thay đổi trong tư duy, nếp nghĩ của bà con”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Trịnh Văn Thế, từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã nhận hơn 100 lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là kết quả của chính sách đầu tư đúng hướng, mà còn là chỉ dấu rõ nét của sự chuyển biến trong nội lực của người dân, từ chỗ trông chờ, ỷ lại, nay chủ động vươn lên, không cam chịu nghèo đói.

Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 25,85%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 29 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tháng 1/2025, Mường Chanh đã trở thành xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới tại Mường Lát, đây có thể xem là một dấu mốc lịch sử của vùng đất khó này.

Tác nghiệp ở vùng cao như Mường Lát là trải nghiệm không dễ dàng. Có những lần đi bộ cả chục cây số, lội suối, băng rừng, vượt qua những vách đá cheo leo, có lúc đối diện hiểm nguy như lở đất, bão lũ... Nhưng mỗi lần như thế, tôi lại hiểu hơn vì sao mình chọn nghề báo, nghề của sự xông pha, dấn thân, của cái tâm với sự thật và khát vọng đồng hành cùng Nhân dân.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi không chỉ nhớ đến những bài viết, những chuyến tác nghiệp, mà nhớ hơn cả là ánh mắt người dân Mường Lát mỗi khi thấy chúng tôi trở lại. Đó là niềm tin, là lời cảm ơn không thành tiếng, chính là phần thưởng quý giá nhất cho những người làm nghề như tôi.

Bài và ảnh: Lương Diễn/nguoilambaothanhhoa.vn 

 

Các tin khác:
  • Nhà báo trên mặt trận đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (09/07/2025-10:23)
  • BÁO CHÍ THANH HÓA: CẦU NỐI ĐƯA CÁC NGÀY LỄ LỚN CỦA DÂN TỘC ĐẾN GẦN HƠN VỚI NHÂN DÂN (09/07/2025-10:18)
  • LÀM BÁO THỜI BAO CẤP (09/07/2025-10:12)
  • Làm Báo – Sự cẩn trọng không bao giờ thừa (09/07/2025-10:02)
  • Dấu ấn Hội Nhà báo Thanh Hóa trong nhiệm kỳ (27/06/2025-14:55)
  • TỰ HÀO NHỮNG TỜ TIỀN THÂN TRÊN HÀNH TRÌNH 100 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ THANH HÓA (27/06/2025-14:07)
  • NOI THEO LÝ TƯỞNG CÁCH MẠNG CỦA CÁC NHÀ BÁO LÀ LIỆT SĨ QUÊ THANH HÓA (27/06/2025-13:51)
  • Phát thanh – Truyền hình trong kỷ nguyên số: Thách thức và cơ hội chuyển mình (27/06/2025-13:44)
  • Báo Thanh Hóa nỗ lực phát triển trong kỷ nguyên số (27/06/2025-14:34)
  • Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Tấm gương sáng của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện đại (27/06/2025-11:44)