Dư luận cho rằng việc xử lý cán bộ liên quan đến một số vụ án tham nhũng vẫn còn sự nể nang và kết quả chưa cao. Tham nhũng bởi thế còn nhiều “đất sống” làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, gây rối loạn kỷ cương, hư hỏng cán bộ. Đấu tranh quyết liệt với tệ nạn này đem lại niềm tin cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển là điều hết sức cần thiết.
Tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí vừa diễn ra Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh sẽ không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, thực tiễn đặt ra cho chúng ta phải sửa đổi thể chế và pháp luật, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tố tụng, cả hệ thống chính trị với sự giám sát của nhân dân, các cơ quan truyền thông, xây dựng cơ quan chuyên trách đủ sức mạnh để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng và lãng phí hiện nay.
Trước mắt, giải pháp đột phá là việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng phải thật sự triệt để, trên tinh thần không có “vùng cấm”, nếu có hành vi là bị xử lý, không để dư luận cho rằng chúng ta làm chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn các tội phạm tham nhũng và lãng phí.
Tuy nhiên đây không phải là điều dễ và có thể thực hiện ngay được, bởi các vấn đề liên quan đến tham nhũng thường được thực hiện có hệ thống và cùng nhóm lợi ích, lại che đậy tinh vi. Nhiều khi trong đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng vẫn còn bị trói buộc, chi phối bởi những lý do khác nhau. Có vụ việc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, lãng phí, người đấu tranh gặp bất lợi. Có vụ án tham nhũng điều tra nhiều năm, xét xử nhiều lần vẫn chưa xong.
Để thực sự không có “vùng cấm” trong việc đấu tranh, xử lý tệ nạn này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc thực sự của các cấp ủy, chính quyền, sự quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật thay cho việc làm cho xong trách nhiệm hoặc chỉ là sự đơn độc đấu tranh của một số cán bộ, đảng viên, của cơ quan báo chí như đã thấy ở một số nơi.
Để ngăn chặn từ gốc tham nhũng, các cơ quan cần phải xây dựng được cơ chế giám sát quyền lực, kiểm soát thu nhập và tài sản của cán bộ để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng…
Phải tạo điều kiện thật sự để tổ chức thanh tra nhân dân ở mỗi cơ quan phát huy trách nhiệm, chứ không phải thanh tra nhân dân được bầu ra cho có, cho đủ theo quy định.
Những việc có vẻ như rất khó khăn nhưng chúng ta thực sự có quyết tâm để làm sẽ góp phần loại bỏ tệ nạn tham nhũng ra khỏi cuộc sống.
Anh Vũ