Cần có môi trường học đường thên thiện để hướng học sinh đến với sự tích cực
(ảnh chỉ có tính minh họa)
Nhà trường, gia đình và xã hội luôn giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cũng như kiến thức cho học sinh.
Tuy nhiên khi xã hội xuất hiện nhiều hơn lối sống thực dụng và những nguy cơ tiềm ẩn sự phức tạp đang tràn vào học đường, thì vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh trở nên khó khăn hơn.
Giờ đây nhiều phụ huynh bỏ ra đồng tiền và phó mặc con em mình cho nhà trường. Một số cơ sở giáo dục chạy theo nguồn thu, chạy theo thành tích dẫn đến nguy cơ tạo ra những sản phẩm méo mó, có nguy cơ chệch hướng.
Chúng ta đã chứng kiến và biết đến nhiều màn bạo lực học đường, nhiều thảm kịch ở lứa tuổi học sinh không chỉ ở ngoài xã hội, mà còn diễn ra bên trong hàng rào nhà trường. Bức tranh giáo dục với nhiều mảng sáng về việc dạy và học, những hình ảnh, tấm gương nỗ lực vươn lên chinh phục tầm cao tri thức, nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít lo toan về nạn bạo hành thân thể, xâm hại nhân phẩm, đạo đức của cả học sinh lẫn giáo viên.
Hơn lúc nào, phải cần sự “định vị” lại, để kết hợp hài hòa, có trách nhiệm giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức và tri thức cho học sinh mới hy vọng chung tay đẩy lùi được những tệ nạn, cạm bẫy xã hội.
Để làm tốt nhiệm vụ này, trước tiên cả nhà trường và gia đình phải thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, lý tưởng sống, lối sống trong sạch, lành mạnh cho học sinh. Chú trọng giáo dục để các em nhận thức đúng các giá trị chân - thiện - mỹ, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc để “đối trọng” với tư tưởng quá cấp tiến, lối sống buông thả đến mức “thoát xác” mà một số bạn trẻ đang chạy theo. Các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, đặc biệt là Đoàn thanh niên thường xuyên bồi dưỡng cho học sinh tình cảm cao đẹp về tình yêu quê hương, đất nước với lý tưởng sống “quên mình vì nghĩa lớn”… từ đó hình thành cho các em lối sống trong sáng, lành mạnh, hành vi đạo đức phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại. Nhà trường khởi xướng, gia đình ủng hộ, học sinh tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động dã ngoại, việc xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực với những việc làm cụ thể như chăm sóc di tích lịch sử - văn hóa, nghĩa trang liệt sỹ; tham gia các hoạt động về nguồn, các phong trào vì cộng đồng…
Vượt lên nhiệm vụ dạy chữ, nhà trường phải giữ vai trò quan trọng trong việc dạy cách làm người. Phải để học sinh hôm nay tự hào về nhà trường và ngày mai nhà trường tự hào về các em. Xác định được điều đó, nhà trường sẽ xây dựng chiến lược, cách thức quản lý giáo dục phù hợp, trách nhiệm, tránh được tư tưởng giáo viên lên lớp cho đủ tiết, giáo viên chỉ dạy cái mình có mà chưa hướng đến cái học sinh cần…
Bên cạnh đó, nhà trường cần chủ động kết nối xã hội, kết hợp với gia đình, để mỗi gia đình ý thức hết trách nhiệm của mình là môi trường đầu tiên và song hành với nhà trường trong việc hình thành, nuôi dưỡng đạo đức, nhân cách cho học sinh. Gia đình phải xác định được mình chính là nơi khởi nguồn cảm hứng, tình yêu, thổi bùng lên trách nhiệm, sự khát khao ở con trẻ. Trong gia đình, người lớn phải thật sự mẫu mực, làm gương về đạo đức, yêu thương, chăm lo bồi dưỡng con trẻ, luôn nhắc nhớ con trẻ phải biết tôn trọng nhà trường, chấp hành nội quy nhà trường.
Để làm tốt điều đó, gia đình cần thường xuyên giữ mối liên hệ với nhà trường, cho dù bây giờ mối liên hệ ấy đã được tiện ích hóa bằng sổ liên lạc điện tử. Gia đình cần ý thức, vượt lên những thông báo, yêu cầu có tính cơ học từ hệ thống liên lạc này, phải lắng nghe thêm những thông tin của nhà trường qua các cuộc họp phụ huynh, nắm bắt thêm về kết quả học tập, tu dưỡng của con em mình từ thầy cô giáo, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc đưa con đến trường đúng giờ học chính khóa, đón con về từ nhà giáo viên sau giờ học thêm. Đằng sau việc học là cả một quá trình tu dưỡng, rèn luyện của học sinh, cha mẹ cần biết ý thức, hành vi, thái độ, thiên hướng của con mình ở mức độ nào để cùng nhà trường điều chỉnh phù hợp và kịp thời.
Giáo dục luôn được xem là quốc sách hàng đầu, trong đó giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chính là trang đầu của quốc sách ấy trước khi dạy cho các em kiến thức văn hóa.
Một môi trường xã hội tốt, những “chiếc nôi” gia đình tốt, trường học thân thiện sẽ tác động vào nhận thức của mỗi học sinh, giúp các em tuân thủ đầy đủ những nguyên tắc ứng xử, phát huy tốt kiến thức đã được học trong nhà trường để trở thành những học sinh tích cực. Sự chung tay có trách nhiệm của cả ba phía chính là tạo ra một bức “tường thành” để chống lại các nguy cơ bên ngoài xã hội đang rình rập môi trường học đường. Đó cũng chính là một sự hợp tác và đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm cho một xã hội tương lai.
Nguyên Vũ Đan Điền