Nghề đúc đồng truyền thống nhiều lần được Hội Di sản văn hóa Việt Nam - Lam kinh (Thanh Hóa)
trình diễn với thông điệp về sự chung tay bảo vệ di sản
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) năm nay đang đến rất gần, đi kèm là nhiều hoạt động trưng bầy, triển lãm, giao lưu, hội thảo, trình diễn nghề truyền thống trên địa bàn cả nước... nhằm đánh thức tiềm năng, khôi phục giá trị, góp phần thay đổi cách nhận thức của người dân đối với tài sản vô giá của dân tộc.
Những việc làm công phu, trách nhiệm không chỉ bởi cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, còn được thực hiện tự nguyện bởi những hội, câu lạc bộ nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Những việc làm, mà chịu khó quan sát dễ nhận ra ở đó vượt lên sự công diễn thông thường, những người tổ chức đang có gắng để chuyển đến công đồng, truyền vào cộng đồng một thông điệp rất rõ ràng về việc nâng cao ý thức của người dân, nâng tầm trách nhiệm của chính quyền đối với vấn đề hết sức quan trọng: Đó là trách nhiệm với quá khứ dân tộc.
Sẽ có một xã hội tốt đẹp hơn, những thành quả lớn lao hơn nếu biết trân trọng, nâng niu, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc. Một cách làm mà nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng và thành công.
Nhưng dường như điều đó vẫn chưa thực sự trở thành thói quen của đại bộ phận người dân ở Việt Nam. Trách nhiệm bảo tồn, tôn tạo, thấp hơn chỉ là bảo vệ di sản một cách thông thường với những việc làm thường quen vẫn là thứ gì đó xa lạ với nhiều người. Họ vẫn có một thói quen rằng, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý văn hóa, của chính quyền. Nhiều người bỏ ra đồng tiền để công đức cho sự hưng thịnh của di sản theo cách nghĩ của họ, nhưng lại phớt lờ, thậm chí trốn tránh những việc làm rất đơn giản để di sản sạch hơn chẳng hạn.
Chúng ta không quá xa lạ với việc sau mỗi lễ hội, thậm chí chỉ sau khi xuất hiện của một đoàn khách, di sản đã thành "bãi rác", hiện vật bị biến thành vật dụng để chuyển tải thông điệp của họ vào thế giới tâm linh.
Ứng xử có trách nhiệm với di sản không chỉ bây giờ, mà đã là sự kêu gọi từ lâu của cơ quan quản lý văn hóa, nhưng dường như trong dòng chảy di sản văn hóa Việt mỗi người, mỗi cơ quan đều có những suy nhĩ riêng. Người dân, trong đó nhiều người có tiền đã bỏ ra đồng tiền cung tiến với mục đích gây công quả đã biến đổi di tích theo ý mình mà chính quyền địa phương chẳng hề hay biết; có nơi chính quyền còn phớt lờ, thậm chí cỗ vũ cho việc làm này. Nhiều mái đình, mái chùa bị hạ giải, nhiều đền thờ bị tô vẽ một cách quá quắt được thông tin trên báo chí chính quyền mới vào cuộc. Di sản văn hóa ở nhiều nơi bởi những cách nhìn, sự ứng xử khác nhau đã phải hứng chịu những nỗi đau riêng. Một Luật Di sản văn hóa đã có nhiều năm ra đời, ngày hội để tôn vinh di sản văn hóa dân tộc đã được thực hiện nhiều lần, nhưng dường như ý thức, trách nhiệm về di sản văn hóa vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Thông điệp về ứng xử có trách nhiệm với di sản văn hóa vì thế vẫn và tiếp tục được đặt ra với một sự khẩn thiết hơn.
Anh Vũ