Hội nghị giao ban báo chí tỉnh Quảng Ninh.
Trước thực trạng này, Hội Nhà báo Quảng Ninh đã kịp thời có những tiếng nói, thẳng thắn nghiêm túc phê bình, đồng thời thông qua nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã nỗ lực giáo dục, bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho hội viên.
Giới báo chí nói chung được lãnh đạo và nhân dân Quảng Ninh tin tưởng, ghi nhận và đánh giá cao về những đóng góp của báo chí vào thành công chung của tỉnh. Trong số các nhà báo đang hoạt động tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đa số là làm nghề nghiêm túc, chấp hành đúng pháp luật, các quy định của địa phương và của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên vẫn có một số nhà báo lợi dụng nghề nghiệp, lợi dụng danh nghĩa của tòa báo làm một số việc trục lợi cho bản thân, cho tòa báo nơi họ làm việc, hợp tác. Thậm chí, họ còn làm việc cho một nhóm lợi ích, dọa dẫm, mặc cả, “ra giá” với các cơ sở ( kể cả các thông tin thuận chiều, trái chiều, tiêu cực…). Có cộng tác viên (không có thẻ Nhà báo) đến một số cơ sở trắng trợn đòi tiền, đòi ăn trưa, đòi hỗ trợ phương tiện… Hậu quả của những việc này khá nặng nề. Uy tín nghề nghiệp, uy tín của tờ báo bị ảnh hưởng.
Trước thực tế đó, Hội Nhà báo Quảng Ninh xác định, việc chấn chỉnh về mặt đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo hoạt động trên địa bàn tỉnh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết và quyết tâm chấn chỉnh thông qua những việc làm hết sức cụ thể. Đơn cử như trong hoạt động giao ban báo chí hàng tháng (bao gồm Sở Thông tin & Truyền thông (đơn vị chủ trì), cùng với hai đơn vị phối hợp là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Hội Nhà báo tỉnh), hầu hết các tác phẩm báo chí của tất cả các cơ quan báo viết về Quảng Ninh trong tháng đều được điểm tên. Dưới góc độ quản lý của mình, ba cơ quan điều hành hội nghị cũng như các cơ quan báo chí tham gia thẳng thắn nêu quan điểm phân tích, bình luận, đánh giá tác phẩm đó… Để có được những nhận xét đúng, trúng trong hội nghị, trước hết đòi hỏi Hội phải sâu sát với những sự kiện mà báo chí đã nêu, người làm công tác Hội cũng phải thực sự là người làm báo; đồng thời Hội phải bám sát định hướng tuyên truyền của mọi cấp, địa phương, tuân thủ nghiêm các Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Quy định về đạo đức người làm báo.
Bên cạnh trực tiếp tham gia đánh giá các bài báo, Hội Nhà báo Quảng Ninh còn cùng Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ và Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh nêu các định hướng tuyên truyền trong tháng, chân thành góp ý về thái độ, tác phong hoạt động nghề nghiệp, tác phong giao tiếp của hội viên, nhà báo… và đã đạt được hiệu quả tốt. Từ sự sâu sát ấy, Hội Nhà báo Quảng Ninh đã được các nhà báo trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh nhìn nhận với sự “vì nể” hơn. Nhiều nhà báo- hội viên đã tỏ sự thân mật, gần gũi, chia sẻ thông tin với cán bộ Hội.
Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh còn đặc biệt quan tâm tới phản ánh của các nhà báo, hội viên. Đơn cử như chuyện khi đi tác nghiệp, làm báo tại các địa phương, các đơn vị nhưng lại bị đối xử không đúng luật, không đúng các quy định của địa phương; thậm chí còn bị đe doạ, hành hung và đã có trường hợp gia đình bị khủng bố, thiệt hại tới tài sản, sức khoẻ, tinh thần… Với những thông tin này, trong hội nghị giao ban, Hội Nhà báo Quảng Ninh đã đề nghị với Tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, yêu cầu các ngành, đơn vị địa phương. Tiếng nói của Hội đồng thời với tiếng nói của các cơ quan báo chí, của các hội viên, nhà báo đã góp phần giúp công tác báo chí thuận lợi hơn.
Hội Nhà báo Quảng Ninh cũng xác định bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho hội viên chính từ khâu kết nạp hội viên. Hội viên được kết nạp hàng năm không chỉ là những nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh, mà còn là các nhà báo đã là hội viên của các Hội tỉnh khác, liên Chi hội khác đang thường trú, đại diện cho toà soạn của mình tại Quảng Ninh xin chuyển sinh hoạt về Hội Nhà báo Quảng Ninh trong thời gian công tác tại đây. Tụ họp được tất cả các hội viên trong một “mái nhà chung” đồng nghĩa với việc quản lý, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hội thuận lợi hơn.
Theo Lan Vi/Báo Nhà báo và Công luận