Nhà báo Phan Quang
Có thể nói, bản dự thảo Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam khá cụ thể, tuy nhiên, cách thể hiện cần cô đọng hơn nữa. Ví dụ, Điều thứ nhất nên sửa thành nghiêm chỉnh chấp hành theo Hiến pháp như vậy là đủ, Điều 4 Hiến pháp 2013 đã quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo cần bổ sung thêm điều mang tính ràng buộc để quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đi vào cuộc sống, nếu nhà báo vi phạm quy định đạo đức mà chưa đến mức vi phạm Luật Báo chí, tùy theo mức độ mà Tổng Biên tập các cơ quan báo chí sẽ xử lý, còn nếu Tổng Biên tập vi phạm thì cơ quan chủ quản xử lý. Có như vậy, thì bộ Quy định này mới đi vào thực tế cuộc sống.
Nhà báo Hà Đăng
Trước đây, chúng ta đã có quy ước về đạo đức báo chí, song quy ước đó mang tính chất là đóng góp của những người làm báo. Nhưng dự thảo Quy định đạo đức lần này lấy tên là Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, có nghĩa là đã thu hẹp lại phạm vi vì đạo đức người làm báo rất rộng, nó không thể thoát ra khỏi được đạo đức của công dân, đạo đức xã hội,... Tuy nhiên, nét mới trong bản dự thảo này chính là quy định đạo đức của những người làm nghề báo, những người làm nghề, chứ không phải quy định đạo đức nói chung.
Quy định này cần thể hiện được tính khái quát song vẫn phải bảo đảm tính cụ thể. Ngoài những quy định chung, nên có một bảng ghi chú để chú thích ý không vụ lợi trong nghề nghiệp là gì. Nhìn chung, bản dự thảo tương đối tốt và nếu như ta có tính khái quát chung hơn nữa để vừa có tính dễ nhớ, dễ thực hiện thì sau này có thể căn cứ kỷ luật ngay các nhà báo, phóng viên hay cơ quan báo chí khi sai phạm.
Nhà báo Hồng Vinh
Tôi rất hoan nghênh Ban Chấp hành Hội Nhà báo Khóa X đã coi việc xây dựng bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là khi Quốc hội thông qua Luật báo chí năm 2016. Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cần thể hiện ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ, khái quát nhất, cơ bản nhất.
Trong bản dự thảo có một số điều chúng ta đã quá đi vào chi tiết. Ví dụ như Điều 3 chỉ cần ghi hành nghề trung thực, khách quan, công tâm. Công tâm trong quy trình, công tâm trong đánh giá sự kiện chứ không phải tung hô người này hay trù dập người kia. Bên cạnh đó, Ban Soạn thảo cần bổ sung 2 điều cấm không được chia rẽ, kích động xã hội vào bản quy định. Điều 8 chỉ cần ghi phấn đấu vì một nền báo chí chuyên nghiệp và hiện đại là đủ. Báo chí Việt Nam đang từng bước phấn đấu trở thành nền báo chí hiện đại, trong nền báo chí hiện đại đó đã bao gồm cả nền báo chí đạo đức.
Nhà báo Phan Khắc Hải
Những điều trong bộ Quy định này cần thể hiện một cách “nhẹ nhàng” để có thể thu hút được sự ủng hộ của các nhà báo nước ngoài cùng với báo chí trong nước đấu tranh vì nền báo chí Cách mạng Việt Nam dân chủ và tự do.
Việt Nam đang hội nhập trên tất cả các lĩnh vực đặc biệt là kinh tế, vấn đề đặt ra là trách nhiệm của nhà báo được thể hiện như thế nào. Mặc dù Luật Báo chí và Hiến pháp đã có quy định, song chưa đầy đủ rõ nghĩa nên các điều trong bộ Quy định đạo đức của người làm báo cần phải rộng rãi hơn, dựa trên những điều mà luật pháp thông qua. Vì vậy, tôi đề nghị nên có một điều thể hiện được báo chí Việt Nam là một nền báo chí tự do dân chủ, có thể tập hợp những người làm báo xây dựng nước ta ngày phát triển.
Đồng chí Vũ Đình Thường,
Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương
Cách làm của Ban soạn thảo rất khẩn trương nhưng vẫn bảo đảm các quy trình cần thiết và nghiêm túc và cầu thị trong việc lấy ý kiến của các cấp Hội cũng như các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí và các nhà báo lão thành. Cái khó nhất là phải thể hiện sao cho vừa có tính khái quát nhưng lại cụ thể.
Riêng về nội dung Điều 4, tôi thấy Ban Soạn thảo đã đánh giá rất rõ thực trạng nhức nhối của đời sống báo chí trong thời gian qua. Báo chí vi phạm tính nhân văn và tàn nhẫn trong việc đề cập những vấn đề nhạy cảm. Quan điểm sử dụng báo chí như là phương tiện công cụ đã được đề cập rất cụ thể, đó là điều cần thiết trong đời sống báo chí hiện nay. Tuy nhiên, cần điều chỉnh cách diễn đạt để vừa bảo đảm được tính cụ thể và khái quát.
Vấn đề mạng xã hội hiện đang là vấn đề nhức nhối, là một nét mới của hệ thống truyền thông nên trong Điều 5 của quy định này, chúng ta cũng rất cần đề cập cách ứng xử của một nhà báo khi tham gia mạng xã hội với tư cách là một công dân thì phải có cách xử lý sao cho hài hoà.
Đồng chí Lưu Đình Phúc,
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông
Hội Nhà báo đã rất tích cực trong tổ chức xây dựng bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam. Luật Báo chí 2016 có quy định nhiệm vụ của Hội Nhà báo và nhấn mạnh vai trò của Hội Nhà báo trong xây dựng bộ quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Luật Báo chí 2016 có đề cập rất nhiều điều cấm, tuy nhiên, quy phạm pháp luật đó không thể điều chỉnh hết vấn đề thực tế trong hoạt động báo chí hiện nay mà nhiều hoạt động trên thực tiễn được điều chỉnh bởi quy phạm đạo đức. Nếu chúng ta xây dựng tốt Bộ Quy định nghề nghiệp người làm báo một cách cụ thể, phù hợp với thực tiễn thì có thể điều chỉnh được hoạt động này và tạo ra quy định hết sức cụ thể để nhà báo và phóng viên thực hiện theo.
Trong Điều 3 của Bộ Quy định đạo đức, Ban Soạn thảo đưa chữ “cân bằng” ở đây rất hay. Nó thể hiện được báo chí đáp ứng quyền được biết của công chúng, song vẫn bảo đảm được tính khách quan, chân thật và cân bằng giữa quyền được biết của công chúng và lợi ích của cộng đồng.
Theo Người làm báo