Thứ năm, ngày 28/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quyền phải gắn liền với trách nhiệm (20/02/2017-13:44)
    (NLBTH) - Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/2/2017 quy định mức phạt tiền lên tới 7.000.000 đồng với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hoặc hệ thống thoát nước thải đô thị...

Cần tăng cường xử lý việc xả thải ra môi trường (ảnh chỉ có tính minh họa)

Theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng, chiến sỹ công an đang làm vụ có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng. Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, kiểm lâm... đều có quyền xử phạt với các mức khác nhau theo từng cấp.

Một mức phạt không còn dừng lại ở sự răn đe như thường thấy, mà là một chế tài rất mạnh, đối tượng thực thi cũng rộng hơn, linh hoạt hơn.

Nếu thực hiện nghiêm, việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường sẽ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế được những hành vi thiếu văn hóa ở nơi công cộng, để môi trường trong sạch hơn.

Tuy nhiên, từ khi Nghị định 155 được ban hành cách đây 3 tháng đã có nhiều câu hỏi về tính khả thi của nó, giống như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Sau gần nửa tháng có hiệu lực thi hành vẫn chưa có nhiều người bị xử phạt để tạo hiệu ứng răn đe. Tình trạng xả thải ra môi trường vẫn vô tư và hồn nhiên từ nông thôn đến thành thị.

Có một thực tế là những quy định của luật, của nghị định khi soạn thảo đều thể hiện tính ưu việt và nghiêm khắc, nhưng khi đi vào thực tế cuộc sống thường bị những vấn đề về lối sống, tình cảm chi phối khiến tạo ra rào cản rất lớn.

Xả thải ra môi trường cũng giống hút thuốc lá ở nơi công cộng, là việc vi phạm pháp luật, nhưng rất ít người đứng ra để xử lý. Thậm chí có người còn sợ phải xử lý những hành vi như thế bởi trong số người vi phạm có nhiều người văn hóa rất thấp, họ sẵn sàng chống trả, xúc phạm người cản trở mình.

Tội phạm hình sự khi bị lực lượng thực thi công vụ trấn áp thường nhận được sự hỗ trợ của nhân dân bởi tính cấp bách và sự nguy hại đến cộng đồng của hành vi phạm tội. Còn với những vi phạm mang tính hành chính, người thực thi công ít nhận được sự ủng hộ, hợp tác từ người xung quanh bởi những ràng buộc của thói quen, chi phối về tâm lý. Bởi thế người thực thi công vụ cũng dễ làm ngơ, xuê xoa cho người vi phạm.

Nghị định 155 đã tạo ra một hành lang pháp lý, tăng quyền lực cho các đối tượng mà Nghị định áp dụng. Tuy nhiên được trang bị quyền cũng đòi hỏi người thực thi công vụ phải tăng cường trách nhiệm. Không thể vì thói quen, sự nể nang, thiếu hợp tác mà buông bỏ nhiệm vụ, khiến thứ quyền lực của mình giống như thứ đồ trang trí.

Anh Vũ


 

Các tin khác:
  • Báo chí phải đồng hành với sự phát triển của đất nước (20/02/2017-13:42)
  • Đi lễ hội bằng nhận thức (20/02/2017-13:40)
  • Để việc ra quân có ý nghĩa (20/02/2017-13:36)
  • Đi đường bằng lòng tự trọng (23/01/2017-7:33)
  • Tết, công vụ và sự nhiêu khê (21/01/2017-21:49)
  • Gấp rút nhưng đừng bất chấp (19/01/2017-15:01)
  • Nhận diện trúng, hành động đúng để cuộc sống bình yên (16/01/2017-10:41)
  • Câu chuyện nhỏ bên ly cà phê sáng (15/01/2017-7:06)
  • Ban hành chỉ thị đi liền giám sát thực hiện (13/01/2017-10:05)
  • Lấp khoảng trống trách nhiệm (10/01/2017-12:47)