Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Giữ gìn hình ảnh “công bộc” (11/03/2017-7:21)
    (NLBTH) - Tâm điểm báo chí và mạng xã hội những ngày gần đây đang tập trung vào việc một Bí thư Đảng ủy xã ở Thanh Hóa vi phạm phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên khi dùng tin nhắn bôi nhọ lãnh đạo cấp trên.

Cán bộ cần giữ gìn hình ảnh để giữ niềm tin của nhân dân (ảnh chỉ có tính minh họa)

Trước đó không ít cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước vi phạm đạo đức công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Những vụ việc được phanh phui trên báo chí khiến dư luận không khỏi bức xúc về sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Có thể nói, những “con sâu” trong bộ máy công quyền thời gian qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đội ngũ công chức, viên chức. Thêm việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để o ép cơ sở, càng khiến cho sự thiện cảm từ nhân dân, từ doanh nghiệp vào những “công bộc” trong bộ máy công quyền giảm sút. Một sự thiệt thòi không đáng có cho rất nhiều công chức, viên chức liêm chính và tận tụy khác đang cần mẫn, sáng tạo mỗi ngày.

Cán bộ làm việc trước hết nhằm phụng sự tổ quốc, phục vụ lợi ích của nhân dân. Mỗi lời nói, cử chỉ, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ ở vị trí lãnh đạo, quản lý đều là tấm gương để nhân dân nhìn vào và noi theo, có niềm tin hay không.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đồng thời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhìn nhận lại và sửa mình, đấu tranh quyết liệt với sự sai trái, bất công trong cuộc sống để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị định 56/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rõ những tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, mỗi cơ quan quản lý cán bộ, công chức cũng cần phải bám sát và có sự điều chỉnh phù hợp. Mọi biểu hiện lệch lạc về tư tưởng, lối sống, đạo đức công vụ đều là đi ngược lại chủ trương của Đảng, Nhà nước, mong muốn của nhân dân.

Đằng sau cử chỉ, việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên luôn có sự dõi theo của quần chúng nhân dân. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước, chú trọng sửa mình, chính là mỗi “công bộc” đang xây dựng và giữ gìn hình ảnh của mình trước nhân dân, lấy lại hình ảnh đẹp của người cán bộ, đảng viên.  

Anh Vũ

 

Các tin khác:
  • Tạo môi trường sống cho nghệ thuật (08/03/2017-21:51)
  • Một sự ước ao… (07/03/2017-14:26)
  • Để đô thị thực sự có “chiều sâu” (03/03/2017-10:47)