Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Hội thảo “Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo” (11/08/2017-7:07)
    Đó là chủ đề của Hội thảo do Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Hội Nhà báo Quảng Ngãi vừa tổ chức tại khu du lịch Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Hội thảo- Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo.

Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Lê Viết Chữ- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Quảng Ngãi; TS. Mai Đức Lộc- Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí ở Trung ương và khu vực miền Trung Tây Nguyên, lãnh đạo các cấp Hội Nhà báo địa phương, cùng lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ngãi.

Đề dẫn tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi- Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo cho biết: “Dù tác nghiệp đúng quy định pháp luật, nhưng thời gian gần đây, không ít
nhà báo đã và đang gặp phải nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin về các vụ việc liên quan chống tiêu cực… Như vậy có thể thấy, tình trạng hành hung, cản trở phóng viên trong khi tác nghiệp đang có
xu hướng tăng cả về mức độ lẫn tần suất, và ngày càng có những diễn biến phức tạp. Thậm chí các hành vi cản trở mang tính chất trả thù, cảnh cáo còn nhằm vào thân nhân các nhà báo cho thấy tình trạng “coi thường hoạt động báo chí” cũng như các quy định pháp luật nói chung đã đến mức đáng báo động…”

Cũng theo Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo: Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cản trở hành hung phóng viên, trong đó có một số vụ khá nghiêm trọng.

Với tình trạng trên, những người làm báo có thể an tâm sử dụng ngòi bút của mình vào các mục tiêu truyền thông chính xác và trung thực hay không? Do đó, chủ đề của Hội thảo vừa mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí hiện nay. Đây là hoạt động nghiệp vụ nhằm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Trên tinh thần đó, Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về những nội dung chính như: Thứ nhất, trong hoạt động tác nghiệp, nhất là các vấn đề “nóng”, “nhạy cảm”, các nhà báo cần tuân thủ những nguyên tắc đạo đức
gì và cần có những kĩ năng gì? Từ góc độ pháp lý, các quy định về bảo vệ nhà báo hành nghề hợp pháp được ban hành đã đầy đủ? Những quy định này được thực thi thế nào, hiệu quả ra sao?

Thứ hai, phân tích và làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà báo bị hành hung, đánh đập và bị cản trở khi tác nghiệp. Những vấn đề cấp thiết được báo chí thông tin nhưng không được các cơ quan chức năng xử lý triệt
để; Những kinh nghiệm, bài học nghiệp vụ rút ra trong tác nghiệp; trách nhiệm của Hội Nhà báo, các nhà quản lý báo chí khi nhà báo bị hành hung, cản trở…

Thứ ba, những vấn đề còn tồn tại của cơ chế, chính sách hạn chế vai trò, nhiệm vụ của báo chí, của nhà báo; Các biện pháp để từng bước nâng cao nhận thức của xã hội cũng như hoàn thiện khung pháp lý, để xây dựng môi trường pháp lý, môi trường tác nghiệp an toàn cho nhà báo để báo chí – truyền thông ngày càng phát triển lành mạnh.

BTC trao quà từ thiện cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã được lắng nghe ý kiến của các nhà báo, nhà quản lý và đội ngũ làm báo trong việc bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của nhà báo, góp phần xây dựng quy trình tác nghiệp báo chí, quy tắc
ứng xử của người làm báo, ngăn ngừa những hành vi xâm phạm tự do thân thể, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của nhà báo, cản trở hoạt động báo chí đúng pháp luật.

Hội thảo đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà báo, các nhà quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo các nhà khoa học. Các tham luận tập trung trao đổi, làm sáng tỏ một số vấn đề như: Nhà báo gặp khó khăn như thế nào khi bị cản trở hành hung? Kinh nghiệm tác nghiệp ở điểm nóng qua một số tình huống cụ thể? Một số kỹ năng tác nghiệp trong hoạt động điều tra? Cách xử lý của tòa soạn trong trường hợp phóng viên bị hành hung? Những biện pháp nghiệp vụ trong khi tác nghiệp của nhà báo được xã hội nhìn nhận, đánh giá như thế nào?…

Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi các kết quả nghiên cứu, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong hoạt động tác nghiệp, để mỗi nhà báo hoàn thành tốt hơn những chức năng,
nhiệm vụ cao cả của mình. Trước hết, các nhà báo phải biết tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, bản thân các nhà báo phải có đạo đức nghề nghiệp, cái tâm trong sáng, nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp giỏi, am hiểu sâu sắc các quy định của pháp luật, hành nghề đúng luật…

Bên lề Hội thảo diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như: Triển lãm ảnh báo chí, nghệ thuật với chủ đề “Đức Phổ phát triển và hội nhập”, Hoạt động thiện nguyện “Tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó”; tặng 200 suất quà cho các gia đình nghèo và 10 suất quà bằng tiền mặt trao tặng cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi…

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, cả nước xảy ra khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. Trong đó có nhiều vụ cản trở, hành hung xảy ra khi đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo, phóng viên đang tác nghiệp. Mới đây, sự việc nhóm phóng viên của Ðài Truyền hình Việt Nam bị một đối tượng lái chiếc xe bán tải lao thẳng vào trong khi đang tác nghiệp tại khu vực thuộc xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) ngày 13.6 khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Sự việc diễn ra giữa ban ngày, khu vực tác nghiệp của nhóm phóng viên không có biển cấm. Qua các vụ việc nhà báo bị hành hung, nhiều nhà báo lo lắng trong quá trình tác nghiệp, nhất là khi tìm hiểu để phản ánh, đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực.

Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Bắt phóng viên tống tiền doanh nghiệp 280 triệu đồng (08/08/2017-8:02)
  • Bắt quả tang phóng viên có hành vi cưỡng đoạt tài sản (08/08/2017-8:01)
  • Ngành càng nhạy cảm, nhà báo càng phải có đạo đức (04/08/2017-18:07)
  • Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo (02/08/2017-7:56)
  • Khi nhà báo tác nghiệp tại điểm “nóng” (02/08/2017-7:53)
  • Lợi dụng tư cách nhà báo để trục lợi sẽ bị phạt tới 40 triệu đồng (01/08/2017-12:29)
  • Thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam (01/08/2017-12:25)
  • Bàn giao Kênh truyền hình Quốc hội về Văn phòng Quốc hội (31/07/2017-13:33)
  • Sơ kết 6 tháng đầu năm, trao thưởng học sinh có thành tích xuất sắc (29/07/2017-12:49)
  • Tạo thuận lợi cho du khách Thanh Hóa đi du lịch Thái Lan và góp phần thúc đẩy giao thương (28/07/2017-15:15)