Thứ năm, ngày 18/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tác phẩm báo chí đoạt giải
Loạt bài: Phát triển du lịch làng nghề (28/08/2017-8:05)
    Tác phẩm Đoạt Giải B Giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2016

(Kì 1): Nếp cũ, hồn xưa ở những làng nghề truyền thống

Du lịch làng nghề hiện đang là loại hình du lịch mới có sức hút đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Sức hấp dẫn của du lịch làng nghề không chỉ đơn thuần là được ngắm nhìn những sản phẩm thủ công, tinh xảo được làm từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân bản địa mà quan trọng hơn, du khách như tìm được cảm giác bình yên và khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống ở các làng nghề.

Về với những làng nghề truyền thống, chúng tôi như tìm về cảm giác bình yên, lắng đọng trong tâm hồn. Nếp cũ, hồn xưa vẫn còn lưu lại khá rõ nét ở những vùng quê hiền hòa ấy. Từ làng mây tre đan Đan Vĩ, dệt nhiễu Hồng Đô, làng mộc Đạt Tài... cho đến nghề đúc đồng ở Kẻ Chè đều lưu giữ được nét đẹp lâu đời.

Làng Đan Vĩ, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) từ lâu đã nổi tiếng bởi nghề mây tre đan. Ban đầu làng chỉ có vài gia đình làm nghề đan lát các sản phẩm thông dụng như rổ, rá, dần, sàng... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con thôn xóm, sau nghề lan rộng ra cả làng, xã rồi vượt ra khỏi lũy tre làng để phục vụ nhu cầu bà con trong huyện, trong tỉnh.

Nghề mây tre đan đã có hơn 100 năm phát triển với bao biến cố thăng trầm nhưng nghề vẫn đứng vững nhờ người dân làng nghề đã mạnh dạn áp dụng  tiến bộ KHKT đưa máy móc và cải tiến mẫu mã, tạo ra sản phẩm ngày càng phong phú, vừa mang tính giá trị sử dụng vừa có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống hiện đại. Sản phẩm mây tre đan không chỉ có mặt trong tỉnh, trong nước mà vươn ra nước ngoài, xuất khẩu sang các nước Nhật, Hàn, Trung Quốc...

Bên cạnh việc làm mới các sản phẩm truyền thống, các nghệ nhân đi sâu nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm mới, đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng, khách hàng. Các đồ vật trang trí nội thất như tranh phong cảnh, hoành phi, rèm cửa, chao đèn... Đặc biệt nhất là sản phẩm chao đèn (lồng chụp bóng đèn)  được làm với ý tưởng độc đáo, cách tạo màu tự nhiên giúp cho sản phẩm thêm thân thiện với môi trường và trở thành món quà được nhiều  du khách lựa chọn khi có cơ hội ghé thăm.

Nghề mộc ở làng Đạt Tài (xã Hoằng Hà, Hoằng Hóa) có cách đây khoảng 400 năm. Nghề được truyền do một người thợ quê gốc ở Ý Yên, Nam Định. Ông là thợ cả của tốp thợ vào làng Đạt Tài làm nhà rồi lấy vợ và truyền nghề cho người Đạt Tài. Thợ mộc Đạt Tài không chỉ giỏi làm nhà, đình, chùa, nghè, miếu... mà còn kiêm cả nghề thợ trạm với các sản phẩm nổi tiếng như: hoành phi, cuốn thư, câu đối và các đồ thờ rất tinh xảo... Ngày nay, để bắt nhịp kinh tế thị trường, ngoài giữ vững và duy trì các nghề truyền thống, người làm nghề mộc ở Đạt Tài còn chuyển sang đóng bàn ghế, tủ... theo nhu cầu của khách hàng.

Dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) cũng là một trong những làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm tuổi. Người dân trong làng không rõ nghề được truyền từ đâu và tự bao giờ nhưng vào những năm trước 1945, tơ Nam Định, nhiễu Hồng Đô đã nổi tiếng khắp cả nước. Theo các cụ cao niên trong làng thì để có được những tấm nhiễu đẹp, mịn ngoài việc lựa chọn tơ tốt, sợi phải bóng, đòi hỏi người thợ dệt nhiễu phải ngồi thật cân đối, con thoi đưa qua, đưa lại phải đều tay, có sức bền và tâm huyết với nghề thì mới tạo ra những sản phẩm đẹp đến tay người tiêu dùng.

 nhieu.jpg
Nhiễu Hồng Đô được làm từ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ.
(Ảnh: Đăng Văn)

Tuy nhiên, ngày nay trong cơn lốc thị trường, với sự xuất hiện và cạnh tranh nhiều mặt hàng... dệt nhiễu Hồng Đô đã trải qua những thời điểm khó khăn tưởng chừng như mai một. Tạo điều kiện cho nghề phát triển, từ năm 2010 xã đã vận động người dân chuyển đổi giống dâu cũ đưa giống dâu mới có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Bên cạnh đó, người dân làng nghề cũng mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu, đồng thời tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đi tiên phong trong việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm tơ Hồng Đô là Công ty TM&DV Thanh Đức, thôn Hồng Đô với giá trị hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ tơ tằm lên đến hàng chục tỉ đồng với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Thái Lan, Lào, Campuchia...

Từ bao đời nay người Trà Đông (xưa gọi là Kẻ Chè) thuộc xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa vẫn còn lưu giữ và phát huy nghề đúc đồng thủ công truyền thống. Từ bàn tay tài hoa, óc sáng tạo và tình yêu nghề, các nghệ nhân đã khôi phục, phát triển ra nhiều loại sản phẩm truyền thống như đúc chuông, trống, tượng, đồ thờ, lư hương, con giống...và đỉnh cao nhất là nghệ thuật đúc trống đồng Đông Sơn với những chi tiết tinh xảo theo đúng hoa văn kiểu dáng xưa. Mặc dù nghề đúc đồng tốn nhiều sức lao động, tuy nhiên giá trị sản xuất đem lại từ nghề này rất cao. Vì vậy, nghề đúc đồng Trà Đông tồn tại phát triển từ đời này sang đời khác.

 làng nghề đúc đồng thiệu trung địa chỉ không thể2.jpg
Dù đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, người làm nghề đúc đồng ở Thiệu Trung  vẫn
đúctheo cách thủ công truyền thống.

Nghệ nhân Lê Văn Bảy người theo đuổi học nghề từ khi 7- 8 tuổi nhưng học hết lớp 7, anh mới dành toàn bộ thời gian của mình để học tập sản phẩm đúc đồng truyền thống. Nghề đã không phụ người, anh là người đã đúc thành công hàng trăm chiếc trống đồng. Theo anh Bảy, đúc trống đồng không đơn giản. Người làm nghề ngoài kinh nghiệm cần có tâm huyết để khi chế tác một sản phẩm có ý nghĩa lịch sử, văn hóa phải thực hiện không chỉ bằng từng cảm nhận qua vân ngón tay mà cả ở độ tinh của trí tuệ và tâm hồn người thợ. Nói không quá, mỗi khi đúc thành công một chiếc trống đồng,  tôi có cảm giác như vừa khám phá một chi tiết rất nhỏ trong lịch sử nghìn năm của dân tộc. Ngoài đúc trống đồng theo phương pháp truyền thống, xưởng của anh Bảy còn đúc nhiều sản phẩm nổi tiếng như: Lư hương, cồng chiêng, đúc tượng bán thân thờ tổ tiên, ông bà... và những sản phẩm đã trở thành thương hiệu.

Qua đi thời gian và... qua bao biến cố thăng trầm, những làng nghề truyền thống vẫn khẳng định được giá trị trường tồn của mình. Cho dù, trong quá trình sản xuất, có những làng nghề phải thay đổi mẫu mã của một số sản phẩm để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, hoặc đầu tư mua thêm máy móc để nâng cao năng suất lao động thì cái nền của giá trị truyền thống với những tiếng  đục đẽo, trạm khắc của chiếc dùi, đục ở làng mộc Đạt Tài hay cách đúc đồng theo phương pháp thủ công truyền thống ở Kẻ Chè và... ươm tơ, dệt nhiễu ở Hồng Đô cũng không thể mất đi những “Nếp cũ, hồn xưa” .




(Kì 2): Các làng nghề chưa thu hút được du khách

Hàng trăm làng nghề truyền thống đang tồn tại và phát triển sẽ là nguồn lực dồi dào để Thanh Hóa phát triển kinh tế du lịch. Nhưng các làng nghề vẫn đang đìu hiu du khách. Vậy nguyên nhân vì đâu?

Trong những năm gần đây, du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam đang  ngày càng hấp dẫn và có sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Nhiều làng nghề nổi tiếng trong nước như: Gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), gỗ Đồng Kị (Bắc Ninh), đúc đồng Phường Đúc, nón lá Phù Cam (Thừa Thiên - Huế), mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà (Quảng Nam)... đã được nhiều đơn vị lữ hành mở các tour đưa khách du lịch đến thăm. Việc du khách đến tham quan, du lịch tại các làng nghề không chỉ giúp các địa phương giới thiệu, quảng bá sản phẩm và nét đẹp văn hóa đến du khách mà còn giúp người dân làng nghề có việc làm và tăng thu nhập.

Thanh Hóa hiện có 155 làng nghề truyền thống đang tồn tại, phát triển. Trong đó, nhiều nghề, làng nghề có hàng trăm năm tuổi và nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm “để đời” như: Chiếu Nga Sơn, đúc đồng Kẻ Chè,  nhiễu Hồng Đô, bánh gai Tứ Trụ, chạm khắc đá Đông Hưng, chè lam Phủ Quảng, nón là Trường Giang, mộc Đạt Tài... Không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng sản phẩm, đa số các làng nghề vẫn còn lưu giữ những nét đẹp truyền thống thông qua các phong tục, tập quán và lễ hội. Đặc biệt, nhiều làng nghề nằm trên các tuyến du lịch của tỉnh, trong đó có những làng nghề nằm rất gần, thậm chí nằm ngay tại các điểm du lịch rất thuận lợi cho việc đưa khách đến tìm hiểu, tham quan. Thế nhưng loại hình du lịch này vẫn chưa được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm đầu tư khai thác nên các làng nghề hiện vẫn vắng bóng du khách.

 Làng mộc Đạt Tài.jpg
Làng mộc Đạt Tài có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. (Ảnh: Đăng Văn)

Làng nghề mây tre đan Đan Vĩ, xã Hoằng Thịnh và mộc Đạt Tài, xã Hoằng Hà, huyện Hoằng Hóa nằm trong diện 15 làng nghề truyền thống được quy hoạch thành điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 3136/QĐ-UBND, ngày 25/09/2014. Theo đó, 2 làng nghề là điểm gắn kết của tuyến du lịch từ TP Thanh Hóa đi Nga Sơn, gần với khu du lịch Hải Tiến nên rất thuận lợi để kết hợp đưa khách du lịch đến tham quan. Tuy có nhiều thuận lợi để phát triển nhưng các làng nghề vẫn đang vắng bóng du khách ghé thăm. Lý giải về thực trạng này, đại diện lãnh đạo 2 xã Hoằng Thịnh và Hoằng Hà thừa nhận: Du lịch làng nghề là lĩnh vực mới, khó và ngoài “tầm với” nên địa phương chưa nghĩ đến. Vì vậy, mọi hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xây dựng phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm chưa được thực hiện.

So với mộc Đạt Tài và mây tre đan làng Đan Vĩ, làng nghề đúc đồng Kẻ Chè, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đã có nhiều động thái tích cực để thu hút khách tham quan, mua sắm sản phẩm... Ông Trần Thanh Lạc - Chủ tịch UBND xã này cho biết: Ngoài quy hoạch làng nghề diện tích trên 5 ha có vị trí thuận lợi cho du khách và đã có  32 hộ vào làng nghề, xã đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm với diện tích 1.000  m2 từ đầu năm 2015. Cùng với khu trưng bày của xã, mỗi hộ làm nghề đều có khu trưng bày riêng, rất thuận lợi cho khách đến tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, việc tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh làng nghề được địa phương và các hộ làm nghề quan tâm. Thông qua website của xã và hộ làm nghề, hình ảnh làng nghề đúc đồng Thiệu Trung đã đến được đông đảo người dân cả nước.

Mặc dù có nhiều động thái tích cực như vậy và Thiệu Trung lại nằm trên tuyến du lịch theo hành trình từ thành phố Thanh Hóa - Vĩnh Lộc - Cẩm Thủy - Bá Thước. Song làng nghề đúc đồng Thiệu Trung cũng chưa thu hút được khách du lịch mà chỉ có các đoàn khách tham quan của tỉnh, Trung ương - ông Lạc thừa nhận.

 Nghề nhiễu Hồng Đô.JPG
Nghề nhiễu Hồng Đô với truyền thống hàng trăm năm tuổi, nức tiếng cả nước.
(Ảnh: Xuân Tứ)

Các làng nghề không thu hút được khách du lịch một phần đây là loại hình du lịch mới. Trong khi để phát triển du lịch làng nghề cần phải có thời gian, lộ trình và cần nguồn ngân sách lớn để hoàn thiện đảm bảo các tiêu chí phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh làng nghề cũng như việc quy hoạch làng nghề, phòng trưng bày sản phẩm... chưa được quan tâm. Mặt khác, doanh nghiệp làm du lịch chưa quan tâm, khai thác loại hình du lịch này nên không đưa khách đến tham quan tại các làng nghề cho dù  làng nghề đó nằm gần hoặc ngay điểm du lịch.

Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đúng đắn, phù hợp trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch hiện nay. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận về kinh tế, giúp người dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập mà còn là cách thức để gìn giữ bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, với 155 làng nghề truyền thống đang tồn tại, phát triển, trong đó có 15 làng nghề được tỉnh chọn là điểm du lịch làng nghề gắn với các tour, tuyến du lịch danh thắng, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh... vẫn chưa có khách du lịch ghé thăm. Làm gì để  phát triển du lịch tại các làng nghề đang là câu hỏi đặt ra cho các ngành, chính quyền địa phương, người dân và cả doanh nghiệp làm du lịch.

Minh Lý


 

Các tin khác:
  • Loạt bài: Sầm Sơn tai tiếng và nổi tiếng (28/08/2017-8:01)
  • Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn (23/08/2017-16:30)
  • Loạt bài: Nỗi lo sông Mã bị "bức tử" (23/08/2017-16:17)
  • Loạt bài: nghệ nhân dân gian - cả đời tâm huyết vì nghề (23/08/2017-9:19)
  • Loạt bài: Vì sự bình yên nơi phên dậu quốc gia (23/08/2017-8:19)
  • Trả lại thần hiệu đích thực cho một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (23/08/2017-8:15)
  • Lạnh người nhìn cô trò bồng bế nhau vượt thượng nguồn sông Âm (23/08/2017-8:04)
  • Loạt bài: Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (22/08/2017-14:55)
  • Loạt bài: "Ma trận" thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng (22/08/2017-9:03)
  • Loạt bài: Loạn cấp giấy chứng nhận sức khỏe (22/08/2017-8:27)