Thứ bảy, ngày 20/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ ở Thanh Hóa (06/09/2017-14:29)
    Tác phẩm dự thi: Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng

Thanh Hóa là một tỉnh lớn cả về diện tích (11.133 km2) và dân số (3,4 triệu), có 24 huyện, 2 thành phố, 1 thị xã bao gồm 635 xã, phường, thị trấn, 58 đơn vị cơ quan hành chính, sự nghiệp và các đoàn thể quần chúng với tổng số 1.724 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 1.049 Đảng bộ cơ sở, 675 Chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên là 217.918 người. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, Đảng bộ tỉnh luôn xem công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt.

Cụ thể, những năm qua Đảng bộ tỉnh luôn hết sức quan tâm đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ nhằm xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, ngành đáp ứng đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới.

Riêng đối với việc luân chuyển cán bộ (LCCB) từ năm 2002 khi có Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy cùng các cấp ủy Đảng trong toàn Đảng bộ đã nghiên cứu tiếp thu và tổ chức thực hiện. Tiếp đó Tỉnh ủy khóa 17 (2010 - 2015) đã ban hành các nghị quyết, quy định, đề án về xây dựng quy hoạch, đào tạo, đổi mới công tác cán bộ. Tháng 2/2013, Tỉnh ủy có Đề án về việc điều động và LCCB lãnh đạo do Tỉnh ủy quản lý. Tháng 5/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kết luận việc thực hiện chủ trương bố trí các chức danh Bí thư, phó Bí thư thường trực và phó Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã luân chuyển 908 cán bộ, trong đó có 703 cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, bao gồm: 43 cán bộ là trưởng, phó các sở, ban, ngành và trưởng, phó phòng cấp tỉnh về huyện (14 người làm bí thư, 12 người làm phó Bí thư, 8 người làm chủ tịch và 9 người làm phó chủ tịch UBND); 50 cán bộ là bí thư, phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch UBND huyện về tỉnh. Luân chuyển từ  huyện này sang huyện khác 5 người; luân chuyển 259 người là cán bộ huyện về xã, 201 cán bộ xã lên huyện; luân chuyển từ xã này sang xã khác 350 trường hợp.

Ngoài số nói trên còn có 231 cán bộ không thuộc diện Tỉnh ủy quản lý được điều động luân chuyển nội bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện. Đồng thời theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã điều chuyển 5 cán bộ đi làm phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới đặc biệt khó khăn, cử 9 cán bộ đi tham gia công tác xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.

Chủ trương về LCCB trong thời gian qua đã được thực hiện tích cực, đồng bộ, tạo được sự đồng thuận, nhất trí trong các cấp, các ngành. Qua luân chuyển đã từng bước khắc phục được tình trạng cục bộ, địa phương, mở ra cơ hội để thử thách, rèn luyện, đào tạo cán bộ trong môi trường thực tiễn.

Trong đội hình cán bộ luân chuyển kể cả từ cấp trên về cấp dưới, cấp dưới về cấp trên và ngang cấp đều gắn với quy hoạch công tác cán bộ; đều được chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng và tâm lý để sẵn sàng, chủ động trong việc chấp hành nghiêm chỉnh và thích ứng nhanh với nhiệm vụ mới, nơi làm mới. Các cơ quan, địa phương có CBLC đến cũng đã nhiệt tình đón nhận, sắp xếp bố trí nơi ăn, ở, điều kiện, phương tiện làm việc, thể hiện sự quan tâm, đoàn kết và ủng hộ hợp tác để bắt tay vào nhiệm vụ.

Tại những địa phương CBLC về giữ vị trí chủ chốt như bí thư, chủ tịch, nhất là những nơi luân chuyển và bố trí cả 3 chức danh chủ chốt là người địa phương khác thì càng có nhiều thuận lợi trong việc lãnh đạo, điều hành công việc, dễ dàng tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới, phát triển. Điều này đã được chứng minh rõ nét tại các huyện Ngọc Lặc, Đông Sơn, Lang Chánh, Mường Lát, Sầm Sơn…

Cùng với việc bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt, những vị trí đứng đầu một số cơ quan như: Kinh tế, địa chính, nội chính, công an, tư pháp, thanh tra, kiểm sát… mà người luân chuyển đến không phải là người địa phương cũng phát huy được vai trò hiệu quả. Bởi họ không phải là người địa phương, không bị chi phối, ràng buộc bởi những mối quan hệ gia đình, họ hàng, làng xã, bạn bè, nên dễ dàng trong việc giữ đúng kỷ cương, thực hiện đúng các chủ trương, nghị quyết theo đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ luân chuyển cũng được quan tâm giải quyêt. Cán bộ cấp tỉnh luân chuyển về huyện được hỗ trợ 1 lần là 25 triệu đồng/ người/đơn vị (thực hiện từ tháng 4/2012). Cán bộ cấp huyện luân chuyển về xã thì được giải quyết theo hoàn cảnh của từng nơi. Huyện Hoằng Hóa ngoài hưởng nguyên lương ở đơn vị được hỗ trợ thêm 100% mức lương tối thiểu. Các huyện Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Yên Định, Như Thanh, Cẩm Thủy… hỗ trợ thêm mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Huyện Đông Sơn hỗ trợ một lần 5 triệu đồng và cấp công tác phí 500.000đ/người/tháng...

Nhìn chung, đại bộ phận cán bộ được luân chuyển đều phát huy được trách nhiệm, năng lực, phẩm chất, hòa nhập nhanh được với địa phương, đơn vị mới để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mối quan hệ giữa nơi cử cán bộ luân chuyển và nơi có cán bộ luân chuyển đến đều hài hòa, cởi mở, đoàn kết, từ đó đã cùng nhau chung sức đưa phong trào ở địa phương, đơn vị ngày càng có chuyển biến. Các mặt về sản xuất, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều thấy phát triển, tiến bộ. Công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành từng bước được chấn chỉnh theo hướng đi vào nền nếp, kỷ cương, đảm bảo tập thể, dân chủ, kỷ luật. Ở những nơi có tình hình phức tạp, trì trệ, chậm phát triển cũng được dày công xây dựng để có đà thay đổi, vươn lên. Vì vậy, đại bộ phận cán bộ luân chuyển khi hết hạn trở về đều có bước trưởng thành tiến bộ, nhiều người được đề bạt lên chức vụ cao hơn lúc đi, không ít người được vào cấp ủy, giữ trọng trách bí thư, phó bí thư, chủ tịch huyện và xã, có đồng chí được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 Nhan3.jpg
Công tác cán bộ của tỉnh Thanh Hóa đã đáp ứng tốt yêu cầu đề ra.
(Ảnh: Nguyễn Chung)

Sầm Sơn là điểm đến du lịch nổi tiếng với lịch sử 110 năm. Tháng 4/1963 Chính phủ quyết định cho thành lập thị trấn Sầm Sơn. Tháng 12/1981 Sầm Sơn được trở thành thị xã, đến tháng 4/2017 được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Sầm Sơn, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ. Vì nguồn cán bộ của Sầm Sơn rất hiếm, chỉ có một số ít là từ bộ đội nghỉ hưu, mất sức trở về, chưa được đào tạo về công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, nên trong cấp lãnh đạo thành phố tuyệt đại bộ phận đều là những người của tỉnh tuyển chọn để điều động, luân chuyển về giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Hiện nay cả 3 chức danh bí thư, phó bí thư thường trực, phó bí thư, chủ tịch UBND thành phố đều là cán bộ từ tỉnh luân chuyển về. Những cán bộ được điều động, luân chuyển về đều được nhân dân, cán bộ địa phương ủng hộ, tín nhiệm, làm tốt nhiệm vụ. Đặc biệt đã biết tập trung chú trọng vào việc phát triển thế mạnh của vùng kinh tế biển, kinh tế du lịch, nghỉ dưỡng, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra các điều kiện thuận lợi để đưa phong trào của địa phương ngày càng phát triển, đi lên. Hiện Sầm Sơn đang nỗ lực phấn đấu để trở thành điểm du lịch 4 mùa, và trở thành đô thị du lịch Quốc gia...

Trong vài nhiệm kỳ gần đây Thị ủy Sầm Sơn (nay là Thành ủy Sầm Sơn) cũng đã luân chuyển 7 cán bộ từ thị xã về xã, phường và 7 người từ xã, phường về thị xã.

Tuy nhiên, trong vấn đề luân chuyển cán bộ vừa qua vẫn còn những tồn tại, khuyết điểm cần khắc phục. Đó là chất lượng của không ít cán bộ luân chuyển còn hạn chế nên chậm tiếp cận, hòa nhập, thích ứng với môi trường mới. Có người còn làm việc theo lối giữ mình, sợ va chạm, thiếu tính xông pha, quyết liệt, mong hết thời gian để quay về. Một số cơ quan, địa phương vẫn còn giữ thói cục bộ, bản vị, khép kín, chưa thật hào hứng sẵn sàng trong việc tiếp nhận cán bộ luân chuyển, sợ mất ghế, mất cơ hội thăng tiến, không nhiệt tình cộng tác phối hợp...

Bên cạnh đó, chính sách chế độ đối với cán bộ luân chuyển chưa có quy định rõ ràng, thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu nên chưa tạo cho cán bộ luân chuyển có tâm lý ổn định, an tâm, phấn khởi trong công tác. Thời gian luân chuyển còn ít, có nơi chỉ trên dưới 2 năm, thậm chí chỉ một năm. Cộng với đó là khó khăn trong bố trí, sắp xếp cán bộ sau khi luân chuyển...

Từ tình hình đó thiết nghĩ cần phải làm cho các cấp ủy Đảng, các cán bộ, đảng viên được tiếp tục quán triệt thấm nhuần các chủ trương nghị quyết và đề án của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác cán bộ và công tác LCCB. Phải thường xuyên coi trọng việc rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch công tác cán bộ, để từ đó có chương trình, kế hoạch đào tạo, sử dụng, điều động, luân chuyển một cách sát hợp.

Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác nhau giữa hai việc điều động và luân chuyển cán bộ. Luân chuyển cán bộ không chỉ có mục đích để hoàn thành nhiệm vụ chính trị như điều động cán bộ mà còn để rèn luyện thử thách, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có triển vọng, phát triển nhằm tạo nguồn cho những chức vụ cao hơn. Tuy vậy giữa luân chuyển và điều động cũng có mối tương quan nhất định. Vì điều động cán bộ này đi thì mới có điều kiện để người được luân chuyển đến, hoặc điều động người khác đến để tạo cơ hội cho cán bộ tại chỗ đi luân chuyển. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nơi có người đi luân chuyển và nơi tiếp nhận người luân chuyển để cùng chung lo vì một mục đích là đào tạo cán bộ.

Trên cơ sở số lượng biên chế được quy định nếu thực hiện việc tăng thêm số lượng các chức danh như phó bí thư, phó chủ tịch UBND cấp huyện chuyên phụ trách một số lĩnh vực, cần tạo điều kiện cho việc luân chuyển được chủ động và số lượng cán bộ luân chuyển được nhiều hơn.

Việc luân chuyển đồng thời cả 3 chức danh chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND) là người địa phương khác là một giải pháp tốt, tạo được xung lực đồng bộ, mạnh mẽ, nhưng cũng cần tính toán, cân nhắc thận trọng để đảm bảo hài hòa giữa mục đích rèn luyện, đào tạo đối với cán bộ đi luân chuyển với cơ hội thăng tiến của cán bộ tại chỗ.

Ngoài ra cần nâng cao vai trò trách nhiệm và trình độ năng lực, tham mưu cho các cơ quan, các cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ để đáp ứng nhu cầu của công tác cán bộ nói chung và công tác luân chuyển cán bộ nói riêng.

Đặc biệt phải đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ của tập thể ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp. Chống mọi biểu hiện cá nhân, gia trưởng, bảo thủ, cục bộ địa phương khép kín, nhất là đối với những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề phòng những trường hợp vì không ưa, không hợp nên lấy cớ luân chuyển để đẩy cán bộ đi, hoặc vì sợ mất chỗ nên không muốn tiếp nhận người được luân chuyển đến. Và cả đối với những người thuộc diện luân chuyển có khi vẫn có hiện tượng “chạy” để không phải đi, hoặc được đi những nơi thuận lợi. Rồi lại còn vì không biết tương lai sẽ ra sao khi hết hạn luân chuyển trở về, thậm chí lại bị rơi vào tình trạng khi đi thì động viên hoan tống, khi về thì lặng lẽ buồn tênh.

Theo Văn Như Tước/Báo VH&ĐS


 

Các tin khác:
  • Người Mông trên đỉnh Hin Phăng (06/09/2017-14:26)
  • Thanh Hóa sắp xếp trường, lớp học, giáo viên (06/09/2017-14:17)
  • Thể lệ Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (06/09/2017-14:12)
  • Kế hoạch Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) (06/09/2017-14:04)