Thứ hai, ngày 13/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Bài học qua mỗi chuyến đi (28/09/2017-22:53)
    Gặp nhà báo Hữu Hưng, Trưởng Đại diện cơ quan Thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam ở Singapore, mỗi câu chuyện của anh xoay quanh chuyện tác nghiệp, góc nhìn về sự phát triển của VTV trong xu thế phát triển của truyền hình khu vực ASEAN và thế giới.

Thành phố Tacloban của Philippines sau khi bị siêu bão Haiyan tàn phá. Ảnh: Getty Images

Phóng viên: Khi tác nghiệp tại Đông Nam Á, chuyến đi nào ám ảnh anh đến bây giờ?

Nhà báo Hữu Hưng: Tôi nhớ ngay đến chuyến đi công tác đến thành phố Tacloban của Philippines liên quan đến siêu bão Haiyan. Cơn bão đổ bộ vào thành phố này và gây thiệt hại kinh khủng. Tôi nhận được lệnh trực tiếp của Tổng Giám đốc lên đường và tìm cách tiếp cận khu vực này để ghi nhận những thiệt hại của bão, đồng thời có câu chuyện một nhóm người Việt mắc kẹt tại Tacloban mà Báo Thanh Niên đã đăng tải.

Phải tiếp cận để đưa những hình ảnh đó đến công chúng. Rất may là chúng tôi đi được chuyến bay đầu tiên đến thành phố Tacloban sau cơn bão.

Ám ảnh đầu tiên khi tới thành phố này là mùi tử khí bốc lên trong toàn thành phố. Ngay ở sân bay đã ngửi thấy mùi này. Cảnh thành phố đổ nát hoang tàn như một cuộc chiến tranh đã đi qua. Và cái ám ảnh tôi đó là mùi tử khí, mùi của xác chết. Quả là một chuyến đi đáng nhớ!

Tôi đến Đông Timor sau trận động đất, hiện trường một khu chợ, một ngôi nhà có 5, 6 người chết bị mắc kẹt thì mùi tử khí từ ngôi nhà ấy lại ám ảnh tôi.

Tôi cũng bị một ám ảnh khác, nhưng đó là ám ảnh về cảnh đẹp. Đó là vẻ đẹp của thành phố Bagan của Myanmar. Thành phố nằm trong một thung lũng có đến hàng nghìn ngôi đền cổ trải dài trong ánh hoàng hôn. Tuyệt đẹp! Khi mà được trải nghiệm một cảnh đẹp như mơ ấy tôi sững sờ. Thật tuyệt! Sau đó tôi đã làm một số phóng sự về thành phố Bagan chuyển tải đến khán giả của VTV.

PV: Anh và ê-kíp đã phải chuẩn bị như thế nào cho các phóng sự tại hiện trường?

Nhà báo Hữu Hưng: Một điều tôi rút ra là trong tác nghiệp luôn phải có thông tin chuẩn bị trước khi đến hiện trường. Có thông tin cơ bản về địa điểm, sự kiện, nhân vật ta sẽ không quá bất ngờ về bối cảnh hay những câu chuyện đã và đang xảy ra. Việc chuẩn bị này giúp ê-kíp khi đến hiện trường sẽ nắm bắt ngay được những nhân vật cần phỏng vấn và phối hợp với quay phim để đưa đẩy thành những câu chuyện. Ngoài ra, còn khâu hậu cần nữa. Các phương án cần chu đáo và luôn có vài ba phương án tác nghiệp. Ví dụ, khi máy quay lớn hỏng ta có máy quay nhỏ, máy quay nhỏ hỏng có Iphone,... để không thể bỏ qua giây phút nào xảy ra ở hiện trường.

PV: Anh và ê-kíp đã tự đào tạo như thế nào?

Nhà báo Hữu Hưng: Sau mỗi chuyến đi chúng tôi lại họp lại với nhau cùng đúc kết những kinh nghiệm như: Tình huống nào sử dụng máy chuyên nghiệp, tình huống nào nên sử dụng iphone, bối cảnh phỏng vấn...

Chúng tôi luôn họp và rút kinh nghiệm sau mỗi lần tác nghiệp. Tôi nghĩ đây là một quy trình tốt cho phóng viên quay phim, biên tập viên trong quá trình tự đào tạo.

Nhà báo Hữu Hưng tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: NVCC

PV: Ở Singapore, anh và đồng nghiệp đã học được những gì từ các đồng nghiệp quốc tế?

Nhà báo Hữu Hưng: Trong môi trường ASEAN, chúng tôi được tiếp cận nhiều với các phóng viên của các hãng truyền hình nổi tiếng như CNN và các hãng truyền hình khu vực. Khi vào việc, họ rất tập trung để làm ra sản phẩm một cách tốt nhất và chuyên nghiệp nhất. Tuy nhiên, phải nói thêm là các guồng máy của họ làm rất rõ, cụ thể. Một ê-kíp có thể đến 5, 6 người, làm biên tập, làm ánh sáng, âm thanh, có người phục vụ cho việc dẫn tại hiện trường. Ví dụ, Đài Truyền hình Nhật Bản có người phục vụ bảng chữ (cue) để cho người dẫn. Ta học hỏi thì vẫn học hỏi, nhưng phải linh hoạt cùng với những điều kiện mà chúng ta có.

PV: Vì sao các chuyên gia quốc tế ít xuất hiện tại hiện trường trực tiếp cùng các phóng viên thường trú?

Nhà báo Hữu Hưng: Đó là về vấn đề kỹ thuật thôi. Chúng tôi có thể mời các chuyên gia, nếu chúng ta phát tiếng Anh thì chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng điều đó. Vấn đề là lúc lên sóng, chúng ta cần có người dịch trực tiếp sang tiếng Việt, vì thế cái cần là ở tại trường quay có một đội ngũ dịch trực tiếp trên sóng. Chúng ta hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp một cuộc phỏng vấn trực tiếp ngay với chuyên gia. Tôi nghĩ đây là lý do cơ bản.

PV: Có ý kiến cho rằng các cơ quan thường trú của VTV tại nước ngoài nên tập trung cho khu vực ASEAN để xây dựng kênh truyền hình khu vực như một kênh CNN của Đông Nam Á, anh nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà báo Hữu Hưng: Tôi nghĩ là vẫn phải bám theo nhu cầu của khán giả trong nước. Nhiệm vụ của chúng ta là đáp ứng được điều khán giả cần thông tin từ hiện trường. Tôi nghĩ, hiện nay sự xuất hiện của các cơ quan thường trú tại các địa bàn trọng điểm trên thế giới, thông tin cập nhật hàng ngày các vấn đề nóng của thế giới được truyền tải qua góc nhìn của VTV theo tôi nghĩ đã là một thành công.

Và để tác nghiệp mạnh như các đài truyền hình thế giới khi chúng ta có đủ nguồn lực sẽ hoàn toàn có thể làm được điều này. Trước hết hãy đáp ứng được những nguyện vọng của những khán giả trong nước.

PV: Trân trọng cám ơn anh!

Theo Vũ Quang/ Người Làm Báo

 

Các tin khác:
  • Báo chí phải chuyển mình, tăng sức chiến đấu và bám sát hơi thở của đất nước (27/09/2017-22:24)
  • Xây dựng tòa soạn hội tụ và hành động (26/09/2017-8:58)
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” (26/09/2017-8:56)
  • Báo chí Việt Nam chung tay bảo vệ thiên nhiên hoang dã (25/09/2017-8:03)
  • Vinh danh 39 tác phẩm, 8 tác phẩm trao giải chuyên đề (23/09/2017-21:07)
  • Khai mạc Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn tỉnh lần thứ XIII (22/09/2017-15:15)
  • Kiên quyết xử lý những phóng viên vi phạm đạo đức nghề báo (21/09/2017-21:47)
  • Vụ phóng viên Báo Công lý bị đánh ở Hòa Bình: Không phải cứ đài nhà ai to người ấy phát (21/09/2017-21:44)
  • “Tôi ngưỡng mộ giáo sư Prô-khô-rốp” (19/09/2017-15:46)
  • “Nếu hình dung báo mạng là nồi lẩu thì báo in phải là món ăn đặc sản” (15/09/2017-8:15)