Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
PGS. TS Nguyễn Văn Dững:
“Tôi ngưỡng mộ giáo sư Prô-khô-rốp” (19/09/2017-15:46)
    Là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu – giảng dạy báo chí ở Việt Nam, 30 năm gắn bó với khoa Báo chí, đã xuất bản hơn 20 đầu sách về nghề, PGS, TS. Nguyễn Văn Dững (nguyên Trưởng khoa Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ với báo điện tử Congluan.vn một góc nhìn chân thực về công tác đào tạo, nghiên cứu báo chí. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững

PV: Thưa PGS. TS Nguyễn Văn Dững, ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đưa ông trở thành giảng viên báo chí?

Thật ra, tôi trở thành cán bộ nghiên cứu – giảng dạy báo chí là do tổ chức phân công, buộc phải làm thôi, chứ ban đầu tôi không thích. Tôi thuộc diện con em cán bộ miền Nam, học tập và hoạt động trong vùng địch tạm chiếm thuộc tỉnh Quảng Trị, từ bí mật đến công khai và được tổ chức cử ra Hà Nội dự thi và học lớp báo chí tiền phương. Tức là lớp đào tạo phóng viên báo chí để “tung “ vào các đô thị miền Nam – khi ấy miền Nam chưa được giải phóng. Nhưng khi lớp học khai giảng được chừng hơn tháng thì giải phóng miền Nam.

Tốt nghiệp đại học, tôi xin vào Nam không được. Đọc thấy trên báo Nhân Dân số Xuân 1979 có bài “Tổ Quốc giàu đẹp, đâu cũng là quê hương”, tôi làm đơn xin lên Tây Nguyên thì tổ chức bảo cứ về nghỉ hè đi, ra hẵng tính. Lúc ra, tôi nhận quyết định của ban Tuyên huấn TW ở lại làm cán bộ nghiên cứu giảng dạy tại khoa Báo chí. Hồi ấy ở trường buồn và cực khổ lắm.

Mặt khác, khi ở lại khoa, sự “cay cú” đã thôi thúc tôi học tập và phấn đấu để góp phần xây dựng khoa Báo chí như một cơ sở đào tạo duy nhất, lúc bấy giờ. Nói “cay cú” là vì tôi nghĩ và tâm sự với anh em, cả một nền báo chí của đất nước Việt Nam thống nhất mà chỉ có một khoa báo chí nghèo nàn, thiếu đủ thứ.

PV: Giảng viên báo chí phải  là người như thế nào thưa ông?

Đã có thời kỳ chúng ta giảng dạy báo chí theo kiểu truyền nghề thủ công, người đi trước hướng dẫn người đi sau. Nhưng yêu cầu của báo chí hiện đại đòi hỏi công tác đào tạo báo chí phải khoa học, bài bản, phải là một môn khoa học thực thụ. Muốn thế, đội ngũ giảng viên có vai trò rất quan trọng.

Làm cán bộ nghiên cứu – giảng dạy báo chí khác với làm cán bộ nghiên cứu – giảng dạy các ngành khoa học xã hội – nhân văn khác.

Nghiên cứu – giảng dạy  nghề báo đòi hỏi không chỉ cần tích lũy tri thức khoa học, tri thức lý thuyết, mà nó còn phải có kỹ năng và kinh nghiệm hành nghề, vì nó còn mang tính chất dạy nghề; cho nên người dạy phải làm được nghề, có thể chưa làm giỏi, nhưng phải làm được và hiểu thấu đáo chuyện “bếp núc” nghề nghiệp và nắm được thao tác, kỹ năng hành nghề tác nghiệp.

Người đào tạo nghề báo cũng cần là người truyền lửa nghề và chí hướng hành nghề nữa, chứ không chỉ kiến thức và kỹ năng làm nghề. Do đó, anh ta không chỉ nghiên cứu lý thuyết, tham gia tổng kết thực tiễn, mà còn cần phải là người biết “xông pha trận mạc” trong tác nghiệp, biết lăn vào cuộc sống thực tế báo chí. Có như vậy, bài giảng mới mang được hơi thở đời sống báo chí và xử lý được những tình huống thực tế do sinh viên nêu ra.

Tôi muốn nhấn mạnh đó là chức danh  cán bộ nghiên cứu – giảng dạy. Tức là anh phải nghiên cứu, phải làm nghề, và giảng dạy. Do đó, anh vừa phải có tác phẩm báo chí, vừa phải có công trình nghiên cứu khoa học – như sách và bài nghiên cứu được công bố. Chứ không thể chỉ là thợ dạy, hoặc chỉ nghiên cứu. Và làm gì cũng thế, chất lượng thì tùy mức cố gắng và điều kiện cụ thể, nhưng quan trọng là cần có tâm.

Những năm vừa qua, khoa Báo chí có kế hoạch và chiến lược đào tạo nhân lực tại chỗ rất cụ thể. Cán bộ nghiên cứu – giảng dạy luôn được động viên, khuyến khích học tập nâng cao trình độ, cả về lý thuyết và thực hành nghề. Khoa Báo chí cóQuỹ nghiên cứu phát triển để hỗ trợ các thầy cô trong nghiên cứu và xuất bản công trình khoa học.

PV: Có một thực tế là những năm gần đây tỉ lệ giảng viên mời tại khoa báo chí là các nhà báo có uy tín lại giảm đi so với những năm 90 của thế kỷ trước. Tại sao lại như vậy, thưa ông?

Thực ra nếu tính tỷ lệ mời các nhà báo thì không giảm. Nhưng số cán bộ trong khoa đã có thể đứng lớp ở hầu hết các bài giảng, cho nên chủ yếu mời ở một số học phần. Nhưng, khoa Báo chí vẫn luôn mời nhiều nhà báo trình bày kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành. Hiện 50% nguồn lực đào tạo của khoa  là nhờ vào các nhà báo đang hành nghề và các cơ quan báo chí – truyền thông.

PV: Từ một người không mấy ưa thích rồi gắn bó cả sự nghiệp của mình với khoa Báo chí, đến bây giờ, ông còn tâm huyết và trăn trở điều gì?

Tôi luôn có những dự định mới cũng như ấp ủ những kế hoạch lớn lao. Đó cũng là động lực cho khoa ngày càng trưởng thành, phát triển. Có nhiều việc lớn đã thành hiện thực nhưng còn không ít dự định, kế hoạch vẫn dang dở, đó chính là điều khiến tôi trăn trở. Cụ thể nhất là chúng tôi chưa có thời gian nguồn lực để hoàn thiện và xuất bản các công trình đang thai nghén…

PV: Thời gian học tập, làm luận án Phó tiến sỹ ở Nga đã trang bị cho ông rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm để phục vụ sự nghiệp sau này.  Kỷ niệm nào trong thời gian học tập ở Nga khiến ông nhớ nhất?

Tôi đặc biệt ấn tượng với  những người thầy Nga, đó là những con người hết sức đôn hậu  nhưng cũng rất nghiêm khắc trong chuyên môn. Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Prô-khô-rốp là một điển hình. Ông là giáo sư đầu ngành của báo chí Xô viết. Giáo trình Cơ sở lý luận báo chí của giáo sư này là giáo trình bắt buộc của 24 khoa báo chí thuộc 24 trường Đại học tổng hợp có khoa Báo chí trên toàn Liên Xô.

Ông là người gốc Do Thái, rất thông minh, uyên bác , cha ông  hy sinh trong thế chiến thứ 2. Nhưng ông là người làm việc rất nghiêm, các sinh viên và nghiên cứu sinh, thậm chí cả các cán bộ nghiên cứu giảng dạy trong khoa đều “ngại” nhưng rất thích và ngưỡng mộ ông.

Khi tôi nêu tên đề tài luận án (đã tham khảo mấy chuyên gia, bạn bè): “Vai trò của báo chí trong quá trình mở rộng tính công khai, dân chủ hóa đời sống xã hội”, ông đã thẳng thừng gạt đi.

Anh là cán bộ nghiên cứu – giảng dạy, có thể và nên làm về mối quan hệ tác động của báo chí và dư luận xã hội. Đó là viên đá tảng trong lý luận báo chí. Anh cần phải làm việc nghiêm túc như một nhà khoa học và bám sát đời sống xã hội như một nhà báo. Tôi không sửa lỗi chính tả và ngữ pháp cho anh đâu đấy. Anh cứ về suy nghĩ đi, sau 2 tuần thì chúng ta gặp nhau, xem liệu có làm việc được với nhau không nhé”. – Giáo sư đưa ra quan điểm.

Đến bây giờ, những kiến thức, nghiên cứu trong đề tài đó vẫn được truyền dạy cho nhiều thế hệ sinh viên báo chí ở Việt Nam vì tính thực tiễn, khoa học rất cao. Tôi luôn ghi nhớ những lời thẳng thắn nhưng rất nghiêm túc của Prô-khô-rốp. Ông cũng chính  là người thầy tôi ngưỡng mộ nhất.

Xin cảm ơn GS, TS Nguyễn Văn Dững về cuộc trò chuyện này.

Theo Vũ Quang/Báo Nhà báo và Công luận

 GS, TS Nguyễn Văn Dững là một trong số những người đào tạo báo chí ở Việt Nam có nhiều sách viết và dịch về nghề báo nhất. Những  tác phẩm  đã xuất bản ông: 

       1.Chủ biên, đồng tác giả: Báo phát thanh; Nxb VH-TT; H. 2002

       2.Chủ biên, (đồng tác giả với PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng): Truyền thông – Lý thuyết và kỹ năng cơ bản;

       Nxb LLCT; h. 2006

  1. Chủ biên, đồng tác giả: Tác phẩm báo chí (tập 2); Nxb LLCT; H. 2007

  2. Chủ biên, đồng tác giả: Báo chí với trẻ em; Nxb Lao Động; H. 2004

  3. Chủ biên, đồng tác giả: Sổ tay phóng viên báo chí với trẻ em; Nxb lao Động 2002

  4. Đồng tác giả (Lương Khắc Hiếu chủ biên): Dư luận xã hội trong sự nghiệp đổi mới; Nxb CTQG; H. 1999

  5. Tác giả: Báo chí truyền thông hiện đại; nxb ĐHQGHN; H. 2011

  6. Tác giả: Cơ sở lý luận báo chí; Nxb Lao Động; h. 2012

  7. Chủ biên, đồng tác giả: Báo chí giám sát, phản biện xã hội ở Việt Nam; Nxb ĐHQGHN; H. 2017. (sách chuyên khảo)

  8. Tác giả: Báo chí và dư luận xã hội (sách chuyên khảo); Nxb Lao Động; H. 2012

  9. Nhà báo – Những bí quyết kỹ năng nghề nghiệp (sách dịch với Hoàng Anh); Nxb Lao Động; H. 1998

  10. Mười bí quyết kỹ năng nghề báo (cùng nhóm dịch và hiệu đính); Nxb Lao Động; H. 2002

  11. Hơn 10 cuốn in chung, đồng tác giả khác

Ông đang ấp ủ xuất bản một số cuốn như Báo chí chính luận, Báo chí kết nối trong môi trường truyền thông số, Truyền thông chính sách và một tác phẩm phục vụ nghiên cứu, đào tạo sau đại học.


 

Các tin khác:
  • “Nếu hình dung báo mạng là nồi lẩu thì báo in phải là món ăn đặc sản” (15/09/2017-8:15)
  • Nhà báo Lê Đức Sảo - người đạt Giải Nhất: 30 năm (15/09/2017-8:13)
  • “Thay đổi trong sản xuất các chương trình đặc biệt mang dấu ấn VTV ” (13/09/2017-7:40)
  • Nhiếp ảnh gia - nhà báo Giản Thanh Sơn: Đời cơ bản là vui! (11/09/2017-14:46)
  • Đọc để thấy nông dân Việt ngày càng giỏi và giàu (09/09/2017-21:44)
  • Chống tin tức giả mạo: Cuộc “đại chiến” vẫn tiếp diễn (08/09/2017-14:11)
  • Đỉnh cao cống hiến (05/09/2017-17:05)
  • Vì một “Tiếng nói Việt Nam” ngày càng lan tỏa, thuyết phục (04/09/2017-9:07)
  • Bác Hồ & Nghệ thuật sử dụng nhân tài (02/09/2017-8:23)
  • Khoá bồi dưỡng “Kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề dành cho báo in và tạp chí ”. (24/08/2017-8:42)