Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chống tin tức giả mạo: Cuộc “đại chiến” vẫn tiếp diễn (08/09/2017-14:11)
    Tin tức giả mạo từ lâu đã được xem là “vấn nạn” toàn cầu với những hệ lụy khôn lường. Vì thế xử lý “vấn nạn” này như thế nào đã là một “bài toán” nan giải với nhiều quốc gia, thậm chí có thể xem là cuộc “đại chiến” cam go.

Philippines: Ban hành đạo luật phạt tội tung tin giả mạo

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 31/8 đã ký ban hành đạo luật mới, theo đó việc truyền bá các thông tin giả mạo tại nước này bị coi là phạm tội hình sự và hình phạt tối đa đối với đối tượng vi phạm có thể lên tới 6 tháng tù giam, kèm khoản nộp phạt 200.000 peso (khoảng 3.900 USD).

Theo nội dung đạo luật mới, bất kỳ tin đồn thất thiệt nào đe dọa tới trật tự công cộng hoặc gây phương hại lợi ích cũng như uy tín quốc gia đều sẽ bị xử phạt. Luật mới cũng quy định xử phạt bất kỳ phần tử nào thông qua các tài liệu in ấn hoặc các từ ngữ, các phát ngôn cũng như thể hiện thái độ nhằm kích động chống đối luật pháp hoặc nhà chức trách; hoặc cổ xúy, bào chữa cho bất kỳ hành động nào từng bị xử phạt theo luật. Đạo luật trên còn nêu các điều khoản quy định các mức tiền phạt, cùng hình phạt được áp dụng dựa trên việc đánh giá mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bên cạnh đó, đạo luật cũng điều chỉnh mức phạt đối với tội danh phá hoại an ninh quốc gia, và các tội danh phá rối trật tự công cộng, như xúi giục nổi loạn.

EU: “Đội đặc nhiệm” chống thông tin thất thiệt

Mới đây, bà Maryia Gabriel, Ủy viên châu Âu phụ trách mảng kỹ thuật số, hé lộ thông tin một nhóm chuyên gia hàng đầu châu Âu về công nghệ số sẽ được thành lập với mục đích đấu tranh chống thông tin thất thiệt trên các phương tiện truyền thông. Bà Gabriel chưa công bố thành phần nhóm chuyên gia cấp cao, song cho hay nhóm sẽ bao gồm đại diện giới nghiên cứu, truyền thông, chính phủ và các tổ chức ở châu Âu.

Thực ra, trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cho củng cố cái gọi là đội đặc nhiệm về truyền thông nhằm tăng cường nỗ lực chống lại vấn nạn phát tán và truyền bá thông tin giả mạo trên internet. Đội đặc nhiệm này mang tên East Stratcom được EU thành lập vào tháng 3/2015 và bắt đầu hoạt động nửa năm sau đó. Đội gồm 10 chuyên gia truyền thông chuyên trách được tuyển chọn từ các tổ chức hoặc các nước  EU. Để đủ sức đối phó với “vấn nạn” tin tức giả, EU đã lên kế hoạch bổ sung nhân sự và tài chính cho đội đặc nhiệm đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng này.

Song song với việc củng cố East Stratcom, các quan chức EC đã có cuộc gặp với đại diện của Facebook, Google và Twitter, yêu cầu ba công ty trên ngăn chặn sự phát tán của thông tin thất thiệt hoặc phải đối mặt với “hành động cưỡng chế”. Bên cạnh đó, các quan chức EC yêu cầu họ phải cập nhật các điều khoản dịch vụ của mình phù hợp với luật về người tiêu dùng của châu Âu và có “các biện pháp chi tiết” nhằm đối phó với thông tin thất thiệt trong vòng 1 tháng.

Không chỉ EU, Phần Lan và CH Séc cũng đã lập ra các đội đặc nhiệm của riêng mình nhằm đối phó với các thông tin giả mạo.

Đức: Phạt nặng mạng xã hội “tiếp tay” tin tức giả

Đức là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới mạnh tay xử lý tình trạng tin tức giả mạo, thất thiệt loan trên mạng xã hội. Sau hai năm thành lập một nhóm đặc nhiệm để theo dõi và xóa bỏ các “phát ngôn thù hận bất hợp pháp trên Internet”, Chính phủ Đức đã đề xuất xử phạt các mạng xã hội không chịu kiểm soát và xóa các thông tin giả, thất thiệt.

Cụ thể, chính phủ Đức ngày 5/4 đã thông qua khoản tiền phạt lên tới 50 triệu euro (53 triệu USD) đối với các tập đoàn truyền thông xã hội lớn như Twitter và Facebook nếu những tập đoàn này không xóa đi những tin tức giả mạo và những phát ngôn gây thù hận được người dùng báo cáo trong vòng một tuần. Chưa dừng lại ở đó, theo thông cáo của Berlin, giám đốc điều hành của những tập đoàn này cũng phải đối mặt với những án phạt riêng lẻ lên tới 5 triệu euro nếu không tuân thủ quyết định xử phạt trên. Các tập đoàn truyền thông xã hội lớn sẽ có 24 giờ để xóa tất cả bài viết mang tính chất miệt thị luật pháp Đức sau khi được người dùng đánh dấu. Những nội dung tiêu cực khác cũng phải được “xóa sổ” trong vòng 7 ngày sau khi nhận được báo cáo.
Ngoài ra, các tập đoàn cũng phải tạo điều kiện để người dùng có thể báo cáo những nội dung vi phạm pháp luật một cách dễ dàng hơn.

 Theo Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Đỉnh cao cống hiến (05/09/2017-17:05)
  • Vì một “Tiếng nói Việt Nam” ngày càng lan tỏa, thuyết phục (04/09/2017-9:07)
  • Bác Hồ & Nghệ thuật sử dụng nhân tài (02/09/2017-8:23)
  • Khoá bồi dưỡng “Kỹ năng tổ chức thông tin chuyên đề dành cho báo in và tạp chí ”. (24/08/2017-8:42)
  • Chúng tôi làm giải trí nhưng luôn biết điểm dừng (21/08/2017-8:38)
  • Nhà báo tuần rừng cùng kiểm lâm (09/08/2017-11:15)
  • Báo chí đang tự tay giết chết niềm tin nơi độc giả? (07/08/2017-7:36)
  • Làm nghề là phải biết “dấn thân” (04/08/2017-18:11)
  • “Gần 50 tuổi vẫn thích làm phóng viên” (04/08/2017-18:04)
  • Nghề báo: Vinh quang và tai vạ (03/08/2017-10:35)