Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo tuần rừng cùng kiểm lâm (09/08/2017-11:15)
    Chuyến công tác tuần rừng cùng kiểm lâm huyện Quan Sơn cách đây đã nhiều năm, nhưng ký ức từng bước chân tuần rừng như vừa mới hôm qua.
Nhà báo Hoàng Lam trong chuyến tuần rừng với kiểm lâm Quan Sơn năm 2012
(Ảnh do tác giả cung cấp)
 
Đặt lịch từ trước nên vừa đến trạm kiểm lâm ở xã Sơn Hà, tôi đã thấy anh Nguyễn Đức Hiệp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn cùng một số kiểm lâm viên ngồi đợi. Bầu trời còn mờ sương, sau thủ tục chào, hỏi, tôi được các anh đưa cho một đôi giày đi rừng cổ cao, buộc dây, có cỡ nhỏ nhất. Tôi cẩn trọng chuẩn bị trang phục tránh lũ vắt bám vào người và các sự cố khác có thể xảy ra. Hành trang tôi đeo trên người chỉ là chiếc máy ảnh nhỏ, trong khi các anh kiểm lâm người thì mang theo ba lô đựng lương khô, người thì mang theo vật dụng cần thiết.

Đã từng đi rừng nhiều chuyến nên dù được báo trước là khó khăn cũng không làm bản thân nản lòng. Chúng tôi đi theo lối của người đi rừng. Người đi trước cầm dao phạt các cành cây nhỏ, cây gai giăng bít kín để tìm lối đi. Cứ thế, lâu lâu, người đi sau thay người đi trước, đổi nhau nhiệm vụ. Người thì tập trung xác định hướng, người thì phụ trách lương khô, nước uống cho đoàn.

Tôi bỏ mặc sự nghi vấn của những người trong đoàn về khả năng đi rừng của mình, cứ thế đi theo đúng nhịp của cả đoàn. Qua vài nhánh suối nhỏ, lối chúng tôi đi là những cánh rừng rậm rạp cây, không thấy lối mòn. Lắm lúc chúng tôi như bị lạc hướng giữa lưng chừng dãy núi dựng đứng. Những lúc ấy, chúng tôi lại di chuyển theo kiểu cua bò ngang để thay đổi hướng. Mỗi người di chuyển từng bước chân, giữ cân bằng cho cơ thể mới có thể di chuyển. Đồng thời với việc di chuyển từng bước chân thì hai bàn tay phải túm lấy các cành cây, lá rừng.

Đôi lúc tôi nói đùa: “Các anh có thử thách khả năng đi rừng của nhà báo không mà chọn lối đi khó thế?”. Dăm ba câu chuyện qua lại của các thành viên trong đoàn, khiến cuộc hành trình của chúng tôi như bớt khó khăn. Đôi chân di chuyển được vài giờ bắt đầu thấy nặng nề, đau ê ẩm, hai lòng bàn tay lún phún gai nhỏ bám đau nhức. Những chiếc áo của các anh kiểm lâm chuyển màu vì mồ hôi ướt sũng. Cứ thế, chúng tôi rướn người về phía trước, đôi tay nặng nhọc tìm vị trí để có điểm tựa đẩy từng bước chân. Thỉnh thoảng chúng tôi tìm được điểm tựa chênh vênh trên lùm cây rừng bị ngã đổ, nghỉ dăm ba phút để uống ngụm nước.

Chúng tôi cứ đi trong im lặng để giữ sức, gần trưa mới tiếp cận được điểm rừng bị lâm tặc đốn hạ cây thuộc xã Sơn Hà. Những thân gỗ to còn ngổn ngang, những lát cắt sắc gọn, anh Nguyễn Đức Hiệp bùi ngùi: “Mỗi cây gỗ bị kẻ xấu chặt hạ có phần trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm chúng tôi. Lực lượng mỏng, địa hình phức tạp ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo vệ rừng của kiểm lâm. Vì vậy, chính quyền địa phương cùng ngành chức năng đã và đang thực hiện tuyên truyền đến từng người dân ở từng bản về trách nhiệm, giá trị, ý nghĩa của việc cùng tham gia bảo vệ rừng”.

Những gốc cây bị đốn hạ được cán bộ kiểm lâm ở đây ghi chép, báo cáo chi tiết đến ngành chức năng. Hình ảnh thực tế cây rừng bị chặt phá được lưu giữ lại. Mọi công việc diễn ra nhanh chóng để kịp xuống núi trước khi trời tối.

Chúng tôi rời cánh rừng theo một con đường khác, không rậm rạp nhưng lại có đất mùn càng khó khăn cho việc di chuyển. Các anh kiểm lâm trong đoàn nhắc nhở đây là cánh rừng có nhiều vắt. Tranh thủ độ dốc xuống núi, chúng tôi cố gắng đi nhanh hơn để tránh sự đeo bám của lũ vắt đang bật nhảy tanh tách. Ra khỏi cánh rừng, đoàn người theo con suối để về bản. Cảm giác bình yên đến lạ bên dòng thác nhỏ tựa vào cánh rừng. Uống ngụm nước suối mát ngọt, làn gió trong lành như xóa tan hết nhọc nhằn trong tôi. “Tuần rừng vất vả, nhưng vẻ đẹp của hoa rừng, của thiên nhiên như tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”- một kiểm lâm viên trong đoàn chia sẻ.

Quá trưa, gần về đến bản, có gì đó phía sau lưng ngứa nhẹ, tôi đưa tay phía sau lưng tự kiểm tra thì có cảm giác nhầy nhầy, tôi thét lên vì biết bị vắt bám vào. Một con vắt đã căng bụng, tròn vo đang bám chặt ở ngang lưng, tôi kéo áo, nhờ một kiểm lâm dùng lá cộng sản (một loại lá cây rừng) ven suối đè lên con vắt, dùng tay kéo mạnh ra.

Sau nhiều năm, tôi gửi kèm dòng ký ức cùng những hình ảnh trong chuyến công tác ngày ấy như thêm một lần cảm ơn các anh kiểm lâm đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Với các anh, có lẽ đó là chuyến đi bình thường, nhưng với tôi, đó là ký ức khó quên, không phải vì sự khó nhọc của cuộc hành trình, mà là những ánh mắt trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm huyện Quan Sơn trong lần tuần rừng năm ấy.

Hoàng Lam
(PV Báo Tiền Phong tại Thanh Hóa)
 

 

 

Các tin khác:
  • Báo chí đang tự tay giết chết niềm tin nơi độc giả? (07/08/2017-7:36)
  • Làm nghề là phải biết “dấn thân” (04/08/2017-18:11)
  • “Gần 50 tuổi vẫn thích làm phóng viên” (04/08/2017-18:04)
  • Nghề báo: Vinh quang và tai vạ (03/08/2017-10:35)
  • Nỗi niềm phía sau trang báo (28/07/2017-15:09)
  • Tầng thông tin thứ hai trong phỏng vấn truyền hình (19/07/2017-8:31)
  • Đã chọn nghề thì phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể (12/07/2017-14:52)
  • Tôi mở hướng mới trên nền cũ như thế nào? (07/07/2017-7:47)
  • Hành trình cho những ký sự (06/07/2017-15:07)
  • Báo chí in trong môi trương hội tụ truyền thông (05/07/2017-9:47)