Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nỗi niềm phía sau trang báo (28/07/2017-15:09)
    Đằng sau những tác phẩm báo chí thành công, thu hút độc giả, có nhiều tác động tới xã hội là nhiều câu chuyện cuộc sống đa chiều, chất liệu cuộc sống phong phú cho những phóng viên biết nắm bắt thông tin.

Nhà báo Trung Kiên và nhà thơ Trần Đăng Khoa trong một chuyến tác nghiệp.

Những góp nhặt của đời sống, thân phận con người, suy nghĩ trăn trở của nhân vật hay nhà báo… là những trải nghiệm, thậm chí tác động đến niềm tin, cách làm nghề của người viết. Nhà báo Kiên Trung- Báo Điện tử Vietnamnet, đã “tiết lộ” với Báo NB&CL về hậu trường phóng sự “Núi rác thải y tế chềnh ềnh giữa làng ung thư” mà anh cùng đồng nghiệp Đỗ Thúy Hạnh (Thúy Hạnh) đã thực hiện- tác phẩm vừa giành giải B, Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI. 

1. Theo Nhà báo Kiên Trung, cơ duyên để anh cùng đồng nghiệp Thúy Hạnh thực hiện phóng sự “Núi rác thải y tế chềnh ềnh giữa làng ung thư” lại đến từ một câu chuyện tưởng chừng không mấy liên quan: “Một ngày khoảng tháng 3, tháng 4/năm 2016, có bạn đọc gọi đến Đường dây nóng. Anh ấy nói về vụ việc vợ anh ấy oan sai, đang thụ án. Tôi lần lữa rất nhiều ngày, rồi cuối cùng không thể lần lữa nữa, về Bắc Ninh. Đó là người đàn ông nhỏ bé, trung tuổi, tóc muối tiêu. Anh trung thực, mình khẳng định điều đó qua vài điều anh nói. Khi câu chuyện mới ở giai đoạn ban đầu, nghĩa là tôi cũng dự liệu là về gặp anh để thực hiện đúng lời hứa, còn sau đó, nếu vấn đề có thể phản ánh được, sẽ làm! Chưa kịp vào câu chuyện chính, anh buột miệng nói, gần nhà anh có một núi rác thải y tế khổng lồ. Như có ai đó thì thầm bên tai, tôi bảo anh cho cậu con trai đưa ra đó trước. Và rồi, nhiều lần sau đó tôi quay lại…”.

Phóng sự “Núi rác thải y tế chềnh ềnh giữa làng ung thư” được thực hiện tháng 8/2016 phản ánh sự việc các hộ dân thu gom rác thải của một loạt các bệnh viện trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… về tập kết tại làng nghề tái chế Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh. Anh đã tiếp cận “núi” rác thải y tế được tập kết ở khu vực bãi rác thải sinh hoạt của làng. Những đống vỏ chai thuốc, ống truyền dịch, chai đạm… được vứt bỏ lộ thiên xếp cao như núi. Làng nghề tái chế Văn Môn nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm, độc hại của tỉnh Bắc Ninh và cũng là làng nghề ô nhiễm bậc nhất Việt Nam, với các xưởng cô nhôm xả khói bụi gây ô nhiễm đời sống của người dân địa phương. Rất nhiều người dân tại đây đã mắc bệnh ung thư, và khốn khổ với căn bệnh này.

2. Nhà báo Kiên Trung kể : Khi hoàn thành loạt bài, tôi có hứa với cha con anh ấy, là sẽ làm câu chuyện oan sai của vợ anh một cách hết khả năng, và nhờ các đồng nghiệp cùng vào cuộc, như là một sự đền ơn, vì nhờ có câu chuyện buột miệng của anh, mới biết thông tin đó. Sau rồi, anh em qua lại thân tình như anh em ruột. Các con của anh, dù đã có gia đình, đều gọi tôi bằng chú. Có những lúc, tôi cũng lo lắng cho mấy bố con anh ấy, vì giờ giấc vô tội vạ không giống ai: làm việc cả đêm, và ngủ gần như cả ngày. Anh và mấy đứa con, cả ruột cả rể, sống ở làng nghề rất đỗi tài hoa, mấy cha con đều là Trạng trong lĩnh vực đầy nghệ thuật: trạm trổ, đục đẽo đồ mỹ nghệ. Cha con anh sống bằng nghề làm lồng chim cảnh. Tiền thu được, ngoài việc trang trải, phần lớn để lo đi kêu oan cho vợ, cho mẹ! Người đàn ông ấy, đã có lúc cầm trong tay vài chục tỷ đồng; đã có thời điểm, bằng sự nhạy cảm, mua đi bán lại một mớ hàng thanh lý là máy biến áp điện lực thải ra, anh bỏ túi cả trăm triệu bạc chỉ trong vài giờ đồng hồ…

Và đứa con trai duy nhất, đã biết cầm vô lăng xe từ khi còn học cấp 2. Gia đình trong cơn bĩ cực, sự thay đổi toàn bộ cuộc sống, nhịp sinh hoạt… là điều hoàn toàn dễ hiểu. Anh ấy bám trụ nhiều năm trời, mất tất cả cơ nghiệp, và trắng tay… Nhưng, cái duy nhất cha con anh còn, đó là niềm tin, và sự hy vọng! Tôi thi thoảng vẫn gọi về cho bố con anh, hỏi thăm tình hình, vừa động viên an ủi, vừa cứng rắn dọa dẫm… để bố con anh giữ được nhịp sống. Người tù tội oan sai, nhưng, con anh, cháu anh, bản thân anh vẫn cần phải sống! Rồi, vì công việc, từ đầu năm tới giờ tôi có ít gọi về hỏi thăm cha con anh. Mươi ngày trước, alo cho cậu con trai tài hoa và hiếu thảo của anh, nó bảo, bố cháu đã không còn kiên nhẫn được nữa. Anh ấy đã rời khỏi ngôi nhà mà bố con anh ấy thuê mướn, nơi cha con anh ấy nhốt niềm hy vọng… Con trai anh nói, hình như bố cháu đã bỏ đi, và có cuộc sống mới với ai đó… Cảm giác đắng ngắt cổ họng. Định bụng gọi cho anh. Nhưng nghĩ lại, lại thôi. Niềm hy vọng, thứ duy nhất mà anh còn, cuối cùng cũng đã rời bỏ anh. Lỗi của ai? Không của ai cả. Tôi nghĩ, có thể, vì nó là một thứ vô hình, nên không ai buộc được.

Không chứng kiến, nhưng trong hình dung, có thấy được cảnh anh cặm cụi cả đêm, dùng đầu mỏ hàn điện khắc lên thân con trâu gỗ – món đồ cũ tôi mua lại của một ông đồng nát. Anh bảo, ai lại để nó xấu xí, gãy sừng như thế… Tôi mang con trâu gãy sừng về nhà anh nhờ anh gắn lại cặp sừng mới. Xong xuôi tất cả, anh cặm cụi vẽ lên mình con trâu dòng chữ, đại loại là những điều tốt đẹp cho một năm mới… Khi xuống nhận, buột miệng bảo, sao anh lại làm thế. Tôi ân hận đến giờ, khi hiểu ra, người đang sống bằng niềm hy vọng, đã trao cho mình những điều hy vọng, thứ tài sản cuối cùng mà anh còn! Có thể, anh và các con anh sẽ đọc được những dòng này. Có thể, cha con anh không vui… Có thể…

Nhưng, như dòng chữ anh cặm cụi vẽ trên thân con trâu đêm cuối năm nào, tôi muốn, niềm tin và sự hy vọng, sẽ lại về với anh, như dòng chữ anh đã vẽ lên con trâu gãy sừng màu vàng mà anh sửa lại cho em… Bởi vì, em- tôi cũng giống anh. Tài sản lớn nhất mà tôi có, đó là niềm hy vọng!

“10 năm làm báo, Kiên Trung với những loạt bài điều tra, phóng sự mang đậm hơi thở đời sống xã hội. Anh tự nhận xét, mình tâm huyết hơn đối với các vấn đề thời sự, các vấn đề điều tra… để phơi bày những thông tin còn đang được che giấu, để từ đó làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Anh viết phóng sự xã hội, lang thang vùng này vùng khác, vừa khám phá để cho mình những trải nghiệm, từ đó mở rộng lăng kính cho mình, sau đó, có sự rung cảm, chia sẻ… để truyền những cảm xúc đó sang người đọc qua tác phẩm. Còn điều tra, đó là cảm giác của một người thích khám phá, phải làm xiếc trên một sợi dây, nó cho mình sự tỉnh táo, tập trung, lạnh lùng khi kiếm tìm sự thật” – Nhà báo Ngô Xuân Lộc.

Theo Linh Linh/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Tầng thông tin thứ hai trong phỏng vấn truyền hình (19/07/2017-8:31)
  • Đã chọn nghề thì phải chấp nhận khó khăn trong tinh thần thoải mái nhất có thể (12/07/2017-14:52)
  • Tôi mở hướng mới trên nền cũ như thế nào? (07/07/2017-7:47)
  • Hành trình cho những ký sự (06/07/2017-15:07)
  • Báo chí in trong môi trương hội tụ truyền thông (05/07/2017-9:47)
  • Giải báo chí Trần Mai Ninh: Ngày càng tạo sức hút, sự lan tỏa (29/06/2017-10:18)
  • Tương lai của nghề báo (28/06/2017-9:36)
  • Dấn thân đến đâu, chừng mực thế nào? (28/06/2017-9:33)
  • “Đứng ở vành đai an toàn, góc nhìn của bạn chỉ là một chiều” (26/06/2017-10:03)
  • Một người làm báo luôn cần định hướng rõ ràng cho người đọc (26/06/2017-10:01)