Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Một người làm báo luôn cần định hướng rõ ràng cho người đọc (26/06/2017-10:01)
    “Tôi chỉ đơn giản là một người thích đi và thích viết. Nghề báo đã chọn tôi và khi tôi dành trọn vẹn thời gian cho nó, phần thưởng là những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ đầy cảm hứng. Càng đi nhiều, tôi lại càng viết nhiều và ngược lại. Tôi trong 6 năm làm báo quen thuộc là một cậu PV đeo ba lô, đội mũ phớt, ôm chiếc máy ảnh cùng cuốn sổ ghi chú đứng bên mép thảm đỏ - nơi các minh tinh, tài tử trong những bộ đồ lịch lãm, lộng lẫy đang tươi cười tạo dáng trong tiếng hò reo của người hâm mộ xung quanh”. Nhà báo Mai Như Ngọc (Ngọc Nick M) tự phác họa như thế về mình, trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo& Công luận.

+ Quả thật, rất nhanh, cái tên Ngọc Nick M đã được chú ý?

– Sau hai năm, những bài viết của tôi được độc giả đón nhận, uy tín cũng dần được tạo dựng và VnExpress trở thành tờ báo có mục Điện ảnh đứng đầu với nhiều bài viết chất lượng, đem lại khối lượng thông tin dày và thú vị về thế giới phim ảnh cho người đọc. Tất nhiên một mình tôi sẽ không thể làm được điều đó. Tôi may mắn có người sếp đầu tiên – chị Mai Liên, cựu trưởng ban Văn hóa và nay là Thư ký tòa soạn của VnExpress. Chị Liên dạy cho tôi về tư duy báo chí và tin tưởng, tạo cơ hội cho tôi phát triển mảng Điện ảnh theo ý của mình. Tôi cũng tập hợp một đội ngũ CTV là nhiều cây viết trẻ, yêu thích điện ảnh như tôi và cùng tạo dựng “thương hiệu” cho mục qua các bài phân tích, bình phim.

Những năm tháng ở VnExpress đã cho tôi nhiều trải nghiệm và cả sự thay đổi, trưởng thành dần lên cả về tính cách lẫn lối văn phong, tư duy làm báo. Tôi được “huấn luyện” cho một tư duy viết báo phải khách quan, không sa đà vào cảm xúc cá nhân mà phải đưa được những thông tin có giá trị. Chính vì vậy trong các bài viết của mình, đặc biệt là điểm phim, tôi vẫn luôn sử dụng một cái nhìn tổng thể, phân tích ở một góc nhìn thực tế, có tính khơi gợi dựa vào các chi tiết và thông tin xác thực. Với các bài PV nhân vật, tôi cố gắng đưa đẩy làm sao nhân vật tự kể câu chuyện của họ, tự bộc lộ cá tính qua các vấn đề gợi mở chứ không đưa họ đi theo một con đường mình vạch ra sẵn. Tôi vẫn nghĩ thế mạnh trong các bài viết của mình là sự khơi gợi và tính cân bằng, khách quan.

+ Anh thậm chí đã có cơ hội tác nghiệp tại nhiều sự kiện điện ảnh quốc tế?

– Lúc đó, VN là một thị trường điện ảnh rất tiềm năng với các hãng phim nước ngoài. Họ bắt đầu mời PV VN ra nước ngoài tham dự các sự kiện quốc tế như ra mắt phim, LHP, gặp gỡ và phỏng vấn các ngôi sao Hollywood trên thảm đỏ. Và mỗi lần như vậy, họ lại chọn PV của những tờ báo đang đứng đầu về mảng điện ảnh. Cơ hội đến và tôi nắm bắt nó để được ra khỏi không gian nhỏ bé của thị trường phim trong nước, để được trải nghiệm nhiều hơn qua những cuộc gặp gỡ, những lần tác nghiệp giữa hàng trăm PV quốc tế.

http://congluan.vn/wp-content/uploads/2017/06/58.2.jpg

+ Không học về báo chí, lại viết về một đề tài chuyên sâu như điện ảnh, thuở ban đầu, với anh chắc hẳn không ít khó khăn?

– Phải nói thế này, tôi không học về báo chí nên trong thời kỳ đầu làm báo, tôi khá là “ngây thơ” với một cách nhìn hoàn toàn khác so với số đông. Các bạn học về báo có thể có một định hướng rõ rệt hơn về nghề viết. Với tôi, tôi chọn không theo số đông một phần cũng là vì sở thích, và may mắn là sở thích của tôi thời điểm đó lại là số ít. Tôi mê các bộ phim từ bé và sau này khi có mạng xã hội (Blog 360 của Yahoo), tôi bắt đầu tập viết blog, ban đầu là kể lại một bộ phim hay mình được xem, sau đó dần là các phân tích, nhận định của mình về tác phẩm đó dựa theo kiến thức, thông tin mình có được.

Thời kỳ đầu viết về điện ảnh, tôi gần như không quan tâm tới bạn đọc mà chỉ luôn nghĩ là mình thích viết gì, hứng thú gì thì viết thôi. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra rằng một người làm báo luôn cần định hướng rõ ràng cho người đọc. Có thể có một bộ phim mình thích nhưng chưa chắc khán giả thích, nên mình phải viết sao cho thật khách quan. Làm báo mạng, để mà không chạy theo nhu cầu bạn đọc là một chuyện rất khó bởi pageviews vẫn là những con số cụ thể nhất để làm thước đo về độ quan tâm của độc giả với tờ báo. Tôi xây dựng mục điện ảnh của mình vẫn theo nhu cầu bạn đọc nhưng không phải là tất cả. Tôi quan niệm người làm báo không thể chỉ chạy theo trào lưu số đông mà còn phải định hướng cho độc giả.

Chính vì vậy, bên cạnh những tin bài phục vụ nhu cầu quan tâm của độc giả về một vấn đề nào đó, tôi vẫn luôn cố gắng cân bằng, xây dựng những chủ đề mới để giới thiệu tới người đọc. Ví dụ như một bộ phim châu Âu có thể ít được quan tâm hơn một bom tấn Hollywood. Nhưng nếu đó là một bộ phim hay, một bộ phim có giá trị nghệ thuật cao, nó xứng đáng được giới thiệu. Đó là lối làm việc của tôi trong suốt 6 năm ở VnExpress và phụ trách mảng điện ảnh.

+ Có lẽ nhờ vậy những bài viết của anh về điện ảnh Việt Nam luôn có những góc cạnh rất riêng, thậm chí gai góc?

– Bản thân tôi cũng là một người theo dõi rất kỹ về điện ảnh VN nên tôi đủ lý lẽ, đủ tỉnh táo để nhận định được những vấn đề của nó. Ở những năm làm báo đầu tiên, tôi có phần hiền và ngại va chạm. Với điện ảnh trong nước, tôi luôn có một sự ủng hộ nhất định dù bộ phim đó thế nào đi chăng nữa. Nhưng càng về sau, tôi nhận thấy rằng nếu báo chí chỉ đánh bóng và phủ một lớp sương mù qua từng bộ phim thì điện ảnh nước nhà sẽ rất dễ mắc những ảo tưởng, khán giả thì sẽ ngày càng mất lòng tin hơn. Chính vì vậy, tôi dần thay đổi trong những bài viết về điện ảnh Việt. Tôi không cố gắng chỉ trích hay nhặt từng tí “sạn” với các bộ phim dở bằng những ngôn từ nặng nề mà vẫn luôn tìm ra một điểm mới, một điểm tích cực để phân tích. Nhưng song song với đó, tôi sẽ chỉ ra một cách thực tế nhất những điểm chưa được của bộ phim đó để các nhà làm phim buộc phải tỉnh táo, nhận thức được chất lượng tác phẩm của mình đến đâu. Khi phân tích, tôi cố gắng tạo sức nặng cho bài viết của mình ở các chi tiết và kiến thức thực tế chứ không bằng ngôn từ.

Cái đầu tỉnh táo và hết lòng với công việc, thành công sẽ tới

+ Dường như thế hệ trẻ sau anh cũng bắt đầu học cách làm báo của anh?

– Tôi rất vui bởi hiện nay, nhiều tờ báo đã quan tâm hơn đến mảng điện ảnh, PV theo dõi ngày một tăng lên. Và họ cũng có rất nhiều ý tưởng mới trong việc phát triển, kết nối với bạn đọc. Nhiều thế hệ PV điện ảnh sau tôi cũng bắt đầu được tham dự các sự kiện quốc tế, được ra nước ngoài nhiều hơn, được gặp gỡ nhiều hơn. Một cơ hội thực sự tuyệt vời để trải nghiệm ở một môi trường phong phú hơn, chia sẻ và học hỏi nhiều hơn kinh nghiệm tác nghiệp với các PV quốc tế. Tôi tin là chỉ cần giữ được một cái đầu tỉnh táo, nhận thức được những gì mình đang làm và hết lòng vì nó thì thành công sẽ tới.

http://congluan.vn/wp-content/uploads/2017/06/58.3.jpg

Dừng lại để đi tiếp, đi xa

+ Đang thành công, anh bất ngờ quyết định tạm ngưng làm báo, đi học tiếp ở nước ngoài. Lý do nào đã khiến anh quyết định dừng lại và chuyến du học về truyền thông có mang đến cho anh nhiều kỳ vọng?

– Không thể phủ nhận rằng sự tác động của việc câu view theo hướng giật gân trong báo chí hiện nay ảnh hưởng một phần tới quyết định dừng lại của tôi.

Về phần mình, đang có một công việc tốt ở VnExpress, được thả sức cống hiến cho mảng điện ảnh nhưng tôi vẫn quyết định dừng lại vì bản thân mình muốn thay đổi. Càng đi nhiều, tôi càng thấy cần phải học hỏi thêm. 6 năm là một quãng thời gian đủ dài để tôi tạm kết thúc một hành trình, bắt đầu cho một hành trình mới. Tôi muốn học thêm ngành truyền thông để có thêm những kiến thức về lĩnh vực này. Về lâu về dài, tôi muốn Việt Nam thực sự có được một cộng đồng về lý luận phê bình điện ảnh. Khán giả Việt Nam sẽ đón nhận những bộ phim độc lập, có giá trị nghệ thuật nhiều hơn là chỉ quan tâm tới các phim giải trí. Cộng đồng phim độc lập Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để đưa những câu chuyện của mình lên màn ảnh và tiếp cận được với đại chúng. Đó là những mong muốn của tôi trong một hành trình mới với nghề viết.

+ Môi trường báo chí các nước điện ảnh phát triển mạnh rất khác xa so với VN. Anh nghĩ mình có cơ hội tương tác với họ khi đi học ở nước ngoài không?

– Khi đi học nước ngoài, tôi sẽ có nhiều trải nghiệm ở một môi trường điện ảnh và báo chí mới, khác xa với những gì mình từng biết ở VN. Tôi rất háo hức và muốn được khám phá nhiều hơn về cuộc sống của những PV quốc tế, tư duy và lý tưởng của họ khi theo nghề báo, nghề phê bình phim. Tôi nhận thấy sự khác biệt rất lớn trong cách tư duy thông tin cũng như việc truyền tải nội dung thông tin qua một bài báo. Được biết thêm về các kỹ năng tác nghiệp của PV quốc tế là điều rất quý giá với tôi.

+ Xin cảm ơn anh!

Theo Nga Linh/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Dưỡng khí của nghề báo (24/06/2017-6:46)
  • Về sự tồn vong của báo in trước cơn bão tin học (24/06/2017-6:42)
  • Công phu nghề báo (22/06/2017-15:41)
  • Cháy hết mình cho những ước mơ… (20/06/2017-10:23)
  • Để nghề thêm cao quý (19/06/2017-7:57)
  • Hãy để phát thanh là chính phát thanh (05/06/2017-20:08)
  • Tôi làm phóng sự về chợ “Người” (02/06/2017-15:11)
  • Nghề báo và hành trình đi tìm nhân chứng (01/06/2017-16:17)
  • Khi nhà báo nhét chữ vào mồm người khác (26/05/2017-13:11)
  • Đề tài hoặc vấn đề là quyết định (24/05/2017-9:37)