Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nghề báo và hành trình đi tìm nhân chứng (01/06/2017-16:17)
    (NLBTH) - Đối với nghề báo, viết về mảng lịch sử, ngoài việc tìm hiểu thực tế, nghiên cứu, tra cứu, thì một việc vô cùng quan trọng là đi tìm nhân chứng cho những câu chuyện của mình.
Nhà báo Mai Hương và “hành trình” cùng nhân chứng (Ảnh do tác giả cung cấp)

Nhân chứng chính là những “pho sử sống”, mà thiếu họ thì giống như thiếu đi một phần sự thật của lịch sử.

Lại nói về các “pho sử sống”, hầu hết toàn các cụ gần đất xa trời. Tuổi ấy thì mới kinh qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. Mỗi lần viết, tìm các cụ cũng “ốm đòn”, vì có khi các cụ theo con cháu nên chuyển nơi ở, có khi các cụ rời phố thị về quê cho nó yên tĩnh, và cũng có khi các cụ trái gió trở trời đang nằm trong bệnh viện, hay về giời rồi mà không biết. Không hiếm những lần được giới thiệu tên nhân chứng, tôi sục sạo khắp, có người mách cho cái địa chỉ nhà, tìm đến thì cụ vừa về cùng tiên tổ được vài tháng! Có cụ vừa phỏng vấn tuần trước, tuần sau đã vội quy tiên, làm sao tránh được chuyện của ông trời. Nhưng mà cũng “kên kến” mỗi khi đi gặp nhân chứng, sợ thành cái dớp, người ta cứ thấy mình hỏi thăm cụ nào, thì cụ ấy lại sắp sửa lên đường sang...  thế giới bên kia, thì hoang mang, ái ngại lắm! Có khi nhìn cái mặt mình họ lại liên tưởng thần chết đến gõ cửa, rồi quy chụp mình xúi quẩy, đem vận đen đến thì gay to. (Cũng hên là sau bao năm đi “truy lùng” nhân chứng, dẫu không may các cụ về trời sau cuộc gặp, thì cũng chưa thấy ai đuổi hay đánh mắng mình cả, mà thường là khi các cụ đi rồi, người nhà liên hệ để xin cái phim có hình cụ phát biểu để gia đình con cháu làm kỷ niệm. Thì lại nhân đó mà được thắp nén tâm nhang cho cụ).

Nhưng mà nói thật, cánh nhà báo viết lịch sử hay phỉ phui cái mồm lắm, nghe tin cụ nhân chứng vừa mất, có khi lại “úi chà, may quá”, vì vừa phỏng vấn được cụ xong, chứ nếu chưa kịp thì cụ đi rồi ai mà kể cho con cháu nghe! Về cơ bản, các cụ thường rất vui khi gặp phóng viên, nhà báo để mà kể lại những hồi ức đẹp về chiến tranh, về cuộc sống thuở xưa, mà đôi khi hàng ngày cũng chẳng mấy ai quan tâm để ý tới, nhưng nó lại là những dữ kiện quan trọng của khoa học lịch sử, là chi tiết hay của báo chí. Thế nhưng không khéo là các cụ rất dễ phật ý. Có cụ tìm đến bở hơi tai mới đến được nhà, nhưng nhất quyết không cho quay hình phỏng vấn gì sất, chỉ vì một lý do: lần trước chả biết nhà báo nào gặp cụ khai thác thông tin, cụ kể rất đầy đủ rõ ràng, về đăng phát lại cắt cụt đi chả đâu vào đâu cả, hỏng hết câu chuyện. Cụ bảo: cắt cụ đi như thế là không tôn trọng cụ, nên cụ giơ thẻ phạt cho chừa!

Gặp gỡ nhân chứng cũng lắm chuyện cười ra nước mắt. Có cụ là nhân chứng rất quan trọng, nhưng đeo máy trợ thính, khi phỏng vấn phóng viên phải la hét om sòm một hồi mà vẫn chả ăn thua, ai qua cứ tưởng con cháu cãi cụ hay cụ mắng mỏ con cháu. Lại phải dở mẹo viết chữ to ra tờ giấy cho cụ đọc để biết nội dung mà trả lời. Có cụ nhớ nhớ quên quên, hỏi đáp vòng vo tam quốc cả buổi không ghi được gì, đang định cuốn máy xin phép ra về thì cụ “à” một tiếng đầy hào hứng, chưa kịp lắp lại máy cụ đã kể ra rào rào toàn chuyện hay, toàn thông tin quan trọng. Lắp máy xong bảo cụ kể tiếp thì cụ lại quên té mất rồi! Lại nữa, có cụ được hỏi chạm đúng mạch nguồn kỷ niệm, “nướng” điện thoại của phóng viên luôn hai tiếng đồng hồ không thương tiếc. Thế là tiền nhuận bút bài báo vừa vào việc trả tiền điện thoại. Ấy vậy mà vẫn vui và vô cùng cảm ơn vì cụ đã giúp hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cái “công cuộc” đi tìm nhân chứng, dù khó khăn nhưng nếu say nghề đôi khi lại gặp duyên may. Có lần tôi về một địa phương, nhờ lãnh đạo xã giúp tìm cho một số cụ đã từng tham gia giúp đỡ bộ đội hải quân thời chiến tranh, để giới thiệu cho Quân chủng Hải quân trao quà tri ân. Vì không muốn mất thời gian của mình hay sao đó, lãnh đạo xã trả lời: “Những người ấy hoặc đã chết, hoặc đã chuyển đi nơi khác ở hết rồi. Với lại hồi ấy “bay tôi” chưa ra đời thì làm sao mà biết được”!!! Đến thăm nhà một cán bộ quân đội trên địa bàn, tôi dò hỏi mẹ anh ấy thì bất ngờ bà giới thiệu cho một loạt nhân chứng. Trời nắng chang chang, bà cắp nón đi mời từng người đến nhà để tôi quay hình, phỏng vấn. Việc tôi tìm ra nhân chứng chắc chắn sẽ khiến mấy vị lãnh đạo kia xấu hổ vì thờ ơ với người có công, thờ ơ với lịch sử hào hùng của quê hương. Thật đáng buồn cho những vị lãnh đạo tuy chưa xa thời chiến tranh là mấy, nhưng đã lãng quên quá khứ!

Trong bộ phim tài liệu “Người Hàm Rồng ” do Xưởng phim quân đội sản xuất thời chiến tranh có một số cảnh quay đặc biệt ấn tượng. Đó là hình ảnh cô dân quân Ngô Thị Tuyển vác hai hòm đạn có trọng lượng nặng gấp đôi cơ thể băng qua mưa bom để tiếp ứng cho bộ đội chiến đấu, hình ảnh o dân quân bé nhỏ dẫn tên giặc lái đi qua cầu Hàm Rồng. Tôi lục lọi khắp các sách báo, không chỗ nào nói sự kiện Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Thị Tuyển vác hai hòm đạn diễn ra vào ngày tháng năm nào, và thước phim có hình ảnh cô Tuyển vác đạn thường được khai thác để chiếu đi chiếu lại trong dịp kỷ niệm Hàm Rồng chiến thắng hàng năm là quay hiện thực hay phục dựng lại, cũng không ai biết.

Tôi đã tìm gặp cô Tuyển để hỏi thì cô cho biết, chuyện cô vác hai hòm đạn chính xác diễn ra vào ngày 26 - 5 - 1965, trong trận đánh hiệp đồng giữa dân quân Nam Ngạn Hàm Rồng với bộ đội cao xạ và Hải quân trên sông Mã để chống trả máy bay Mỹ. Cô còn chỉ cho tôi đích xác vị trí triền đê mà cô vác hai hòm đạn băng qua. Còn hình ảnh trong phim là sau này Xưởng phim quân đội dựng lại chứ không phải trực tiếp quay trong trận chiến đấu ấy.

Tôi không biết ê - kip làm phim Người Hàm Rồng thời ấy những ai còn, ai mất, dò hỏi thì có người nói là có bác hy sinh, có bác mất tuổi già. Thế nhưng một lần ra nhà bác ruột tôi ở Hà Nội chơi, tôi gặp một cụ già dáng quắc thước, giọng nói hào sảng và cách nói chuyện rất trí tuệ. Bác tôi khoe: Đây là ông Lê Lâm, đạo diễn phim Người Hàm Rồng quay ở Thanh Hóa quê mình đấy. Tôi mừng húm vì gặp được nhân chứng sống bấy lâu tìm mãi không thấy. Và năm ấy tôi đã mời được ông về tận Hàm Rồng để quay hình.

Về đến Thanh Hóa, ông Lê Lâm ngỏ ý được gặp lại những nhân vật mình đã quay phim thời ấy, hình ảnh quay về họ đã giúp bộ phim đoạt giải vàng tại Liên hoan phim Quốc tế. Ông chỉ nhớ tên cô Tuyển, còn cô gái dân quân dẫn tên giặc lái qua cầu Hàm Rồng, khi ấy ông chưa kịp biết tên. Trước đó, chính tôi cũng đi dò hỏi khắp nơi để tìm “o du kích nhỏ” ấy, ngay cả nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nhà văn Lê Xuân Giang là những cựu chiến binh lâu năm của Hàm Rồng, viết sử về Hàm Rồng cũng không biết. Một hôm có người đồng nghiệp của tôi bảo: Một người bạn khi xem trên ti vi thấy phát đoạn phim o du kích nhỏ dẫn tên giặc lái, trông khá giống mẹ mình nên muốn xin đoạn phim ấy về để xem. Linh tính mách bảo, tôi tìm về nhà anh bạn ấy thì gặp bà mẹ dáng người nhỏ nhắn,  gương mặt tuy già nhưng nét giống hệt o dân quân trong phim của đạo diễn Lê Lâm. Hỏi chuyện thì bà kể rất chính xác sự kiện dẫn tên giặc lái qua cầu Hàm Rồng. Bà chỉ nhớ hôm ấy thấy có máy quay phim hướng về phía mình, nhưng không hề biết những thước phim đó được chiếu đi chiếu lại trên truyền hình suốt gần nửa thế kỷ qua.

Khi đạo diễn Lê Lâm nhắc đến “o du kích nhỏ” đã đi vào phim của mình như một biểu tượng hiên ngang dũng cảm của người Việt Nam trước kẻ thù xâm lược, tôi đã về xã Hoằng Anh bên kia sông Mã mời bà Lê Thị Thảo chính là o du kích ấy, và sắp xếp một cuộc hội ngộ bất ngờ, thú vị giữa đạo diễn Lê Lâm với bà Thảo, bà Tuyển trong một chương trình truyền hình trực tiếp do Đài PTTH Thanh Hóa tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm Hàm Rồng chiến thắng.

Và thêm một câu chuyện hội ngộ bất ngờ nữa giữa các nhân chứng mà tôi là người có cơ duyên kết nối. Đó là vào dịp tôi đi làm phim kỷ niệm 50 năm Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa. Vào Quảng Nam, tôi tìm được anh Phan Đức Tám chính là người đã cứu ông Trịnh Đăng Bưởi (Tỉnh đội phó Thanh Hóa tăng cường cho Quảng Nam thời ấy) và một cán bộ cách mạng của Quảng Nam khỏi sự vây ráp của kẻ thù trong một trận càn khốc liệt. Tôi hỏi người cán bộ Quảng Nam ấy là ai, anh Tám không biết. Khi ra Đà Nẵng thăm ông Nguyễn Thành - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - ông Thành kể lại câu chuyện cùng người đồng đội Trịnh Đăng Bưởi thoát hiểm nhờ sự cứu giúp của một cậu bé 10 tuổi, nhưng sau này không biết cậu bé ấy ở đâu, lớn lên làm gì. Tôi đã giúp ông gặp lại anh Phan Đức Tám, cậu bé ân nhân của ông. Ngay chính tại địa phương, ở không cách xa nhau là mấy nhưng suốt bao năm trời họ vẫn không có dịp gặp nhau.

Vậy đấy, không chỉ  những nhân chứng làm nên lịch sử mới có những câu chuyện cuộc đời giàu cảm xúc, mà ngay cả những người làm báo trong quá trình tìm tòi, khai thác thông tin, cũng có cơ duyên tạo nên sự bất ngờ, thú vị cho cuộc đời, để những câu chuyện lịch sử không khô khan nhàm chán với những sự kiện và con số, mà luôn sống động và cuốn hút với cả người trong cuộc lẫn khán giả. Dù nghề khó và khổ, nhưng chúng tôi, những người làm báo viết về lĩnh vực lịch sử luôn cảm thấy mình giàu có bởi đầy ắp những trải nghiệm, và không những thế còn góp phần làm nên những cuộc hội ngộ bất ngờ giữa các nhân chứng, để cuộc đời có thêm những câu chuyện đẹp đẽ, kết thúc có hậu.

Mai Hương

 

Các tin khác:
  • Khi nhà báo nhét chữ vào mồm người khác (26/05/2017-13:11)
  • Đề tài hoặc vấn đề là quyết định (24/05/2017-9:37)
  • Xử lý tin hội nghị, lễ tân theo hướng đúng, trúng, hiệu quả, hấp dẫn (22/05/2017-6:54)
  • Cần kỹ năng nghề nghiệp và những “ngòi bút nhân văn” (22/05/2017-6:52)
  • “Vũ khí” chủ lực làm nên những giải thưởng Báo chí Quốc gia (19/05/2017-13:26)
  • Tăng cường và đổi mới các chương trình giải trí trên sóng TTV (18/05/2017-11:03)
  • Viết tin, bài hội nghị như thế nào? (16/05/2017-11:51)
  • Truyền hình là một “cuộc trò chuyện phóng to” (16/05/2017-11:46)
  • Tác nghiệp tại nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (11/05/2017-15:28)
  • Người có duyên với giải thưởng (11/05/2017-8:09)