Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Người có duyên với giải thưởng (11/05/2017-8:09)
    (NLBTH) - Nhà báo Minh Thúy (Phòng Chuyên đề - Chuyên mục Đài PTTH Thanh Hóa, ảnh dưới) từng nhiều lần đoạt giải báo chí, gần nhất là Giải A Cuộc thi viết “Công dân kiểu mẫu - Tập thể kiểu mẫu làm theo lời Bác” do Hội Nhà báo Thanh Hóa tổ chức và Giải khuyến khích về đề tài môi trường tại Hội báo toàn quốc 2017.

Người làm báo đã có cuộc trao đổi với Minh Thúy về những vấn đề xung quanh hậu trường nghề báo.  

PV: Cơ duyên nào khiến chị đến với nghề báo?

Nhà báo Minh Thúy: Từ khi còn học chuyên văn ở Trường THPT Chuyên Lam Sơn tôi đã tập viết báo, nhưng không có mấy bài được đăng. Lúc đó, tôi nghĩ làm nhà báo có lẽ rất khó, nhưng tôi vẫn quyết định đi theo con đường khó khăn ấy và nộp hồ sơ thi vào Khoa báo chí, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Đến giờ tôi thấy đó là sự lựa chọn đúng đắn, và thật may mắn là nghề báo cũng đã chọn tôi.

PV: Biết chị đã nhận được nhiều giải thưởng về báo chí, vậy trước khi hoàn thành những tác phẩm đó, chị thường tâm niệm và kỳ vọng những gì?

Nhà báo Minh Thúy: Không chỉ riêng mình tôi, mà có lẽ những nhà báo khác đều nghĩ rằng không ai trước khi đặt bút viết mà nghĩ phải viết để đoạt giải cả. Cái chính là mình viết những gì và gửi gắm những thông điệp gì trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, giải thưởng cũng chiếm một vị trí khá quan trọng, nó cho tôi động lực rất lớn, cho tôi kinh nghiệm, niềm tin và hy vọng để hướng đến tác phẩm chất lượng cao hơn, phục vụ được đông đảo khán giả truyền hình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của xã hội.

PV. Nhiều bài báo của chị viết về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được ấn tượng và đoạt nhiều giải thưởng. Đặc biệt, chị đã giành giải A Cuộc thi viết “Công dân kiểu mẫu - Tập thể kiểu mẫu làm theo lời Bác”. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với chị?

Nhà báo Minh Thúy: Tôi nghĩ rằng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là động lực thúc đẩy niềm say mê trong công việc. Tuyên truyền về chủ đề này vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của những người làm báo đối với Bác kính yêu. Tác phẩm đoạt giải của tôi và ê - kíp thực hiện là tác phẩm phim tài liệu “Cây quế giữa rừng”, kể về cuộc đời có thật mà như huyền thoại của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lò Văn Bường. Ông thực sự là tấm gương sáng học tập và làm Bác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích của cá nhân mình cho tập thể, cho quê hương, đất nước. Cuộc sống bình dị của người anh hùng giữa đời thường luôn thầm lặng nhưng cao quý như một cây quế giữa rừng tỏa ngát hương thơm ở vùng đất nức danh quế ngọc châu Thường. Lần đầu gặp ông khi thực hiện một phóng sự ngắn, tôi cứ trăn trở mãi những câu hỏi: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”? “Làm thế nào để tuyên truyền tấm gương về ông, tuyên truyền một lẽ sống cao đẹp “mình vì mọi người” cho thế hệ trẻ?”. Và 2 năm sau đó, tôi đã quay lại Thường Xuân quê ông để thực hiện bộ phim tài liệu “Cây quế giữa rừng”.  Khi xem bộ phim này, tôi tin các bạn cũng sẽ tìm ra đáp án cho những câu hỏi đó - đó cũng là thông điệp của bộ phim mà chúng tôi muốn truyền tải.

PV: Chị có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để có tác phẩm báo chí chất lượng, được đồng nghiệp đánh giá cao?

Nhà báo Minh Thúy: Nói về kinh nghiệm thì tôi cũng chưa có nhiều. Thực tế tôi cũng đang học hỏi từ những thế hệ nhà báo đi trước, học ở đồng nghiệp và cả thế hệ kế tiếp. Thực sự mà nói, tôi học hỏi được nhiều qua việc “để ý” người khác làm như thế nào.  Tôi nghĩ, để có một tác phẩm báo chí chất lượng, đòi hỏi người làm báo phải có sự đầu tư, đeo bám đề tài. Riêng đối với truyền hình, phải biết tận dụng hình ảnh, âm thanh thể hiện nội dung để tạo được ấn tượng cho khán giả. Hơn nữa, chúng tôi làm việc theo ê - kíp nên phải có sự kết hợp “ăn ý”, khi đi làm thì đặt công việc lên trên hết. Sự đóng góp của mỗi đạo diễn, phóng viên và người quay phim, kỹ thuật viên cùng các thành viên trong ê - kip vào một chương trình truyền hình có thể so sánh như những mảnh ghép làm nên bức tranh đẹp. Chỉ cần một mảnh ghép không đúng thì cả bức tranh sẽ bị hỏng.

Tôi không dám nhận mình “có duyên” với các giải báo chí. Tác phẩm truyền hình là sản phẩm của tập thể sáng tạo, tác phẩm có chất lượng cao, tác phẩm đoạt giải là kết quả của cả tập thể, tôi chỉ là một phần trong đó.

PV: Cảm ơn nhà báo Minh Thúy về cuộc trao đổi này.

Nguyễn Thương (thực hiện)

BOX: Một số giải thưởng tiêu biểu của Minh Thúy

Bằng khen Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2007 với phóng sự ngắn: Bốn tại chỗ ở Xuân Hòa

Giải B giải báo chí Trần Mai Ninh 2008 với  phóng sự: Xin làm hộ nghèo

Giải B giải báo chí về đề tài môi trường toàn quốc năm 2012 với  phóng sự: Ông Của vườn cò

Giải B giải báo chí Trần Mai Ninh năm 2015 với phim tài liệu: Cầu vồng sau cơn mưa

Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2016 với phim khoa giáo: Điều kỳ diệu

Giải A giải báo chí về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2016 với phim tài liệu: Cây quế giữa rừng

Giải khuyến khích phóng sự truyền hình xuất sắc về đề tài môi trường tại Hội báo toàn quốc 2017 với phóng sự: Bước chân trên rừng ngập mặn


 

Các tin khác:
  • Quảng cáo số sẽ dẫn dắt xu hướng làm báo thế giới? (09/05/2017-14:58)
  • Làm báo với thực tế ảo (03/05/2017-9:21)
  • Chung tay vì môi trường truyền thông “sạch” (28/04/2017-19:38)
  • Sàng lọc thông tin với báo điện tử (25/04/2017-9:16)
  • Chỉ dẫn cho báo chí trong môi trường mới đầy hỗn loạn. (25/04/2017-9:12)
  • Sẵn sàng trước những sứ mệnh mới (25/04/2017-9:09)
  • Facebook mở khóa học dạy làm báo với các công cụ mạng xã hội (19/04/2017-10:53)
  • Nghề báo và câu chuyện “Ăn cây nào rào cây ấy (14/04/2017-8:01)
  • “Kinh nghiệm vàng” để giành Giải Báo chí Quốc gia (14/04/2017-7:57)
  • Bình luận trên báo chí: Phải khách quan, có lý, có tình (12/04/2017-6:20)