Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chung tay vì môi trường truyền thông “sạch” (28/04/2017-19:38)
    Không phải ngẫu nhiên tại các cuộc hội thảo, tọa đàm nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức gần đây, nhtiều nhà báo hết sức lo ngại về vấn đề đạo đức báo chí trong thời đại số, bởi thời gian qua làng báo nước nhà có quá nhiều câu chuyện buồn.

Chưa khi nào, người dân hoài nghi "chất lượng tin tức" từ báo chí như hiện nay. Xuất hiện ngày càng nhiều phóng viên chuyên đi dọa dẫm các doanh nghiệp, nắm được “thông tin có vấn đề” thay vì phanh phui, lên án... lại quay ra sách nhiễu hoặc tống tiền trục lợi cá nhân. một số người tự cho mình cái “quyền” rất lớn, sẵn sàng rút thẻ nhà báo để “ra oai” dọa dẫm...

Và rồi, những cảnh báo tâm huyết của nhiều người làm nghề đã trở thành hiện thực khi báo giới lại vừa đón nhận thông tin không mong muốn về vụ việc Trưởng Văn phòng đại diện của báo Kinh doanh và Pháp luật bị cách chức và thu hồi thẻ nhà báo. Việc “thanh lọc” môi trường truyền thông, kiên quyết loại bỏ và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để trả lại bầu “không khí trong lành” cho những nhà báo đang dấn thân vì sự công bằng, phát triển của toàn xã hội được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết...

 

NHÀ BÁO LÊ QUỐC MINH, TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMPLUS:

Giành lại niềm tin của độc giả

Đang có một tình trạng đáng ngại đối với báo chí thế giới cũng như ở Việt nam là tình trạng giảm sút niềm tin của công chúng. nhưng tại Việt nam, bên cạnh những lý do khách quan về sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ truyền thông và mạng xã hội, cần phải thừa nhận rằng một bộ phận không nhỏ các nhà báo đang có những hành vi không chuyên nghiệp. Chúng ta có câu “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng nhiều độc giả giờ đây thậm chí có quan điểm tiêu cực rằng phải gạn một nồi sâu để tìm chút “rau xanh” trong làng báo.

Thực tế, đang có một khái niệm đau đớn về cái gọi là “nhà báo đếm tầng” hoành hành ghê gớm, gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và thậm chí cả những người dân bình thường. Tuy những người này chỉ là thiểu số trong đội ngũ làm báo, nhưng vài năm gần đây đáng tiếc đang tăng nhanh về số lượng. Những vụ bắt giữ các nhà báo gần đây vì dính dáng đến tiêu cực chỉ là phần nổi của tảng băng. Khi nghe về những vụ việc như vậy, chúng ta đều lên án những đồng nghiệp không tuân thủ đạo đức báo chí của các cá nhân phạm tội, nhưng tôi cho rằng lãnh đạo của các tờ báo đó cũng có phần trách nhiệm: Nếu không phải là dung túng cho những hành động trái đạo đức nghề nghiệp thì cũng là sai sót về kỹ năng quản lý lỏng lẻo.

Tôi e rằng, nếu không có những hành động quyết liệt để chấn chỉnh báo chí, từ cả cấp quản lý trung ương cho đến tại từng tòa soạn về đạo đức nghề nghiệp, thì cái xấu sẽ lan rộng trong chính hoạt động báo chí, mà lẽ ra phải gánh vác trách nhiệm giám sát xã hội. Khi đó niềm tin của công chúng, vốn đã sụt giảm, sẽ còn đi xuống nữa. Viễn cảnh độc giả quay lưng với báo chí chính thống sẽ là điều vô cùng tệ hại, bởi đó sẽ là lúc tin giả, hoang tin lên ngôi, làm rối loạn xã hội.

Giành lại niềm tin của độc giả là sứ mạng của báo chí hiện nay. nhưng muốn làm được điều đó thì cần phải xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp và trong sạch. Và phải hành động ngay chứ không chỉ là những lời kêu gọi chung chung.

 

NHÀ BÁO PHẠM MINH THIỆU, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO THANH HÓA, TỔNG BIÊN TẬP BÁO THANH HÓA:

Nhà báo phải hành động đúng quy định của pháp luật

Thanh Hóa là địa bàn rộng, có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, vì thế có sự tham gia hoạt động báo chí của nhiều cơ quan báo chí, người làm báo cũng là điều dễ hiểu. Trong số đó có những cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, văn phòng thường trú, cử phóng viên thường trú vì nhu cầu khai thác kịp thời, sâu sát thông tin về tình hình địa phương. Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan báo chí lại đặt văn phòng đại diện, văn phòng thường trú, cử phóng viên thường trú vì mục tiêu làm kinh tế báo chí.

Xuất phát từ thực tế đó dẫn đến việc tác nghiệp báo chí của phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh, thành bạn trên địa bàn, Thanh Hóa cũng có sự khác nhau. Đôi khi do lợi ích khác nhau, mục tiêu khác nhau dẫn đến những bất đồng của phóng viên với cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp địa phương. Cũng có cả việc bất đồng quan điểm, lợi ích chính giữa những nhóm lợi ích báo chí trên cùng địa bàn ít nhiều cũng gây ra những phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến uy tín của nghề báo, uy tín của cơ quan báo chí. Vấn đề đặt ra là, Hội nhà báo Thanh Hóa phải tập hợp, đoàn kết những phóng viên này vào một tổ chức, hoạt động có tôn chỉ và mục đích rõ ràng, góp phần vào hoạt động báo chí hiệu quả và đúng quy định của pháp luật.

 

NHÀ BÁO NGUYỄN BẢO LÂM, CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO TỈNH THÁI NGUYÊN:

Đúng bênh vực, sai phê phán

Trong những năm qua, Hội nhà báo Thái nguyên chưa phát hiện trường hợp hội viên nào có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải xử lý. Có được điều này là nhờ các cơ quan báo chí trên địa bàn làm khá tốt công tác quản lý phóng viên. bên cạnh đó, Hội nhà báo tỉnh cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên. Quan trọng nhất là quán triệt sâu sắc Điều lệ Hội nhà báo Việt nam và Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam gồm 9 điều trước đây và nay là 10 Điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, khi mà thông tin trên báo chí có sức lan tỏa cực kỳ nhanh chóng, Quy định đạo đức người làm báo có vai trò quan trọng giúp nhà báo hành xử khi tác nghiệp. Đây thực chất là “ba rem” về thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, là tiêu chí để “soi chiếu” một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức và hoạt động chuyên môn của một nhà báo. Quy định đạo đức người làm báo là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo. Quy định đạo đức người làm báo là cơ sở để xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động báo chí. Điều này đòi hỏi lãnh đạo Hội nhà báo các cấp cần nắm vững để “bênh vực” hoặc “phê phán” một cách công tâm nhất.

 

NHÀ BÁO QUỲNH MỸ, TRƯỞNG CƠ QUAN ĐẠI DIỆN BÁO CÔNG THƯƠNG TẠI KHÁNH HÒA:

Đau lòng vì những hạt sạn

Dẫu biết rằng, “nhân vô thập toàn”; dẫu biết rằng, xã hội muôn màu, ở đâu, giới nào cũng có người tốt, người xấu, thế nhưng, cứ mỗi lần nghe ai đó thông tin về những đồng nghiệp vì tiền bán rẻ nhân cách, bẻ cong ngòi bút, cảm thấy trong lòng mình đau xót như có kim châm...

Duyên nghiệp đã gắn tôi với nghề báo gần 30 năm. Tôi trân quý và biết ơn nghề báo đã tôi luyện nhân cách sống, cho tôi gặp gỡ, tiếp xúc hầu hết loại người trong xã hội. Có lúc, chúng tôi được đi cùng các nguyên thủ quốc gia, doanh nhân thành đạt, những người nổi tiếng; Song, cũng có lúc lăn xả vào những phóng sự xã hội, đối mặt với nhiều thành phần bất hảo, phức tạp, đối mặt với hiểm nguy,... Chúng tôi tồn tại được, vượt qua thách thức, chông gai, giữ được phong độ và nhiều lúc ngoảnh nhìn lại vẫn cảm thấy giật mình!

Những hạt sạn làm đau chúng tôi, làm tổn hại người vô tội hoặc gây hậu quả xấu cho xã hội. Họ đáng tội, đáng trách và cũng đáng thương! Tất nhiên, họ phải gánh lấy hậu quả mình làm. nếu im lặng với họ là vô tình chúng ta thỏa hiệp với tội lỗi họ gây ra, nhưng nếu họ biết “quay đầu”, chúng ta hãy cho họ cơ hội!...

 

NHÀ BÁO ĐỖ HẢI, PHÓ TỔNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ TÀI CHÍNH:

Người làm báo phải thấm nhuần trong suy nghĩ, hành động...

Thực tiễn, trong những năm qua, bên cạnh những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt nam vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làng báo Việt nam vẫn còn đó những “hạt sạn” buồn lòng. Thẳng thắn nhìn nhận, những tồn tại này phần lớn là do người làm báo không nắm chắc pháp luật, cùng với đó là đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo không được bồi đắp, rèn luyện, giáo dục thường xuyên. bên cạnh việc mở rộng quyền hoạt động cho cơ quan báo chí, nhà báo, những sửa đổi, bổ sung của luật cũng siết chặt hơn khi xử lý nghiêm những sai phạm không chỉ với nhà báo, người đứng đầu cơ quan báo chí mà đối với cả cơ quan báo chí...

Vấn đề còn lại là ý thức, trách nhiệm của mỗi cơ quan và người làm báo, làm thế nào để các quy định của luật đi vào cuộc sống. Trước hết, mỗi cơ quan báo chí nói chung, bản thân người làm báo nói riêng phải hiểu sâu sắc được các quy định của luật báo chí, cũng như các Quy định về đạo đức nghề nghiệp nhà báo. mỗi cơ quan báo chí, Chi hội, liên chi hội nhà báo đến mỗi nhà báo không chỉ tiên phong trong tuân thủ các quy định của luật báo chí và Quy định đạo đức nghề báo mà còn phải là một tuyên truyền viên phổ biến, đưa luật vào cuộc sống.

Theo Ngọc Thành, Thanh Bình, TD/ Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Sàng lọc thông tin với báo điện tử (25/04/2017-9:16)
  • Chỉ dẫn cho báo chí trong môi trường mới đầy hỗn loạn. (25/04/2017-9:12)
  • Sẵn sàng trước những sứ mệnh mới (25/04/2017-9:09)
  • Facebook mở khóa học dạy làm báo với các công cụ mạng xã hội (19/04/2017-10:53)
  • Nghề báo và câu chuyện “Ăn cây nào rào cây ấy (14/04/2017-8:01)
  • “Kinh nghiệm vàng” để giành Giải Báo chí Quốc gia (14/04/2017-7:57)
  • Bình luận trên báo chí: Phải khách quan, có lý, có tình (12/04/2017-6:20)
  • Viết điều tra, dễ hay khó? (12/04/2017-7:06)
  • Hội Nhà báo Lào Cai: “Bí quyết” từ việc khai thác mảng đề tài dân tộc và miền núi (08/04/2017-19:57)
  • Niềm tin vơi đầy nơi công chúng (05/04/2017-10:00)