Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tác nghiệp tại nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (11/05/2017-15:28)
    (NLBTH) - Báo chí tuyên tuyền về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, tác nghiệp tại khu vực này, một vấn đề liên quan đến đạo đức nhà báo cần phải rút kinh nghiệm, khắc phục.

Ảnh minh họa, từ Internet

Ví dụ thứ nhất: Sự kiện nổi bật nhất, sai phạm gần đây là vào cuối tháng 8 - 2016, khi một số tờ báo và trang tin điện tử đồng loạt đưa tin không đúng sự thật về sự việc Ksor Sôn - một cậu bé 11 tuổi ở tỉnh Gia Lai tự tử vì “không có áo mới đến trường”. Sự việc chỉ được làm sáng tỏ sau khi cơ quan chức năng xác minh nguyên nhân cậu bé tự tử lại là do bất đồng ý kiến với gia đình, do tâm lý không ổn định của lứa tuổi chứ không từ nguyên nhân như một số báo đã nêu. 14 cơ quan báo chí đăng thông tin này đã bị xử phạt, nhưng thông tin sai sự thật được đăng tải cũng kịp gây dư luận không tốt, và đã bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc.

Ví dụ thứ hai: Xu hướng viết dài, miêu tả chung chung các sự vật, sự kiện, đưa các vấn đề không sát thực hoặc không phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số. Có tờ báo nhầm dân tộc này với dân tộc khác, đem phong tục, tập quán của dân tộc này gắn vào dân tộc khác, khiến bạn đọc không thể chấp nhận. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhà báo ngại đi cơ sở, thiếu thực tế. Có tờ báo ở Trung ương “xào” lại bài của báo địa phương, thêm mắm, thêm muối rồi đăng lên. Hoặc như, về ngôn ngữ, một số nhà báo mỗi khi trích các lời thoại của bà con dân tộc thiểu số thường được thể hiện như sau: “Ô cán bộ à! Mày nói như vậy là trúng cái bụng tao rồi”. Viết như vậy chỉ là để lừa một số người miền xuôi ít hiểu biết, còn đưa về cho đồng bào các dân tộc thì nhất định bị phản ứng. Có bạn đọc là người dân tộc thiểu số xem tờ báo có bài viết kiểu như thế, rồi phê bình thẳng: “Nhà báo này chẳng hiểu gì cả. Ngày xưa, đồng bào dân tộc thiểu số chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với người Kinh, chưa nói sõi tiếng phổ thông nên mới “mày, tao” như vậy, còn bây giờ, hầu hết mọi người đều nói sõi tiếng phổ thông, biết sử dụng và phân biệt nghĩa các từ nhân xưng như tôi, ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em, con, cháu... chẳng thua kém người Kinh. Nếu cứ mắc lỗi như vậy mãi là coi thường dân tộc”

Chúng ta đều biết, hiện nay ở hầu hết mọi nơi, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số đã cao hơn hẳn so với trước đây. Báo chí của Đảng bà con đều tiếp nhận và sử dụng được. Tuy nhiên, do những nét đặc thù, khả năng tiếp nhận của công chúng cũng khác so với công chúng ở các vùng đồng bằng. Đồng bào quen nhận thức bằng trực giác. Một bài phóng sự, một gương người tốt - việc tốt bao giờ cũng phải kèm theo hình ảnh minh hoạ, chữ viết, hình ảnh rõ ràng, cụ thể, đặc biệt là ngôn ngữ chữ viết, lời nói không nên dùng các từ Hán -Việt, đa nghĩa hay theo kiểu nói lóng. Mỗi tin, bài, ảnh phản ánh gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến nên kèm theo lời bình như: tốt, đẹp, hay và giải thích vì sao lại tốt, vì sao lại đẹp, vì sao lại hay, đồng thời khuyến khích mọi người làm theo.

Về các tin, bài, ảnh phê bình cũng nên kèm theo lời bình như: xấu, dở và giải thích vì sao lại xấu, lại dở, đồng thời chỉ cho mọi người biết cách tránh. Đây là cách tuyên truyền theo kiểu “nói đến đâu thấm đến đó” mà các báo, đài địa phương thường sử dụng.

Làm báo ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tưởng khó nhưng lại rất dễ, nếu chúng ta chịu khó lăn mình vào thực tế, bám sát thực tế, hiểu thực tế, suy nghĩ và thể hiện tác phẩm với cái tâm thật trong sáng và trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân, trước bạn đọc, bạn nghe đài, bạn xem truyền hình. Khi viết các loại bài đấu tranh phản bác lại các luận điệu tuyên truyền chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, rất cần phải đi thực tế. Ví dụ khi kẻ xấu nêu “người dân tộc thiểu số rất đói khổ”, trong khi đó về thực tế, đồng bào các dân tộc trong nhiều làng, bản, được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, bà con chịu khó làm ăn, phát triển kinh tế, nên có nhà cao cửa rộng, lắm lúa, trâu bò, con cháu học hành tươm tất, được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ... Các dân tộc thiểu số một lòng tin Đảng, tin cách mạng.  Nắm vững được các thực tế đó và lăn lộn trong cuộc số với đồng bào ta thì nhà báo mới có những dẫn chứng chứng minh cho bài viết của mình thêm sinh động, đặc biệt là sự phản đáp lại luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu mới thuyết phục.

Nguyễn Vân Chương


 

Các tin khác:
  • Người có duyên với giải thưởng (11/05/2017-8:09)
  • Quảng cáo số sẽ dẫn dắt xu hướng làm báo thế giới? (09/05/2017-14:58)
  • Làm báo với thực tế ảo (03/05/2017-9:21)
  • Chung tay vì môi trường truyền thông “sạch” (28/04/2017-19:38)
  • Sàng lọc thông tin với báo điện tử (25/04/2017-9:16)
  • Chỉ dẫn cho báo chí trong môi trường mới đầy hỗn loạn. (25/04/2017-9:12)
  • Sẵn sàng trước những sứ mệnh mới (25/04/2017-9:09)
  • Facebook mở khóa học dạy làm báo với các công cụ mạng xã hội (19/04/2017-10:53)
  • Nghề báo và câu chuyện “Ăn cây nào rào cây ấy (14/04/2017-8:01)
  • “Kinh nghiệm vàng” để giành Giải Báo chí Quốc gia (14/04/2017-7:57)