Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
“Đứng ở vành đai an toàn, góc nhìn của bạn chỉ là một chiều” (26/06/2017-10:03)
    Đằng sau những thông tin nóng, những phóng sự điều tra thu hút hàng triệu bạn đọc là công sức của những ê kíp làm việc tất bật, hết mình vì công việc… Song, trên tất cả là những cảm xúc và sự đấu tranh nội tâm từ chính những quyết định của mỗi phóng viên (PV).

Với nhà báo Trường Sơn (VTV24) thì đôi khi “Khán giả thường cảm thấy hả hê vì hành vi sai trái bị vạch trần. Thậm chí nhiều người còn đề nghị chúng tôi không được che mặt đối tượng… Thế nhưng phía sau những phóng sự đó cũng có những khoảng lặng, những trăn trở mà chỉ có chúng tôi hiểu…”. 

Quen với trạng thái “Căng như dây đàn”

+ Làm việc trong môi trường luôn “chuyển động”, đòi hỏi những cái mới, lạ, hấp dẫn như Chuyển động 24, chắc hẳn anh lúc nào cũng phải tập trung cao độ, “căng như dây đàn”?

– Có thời điểm 1 ngày tôi thực hiện nhiều phóng sự cho hầu hết các bản tin của VTV24, bởi vậy nên việc phải tập trung cao độ, “căng như dây đàn” cũng là chuyện thường gặp. Các phóng sự của VTV24 cũng đòi hỏi rất cao về hình thức thể hiện, tính mới lạ, hấp dẫn, đầy đủ thông tin, nếu không đặt công việc lên hàng đầu thì rất khó để có những phóng sự thu hút được sự quan tâm của khán giả. Chuyển động 24h được đài THVN xây dựng với mục tiêu đặt ra là trở thành 1 kênh thông tin nhanh nhất, hấp dẫn nhất, chính xác nhất. Đó cũng là tiêu chí dành cho các PV của kênh. Tuy nhiên, môi trường làm việc của VTV24 đề cao sự sáng tạo cũng như tạo điều kiện tối đa để các PV tác nghiệp, bởi vậy các PV VTV24 đều nỗ lực để hoàn thành công việc được giao.

+ Săn các nguồn tin mới, thú vị là ưu tiên hàng đầu của anh. Vậy những lúc thiếu thông tin, hoặc thông tin nhàm chán anh thường làm gì?

– Nguồn tin phong phú nhất mà chúng tôi có được là từ đường dây nóng, các bản tin của VTV24 thường xuyên chạy số điện thoại Hotline trên thanh bar nên khán giả cung cấp cho chúng tôi nhiều nguồn tin có giá trị. Tuy nhiên điểm hạn chế từ nguồn thông tin này là phải kiểm tra, xác minh thông tin cẩn thận từ nhiều nguồn khác nhau trước khi thực hiện. Chúng tôi cũng có mạng lưới CTV ở nhiều địa phương trên cả nước giúp kết nối, xác minh thông tin cũng như cung cấp thông tin mới.

Mảng phóng sự điều tra về các vấn đề tiêu cực xã hội mà tôi thực hiện cũng không quá khan hiếm. Vấn đề ở chỗ cách thức thể hiện và nội dung thông tin mới lạ, hấp dẫn. VTV24 không chấp nhận những phóng sự nhàn nhạt, hoặc không có thông điệp cụ thể. Những đề tài như vậy thường không được duyệt từ lúc lên kịch bản chứ chưa nói đến việc thực hiện phóng sự. Để đem đến thông tin hấp dẫn cho khán giả theo quan điểm của tôi là phải đặt những phóng sự đó dưới góc nhìn của khán giả, họ sẽ quan tâm đến điều gì, có được thông tin gì khi xem chương trình của mình. Bởi vậy những đề tài tôi làm thường xuất phát từ những câu chuyện, những sự việc gần gũi, gắn với đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của cộng đồng, đôi khi có những câu chuyện rất nhỏ như vệt phóng sự điều tra “Hành khô được làm từ đâu” đã thu hút tới hơn 4 triệu lượt xem chỉ trong vài ngày…

Tôi luyện thêm nhiều kỹ năng

+ Môi trường VTV24 có thể nói là khắc nghiệt, “lò” luyện các PV trẻ. Anh đã rèn luyện được kỹ năng gì?

– Trước đây tôi đã công tác ở VTV2, VTV6, sau đó là VTV24, mỗi đơn vị có một đặc thù công việc khác nhau, cũng như đòi hỏi kỹ năng khác nhau để phục vụ cho đối tượng khán giả của từng kênh. Thế nhưng VTV24 là một môi trường hoàn toàn mới lạ đối với tôi. Cũng may là tôi bắt kịp khá nhanh guồng quay của VTV24. Gần 3 năm công tác đã cho tôi nhiều kỹ năng mà trước đây tôi không có, ví dụ như kỹ năng thực hiện các phóng sự điều tra, kỹ năng thâm nhập, khai thác thông tin từ các đối tượng vi phạm. Kỹ năng tác nghiệp nhanh tại hiện trường cũng như xác minh, kiểm tra thông tin. Một kỹ năng nữa đó là tính kiên trì và chịu đựng gian khổ. Nhiều phóng sự khi phát sóng chỉ vài phút nhưng phải mất tới 2 tháng điều tra, và quá trình nhập vai cũng rất vất vả.

http://congluan.vn/wp-content/uploads/2017/06/57.2.jpg

+ Dù phải làm việc với cường độ cao, song các PV VTV 24 thường quên ngay sự vất vả để chỉ còn đọng lại cảm giác hài lòng và niềm vui vì đã hoàn thành được những việc không hề dễ dàng. Phải chăng đây chính là năng lượng, động lực để các anh tiếp tục cống hiến?

– Đó thực sự là những gì chúng tôi cảm thấy sau khi hoàn thành mỗi vệt phóng sự. Vì chuyên làm mảng điều tra, việc đối diện với nguy hiểm gần như là chuyện thường gặp. Các đề tài điều tra cũng thường là đề tài nóng, được giao đột xuất, có khi nửa đêm cũng phải đi tác nghiệp. Dù đã quen với việc nhập nhiều vai khác nhau để điều tra, khai thác thông tin, thế nhưng mỗi lần tác nghiệp đều là một lần nguy hiểm. Đặc thù của các phóng sự truyền hình là phải có hình ảnh để chứng minh các hành vi sai phạm. Mỗi lần ghi hình bằng các camera quay lén là mỗi lần chúng tôi cảm thấy căng thẳng, bởi cũng đã từng có trường hợp phóng viên bị hành hung khi đối tượng phát hiện ra camera. Do đã có nhiều kinh nghiệm và các thiết bị chuyên dụng nên đã xác định được đúng đối tượng, hành vi là chắc chắn chúng tôi có được hình ảnh. Chúng tôi hay nói với nhau là công việc này giống như đi câu, có những lần gặp được ngay, có hình ảnh, thông tin ngay, nhưng cũng có những vụ việc điều tra hàng tháng không có kết quả. Những lúc như thế mà phát hiện ra manh mối hay ghi được hình ảnh có giá trị, cảm giác như trúng số độc đắc vậy, nó giải tỏa tâm lý, áp lực cho phóng viên rất nhiều, và cũng như mở ra các hướng điều tra mới. Bởi vậy khi kết thúc một vệt phóng sự, phá được 1 đường dây làm hàng giả hay chế biến thực phẩm bẩn… chúng tôi cảm thấy rất vui vì nhận được lời động viên, khích lệ của khán giả, của lãnh đạo cơ quan. Đó cũng là động lực để tiếp tục những đề tài mới.

+ Sơn có thích một tư duy làm báo hay hình mẫu PV nào không?

– Tôi thích PV chiến trường Peter Arnett của hãng tin AP, quan điểm của tôi cũng giống như nhà báo này, đó là nếu đứng ở vành đai an toàn bên ngoài chiến trường và chĩa ống kính tele vào bên trong thì góc nhìn của bạn chỉ là 1 chiều, không bao giờ có được những hình ảnh, thông tin có giá trị. Tôi luôn cố gắng phấn đấu để trở thành một phóng viên điều tra giỏi, vạch trần các vấn đề tiêu cực của xã hội cũng như góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Để làm được điều đó ngoài việc sẵn sàng dấn thân, đối mặt với các vấn đề tiêu cực thì cần có động cơ trong sáng, đặt lợi ích của người dân, của xã hội lên hàng đầu. Đó là mục tiêu mà tôi hướng tới.

http://congluan.vn/wp-content/uploads/2017/06/57.3.jpg

Thích những góc khuất của sự thật

+ Trong các phóng sự của mình, anh thường chú ý nhấn vào góc nào?

– Mảng phóng sự điều tra của tôi thường mang đến cho khán giả những góc khuất của sự thật mà khán giả chưa từng biết tới. Đó có thể là những vụ phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở sâu trong những khu rừng nguyên sinh, những vụ rút ruột xăng dầu nơi nghĩa địa vắng vẻ, hay chỉ đơn giản là những gói xôi ruốc với thứ ruốc không được làm từ thịt… Những tin tức mới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, dân sinh, thu hút sự quan tâm của dư luận… là mảng đề tài tôi hướng tới. Đó không chỉ là việc có được những bài báo, những phóng sự được khán giả đón nhận, mà cũng là mong muốn được đóng góp với vai trò của một phóng viên để xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Bởi vậy cách làm của tôi thường đi đến tận cùng sự việc chứ không chỉ phản ánh hiện tượng. Đi đến cùng của sự việc là cách để chúng tôi có được niềm tin của khán giả.

+ Sau mỗi phóng sự phát sóng, các anh thường trăn trở điều gì?

– Tôi cùng những đồng nghiệp thường ngồi lại sau những phóng sự để tìm ra những điểm còn hạn chế hay những băn khoăn, trăn trở. Điều trăn trở lớn nhất mà chúng tôi thường nói tới đó là nhiều trường hợp những đối tượng vi phạm bị chúng tôi phanh phui trong các phóng sự điều tra họ cũng có những hoàn cảnh rất đáng thương, vì cuộc sống khó khăn mà phải vi phạm. Dù cố gắng tìm cách giúp đỡ họ bằng cách này, cách khác về sau, nhưng những phóng sự của chúng tôi đã tác động rất lớn đến cuộc sống của họ. Có những trường hợp họ không hề thù ghét chúng tôi – những người khiến họ bị khuynh gia bại sản hay vướng vào vòng lao lý, chỉ ăn năn hối lỗi và mong được khoan hồng. Đôi khi việc phải lựa chọn giữa lợi ích của xã hội hay danh dự, cuộc sống của 1 con người, 1 gia đình là việc rất khó. Khán giả thường cảm thấy hả hê vì hành vi sai trái bị vạch trần, thậm chí nhiều người còn đề nghị chúng tôi không được che mặt đối tượng… Thế nhưng sau những phóng sự đó cũng có những khoảng lặng, những trăn trở mà chỉ có chúng tôi hiểu.

Theo Hằng Nga/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Một người làm báo luôn cần định hướng rõ ràng cho người đọc (26/06/2017-10:01)
  • Dưỡng khí của nghề báo (24/06/2017-6:46)
  • Về sự tồn vong của báo in trước cơn bão tin học (24/06/2017-6:42)
  • Công phu nghề báo (22/06/2017-15:41)
  • Cháy hết mình cho những ước mơ… (20/06/2017-10:23)
  • Để nghề thêm cao quý (19/06/2017-7:57)
  • Hãy để phát thanh là chính phát thanh (05/06/2017-20:08)
  • Tôi làm phóng sự về chợ “Người” (02/06/2017-15:11)
  • Nghề báo và hành trình đi tìm nhân chứng (01/06/2017-16:17)
  • Khi nhà báo nhét chữ vào mồm người khác (26/05/2017-13:11)