Thứ sáu, ngày 10/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhớ một người đắm đuối với tờ báo (29/09/2017-21:28)
    Khi được anh em báo tin bác Hồ Sỹ Bằng vừa mất, tự nhiên trong tôi hiện lên hình ảnh của ông trong những ngày đầu tiên chúng tôi về Báo Quân đội nhân dân. Dưới vầng trán cao là đôi mắt tinh anh luôn muốn nhìn, muốn lắng nghe và tìm tòi.
Năm 1995, Đại tá, nhà báo Công Bằng (người đứng giữa) gặp lại học viên các lớp báo chí Quân
đội nhân dân Lào ông từng bồi dưỡng trong thập niên 1980. Ảnh do gia đình cung cấp.

Ngay cả với đám phóng viên trẻ như chúng tôi ông cũng hay hỏi chuyện, hay đối thoại, cật vấn. Chúng tôi đều cảm thấy may mắn khi có người thủ trưởng cởi mở, gần gũi, rất ưa cái mới và hài hước. Phải chăng vì phong độ trẻ trung, nhanh nhẹn của ông mà chúng tôi đều gọi ông bằng anh, dù tuổi ông đáng vào bậc cha chú.

Là thủ trưởng Phòng biên tập Quân sự-phòng có số phóng viên nhiều bậc nhất tòa soạn và thường xuyên có một vài ai đó đang công tác ở các đơn vị, các mặt trận trong Nam ngoài Bắc nên lúc nào vị Trưởng phòng Công Bằng (bút danh và cũng là tên thường gọi của ông) cũng tất bật và cặm cụi. Ai đang ở đâu, viết gì ông đều nắm chắc và theo dõi sát sao tiến độ công việc của từng người. Thuở ấy, với số phóng viên mới thì ông cùng các phó trưởng phòng: Trần Khôi, Trần Tiệu không "ốp", không đòi hỏi cao nhưng với các phóng viên lớp trước đang sung sức và nhiều kinh nghiệm thì hầu như ngày nào ông cũng hỏi han, trao đổi với từng người. Anh này đang viết về huấn luyện, anh kia viết về rèn luyện kỷ luật. Người khác lo vệt bài về hậu cần, người vừa ở chiến trường ra, người khác chuẩn bị cho chuyến công tác vào xa trong chiến trường miền Nam. Lại còn bộ phận viết xã luận, bình luận. Ông tin, ông đề cao họ. Không trực tiếp viết bài nhưng ông dồn những gì mình biết để trao đổi với từng người…

Trong các guồng máy hoạt động cần mẫn mà náo nhiệt ấy, tôi tự cảm thấy mình đúng chỉ là kẻ học việc. Đột nhiên một ngày ông gọi tôi vào phòng, giao đến một đơn vị gần, đi nhanh, viết nhanh vì người trong phòng bận cả. Bài viết tôi hoàn thành, sau khi ông biên tập cũng đăng được kịp thời. Rồi một lần khác ông giao cho đi theo một nhóm phóng viên, một dịp khác là được đi thực tế đơn vị bộ binh… thấy ông cùng các nhà báo lão luyện có vẻ tin mình, đầu năm 1975 tôi mạnh dạn xin ông cho mình vào chiến trường miền Nam. Tưởng khó hoặc phải “xếp hàng” lâu mới đến lượt, thế mà ông đồng ý ngay.

Một ngày đầu tháng 4-1975, tôi đang khoác ba lô đi bộ giữa thành phố Đà Nẵng vừa giải phóng thì thấy phía trước mặt một chiếc xe command car của bộ đội ta dừng lại. Tiếng hỏi lớn từ trong xe: “Mạnh Hùng phải không?”. Bất ngờ quá, Trưởng phòng Công Bằng. Và nữa, anh Nguyễn Đức Toại, một cây bút chủ lực. Nhịp điệu chiến trường thời điểm này đã lên mức độ cực khẩn trương. Tôi đi vài tuần qua Trường Sơn mới vào được đây mà các anh chỉ đi chưa đến hai ngày, mấy giờ máy bay và một ngày ô tô. Cả ngày hôm ấy chúng tôi đến nhiều điểm, nhiều ngóc ngách của cả thành phố Đà Nẵng-căn cứ quân sự khổng lồ. Đêm về, Trưởng phòng Công Bằng phân công mỗi người viết ngay một bài. Riêng tôi ông bảo nên viết một đôi điều gì ấn tượng nhất. Viết xong cứ để trên bàn, sáng mai ông dậy sớm mang ra ngay Hà Nội. Nhờ ông mà bài viết đầu tiên của tôi ở Đà Nẵng được đăng lên báo rất sớm. Rồi cũng ngay sau đó chính ông đã chuyển từ Hà Nội vào cho tôi giấy giới thiệu để kịp nhập vào đội hình Quân đoàn 2 tiếp tục tiến vào phía Nam… Chuyến đi thành công của tôi trong những ngày tháng thần tốc sôi động cuối cùng của Mùa xuân Đại thắng 1975 là ơn nhờ từ ông. Vậy là ông cùng các cán bộ, phóng viên kỳ cựu của báo đã tin vào lớp trẻ chúng tôi. Bài học về lòng tin trong cuộc sống và nghề nghiệp từ các ông đã truyền cho chúng tôi để rồi sau này chúng tôi tiếp tục bồi dưỡng, dìu dắt và vững tin vào những lớp phóng viên nối tiếp nhau.

Những ngày tháng tiếp theo của năm 1975 ấy tôi được ông giao tiếp những đợt công tác ở miền Nam và sau đó là những việc mới viết về huấn luyện, viết điều tra. Vài năm sau, khi ông được điều chuyển về làm Trưởng phòng Thư ký tòa soạn thì cũng chính ông đưa mấy bài báo ngắn của tôi viết từ mặt trận biên giới Hà Tiên vào số báo cải tiến đậm tính văn hóa để rồi một phần từ đấy tôi “phải” rời Phòng biên tập Quân sự chuyển về Phòng biên tập Văn hóa. Làm thư ký tòa soạn mới là năng khiếu thực sự của nhà báo Công Bằng. Phải nói rằng ông đam mê với công việc “bày mâm bày bát” để mỗi số báo như một mâm cỗ ngon. Ông say sưa với từng cái tít, từng câu chữ, từng bức ảnh, bức tranh, từng mảng, trang trình bày. Những số báo trong trào cải tiến những năm tháng thập kỷ 1980 ấy được ông trực tiếp chọn lọc từ bài vở của các phóng viên. Không chỉ vậy, ngày ngày cứ thấy phóng viên nào đi công tác mới về là ông lại khêu gợi viết bài. Vẫn cái tính gặp ai cũng quan tâm, hỏi han, bàn bạc. Thấy trong nước và thế giới có chuyện gì là ông tìm gặp người biết việc trao đổi cho báo có món mới. Ông thường động viên chúng tôi quan hệ chặt chẽ với các cộng tác viên, thông tin viên để có được bài mới, bài sâu cho báo. Làm thư ký tòa soạn là phải biết bao quát và kết nối. Làm Trưởng phòng Thư ký tòa soạn như ông là con người thực sự ở trung tâm của mọi mối quan hệ nghiệp vụ. Ở cơ quan báo chí phải luôn có những trái tim chung nhịp đập mỗi ngày, mỗi giờ với tờ báo. Ông là một người như vậy.

Anh Công Bằng trẻ trung, sôi nổi của chúng tôi không còn nữa. 89 tuổi ta với một cuộc đời hết mình và viên mãn. Nhưng vẫn còn đây dang dở những câu chuyện về làng văn hóa Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) quê ông nức tiếng cả nước-nơi có nhiều danh nhân xuất chúng trong các thời kỳ lịch sử. Vâng, ông đã xứng đáng với làng quê, với họ Hồ nơi ấy. Vẫn dang dở những đắm đuối cải tiến, nâng cao chất lượng tờ báo thân yêu. Vẫn dang dở những câu chuyện về đất bạn Lào -nơi ông đã gắn bó nhiều năm với nhiệm vụ chuyên gia trưởng giúp đỡ Báo Quân đội nhân dân Lào. Ông thường kể chuyện về những người anh em Lào thân thiết mà ông từng gọi đó là “Một dân tộc bồ câu, thật hiền lành, chăm chỉ, sống ôn hòa, thân ái, yêu quý hòa bình. Loài chim bồ câu ấy, khi cần, có thể bay vút lên tận trời xanh”.

Và vẫn còn biết bao yêu thương, trăn trở về mỗi mảnh đất, mỗi miền quê ông đã đi qua, về bao thứ việc. Những ngày cuối đời, ngay khi đã yếu, đã chậm ông vẫn hỏi han và nhắn nhủ chúng tôi đủ thứ bởi ông đã biết và đã tin rằng ngay cả những lớp người sau chúng tôi nữa đã xứng đáng để ông gửi gắm.

Theo MẠNH HÙNG/ Báo QĐND

 

Các tin khác:
  • Khóa bồi dưỡng “Tiếng Thái giao tiếp cơ bản” (29/09/2017-21:25)
  • Bài học qua mỗi chuyến đi (28/09/2017-22:53)
  • Báo chí phải chuyển mình, tăng sức chiến đấu và bám sát hơi thở của đất nước (27/09/2017-22:24)
  • Xây dựng tòa soạn hội tụ và hành động (26/09/2017-8:58)
  • Khai mạc triển lãm ảnh “Việt Nam quê hương tôi” (26/09/2017-8:56)
  • Báo chí Việt Nam chung tay bảo vệ thiên nhiên hoang dã (25/09/2017-8:03)
  • Vinh danh 39 tác phẩm, 8 tác phẩm trao giải chuyên đề (23/09/2017-21:07)
  • Khai mạc Liên hoan Phát thanh - Truyền hình toàn tỉnh lần thứ XIII (22/09/2017-15:15)
  • Kiên quyết xử lý những phóng viên vi phạm đạo đức nghề báo (21/09/2017-21:47)
  • Vụ phóng viên Báo Công lý bị đánh ở Hòa Bình: Không phải cứ đài nhà ai to người ấy phát (21/09/2017-21:44)