Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Tin tức - Sự kiện
Công bố 9 nghị quyết của Quốc hội (15/12/2017-8:58)
    Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc vừa ký văn bản công bố việc ban hành chín nghị quyết (NQ) được QH khóa XIV thông quatại kỳ họp thứ 4 vừa qua. Trong đó có các NQ quan trọng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) năm 2018; cơ chế đặc thù cho TP.HCM; cải cách bộ máy hành chính; các dự án lớn như đường cao tốc Bắc-Nam, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành…

GDP 2018 đặt mục tiêu tăng 6,5%-6,7%

NQ số 48 (được QH thông qua ngày 10-11-2017) đặt ra 12 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KTXH cho năm 2018. Trong đó chỉ tiêu về GDP tăng 6,5%-6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%-8%; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33%-34%; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%...

Để thực hiện các chỉ tiêu này, NQ đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; có chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thu hút có chọn lọc nguồn vốn đầu tư nước ngoài; tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích tích tụ đất đai gắn với cơ cấu lại nền nông nghiệp; xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững độc lập chủ quyền, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, NQ số 49/2017/QH14 quyết nghị các con số đáng chú ý. Trong đó tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỉ đồng, chi 1.523.200 tỉ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỉ đồng, tương đương 3,7% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỉ đồng…


Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua các quyết sách quan trọng tại kỳ họp thứ 4 vừa qua.
Ảnh: TP

Triển khai hai siêu dự án giao thông

Trong số chín NQ vừa công bố có hai NQ về dự án giao thông gồm chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (NQ số 52) và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (NQ số 53).

Theo đó, QH quyết định đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2017-2020 với tổng chiều dài 654 km, với tổng vốn đầu tư là 118.716 tỉ đồng. Các đoạn này gồm: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế); Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

QH cũng quyết định thông qua một số chỉ tiêu giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành với một số chỉ tiêu như tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỉ đồng, thu hồi 5.399,35 ha đất, thời gian hoàn thành trước năm 2021.

 

4 nhóm 

cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Tại NQ số 54, QH quyết định cho TP.HCM được thí điểm bốn nhóm cơ chế đặc thù về quản lý đất đai; đầu tư; tài chính-ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP quản lý.

Theo đó, HĐND TP được đề xuất trung ương quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; quyết định tăng phí, lệ phí trên địa bàn hoặc áp dụng các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục. HĐND TP được quyền quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức cho TP với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ…

Giảm 10% biên chế 

Tại NQ số 56, QH yêu cầu tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó tập trung rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước; tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể; từng bước thực hiện sáp nhập, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đúng tiêu chí quy định; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015...


Theo Trọng Phú/Báo Pháp luật

 

Các tin khác:
  • Năm 2017, dự kiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% (15/12/2017-8:55)
  • Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về hoạt động của HĐND còn chưa hiệu quả (13/12/2017-7:59)
  • Chủ động nắm tình hình, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa (13/12/2017-7:55)
  • Hết cơ hội trục lợi quỹ BHYT? (12/12/2017-8:05)
  • Không đồng tình đánh đồng bằng chính quy - tại chức nếu chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo (12/12/2017-8:02)
  • Nhiều tín hiệu tích cực về kinh tế Việt Nam 2018 (09/12/2017-14:48)
  • Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác bảo đảm TTATGT (09/12/2017-13:37)
  • Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh thông tin thời sự (09/12/2017-14:33)
  • Chủ tịch HNB Việt Nam Thuận Hữu kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (07/12/2017-22:49)
  • Phát huy vai trò của báo chí trong thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam (07/12/2017-22:44)