Thứ tư, ngày 01/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Lòng thành núp bóng (12/02/2018-08:59)
    (NLBTH) - Nhiều người đang để thứ tưởng như là tấm lòng thành ẩn núp trong sự tham lam của mình. Đó là điều dễ nhận thấy nhất ở nhiều lễ hội đầu năm, những nơi cho chữ ngày xuân.
Hãy ứng xử một cách có văn hóa để việc xin và cho chữ ngày xuân thực sự phát
huy tác dụng (ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Tôi không thể quên đươc khuôn mặt chị hàng xóm mới đầu sáng chạy sang nhà thông báo việc mình vừa đi xin chữ. Hỏi xin được chữ gì, chị hồn nhiên bảo: Chữ quan. Người ta xin chữ quan nhiều lắm, mình không xin thì thiệt. Tôi giật mình, nghĩ thầm trong bụng, nhưng không dám nói sợ chị phật lòng. Đến một chị bán cá ở chợ cóc chưa học xong cấp 3 mà cũng xin để được... làm lãnh đạo. Hội chứng đám đông đang xô đẩy nhiều người đi theo những ham muốn xa rời thực tế, vẽ nên một bức tranh lòng tham với rất nhiều cung bậc, cách thức, từ đó thôi thúc họ hành động theo bản năng, mà không kiểm soát được việc mình làm.

Tết nay “Phố Ông đồ” ở Thủ đô lại nhộn nhịp, vừa khai bút đã có rất nhiều người đến xin chữ, mua chữ. Nhiều người xin chữ bởi thành ý trước Thánh hiền, mong muốn bình an, sức khỏe, thể hiện nét văn hóa của người có học vấn. Nhưng có không ít người đem theo lòng tham đến “Phố Ông đồ” với khát vọng xin chữ sẽ ứng thực với chức quyền, tiền bạc...

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao của những lòng tham, nhiều năm “Phố Ông đồ” đã xuất hiện những ông đồ giả. Người xin chữ không biết chữ họ cầm trên tay cũng là của giả, chưa chắc đã đúng nguyện vọng của mình, nhưng vẫn vui mừng, hăm hở...

Nhu cầu xin chữ thư pháp ngày một nhiều hơn, ở mỗi đô thị dịp tết có vài ba điểm cho chữ, bán chữ, nhưng cầu vẫn vượt quá cung. Ở nhiều nơi người xin chữ xô đẩy, chen lấn, có người còn... cướp chữ đang phơi trên sân vì không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt.

Xin chữ trước hết thể hiện tấm lòng thành kính bậc Thánh hiền, khát vọng phù hợp hoàn cảnh, trong chừng mực nào đó được xem như liệu pháp tinh thần thôi thúc ý chí của người xin chữ, người được tặng chữ. Nhưng với những gì diễn ra những năm gần đây cho thấy sự tham lam đang che mắt người đi xin chữ, thúc bách họ xin những chữ vượt xa giới hạn nghề nghiệp, gia cảnh hay lứa tuổi của mình. Họ chỉ xin được những chữ viết, chứ chưa xin được, và cảm nhận hết ý nghĩa của những chữ mình cầm trên tay.

Câu chuyện lòng tham trước Thánh hiền, trước Thần linh dù đã có rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lên tiếng phân tích, phản biện, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu của sự dừng lại. Thậm chí cứ sau mỗi lần cho chữ đầu xuân, chúng ta lại thấy những câu chuyện về lòng tham xuất hiện nhiều hơn với nhiều cung bậc.

Vũ An Nhiên

 

Các tin khác:
  • Hình ảnh trên những con đường hoa (11/02/2018-12:00)
  • Khuôn mặt ngày cận tết (09/02/2018-8:12)
  • Nghịch lý phong trào (07/02/2018-8:07)
  • Những “con voi” chui qua “lỗ kim” (05/02/2018-20:43)
  • Sân khấu cho ai? (30/01/2018-8:38)
  • Đất sống cho tội phạm (29/01/2018-8:01)
  • “Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (26/01/2018-10:07)
  • Hình ảnh ăn mừng (25/01/2018-8:00)
  • “Chiếc bánh” lễ hội và đơn thuốc trị lòng tham (23/01/2018-8:23)
  • Trách nhiệm người đứng đầu (22/01/2018-14:07)