Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Sự “miễn nhiễm” đáng sợ! (06/04/2018-8:32)
    (NLBTH0 - Pháp luật chưa đủ mạnh hay người chấp hành pháp luật chưa đủ nhận thức để nhận ra sự nghiêm khắc của pháp luật? Đang có những con số cho thấy sự nghịch lý trong việc triển khai và thực thi luật.
Chăm lo, bảo vệ lợi quyền của người lao động để doanh nghiệp tốt hơn
(ảnh chỉ có tính minh họa, từ internet)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự 2015 được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 quy định nếu chủ sở hữu lao động gian dối, chậm trễ trong việc nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động thì sẽ phải đối diện các mức phạt rất nghiêm khắc bao gồm cả phạt tiền lẫn phạt tù. Một chế tài thừa sức răn đe, được hy vọng sẽ mở ra lối thoát cho tình trạng khê đọng bảo hiểm xã hội lâu nay.
Tuy nhiên, sau 3 tháng đi vào cuộc sống sức nặng của chế tài này dường như mới thể hiện được trên giấy, ít nhất là trong lĩnh vực thu - nộp bảo hiểm xã hội.

Trong báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ Quý 1/2018, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ ra tình trạng nợ bảo hiểm xã hội rất chậm chuyển biến. Theo đó, Thanh Hóa có 1.020 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên với số tiền 170,3 tỷ đồng, tăng tới 74 doanh nghiệp và 38,3 tỷ so với cùng kỳ năm 2017.

Con số này đang phản ánh tình trạng “miễn nhiễm” ở một số đối tượng mà pháp luật áp dụng. Khi mà luật pháp mạnh hơn, được hy vọng sẽ có sự chấp hành tốt hơn, thì người nhờn luật lại nhiều hơn.
Quy định xử lý tội danh nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 là rất mạnh, rất đáng hoan nghênh đối với cơ quan soạn thảo luật. Nhưng để những quy định trong luật phát huy tác dụng, trở thành công cụ thực sự đủ sức răn đe, điều chỉnh xã hội, thì lại phụ thuộc vào thái độ, sự nghiêm túc của người thực thi pháp luật. Với những gì đang xảy ra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội cho thấy tính nghiêm túc trong thực thi luật đang có vấn đề.

Dường như lâu nay sự dễ dãi trong kiểm tra, xuê xoa trong xử lý của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật đã ít nhiều tạo ra thói quen xem thường kỷ cương, phép nước ở một số đối tượng; và điều đó giống như một “kháng thể” ngoại lai tạo ra sự “miễn nhiễm” đối với người vi phạm. Thế nên quy định của pháp luật dù mạnh, nhưng với họ cũng không quá đáng sợ nếu vẫn là cách ứng xử như lâu nay.

Luật mạnh hơn nhưng tình trạng vi phạm lại nhiều hơn là một nghịch lý rất khó chấp nhận, cần sớm phải chấm dứt.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Làm đẹp thông thái? (04/04/2018-20:27)
  • Cần sự bình đẳng trước pháp luật (03/04/2018-8:50)
  • Nở rộ căn bệnh phú quý! (30/03/2018-20:56)
  • Cần “thuốc” đặc trị (29/03/2018-22:18)
  • Xiết lại kỷ cương (27/03/2018-10:31)
  • Bình tĩnh trước thông tin! (22/03/2018-10:12)
  • Thoát khỏi tư duy chặt hẹp (20/03/2018-9:30)
  • Hiệu lực của án phạt và câu hỏi về kỷ cương (19/03/2018-14:03)
  • Không tắt đèn cơ học (16/03/2018-20:39)
  • Câu hỏi về năng lực chính quyền cơ sở (12/03/2018-7:59)