Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Không tắt đèn cơ học (16/03/2018-20:39)
    (NLBTH) - Tắt đèn bật tương lai là thông điệp được đề cấp nhiều trong thời gian qua hướng vào việc tiết kiệm điện năng. Một khuyến nghị cần thiết khi nhu cầu điện đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước ngày càng cao.
Các bạn trẻ hưởng ứng Giờ trái đất (ảnh minh họa, từ internet)

Nhưng chúng ta sẽ bật sáng tương lai như thế nào khi mà ứng xử của nhiều người với nguồn sáng này còn khá khiên cưỡng, thậm chí chỉ là đối phó.

Chiến dịch Giờ trái đất năm 2018 đã chính thức được phát động ngày 3/3 và kết thúc vào ngày 24/3 bằng việc kêu gọi đồng loạt tắt đèn trong một giờ đồng hồ từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ở nhiều thành phố trên toàn quốc.

Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới. Thực hiện Giờ Trái đất năm 2017 hệ thống điện quốc gia đã tiết kiệm được 471.000 KWh - một con số đáng kể, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tiết kiệm được nhiều hơn thế.

Đây đã là năm thứ 10 Việt Nam hưởng ứng Giờ trái đất với nhiều hoạt động truyền thông rầm rộ. Trên đường phố và nơi công cộng dễ nhận thấy những băng rôn, poster kêu gọi thực hiện Giờ trái đất. Một sự nỗ lực của cơ quan tổ chức, nhưng điều đó thực sự tác động như thế nào đến ý thức những người đang sử dụng nguồn năng lượng thiết yếu này mỗi ngày?

Qua một thập kỷ Việt Nam hưởng ứng Giờ trái đất, nhưng cảm nhận vẫn chưa trở thành thành nếp nghĩ trong lòng người tiêu dùng. Việc tắt đèn tiết kiệm điện vẫn là điều gì đó có phần khiên cưỡng với nhiều người, mang tính hình thức ở nhiều cơ quan.

Hãy đi xa hơn việc tắt đèn một giờ khi có sự kêu gọi, biến nó thành thói quen, nghĩa là không ấn nút công tắc một cách cơ học, mà hãy tắt nó bởi thấy đó là sự cần thiết, một phản ứng tự nhiên.

Khi mà nhiều nhà máy phải đóng cửa vào giờ cao điểm, nhiều khu dân cư phải cắt điện luân phiên để giảm tải, thì ở nhiều công sở, nơi công cộng, thậm chí ngay trong nhà mình, nhiều người tiêu dùng đang khá vô cảm với những bóng đèn thừa, những thiết bị điện không quá cần thiết.

Tư tưởng của công vẫn ngự trị trong tư duy của nhiều người, dẫn dắt hành động của họ đến những sự lãng phí lớn cho Nhà nước. Bên cạnh đó, suy nghĩ tiền điện do mình trả, mình có tiền mình muốn làm gì cũng được đang nâng hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình lên vài triệu đồng/tháng.

Việt Nam có nhiều nhà máy điện, nhưng sự vô cảm, lãng phí của người tiêu dùng khiến chúng ta vẫn phải nhập khẩu điện vào mùa cao điểm. Nguồn ngoại tệ ấy có thể sử dụng vào đầu tư khác, nhưng nó đã phải chi tiêu vào những việc mà lẽ ra chúng ta đã không phải móc hầu bao.

10 năm Việt Nam tắt đèn hưởng ứng Giờ trái đất, nhưng với không ít người, đó vẫn là động tác đầy cơ học. Hãy tắt thiết bị điện không cần thiết như khi đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống mới là cách để chúng ta bật sáng tương lai.

Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Câu hỏi về năng lực chính quyền cơ sở (12/03/2018-7:59)
  • Câu hỏi ngược (11/03/2018-8:40)
  • Kênh thông tin quan trọng (09/03/2018-9:09)
  • Không có “trời riêng”! (06/03/2018-8:41)
  • Cần lựa chọn cách làm phù hợp (04/03/2018-21:32)
  • Giới hạn của sự chịu đựng (02/03/2018-16:13)
  • Cần thoát ly tâm lý đám đông (26/02/2018-8:17)
  • Xua đuổi tàn dư tết (24/02/2018-23:17)
  • Gây rừng, gây dựng niềm tin (23/02/2018-19:09)
  • Lòng thành núp bóng (12/02/2018-08:59)