Thứ ba, ngày 14/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
“Tìm nét duyên” cho thể loại Giao lưu - Tọa đàm trên truyền hình Bắc Ninh (02/08/2018-10:51)
    “Thể loại Giao lưu - Tọa đàm đang “làm khó” cho những người làm truyền hình địa phương tại Đài PT&TH Bắc Ninh chúng tôi. Bởi lẽ, mỗi chương trình của ngày hôm nay phải hay hơn hôm ngày hôm qua, phải có sức hút khán, thính giả như thế nào đó. Đây là một thể loại khó, nếu không làm cẩn thận thì dễ dẫn đến sự khô cứng, nhàm chán. Remote nằm trong tay bạn xem truyền hình mà, bất cứ lúc nào đồng bào cũng có thể chuyển kênh…”
Nhà báo Thanh Hoàn- Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH Bắc Ninh - Ảnh: NVCC 
 

Đó là chia sẻ, trăn trở của NB Thanh Hoàn - Phó Trưởng phòng Thời sự  Đài PT- TH Bắc Ninh, một người dẫn chương trình Giao lưu- Tọa đàm mà theo nhận xét của nhiều đồng nghiệp là rất “có duyên” với thể loại báo chí khó và mang tính đặc thù này

+ PV: Giao lưu - Tọa đàm - một thể loại được đánh giá là khó và đặc thù, thực sự mang tính thách thức với người làm truyền hình, bởi có thời lượng dài, đề cập đến các thông tin, vấn đề mang tính chính trị, thời sự… và đòi hỏi rất nhiều yếu tố về thể hiện cũng như quy mô của chương trình…Trên thực tế, điều này có đang thực sự “làm khó” những người làm truyền hình địa phương như Bắc Ninh không, thưa chị?

- NB Thanh Hoàn: Câu hỏi của chị rất lý thú và thực tế cho thấy thể loại Giao lưu - Tọa đàm đang “làm khó” cho những người làm truyền hình địa phương tại Đài PT&TH Bắc Ninh chúng tôi. Bởi rằng, mỗi chương trình của ngày hôm nay phải hay hơn ngày hôm qua. Phải có sức hút khán, thính giả như thế nào đó. Đây là một thể loại khó, nếu không làm cẩn thận thì dễ dẫn đến sự khô cứng, nhàm chán. Remote nằm trong tay bạn xem truyền hình mà, bất cứ lúc nào đồng bào cũng có thể chuyển kênh.

Giao lưu- Tọa đàm là một thể loại báo chí có những đặc điểm rõ rệt về nội dung và hình thức thể hiện. Tuy có ý kiến cho rằng chỉ là hình thức của phỏng vấn nhưng thực chất mang tính tổng hợp cao, chứa đựng nhiều tính chất thể loại khác nhau như: Tin tức, phỏng vấn, bình luận, phóng sự và có sự khác biệt về tính tương tác. Giao lưu - Tọa đàm là một hình thức giao tiếp với công chúng, hình thức tác động thông tin bằng sự dẫn dắt của người dẫn chương trình và phân tích chuyên sâu của khách mời. Chương trình truyền hình là hình thức vật chất hóa sự tồn tại của truyền hình trong đời sống xã hội để truyền tải thông tin đến công chúng. Đó là một sản phẩm hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, là kết quả của một quá trình sáng tạo, là tập hợp nhiều cấp độ lao động khác nhau, tập hợp một hay nhiều tác phẩm khác nhau, tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau.

Một chương trình Giao lưu - Tọa đàm trên sóng của Đài PT-TH Bắc Ninh

 

+ PV: Tuy nhiên, theo nhà báo Lê Quang Minh - Giám đốc Trung tâm tin tức VTV 24, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 37 đã từng nhận xét: Mặc dù Giao lưu - Tọa đàm là thể loại khó nhưng thực tế cho thấy một số đài địa phương cũng đã tìm cho mình những lợi thế riêng bằng việc đi sâu vào các câu chuyện. Vậy Đài PT-TH Bắc Ninh đã phát huy lợi thế riêng ấy như thế nào?

- NB Thanh Hoàn: Chúng tôi chọn những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm, những câu chuyện giản dị nhưng có ảnh hưởng trực tiếp tới phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng ở từng địa phương cụ thể. Có thể là “Bắc Ninh học tập và làm theo lời Bác”, “Bắc Ninh với phong trào thi đua yêu nước” “ 30-4: Cảm xúc tháng Tư”, “Nói không với thuốc lá”… Cũng có thể là một chương trình được tổ chức thường niên tại Đài PT&TH Bắc Ninh 11 năm nay, đó là chương trình giao lưu “Thắp sáng đất học Kinh Bắc”. Thông qua mỗi chương trình giao lưu, những học sinh tiêu biểu đó đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, phương pháp học tập, rèn luyện để đạt được kết quả cao. Đồng thời các chương trình được tổ chức sản xuất cũng được Ban Giám đốc Đài định hướng về việc giao lưu với đại diện đội ngũ giáo viên. Từ những chia sẻ đó giúp cho những người làm công tác quản lý giáo dục lắng nghe, đón nhận những tâm tư, nguyện vọng và băn khoăn của cán bộ, giáo viên trong sự nghiệp trồng người, đề ra quyết tâm cùng nỗ lực để thắp sáng truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương Bắc Ninh. Đồng thời đó cũng là cơ sở để ngành GD- ĐT Bắc Ninh tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, nhân rộng những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong những năm học tiếp theo.

+ PV: Với thể loại này, bên cạnh yếu tố đề tài, cách thể hiện cũng đòi hỏi những yêu cầu khác hơn, như việc có sự tham gia nhiều hơn của yếu tố digital (kỹ thuật số) khiến cho hình thức giao lưu thay đổi khá nhiều. Là những người trực tiếp tham gia làm chương trình Giao lưu -Tọa đàm của Đài, các anh chị đã đón nhận và thích ứng yêu cầu mới và “không dễ” này ra sao?

- NB Thanh Hoàn: Quả là một sự “cân não” thú vị đối với chúng tôi, nhưng cũng phải cảm ơn sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin đã giúp chúng tôi mời khán giả đến gần hơn với sự kiện, với chính bản thân mỗi chương trình. Đài PT&TH Bắc Ninh đang có 1 trang FanPage có tên là “BTV kết nối”. Từ trang mạng xã hội này, chúng tôi dùng để tương tác với khán, thính giả mỗi khi tổ chức sản xuất 1 chương trình Giao lưu - Tọa đàm. Khán giả có thể đặt câu hỏi gửi đến khách mời thông qua trang mạng xã hội này. Hoặc chúng tôi “nhờ” yếu tố kỹ thuật số làm hấp dẫn hơn cho các clip, tổng hợp, phóng sự ngắn đan xen. Sự khác biệt và hấp dẫn ở chương trình Giao lưu- Tọa đàm là nội dung đan xen mang tính minh họa. Giao lưu- Tọa đàm chính là một cách chuyển tải thông tin đặc biệt và bản thân nó có khả năng tạo ra thông tin mới thông qua các ý kiến của người tham gia. Nhưng, sẽ càng thu hút khán giả hơn khi có các phóng sự ngắn, chùm phỏng vấn ankét minh họa, khắc sâu hơn cho mỗi chủ đề được luận bàn, trao đổi.

Nhà báo Thanh Hoàn (áo dài vàng) được nhiều đồng nghiệp nhận xét là người rất "có duyên" với các chương trình Giao lưu - Tọa đàm trên Đài PT-TH Bắc Ninh

+ PV: Các chương trình Giao lưu - Tọa đàm mang tính chất chính luận rất cao. Từ thực tế của các chương trình đã thực hiện, theo chị điều gì là yếu tố quan trọng tạo ra sự hấp dẫn và lôi cuốn, nâng tầm giá trị thương hiệu cho chương trình?

- NB Thanh Hoàn: Theo tôi cảm nhận thì Giao lưu - Tọa đàm là một chương trình tổng hợp mà ở đó cần sự vào cuộc, sự phát huy hết năng lực nội tại của cả một chuỗi ekip tổ chức sản xuất chương trình. Từ kịch bản, vai trò của người dẫn chương trình, đến khách mời, rồi đạo diễn, quay phim, hậu kỳ. Nhưng theo kinh nghiệm thực tế của tôi thì yếu tố khách mời rất quan trọng, tạo ra sự hấp dẫn và lôi cuốn, nâng tầm thương hiệu cho chương trình. Đó phải là những người có sự hiểu biết sâu rộng về đề tài được đưa ra. Có chính kiến, quan điểm và phải có giọng nói rõ ràng, trôi chẩy; có khả năng lập luận chặt chẽ.

Những người được chọn cũng có thể là những người có quyền quyết định một lĩnh vực nào đó hay là người đại diện hợp pháp có tư cách pháp nhân. Hoặc là nhân vật có thành tích tiêu biểu, có đóng góp điển hình cho cộng đồng… Những người tham gia chương trình là những người có uy tín, có kinh nghiệm, có chuyên môn hoặc có vị trí xã hội nhất định. Những ý kiến của họ nêu ra trong các cuộc giao lưu, toạ đàm thường mang tính chất cá nhân nhưng có độ tin cậy cao. Mỗi cuộc giao lưu, tọa đàm dù có được chuẩn bị từ trước nhưng bao giờ cũng có những yếu tố bất ngờ do sự phong phú của nội dung ý tưởng mà những người tham gia mang tới. Chính từ yếu tố khách mời sẽ là câu trả lời cho “nhà Đài” chúng tôi trong việc người xem có sẵn sàng ngồi trước màn hình để theo dõi chương trình Giao lưu - Tọa đàm đó hay không?

Phó Trưởng phòng Thời sự (Đài PT-TH Bắc Ninh) - NB Thanh Hoàn dẫn chương trình trong một chương trình giao lưu.

+ PV: Vậy còn vai trò của người dẫn chương trình sẽ quyết định bao nhiêu phần trăm vào thành công của một chương trình Giao lưu - Toạ đàm?

- NB Thanh Hoàn: Vai trò của người dẫn chương trình Giao lưu - Tọa đàm là hết sức quan trọng để ghi dấu ấn trong lòng khán giả, có thể quyết định tới 50% vào thành công của một chương trình. Cần làm sao để “tìm nét duyên” cho thể loại này. Họ không chỉ có vai trò dẫn dắt, gợi mở và chủ trì cuộc trò chuyện mà còn tham gia tranh luận. Nhiệm vụ chủ yếu của người dẫn chương trình trong khi tiến hành giao lưu, toạ đàm là bảo đảm tính mục đích, tính đa dạng sinh động tạo cơ hội cho tất cả các thành viên được trình bày quan điểm của mình, thay đổi tiếng nói của các thành viên sao cho cân đối, không để một người nói quá dài hoặc có người không được nói.

Người dẫn chương trình cũng là người tổng kết ý kiến của các thành viên tham gia chương trình nhằm làm sáng tỏ chủ đề. Dẫn chương trình phải hiểu rõ những khía cạnh có liên quan đến chủ đề của cuộc giao lưu, tọa đàm đó và phải có mục đích rõ ràng xuất phát từ những chủ định của Ban Biên tập và quyền lợi của công chúng. Để có thể tổ chức và liên kết các thành viên tham gia, ứng phó nhanh trước mọi tình huống, đòi hỏi người dẫn chương trình bên cạnh sự nhạy cảm cao, có bản lĩnh vững vàng còn cần có uy tín nghề nghiệp và có khả năng thuyết phục. Luôn chủ động, sáng tạo, mềm mại nhưng cũng cần kiên quyết trong những câu hỏi để đạt được mục đích cao nhất trong khi thực hiện chương trình..

+ PV: Xin cảm ơn chị! 

 Theo Ngọc Lành/ Báo Nhà báo và Công Luận

 

 

Các tin khác:
  • “Cần khuyến khích nhà báo sử dụng MXH để lan tỏa những giá trị tốt đẹp” (26/07/2018-17:52)
  • Thêm một phóng viên Mexico bị sát hại (26/07/2018-8:23)
  • Kỹ năng viết tin, bài cho báo mạng điện tử (26/07/2018-8:17)
  • Nâng cao kỹ năng chụp ảnh, chất lượng ảnh minh họa báo chí (25/07/2018-10:19)
  • Kỹ năng đưa tin về kinh tế phát triển (24/07/2018-8:04)
  • Cảm xúc người cầm bút với trái bóng tròn... (19/07/2018-7:54)
  • Câu chuyện của nữ phóng viên duy nhất xâm nhập vào “thánh địa ma túy” Tà Dê (16/07/2018-9:28)
  • Chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo - hội viên khi tham gia mạng xã hội: Tôn trọng đạo đức nghề nghiệp và vun đắp niềm tin cho công chúng (14/07/2018-9:25)
  • Tác nghiệp nơi đầu sóng (12/07/2018-8:23)
  • Lắng nghe bạn đọc để có những bài báo tốt hơn (12/07/2018-8:22)