Thứ tư, ngày 01/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Không lẽ người dân nói dối? (11/08/2018-10:29)
    (NLBTH) - Quá bức xúc vì nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt do nạn đánh bắt tận thu bằng lưới vây mắt nhỏ trên địa bàn các xã Quảng Hải, Quảng Lưu, Quảng Thái (Quảng Xương), người dân đã phản ánh với báo chí, và phóng viên đã về tận nơi ghi lại hình ảnh, lời nói làm cơ sở để làm việc với chính quyền địa phương.
Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương Bùi Ngọc Thủy cho biết: "Chúng tôi cắt cử lực lượng CA xã đi kiểm tra thường xuyên, chỉ có người dân Quảng Hải có kết hợp với dân Quảng Lưu đi đánh bắt chứ ở Quảng Hải là không có tình trạng này". Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Hai cụm lưới vây hoạt động tại đây đã nhiều năm, mỗi cụm có thể quét sạch thủy hải sản trong phạm vi 1,8 km bờ biển và vươn xa ra mặt biển hơn 2 km. Hoạt động giao dịch trên bờ cũng diễn ra hết sức sôi động.

Việc làm này đi ngược lại lợi ích của ngư dân địa phương đang đánh bắt thủy sản theo lối truyền thống, vi phạm Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Thế nhưng dường như chính quyền địa phương thì lại đang thản nhiên với điều này, thậm chí còn trả lời mang tính bao biện, thoái thác.

Trong khi đại diện lãnh đạo UBND xã Quảng Hải khẳng định trên địa bàn không có công dân nào trang bị cụm lưới vây và cũng không xảy ra tình trạng đánh bắt bằng lưới vây, thì đại diện chính quyền xã Quảng Lưu lại thừa nhận có sự hoạt động này. Tuy nhiên việc xã cho phép là do vốn đầu tư mỗi bộ lưới vây lên đến cả tỷ đồng, phải hoạt động mới có tiền trả nợ ngân hàng. Chủ tịch UBND xã cũng cho biết đã phổ biến quy định đến người dân rồi. Với cách trả lời này, đồng nghĩa với việc người dân phải chịu trách nhiệm vì biết sai mà vẫn làm.

Vì sao chính quyền chỉ tuyên truyền mà lại không tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện và ngăn chặn cái sai, thay vào đó để người dân muốn làm sao thì làm. Liệu như thế cán bộ trong bộ máy công quyền ấy đã hoàn thành chức trách của mình hay chưa?

Những câu trả lời của đại diện chính quyền các địa phương cho thấy đang có sự trái ngược với thực tế, không chỉ bộc lộ lỗ hổng trong công tác quản lý, mà còn dễ khiến nhiều người hiểu là người dân ở đây đã thông tin sai sự thật!

Không lẽ người dân lại đồng thuận để đi nói dối, họ được gì ở đó? Rõ ràng chỉ khi lợi ích của họ bị xâm hại, hết cách họ mới phải tìm đến báo chí để thông tin nhằm chờ đợi sự công bằng. Họ đâu có muốn mua dây trói mình khi vu khống ai đó.

Một sự lệch pha không quá lớn giữa một số ngư dân và chính quyền địa phương, nhưng sẽ thành vấn đề lớn nếu hai bên không đối thoại để tìm cách giải quyết phù hợp, mà cứ khăng khăng đưa ra lý lẽ chỉ để bảo vệ mình.

Lam Vũ

 

 

 

 

Các tin khác:
  • Tấm pano và vòi nước (08/08/2018-7:28)
  • Chuyện không hề vặt! (07/08/2018-8:10)
  • Phải dẹp “loạn báo chí” gấp (05/08/2018-7:35)
  • Không để tái diễn việc… cấm trên giấy! (03/08/2018-9:43)
  • Lo lắng gia tăng bạo lực (02/08/2018-10:57)
  • Từ bức ảnh ở bảo tàng (31/07/2018-13:48)
  • Ứng xử với Slogan (31/07/2018-13:46)
  • Bài toán nhận thức (30/07/2018-21:20)
  • Bệnh chủ quan (30/07/2018-12:22)
  • Xin lỗi khi mình không có lỗi (30/07/2018-12:18)