Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nghề không tương thích với "cậu ấm, cô chiêu" (14/08/2018-14:47)
    Những yêu cầu về phẩm chất, năng lực cũng như điều kiện cần và đủ của một nhà báo thường không (hoặc ít) tương thích, phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” là con quan chức vốn được nâng niu, chiều chuộng từ trong “trứng nước”, xin vào cơ quan báo chí chỉ mong có cái thẻ nhà báo nhằm “tô son, điểm phấn” cho lý lịch và cái danh hào nhoáng bên ngoài của mình.
Nghề báo có lẽ không tương thích với "cậu ấm, cô chiêu"

Nghề chọn người khắt khe

Một trong những thông tin gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận khi ông Tô Quang Phán, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cho biết, trong số hơn 700 cán bộ, phóng viên, người lao động ở cơ quan báo chí này, có tới 40% người làm việc yếu kém, trong đó chủ yếu thuộc diện con cháu “ông nọ, bà kia”!

Công tâm mà nói, không phải con em lãnh đạo nào cũng “làng nhàng”, mà họ cũng có kiến thức, lòng tự trọng và chí tiến thủ. Tuy vậy, số này không nhiều, nhất là ở các cơ quan báo chí.

Thực ra, câu chuyện của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội không phải là cá biệt. Từ nhiều năm nay, không ít cơ quan, đơn vị sự nghiệp ở nhiều nơi vẫn được ví von vui là giống như “nhà trông trẻ” vì tình trạng “gửi nhờ” con em quan chức vào trong bộ máy.

Một số cán bộ lãnh đạo cứ tưởng nghề báo là nghề sang trọng, được đi đây đó, được tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội và dễ “hái ra tiền”, vì thế mới định hướng con em mình học nghề báo chí để theo đuổi, gắn bó với nghề này. Cũng có một số con em quan chức không học chuyên ngành báo chí, dù đã tốt nghiệp đại học và khi về địa phương khó xin được việc làm, nhưng cha mẹ đã tận dụng triệt để các mối quan hệ “thân hữu” trong bộ máy công quyền để gửi gắm con em mình vào làm việc tại cơ quan báo chí.

Nghề báo là một trong những nghề chọn người khắt khe nhất. Không phải ai tốt nghiệp đại học, kể cả đại học chuyên ngành báo chí - truyền thông cũng có thể theo được nghề này. Vì ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, người làm báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí.

Tố chất, năng khiếu đó không chỉ biểu hiện ở sự nhanh nhạy, tinh tế trong phát hiện vấn đề, biết tìm, lựa chọn và làm sáng tỏ bản chất vấn đề trong một dòng chảy thông tin cuồn cuộn của xã hội, mà còn phải có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo để thể hiện vai trò chứng kiến của nhà báo với tư cách vừa là nhân chứng tham gia sự kiện, vừa là chủ thể thông tin, tuyên truyền, nhận định, phân tích, bình luận sự kiện để góp phần dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực.

Các phóng viên Đài PT-TH tỉnh, Báo Quảng Ninh tác nghiệp tại vùng lũ Ba Chẽ năm 2017.
Ảnh: TL

Không những vậy, nhà báo đòi hỏi phải có tinh thần xông xáo, ý thức dấn thân, sẵn sàng xông pha vào những “điểm nóng” (thiên tai, lụt bão, cháy nổ, thảm họa, dịch bệnh...) để tác nghiệp nhằm thu thập những thông tin nóng hổi nhất để phục vụ công chúng. Ngoài ra, nhà báo cũng cần có “ý chí thép” để có thể làm việc lâu bền trong môi trường báo chí có cường độ lao động cao, điều kiện làm việc bất kể ngày đêm, khí hậu thời tiết, vì khi có sự kiện nóng xảy ra, nhà báo sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ theo yêu cầu của lãnh đạo cơ quan báo chí.

Nghề báo cũng không phù hợp với những người “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như một công chức hành chính bình thường, hay vào cơ quan báo chí chỉ mong có cái thẻ nhà báo nhằm “tô son, điểm phấn” cho lý lịch và cái danh hào nhoáng bên ngoài của mình.

Nhà báo có trình độ (bằng cấp) thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn, cùng với niềm đam mê, dấn thân với nghề nghiệp, cần có tố chất, năng khiếu báo chí, năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và tinh thần làm việc bền bỉ, kiên cường, không nề hà gian khó. Rõ ràng, những yêu cầu về phẩm chất năng lực cũng như điều kiện cần và đủ của một nhà báo, như vậy thường không (hoặc ít) tương thích, phù hợp với những “cậu ấm, cô chiêu” là con quan chức vốn được nâng niu, chiều chuộng từ trong “trứng nước”!

Hiện nay, hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí cấp tỉnh (Tổng Biên tập báo Đảng bộ, Giám đốc đài Phát thanh- Truyền hình) thường có cơ cấu trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Với tư cách là người đứng đầu một đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, chắc hẳn nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương cũng không khỏi trăn trở, thậm chí “đau đầu” vì phải tiếp nhận những suất biên chế là con em lãnh đạo ở địa phương, nhất là những suất biên chế đó chỉ nhằm mục đích “giữ chỗ” nhiều hơn là làm việc, cống hiến hết mình cho nghề báo vốn rất nhọc nhằn, vất vả.

Ngoài những kiến thức cơ bản được đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, người làm
báo phải có tố chất, năng khiếu báo chí. Ảnh minh họa

Nhiều thẻ nhà báo, ít cây viết “quyền uy”

Đến nay, cả nước có gần 1.000 cơ quan báo chí, trong đó có hơn 18.000 người được cấp thẻ nhà báo và hơn 24.000 người có thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Trong số hơn 18.000 người có thẻ hành nghề, không biết có tỷ lệ bao nhiêu phần trăm thuộc thành phần “con ông cháu cha”?

Có một sự thật mà những người cầm bút chân chính trong làng báo Việt Nam đều biết, đó là thẻ nhà báo thì nhiều, nhưng những nhà báo giỏi thật sự thì ít. Điều đó thấy tương đối rõ ở các cơ quan báo chí hiện nay, khi tỷ lệ những cây viết “quyền uy”, những cây bút xuất sắc, những nhà báo lành nghề có khả năng “tác chiến” thành thạo ở mọi lúc, mọi nơi lại thường chỉ chiếm số nhỏ trong số đông người có thẻ nhà báo.

Điều này lại càng rõ hơn khi trong mỗi mùa Giải Báo chí quốc gia được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hàng năm, phần lớn các giải thưởng của phần lớn các cơ quan báo chí (Trung ương và địa phương) thuộc về những cây viết, những nhà báo “quen tên, quen mặt” với công chúng.

Thậm chí không ít cơ quan báo chí muốn giành được giải thưởng báo chí danh giá này chỉ quan tâm tập trung đầu tư cho các phóng viên lành nghề và ê-kíp làm báo giỏi thì mới hy vọng có những tác phẩm báo chí xuất sắc. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi không ai lại mất công đi đầu tư cho những người làm báo “làng nhàng”, mỗi tháng chỉ viết được dăm bảy cái tin, vài ba bài phản ánh đơn điệu, tẻ nhạt.

Nghề báo, như nhiều người trong nghề đã đúc rút rằng, đó là nghề “phu chữ”, nghề “lao tâm khổ trí”, chứ không phải nghề công du nay đây mai đó, cưỡi ngựa xem hoa, an nhàn, sung túc, dễ có thu nhập cao... như có người hình dung. Phía sau mỗi con chữ, bài viết, bức ảnh, khuôn hình, thước phim hoàn thiện được đăng tải trên báo và phát sóng trên phát thanh, truyền hình là thấm đẫm biết bao mồ hôi, trí tuệ, công sức và đôi khi cả nước mắt đắng cay của người trong cuộc.

Vậy nên, ai đó khi thấy rõ bản thân và con em mình không hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết về phẩm chất, ý chí, năng khiếu, năng lực, tinh thần dấn thân để làm việc trong một môi trường đòi hỏi có tính chuyên nghiệp, sáng tạo và cạnh tranh cao như lĩnh vực báo chí, hãy dừng quyết định theo đuổi, gắn bó với nghề nghiệp này. Bởi khi một người chọn nhầm nghề cũng có thể làm “lỡ bước” tương lai cuộc đời và không làm chủ được vận mệnh của chính mình!

Theo Thiện Văn/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Hòn sỏi trong đôi giày (10/08/2018-8:09)
  • “Thắt lòng” chuyện tác nghiệp vùng lũ (10/08/2018-8:07)
  • Người làm báo cần trong sáng với nghề (08/08/2018-7:22)
  • Giải pháp mới cho các chương trình truyền hình trực tiếp (07/08/2018-13:55)
  • Báo chí phát hiện, phanh phui hàng nghìn vụ án tham nhũng, tiêu cực (07/08/2018-7:50)
  • Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt (03/08/2018-9:40)
  • Livestream - Bài toán mới với các tòa soạn báo (03/08/2018-9:35)
  • “Tìm nét duyên” cho thể loại Giao lưu - Tọa đàm trên truyền hình Bắc Ninh (02/08/2018-10:51)
  • “Cần khuyến khích nhà báo sử dụng MXH để lan tỏa những giá trị tốt đẹp” (26/07/2018-17:52)
  • Thêm một phóng viên Mexico bị sát hại (26/07/2018-8:23)