Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo, im lặng để cứu người (20/08/2018-11:12)
    Cả đạo đức và luật pháp, đều có các quy ước về cái “tội” trục lợi cá nhân từ việc đáng nhẽ cần nói thì lại im lặng, hoặc đáng nhẽ phải im lặng thì lại lên tiếng. Với nhà báo, nói lên tiếng nói của bà con mình, của lương tri nhân loại tiến bộ, luôn là khát khao, cũng là thiên chức vinh quang nhưng không dễ dàng. Tuy nhiên, sau thời gian dài đồng hành cùng trang phóng sự, điều tra của Lao Động - tờ báo đã 89 năm gánh sứ mệnh “nói ra sự thật” - tôi đã lại thấm thía một lý lẽ đầy ân tình khác nữa. Nhà báo, đôi lúc phải lắng lòng, nén lòng, lãnh trọng trách im lặng để làm gì đó đẹp hơn cho thế sự.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong những lần tác nghiệp - Ảnh: NVCC
 

Những thiên thần sa ngã

Còn nhớ những ngày lang thang ở thiên đường du lịch Sa Pa - tỉnh Lào Cai. Chúng tôi đi theo Sabina - một cô gái Israel tử tế. Cô đi khắp 15 tổ chức quốc tế và Việt Nam để kêu cứu cho những đứa trẻ bị bố mẹ cho dùng ma túy rồi biến thành công cụ để xin tiền du khách. Bố mẹ các cháu cũng vật vờ bới nhặt xương thum thủm ngoài thùng rác quanh các nhà hàng để nấu lại trong các nồi luộc ống tẩu mót sái thuốc phiện... mà ăn. Nhà của họ tít hút trong các hang núi lưng trời, tôi và Sabina phải bò bằng hai tay và hai đầu gối để vào, rồi cô gái Do Thái tóc vàng gốc Ucraina bật khóc nói bằng tiếng Anh, rất súc tích: “Dưới mức sống của một con người!”. 

Tôi - phóng viên Báo Lao Động - vào vai người cần mua trẻ con về làm con nuôi, đã đi theo một bà mẹ vừa thả con vào quẩy tấu cõng ra chợ huyện bán lấy tiền nuôi cả hai vợ chồng nghiện ma túy. Với giá 2 triệu đồng, trong căn lều xiêu vẹo và đốn mạt đến mức mái phibroximăng cũng bị khênh đi bán, lấy tiền “hỏa thiêu” vào khói phù dung, bà mẹ ấy đã rút phựt miệng con gái vài tháng tuổi ra khỏi bầu vú mọng sữa của mình trước khi trao cho khách lạ. Sau loạt bài dài kỳ trên Lao Động, Phó Thủ tướng Chính phủ bấy giờ là đồng chí Trương Vĩnh Trọng đã yêu cầu Bộ Công an, UBND tỉnh Lào Cai khẩn trương triệt phá các đường dây ma túy và các điểm nóng trong hang đá lem luốc ở thiên đường du lịch Sa Pa. Ít lâu sau, tất cả các con nghiện sống lay lắt tiêm chích kia đã được đưa đi cai nghiện. Riêng hai con nghiện bé xíu, lại là các bé gái vài tuổi đầu thì không thể thả vào các Trung tâm cai nghiện lộc ngộc toàn đàn ông xăm trổ và tiền án nhiều hơn tiền mặt ở Bảo Thắng được. Các bé được lọt vào TOP các người nghiện đặc biệt nhất Việt Nam: Dung và Pan đều mới 6 tuổi đầu, cai ngay tại Trung tâm y tế huyện Sa Pa.

 Khi hết nghiện ma túy, ngành giáo dục Lào Cai đã đưa các “thiên thần bé” đi học “hòa nhập” tại trường Nội trú Hoàng Liên Sơn. Nói tiếng Việt (Kinh) không sõi nhưng nhờ thời gian dài bị bố mẹ ép buộc đi bán thổ cẩm và xin tiền du khách Tây, nên Dung và Pan đều nói tiếng Anh ngòng ngọng một cách rất đáng yêu. Chúng tôi nói với các bé bằng tiếng Anh. Điều oái oăm này, sau khi khóc chán chê, thì cô Tây tóc vàng mắt xanh Sabina rất thích thú. Cô nhận Pan làm con nuôi. Lúc đó Sabina 27 tuổi, Pan 6 tuổi. 

Tuy nhiên, rắc rối đã phát sinh rầm rầm, chỉ sau ít ngày các bé rời hang đá xuống trường học. Các thầy cô phải làm mô hình dạy các cháu với giáo trình riêng. Song, chỉ vài ngày là Dung, Pan lại trốn khỏi trường, leo lên hang đá tìm bố mẹ. Rồi ở lỳ không đi học nữa. Hết thuốc chữa, Sabina lại gọi báo tin cho tôi.

 Khi tôi và nhà báo Xuân Tùng (VTV) lên, thì Pan và Dung đã được “triệu tập” xuống lớp. Lúc ấy, đi mấy ngày đường vật vã, chúng tôi bắt đầu tranh luận. Có viết hay không viết, có phát sóng hay không phát sóng về tình trạng kể trên. Nếu để các bé về lại hang đá, thì bao nhiêu hiểm họa đang rình rập, ma túy tỏa khói khắp nơi, các cháu sẽ sống ra sao. Và tương lai? Từ chỗ “âm thầm lên án” các cán bộ không giữ được Dung và Pan ở lớp, chúng tôi đã làm việc với ngành giáo dục địa phương, chính quyền xã. Rồi bảo nhau: Im lặng để người ta nỗ lực thêm nữa, đặng cứu lấy các bé gái miệng còn hơi sữa đã chìm đắm trong vũng bùn của ma túy và lầm lỗi của chính cha mẹ mình. Những gì cần làm thì mình đã làm rồi, kể cả việc đưa mấy chục người nghiện heroin, nhiễm HIV/AIDS và phạm nhiều tội lỗi kia đi “trại” bắt buộc. Rồi bệnh tật và các sự tàn phá tan rỗng khác của ma túy đã cướp đi mạng sống của đủ ngần ấy con người. Còn các cháu bé, như cái cây hoang dại, như con họa mi núi đá quăng quật ngoài sương gió, nắn một sớm một chiều để vào nền nếp - đâu có dễ. Hãy cho cơ quan chức năng thời gian và hãy đồng hành với họ. Đừng biến nhà báo thành “thế lực” nói lấy được, “phang” ra trò, bất biết người khác đã nỗ lực ra sao.

 Bây giờ, Pan đã có chồng, có con và “mẹ nuôi” Sabina, suốt mười mấy năm qua, không năm nào không sang Việt Nam, ngược đồng rừng Sa Pa, để coi sóc gia đình bé mọn của Pan. Thổ cẩm Pan làm ra, Sabina mang sang Nhật bán rồi đem thêm tiền đô của Sabina nữa, chung sức xây nhà, chăm sóc trâu bò lợn gà giúp Pan. Bài học về sự lên tiếng và sự im lặng trong nghề phóng sự của tôi bắt đầu từ vụ việc của Sabina.

Cái giá của sự im lặng

Sau này chúng tôi làm nhiều tuyến bài điều tra chống lại nạn buôn người, bóc lột tình dục trẻ em ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Tháng 7 năm 2018, sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam mời tôi đến chia sẻ kinh nghiệm trong một diễn đàn lớn về chống lại nạn buôn người, tôi bèn nói về cái cách nhà báo xâm nhập chuyển tài liệu cho công an rồi “tập im lặng” chờ thời đưa bài viết tới độc giả một cách hữu ích nhất. Im lặng trong các vụ việc mà mình cùng ê kíp bỏ ra bao nhiêu tiền của, công sức, cùng nhiều tháng ròng để cùng lực lượng chức năng tóm gọn bè lũ “yêu râu xanh” người Việt và người nước ngoài - trong các trường hợp kiểu này - quả là điều không dễ dàng. Nhất là khi, các tài liệu độc quyền ấy rất nhiều phần lại do chính nhóm PV chúng tôi điều tra, thu lượm, “rình mò”, hóa trang trong nhiều tháng ròng để có được. Thông tin sục sôi, toàn những hình ảnh sốc và nóng, toàn những chủ đề báo chí đặc biệt quan tâm. Khi “nén lòng” im lặng như vậy, tôi lại nhớ lời Luật sư Tạ Ngọc Vân. Năm 2014, Vân đã được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh là “anh hùng của năm”, vì “Nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân buôn người trên thế giới”. Trước đó, Bộ Công an Việt Nam cũng nhiều lần tặng Tạ Ngọc Vân bằng khen vì các thành tích “Phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em” bị lừa bán, lạm dụng tình dục và bóc lột sức lao động. Vân đã cứu đến hơn 500 phụ nữ và trẻ em bị bán buôn vô cùng tàn nhẫn. Vân bảo, “anh viết báo phải cẩn trọng đừng để các bé gái, các phụ nữ trẻ vừa được giải cứu lại trở thành… nạn nhân lần thứ hai!”. Rồi Vân trăn trở, có vụ đang điều tra bắt giữ đối tượng, thì nhà báo nọ viết bài, có khác gì đánh động cho kẻ thủ ác và đồng bọn chạy trốn. Bởi nếu công an và luật sư điều tra, thì họ luôn biết giữ bí mật, nhưng khi nhà báo cũng điều tra và còn có nhiều tài liệu độc quyền, thì: Họ rất dễ không im lặng được. 

Có vụ, sau khi giải cứu được một phụ nữ trẻ người Sơn La bị bán vào động mại dâm bên Trung Quốc. Quá trình thâm nhập, hóa trang vô cùng hiểm nguy, lúc trao trả trên biên giới, lúc đưa nạn nhân về tận bản Thái, các “người hùng giải cứu mỹ nhân” tuyệt đối không để lộ một thông tin gì về nhân thân của cô gái. Thế rồi một phóng viên trẻ vào cuộc. Anh ta vẽ cả sơ đồ giải cứu cô gái từ “động” bên Trung Quốc, luật sư thâm nhập, rồi hành trình chi tiết “bỏ trốn” khỏi “động quỷ”, qua cửa khẩu nào? lên Sơn La ra sao? Đến mức, theo các địa chỉ trên, các đối tượng mafia giam giữ cô gái để “khai thác tình dục” ở bên kia biên giới có thể tìm… bắt lại con mồi đang đem siêu lợi nhuận cho chúng. Thậm chí, cô gái trẻ không ngẩng mặt lên được trước dân làng, bởi, dù có viết tắt tên, thì ở bản đó, thân phận đó, trở về ngày đó, chỉ có cô gái mà chúng ta đang nói thôi. Chứ còn ai vào đó nữa. Sau thời gian bị làm trò chơi cho những con đực hư đốn, cô gái lại bị biến thành nạn nhân thêm một lần nữa, do sự lên tiếng không chuẩn mực của người cầm bút.

Có những vụ lớn, khi chúng tôi tham gia “đánh án”, đằng đẵng theo sát đối tượng, có đồng nghiệp phải nghiến răng: Bắt được thằng tội đồ này, tớ sẽ đá cho nó một cái hoặc “cắt công cụ gây án của nó”. Còn gì buồn bực bằng chứng kiến nó gây tội ác với hàng chục cháu bé, mà - vì sợ rút dây động rừng - vẫn phải “củng cố hồ sơ”, chưa thể lên tiếng hay can thiệp, chưa thể lật mặt chúng trên báo hay áp giải chúng ra vành móng ngựa! Giữa lúc đó, anh em vẫn bảo nhau:  Mình viết báo làm gì? Là mong muốn xã hội hiểu các góc khuất kia mà hành động hiệu quả hơn để làm cho nó bớt tăm tối độc ác đi. Vậy mình viết bây giờ có làm kẻ thủ ác bỏ trốn mất không? Nếu tố cáo một gã “tép riu” mà không có tài liệu thuyết phục để ngăn chặn nó, thì có khác gì mỗi lần điều tra gãi ghẻ là một lần “training” (đào tạo) cho nó cách che giấu tội ác và đối phó với ánh sáng công lý. Có vụ, sau cả năm điều tra, nhiều người thắc mắc: bỏ núi tiền ra tìm bằng được sự thật, không biết kết quả thế nào, chỉ thấy nhà báo chưa viết gì. Quả thế, nếu im lặng tốt hơn là lên tiếng, thì cớ sao ta không chọn im lặng chờ thời điểm thích hợp và hữu hiệu hơn nữa? Nói khác đi, làm thế nào tốt hơn cho bà con mình thì làm, không nề hà lên tiếng hay im lặng, không “chấp nhắt” đến những lợi ích của cá nhân người cầm bút!

Mặt trái của Facebook 

Chợt nhớ, cách đây ít ngày tôi nhận được một lá thư tâm huyết tố cáo cảnh “thuê” trẻ con, cho uống thuốc “an thần” rồi đem ra vỉa hè ngã tư ngã năm ngồi “trình diễn sự khổ ải” rồi xin tiền. Trước khi thư cho tôi (qua email), bạn này đã kịp up mọi chuyện lên facebook của chính mình. Nhận thư và đọc facebook, tôi chỉ biết thở dài rồi bảo bạn kia. “Mục đích của em, khi liên lạc với tôi là gì?”. “Là tố cáo”. “Tố cáo để làm gì?”. Cho bạn nợ câu trả lời. Xin hỏi tiếp: “Thế bạn đưa chuyện đó lên facebook làm gì?”. “Để tìm sự chia sẻ và giải pháp cho vấn đề”. “Thế bạn tìm thấy giải pháp nào chưa?”. “Nhiều người chia sẻ. Có người đòi ra đánh cái thằng lừa đảo ăn xin, có người “dự đoán” cho em biết bao nhiêu chiêu trò và sự độc ác của nó khi kinh doanh lũ trẻ non lấy bấy, cho uống thuốc ngủ để nằm thiêm thiếp, làm công cụ xin bộn tiền cho hắn ta...”. “Tóm lại, đến giờ thì em đã giúp được gì cho các nạn nhân chưa?”. Cô gái không trả lời được. Tôi bảo, hay là em chỉ đưa lên và “câu like”? Rồi em vui vẻ hài lòng với sự tán thưởng mà hội nhóm kia dành cho “tình thương bao la” em dành cho các bé gái nạn nhân? Rồi các anh hùng bàn phím thể hiện mình hùng hổ và rồi cái gã độc ác ngồi vỉa hè “phơi nắng” các bé thơ uống thuốc ngủ kia... biến mất. Nó sẽ biết tin là bị em bóc mẽ và nó “phắn”. Nó đi địa bàn khác để đày đọa các bé kiếm tiền. Nếu nó không đọc mạng xã hội thì cũng có người khác đọc và chửi nó. Dĩ nhiên là nó sẽ “biến mất”. Cuối cùng thì em làm hỏng một cơ hội vàng để lực lượng điều tra chân chính hóa trang xâm nhập, tấn công tội phạm đến cùng, chấm dứt hoàn toàn các thủ đoạn bẩn thỉu của gã kia.

Vài tiếng sau, cô gái gỡ thông tin khỏi facebook của mình và thông báo: Gã kia đã biến mất cùng các bé gái non lấy bấy mà ngày nào hắn cũng phơi nắng xin tiền ở ngã tư gần phố Khuất Duy Tiến, Hà Nội. Câu chuyện kể trên đã ám ảnh tôi, rằng cô gái trẻ ấy, khi muốn “làm gì đó tốt đẹp hơn cho cộng đồng” cũng cần phải có hiểu biết và có trách nhiệm. Nếu không thì sẽ “làm phúc phải tội”, “yêu nhau như thế bằng mười hại nhau”. Người cầm bút lên tiếng hay im lặng thế nào cho có trách nhiệm thật sự với các vấn đề nhiều day dứt của xã hội kia? - thay vì cứ nói lấy được, viết lấy được. Viết thế là chỉ vì lợi ích hay sự ích kỷ, sự thể hiện mình của duy nhất người... viết mà thôi.


 

Học một đời để im lặng

Cũng có những ngày, khi thành công vang dội với các sự việc chấn động, chúng tôi đứng ra bầu chọn một người chấp nhận “hy sinh quyền lợi” để “ra mặt” nói với công luận những việc nhóm mình đã làm được. Không ai muốn sự “quen mặt trên truyền thông” kia sẽ triệt hết các con đường hóa trang xâm nhập trong tương lai hành nghề của mình. Nhưng rồi, vẫn phải có người nói ra sự thật khốc liệt từ nạn buôn người, mại dâm, hãm hiếp và nô lệ lao động. Điều tra để triệt phá các đường dây xấu xa đã quan trọng, nói ra điều đó để cộng đồng hiểu và được cảnh báo tốt, cũng như có thêm các tượng đài chống lại cái ác - cũng quan trọng và hữu ích không kém. Biết thế, nhưng ai sẽ là người chịu “hy sinh” để ra mặt nói về thành công của mình và nhóm?

Nhiều vụ như vừa rồi, công an tỉnh Tây Ninh nhờ Phóng viên Lao Động điều tra và móc nối, cứu giúp các bé gái bị bán thành nô lệ tình dục bên Trung Quốc. Từ các cuộc chat thâu đêm kêu cứu và mô tả với nạn nhân, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Luật sư Tạ Ngọc Vân và đồng đội đã hỗ trợ chúng tôi, sang tận Trung Quốc đón bé gái đem ra công an nước bạn tố cáo kẻ xấu và tìm cách đưa bé về qua cửa khẩu quốc tế. Khi bé được Vân và tổ chức của mình đưa từ Móng Cái về tận Tây Ninh, trao cho bố mẹ và kết hợp với lực lượng công an bắt các kẻ lừa bán bé gái, thì tôi (người viết bài này và nắm toàn bộ thông tin) vẫn chưa bao giờ dám viết một dòng về chiến công trên!

Như một triết gia đã nói, viết là vinh quang, trang giấy hoặc trang word mới mở trên máy tính, chúng là pháp trường trắng với người cầm bút. Nhưng, người ta chỉ mất ba năm để học nói, rồi sau đó mất cả một đời để học im lặng. “Nói” đúng chỗ, thì một lời có sức nặng như thiên binh vạn mã. Song, cũng có khi, im lặng mới là tất cả và mới là tử tế nhất.

Theo Đỗ Doãn Hoàng/Báo Lao động

 

 

Các tin khác:
  • Nhà báo Vương Tâm: Cháy hết mình với những đam mê (20/08/2018-11:08)
  • Khi nhà báo dùng những con số (17/08/2018-19:04)
  • Báo chí truyền thông về vấn đề an ninh tài chính, tiền tệ (16/08/2018-14:59)
  • Gửi đi thông điệp “càng gần gũi, càng chân thành thì dân càng tin Đảng” (16/08/2018-14:55)
  • Sản xuất video cho báo mạng bằng thiết bị di động (15/08/2018-15:37)
  • Nghề không tương thích với "cậu ấm, cô chiêu" (14/08/2018-14:47)
  • Hòn sỏi trong đôi giày (10/08/2018-8:09)
  • “Thắt lòng” chuyện tác nghiệp vùng lũ (10/08/2018-8:07)
  • Người làm báo cần trong sáng với nghề (08/08/2018-7:22)
  • Giải pháp mới cho các chương trình truyền hình trực tiếp (07/08/2018-13:55)