Chủ nhật, ngày 28/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Sức mạnh của truyền thông trong bảo vệ bản quyền báo chí (17/10/2018-9:28)
    Cùng với sự phát triển của Internet, tình trạng vi phạm bản quyền sản phẩm báo chí ngày càng phức tạp. Ngăn ngừa vi phạm bản quyền là yêu cầu sống còn của các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay.
Cần đẩy mạnh truyền thông để đấu tranh với vi phạm bản quyền. Ảnh: TL

Vi phạm bản quyền ngày càng tăng

Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng đang khá phổ biến và nghiêm trọng tại Việt Nam. Sự vi phạm này có thể dễ dàng nhận thấy trong các hoạt động văn học, nghệ thuật, khoa học.

Ngay cả các cơ quan báo chí được coi là các chủ thể nắm giữ quyền lực thứ tư cũng không ngoại lệ. Tình trạng các bài viết, tác phẩm báo chí bị xâm phạm bản quyền không còn là điều mới lạ tại Việt Nam.

Đây là hệ quả tất yếu nảy sinh từ mặt bằng ý thức pháp luật của người dân chưa cao, từ nền tảng đạo đức kinh doanh chưa bám rễ vững chắc trong cộng đồng doanh nghiệp, cộng thêm sự quá tải hoạt động xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là cơ quan báo chí lớn tại Việt Nam. Với hơn 4.000 cán bộ, phóng viên và tổng thời lượng phát sóng 205 giờ/ngày trên các kênh từ VTV1 đến VTV9, Đài THVN cũng là một trong các chủ sở hữu quyền tác giả lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, VTV đã và đang phải đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền của mình với mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Ngay tháng đầu tiên phát sóng 2 bộ phim “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” trên VTV3 đã có hơn 400 trang Facebook và tài khoản Youtube vi phạm.

Tình trạng tự ý thu lại chương trình, biến đổi khuôn hình, che logo VTV và phát lại trên Internet ngày càng phổ biến. Mỗi khi có các chương trình hấp dẫn, hàng loạt tài khoản Youtube và Facebook đã đăng phát lại trái phép dưới hình thức livestream màn hình tivi.

Nghiêm trọng hơn là tình trạng vi phạm các giải thể thao quốc tế, như trường hợp các năm 2016 và 2017, VTV đã bị đối tác cung cấp bản quyền Champions League và Europa League ngừng cung cấp tín hiệu giữa chừng do tình trạng vi phạm trên hạ tầng số tại Việt Nam. Bên cạnh sự thiệt hại về kinh tế, việc cắt sóng đã ảnh hưởng lớn đến đông đảo khán giả khi họ không còn được thưởng thức món ăn tinh thần là môn thể thao “vua” nữa.

Sức mạnh của truyền thông trong bảo vệ bản quyền báo chí. Ảnh: TL

Sức mạnh của truyền thông

Các cơ quan báo chí có một quyền lực rất mạnh, nhưng ít khi được sử dụng trong xử lý vi phạm bản quyền của mình. Từ một số trường hợp thực tế của VTV cho thấy, việc đẩy mạnh truyền thông để đấu tranh với vi phạm bản quyền đã nâng cao đáng kể hiệu quả xử lý.

Đơn cử như vụ việc 2 tiệm cầm đồ tại Quận 9 TP. Hồ Chí Minh xâm phạm bản quyền (mỹ thuật ứng dụng) của Đài THVN khi tự ý in trái phép logo VTV trên biển hiệu. Thay vì áp dụng phương pháp xử lý thông thường là đề nghị Thanh tra Bộ xử lý với quy trình 2 - 3 tháng, VTV đã sử dụng truyền thông để đấu tranh và hiệu quả rất khả quan. Các cửa hàng vi phạm đã ngay lập tức gỡ biển vi phạm trong vòng 3 tiếng kể từ khi đội phóng viên VTV vào cuộc phản ánh vi phạm, nhằm cảnh báo đến cơ quan chức năng tại địa phương.

Sử dụng biện pháp truyền thông để đấu tranh vi phạm cũng thể hiện rõ hiệu quả đối với các trường hợp vi phạm trong năm 2017. Đây là khoảng thời gian mà 2 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất tại Việt Nam đang rất “vô tư” xâm phạm bản quyền chương trình VTV. Hàng loạt chương trình của VTV đã bị tự ý thu và phát trên mạng viễn thông, đầu số (box digital), ứng dụng xem tivi của các doanh nghiệp này. Việc thuyết phục và buộc họ phải mua bản quyền của VTV là rất khó khăn.

Tất nhiên vẫn có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, nhưng rõ ràng với thời gian kéo dài và mức xử phạt 20 - 30 triệu đồng/vụ sẽ khó mà răn đe các chủ thể vi phạm. Lúc này, VTV đã sử dụng đến sức mạnh báo chí và chỉ cần VTV “tỏ ý” có động thái truyền thông vụ việc thì sự vi phạm trên đã lập tức chấm dứt. Cả 2 doanh nghiệp đã nhanh chóng ký kết các Hợp đồng mua bản quyền với tổng giá trị lên hơn 6 tỷ đồng cho năm đầu tiên và tăng lên 10 tỷ cho các năm sau.

Rõ ràng, hiệu quả của biện pháp truyền thông khi đấu tranh với vi phạm bản quyền là không cần phải bàn cãi. Không phải VTV không biết về hiệu quả của truyền thông. Trong “tay” của VTV có cả báo hình (các kênh truyền hình), báo viết (Tạp chí truyền hình) và báo điện tử (VTVnews). Nhưng trong quá khứ, VTV hầu như không sử dụng hình thức này vì “ngại” mang tiếng lạm dụng thẩm quyền báo chí của mình cho chuyện “cá nhân”.

Một ví dụ khác, việc lập và công khai trên báo chí danh sách các website chuyên vi phạm bản quyền (còn gọi là danh sách đen) mà Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT) đã thực hiện. Một loạt chủ thể như Đài THVN, Công ty truyền thông BHD, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ, Ủy ban bản quyền Hàn Quốc... đã phối hợp và hỗ trợ Cục PTTH&TTĐT xây dựng danh sách 50 trang web đen này.

Việc công bố danh sách đen này nhằm truyền thông rộng rãi về tình trạng ăn cắp bản quyền trên mạng Internet. Đích của nó là nhắm đến việc cắt giảm hầu bao của các trang web đen. Tức là tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp uy tín có nhu cầu quảng cáo trên các web.

Khi biết việc quảng cáo trên các web thuộc danh sách đen sẽ mang lại hiệu quả tiêu cực đối với sản phẩm, dịch vụ của mình chẳng có bất kỳ doanh nghiệp nào chấp nhận bỏ tiền mua quảng cáo trên web cả.

Không có quảng cáo, các web này sẽ èo uột mà chết dần vì không có kinh phí duy trì hosting, thuê nhân công điều hành... Kết quả đến ngay lập tức khi công khai danh sách đen: một doanh nghiệp quảng cáo nắm giữ 58% thị phần quảng cáo ở Việt Nam đã rút toàn bộ quảng cáo trên các trang web đó. Điều này hoặc sẽ khiến các trang web dừng hoạt động, hoặc ít nhất cũng khiến các chủ web chùn tay trong việc xâm phạm bản quyền.

Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và bản quyền nói riêng đang khá phổ
biến tại Việt Nam. Ảnh: TL

Bài học từ bản quyền Worldcup 2018

Hoạt động phòng ngừa vi phạm bản quyền của VTV đối với Giải bóng đá Worldcup 2018 tại Nga vừa qua là một bài học kinh nghiệm mới nhất đối với mỗi cơ quan báo chí, tổ chức truyền hình. Việc mua bản quyền giải bóng đá lớn nhất hành tinh là vô cùng phức tạp.

Nếu như giá trị bản quyền Worldcup 2006 chỉ là 2 triệu USD, Worldcup 2010 là 2,7 triệu USD thì tổng chi phí cho giải đấu Worldcup 2018 đã lên tới khoảng 14 triệu USD. Vì vậy, đến 7/6/2018, chỉ vài ngày trước khi diễn ra trận đầu tiên, VTV mới đàm phán thành công với Infront Sports & Media - đại diện kinh doanh bản quyền tại khu vực Đông Nam Á và trở thành quốc gia cuối cùng trên thế giới có bản quyền truyền hình của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Vấn đề phức tạp nhất lại không phải là việc mua bản quyền mà là bảo vệ bản quyền giải đấu. Điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo các biện pháp khóa mã tín hiệu để không tràn sóng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nếu không đảm bảo điều này thì FIFA sẽ dừng cấp quyền phát sóng giải đấu của VTV. Mối lo bị “cắt sóng” giải đấu không phải là nỗi lo mơ hồ, xa xăm nào đó.

Vụ việc tháng 5/2017, VTV bị đối tác ngừng cung cấp tín hiệu các giải bóng đá châu Âu là bài học nhãn tiền. Hàng chục trang web, trong đó có nhiều cơ quan báo chí đã tùy tiện đăng tải các trận đấu và không hề có biện pháp ngăn ngừa, chặn tín hiệu IP ngoài Việt Nam. Kết quả là VTV bị cắt quyền phát sóng, khán giả không được thưởng thức các trận bóng, thiệt hại là hàng triệu USD và sự mất uy tín trước đối tác quốc tế.

Cần nhắc lại là việc giới hạn địa lý của các giải đấu trên nền tảng Internet là vô cùng phức tạp do sự lan tỏa không rào cản biên giới. Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào cũng có thể thu phát chương trình giải bóng đá và truyền phát trên tài khoản cá nhân hoặc website mà không thể bị giới hạn lãnh thổ. Mối lo cắt sóng là hiện hữu khi ngay trong vài ngày đầu tiên của Worldcup 2018, VTV đã phát hiện 700 trường hợp vi phạm và chỉ đánh hạ thành công hơn 300 trường hợp trong số đó.

VTV từng bị đối tác ngừng cung cấp tín hiệu các giải bóng đá châu Âu. Ảnh: TL

Bài học lớn nhất từ giải bóng đá này chính là việc nâng cao ý thức pháp lý về bản quyền của người dân và kêu gọi sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là sự hợp lực của các cơ quan báo chí. Bản thân VTV đã thực hiện nhiều chương trình truyền hình để tuyên truyền, phổ biến công khai, rộng rãi, các điều khoản chi tiết của FIFA liên quan đến bản quyền.

Hàng loạt cơ quan báo chí khác đã hợp lực với VTV và cùng cất cao lời kêu gọi tuân thủ luật bản quyền, như Lao động, Tuổi trẻ, Thanh niên, Dân trí, Pháp luật, Phụ nữ.... Nhờ vậy, đông đảo người dân đã hiểu rõ vấn đề và tự nguyện hỗ trợ bảo vệ bản quyền bằng cách lên tiếng phản đối vi phạm, thậm chí là rà soát, phát hiện các trường hợp vi phạm để gửi link về cho VTV xử lý.

Đặc biệt, đã xuất hiện một nhóm “hiệp sĩ” tình nguyện rà soát, quét các link và các trang vi phạm trên mạng Internet và báo cáo về VTV để xử lý vi phạm. Lực lượng “hiệp sĩ” đánh chặn vi phạm bản quyền ban đầu có 11 người tham gia sau đó tăng lên 23 người. Đây là những người có kiến thức về Internet và có tài khoản tham gia các mạng xã hội, nhóm kín có sự vi phạm bản quyền mà người bình thường không dễ dàng được kết nạp.

Vào giờ diễn ra các trận đấu trực tiếp, họ đã ngồi rà soát, quét link, khi phát hiện vi phạm để thông tin, ngăn chặn. Có thể nói, việc rà soát và hỗ trợ VTV ngăn chặn vi phạm đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Trong các loạt trận đấu sau của worldcup 2018, tình trạng livestream trên YouTube và Facebook giảm rõ rệt.

Có thể nói, điểm sáng nhất của chiến dịch truyền thông này chính là sự thấu hiểu và chia sẻ giúp đỡ của toàn xã hội đối với một vấn đề phức tạp là bản quyền. Từ việc vô tư dùng “chùa” tác phẩm đến việc hiểu rằng cần phải xin phép khi sử dụng tác phẩm người khác là một bước tiến rất dài trên con đường bảo vệ bản quyền tại Việt Nam.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự và mỗi chủ thể phải có trách nhiệm trong bảo vệ quyền của chính mình. Việc thụ động, chỉ trông chờ vào động thái xử lý của cơ quan chức năng sẽ không đem đến hiệu quả cao. Đã đến lúc, các cơ quan báo chí phải sử dụng tối đa sức mạnh truyền thông để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí của mình.

Việc sử dụng nhuần nhuyễn từng loại hình báo chí với tần suất, phương thức phù hợp sẽ góp phần tối ưu hóa công tác phòng chống vi phạm sở hữu trí tuệ của các cơ quan báo chí. Đây sẽ là “lời giải” phù hợp cho “bài toán” vi phạm bản quyền đang nhức nhối của các cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay./.

Theo Quỳnh Anh/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Phát động cuộc thi “Khoảnh khắc báo chí 2018” (18/10/2018-9:26)
  • Giải Báo chí với phát triển bền vững kết thúc nhận bài tham dự vào 31/10/2018 (18/10/2018-9:25)
  • Bản lĩnh dấn thân đằng sau tác phẩm (15/10/2018-17:58)
  • Miệt mài sáng tạo trên “cánh đồng chữ” (12/10/2018-14:17)
  • TP Hải Phòng: Tập huấn kỹ năng phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí (12/10/2018-14:14)
  • Đa năng, linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng (12/10/2018-9:44)
  • Một cây bút chuyên "lội ngược dòng" (11/10/2018-14:04)
  • Cây bút nữ biệt tài về đề tài miền núi (06/10/2018-17:34)
  • Câu chuyện đề tài (04/10/2018-13:26)
  • “Kỹ năng kể chuyện qua phóng sự ảnh” (05/10/2018-8:29)