Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Vị “thuyền trưởng” có duyên với giải thưởng báo chí về dân tộc (01/11/2018-9:16)
    Trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Dân tộc - Ủy ban Dân tộc, nhà báo Nguyễn Quang Hải đã luôn trăn trở về sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các tác phẩm báo chí mang tính nghiên cứu, lý luận. Những tác phẩm ấy đã được giới chuyên môn đánh giá cao và giành được nhiều giải thưởng báo chí về đề tài dân tộc và miền núi.
Nhà báo Nguyễn Quang Hải (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn cán bộ của Hội Nhà báo
Việt Nam trong chuyến công tác Nghệ An (Ảnh: NVCC)

Tôi biết nhà báo Nguyễn Quang Hải qua trang Facebook. Trò chuyện với anh đôi ba lần thì thấy anh nhiệt tình, vui vẻ, dễ gần. Anh nhìn trẻ trung hơn so với lứa tuổi 54 của mình. Nhân dịp anh cùng nhóm tác giả của Tạp chí Dân tộc giành Giải C (báo in) trong Cuộc thi tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 lần thứ 2, năm 2018, tôi đã hẹn gặp trực tiếp để chúc mừng.

Trong tiết trời mùa thu se se lạnh, tôi tìm đến số 343 phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), “đại bản doanh” của Tạp chí Dân tộc. Với tác phong nhanh nhẹn, mến khách, nhà báo Nguyễn Quang Hải tiếp tôi bằng thứ cà phê thơm ngon. Thực ra gặp trực tiếp tôi mới biết anh còn là người có giọng nói rất “ăn míc”. Hỏi ra mới biết trước đây anh từng có thời gian dài công tác ở quê nhà - Đài Phát Thanh và Truyền hình Bắc Giang từ chân phát thanh viên, Trưởng ban Phát thanh rồi đến Trưởng ban Thư ký. Anh kể, thời gian ấy anh luôn xung xáo cùng một số đồng nghiệp đi sáng tạo tác phẩm báo chí ở 4 huyện miền núi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế của tỉnh Bắc Giang. Qua biết bao chuyến tác nghiệp như vậy anh đã thêm hiểu và đồng cảm về chính sách, văn hóa, lối sống, vùng đất, con người… của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Anh đã tự đặt ra câu hỏi: Tại sao người dân tộc thiểu số được thừa hưởng rất nhiều chính sách từ Đảng, Nhà nước nhưng lại chưa thể phát triển tương xứng? Nguyên nhân và giải pháp gì? Đó là điều mà anh trăn trở, suy tư.

Với tư duy sắc bén của người làm báo, anh đã cho ra đời nhiều tác phẩm có tiếng vang, góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng dân tộc miền núi. Đặc biệt, năm 2006, tác phẩm phát thanh “Đây là Đài Truyền thanh bản Gà” nói về ông Hà Xuân Thùy ở bản Gà, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, tự nguyện làm không công để xây dựng và phát triển Đài Truyền thanh của bản Gà, do anh và các đồng nghiệp thực hiện đã giành giải Vàng trong Liên hoan Phát thanh Toàn quốc. Đó là chuyến đi mà anh đã phải gặp rất nhiều vất vả bởi đường vào bản Gà ngày ấy trắc trở, hiểm nguy, điều kiện tác nghiệp khó khăn nhưng đã cho anh những trải nghiệm và bài học quý giá trong nghề.

Nhà báo Nguyễn Quang Hải (thứ 4 từ trái sang) cùng đồng bào các dân tộc thiểu số tại Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sỹ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc (tháng 12/2017) (Ảnh: NVCC)

Thế rồi từ quy mô nghiên cứu với phạm vi nhỏ hẹp trong tỉnh Bắc Giang, anh đã mong muốn được tìm hiểu về sự phát triển của 53 dân tộc thiểu số đang sinh sống rải rác trên nhiều tỉnh, thành của cả nước. Năm 2008, anh chuyển về Hà Nội công tác tại Tạp chí Dân tộc với chức danh Trưởng ban Biên tập - Phóng viên rồi Phó Tổng Biên tập (năm 2011) và Tổng Biên tập (từ năm 2012 cho đến nay). Làm việc ở Tạp chí với nhiệm vụ chính là nghiên cứu lý luận, tham mưu giúp Ủy ban Dân tộc về các chính sách xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số, là cơ hội tốt để nhà báo Nguyễn Quang Hải phát huy được thế mạnh và tình yêu cháy bỏng với mình với vấn đề dân tộc- một lĩnh vực anh tâm huyết và yêu thích. Với con mắt nhanh nhạy của người làm báo nhiều năm ở cơ sở, anh đã nhận ra bên cạnh những mặt tích cực thì các chính sách còn một số bất cập. Anh mong muốn thông qua các bài viết của mình sẽ góp lên tiếng nói mạnh mẽ để các chính sách đến đồng bào dân tộc thiểu số một cách thiết thực và hiệu quả.

Đầu tiên, phải kể đến loạt bài “Từ Mường Nhé, nơi tận cùng Tây Bắc của Tổ quốc – Những vấn đề đặt ra cho công tác dân tộc” do anh và các đồng nghiệp thực hiện đã vinh dự được trao giải C (không có giải A) Giải Báo chí Quốc gia năm 2011. Tiếp đó 3 năm sau, tác phẩm “Tổng quan về tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta” trong loạt bài “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta” do anh và tác giả Hoàng Phương Liên thực hiện đã xuất sắc giành Giải Đặc biệt trong Lễ trao giải Giải Báo chí Toàn quốc viết về chủ đề dân số - kế hoạch hóa gia đình do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp tổ chức. Đây là lần đầu tiên Tạp chí Dân tộc đoạt giải cao nhất tại một cuộc thi nghiệp vụ báo chí cấp toàn quốc ở thể loại nghiên cứu lý luận - một thể loại khó đối với các cơ quan báo chí nói chung, các tạp chí nói riêng. Gần đây, loạt bài 3 kỳ “Kết quả và những vấn đề đặt ra trong thực hiện tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số” do anh và hai tác giả khác của Tạp chí Dân tộc thực hiện đã giành Giải C (báo in) trong Cuộc thi tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 lần thứ 2, năm 2018.

Chia sẻ với tôi về hậu kì đằng sau những tác phẩm thành công ấy, anh cho biết: “Người làm báo ngoài sáng tạo các tác phẩm báo chí còn phải có trách nhiệm đem dự thi. Khi thực hiện loạt bài đề tài nóng và có ý nghĩa chính trị với người nghèo như loạt bài “Kết quả và những vấn đề đặt ra trong thực hiện tín dụng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số” vừa qua, tôi đã đi một số chuyến với Ngân hàng Chính sách Xã hội và thấy tín dụng chính sách có hiệu quả nhưng còn nhiều vấn đề phải đặt ra. Khi được thông báo đến nhận giải, thú thật tôi cũng rất bất ngờ nhưng rồi cũng cảm thấy xứng đáng, chỉ tiếc là thời gian loạt bài trên 3 số tháng 7,8,9 thì công việc của đoàn thể, Đảng bộ cơ quan rất bận rộn nên không có thời gian đầu tư thêm. Đặc biệt, trong loạt bài mới ghi nhận ở Quảng Nam mà đáng lẽ chúng tôi đã có chuyến khảo sát ở Lâm Đồng, Bình Phước nhưng lại trùng lịch không đi được. Riêng chuyến ghi nhận tại phía Bắc thì số tháng 10 mới đăng”.


Nhà báo Nguyễn Quang Hải nhận Giải C (báo in) trong Cuộc thi tác phẩm báo chí về công
tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 lần thứ 2, năm 2018 (Ảnh: NVCC)

Nhà báo Nguyễn Quang Hải cũng đánh giá ban giám khảo Cuộc thi tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 lần thứ 2 này rất công tâm, chuyên nghiệp, bởi lần này không có Giải A. “Đây là giải thưởng lớn do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức vì vậy nếu cố chọn một tác phẩm đoạt Giải A mà công chúng không phục thì sẽ làm mất uy tín của giải”, nhà báo Nguyễn Quang Hải lý giải thêm.

Khi được hỏi về nguyên nhân tại sao người dân tộc thiểu số vẫn nghèo trong khi chính sách thì rất nhiều, nhà báo Nguyễn Quang Hải đã phân tích dưới góc nhìn của người làm báo rằng: Do chính sách nhiều nhưng lại chồng chéo và chậm được sửa đổi, bổ sung. Nguồn vốn thực hiện chính sách không đủ nên cứ như “muối bỏ biển”. Một nguyên nhân quan trọng nữa là người dân sử dụng đồng vốn chưa mạnh dạn đầu tư thoát nghèo bền vững mà vẫn mang nặng tư duy “ăn xổi”. Từ đó anh đã mạnh dạn đề xuất Nhà nước phải tổng duyệt lại các chính sách cũng như đào tạo lại cán bộ ở cấp cơ sở. “Và tất nhiên trong cuộc hành trình thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số không thể thiếu báo chí - truyền thông. Tuy nhiên, báo chí - truyền thông về vấn đề dân tộc cần phải đổi mới phương pháp và cách tiếp cận với người dân bởi công chúng khu vực miền núi có những đặc thù riêng”, anh cho biết.

Vẫn biết nghiên cứu lý luận về dân tộc là không dễ, nhất là với người dân tộc Kinh và sinh sống ở Thủ đô như anh, thế nhưng với sự đam mê, tâm huyết với vấn đề dân tộc mà anh đã gặt hái được không ít thành công. Những tác phẩm của anh đã luôn tiên phong và góp lên tiếng nói mạnh mẽ vào phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” đã được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020./.

Theo Đoàn Mai/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN

 

Các tin khác:
  • "Một đời làm báo" của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (31/10/2018-10:20)
  • 4 xu thế ảnh hưởng đến các đài phát thanh, truyền hình truyền thống (31/10/2018-10:17)
  • Nhà báo Dân Huyền - Lửa nghề cháy mãi (26/10/2018-14:55)
  • Nhà báo Dương Linh: Một cây bút có đủ đức và tài (25/10/2018-9:32)
  • Việc càng khó, khi làm được, sự hứng thú với nghề càng được bồi đắp (23/10/2018-12:14)
  • Nghề dạy nghề như "thước dạy thầy, cây dạy thợ" (21/10/2018-10:48)
  • Sức mạnh của truyền thông trong bảo vệ bản quyền báo chí (17/10/2018-9:28)
  • Phát động cuộc thi “Khoảnh khắc báo chí 2018” (18/10/2018-9:26)
  • Giải Báo chí với phát triển bền vững kết thúc nhận bài tham dự vào 31/10/2018 (18/10/2018-9:25)
  • Bản lĩnh dấn thân đằng sau tác phẩm (15/10/2018-17:58)