Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Nhạc sỹ, nhà báo Thanh Phúc: Chiến sĩ văn hóa tiêu biểu (27/12/2018-7:26)
    Chương trình “Chiến sĩ ta ca hát” sau này đổi thành “Chiến sĩ ta sinh hoạt văn nghệ” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã đem đến “món ăn tinh thần” độc đáo, đặc sắc cho đông đảo công chúng cả trong và ngoài quân đội. Một trong những người làm nên dấu ấn sâu đậm cho chương trình ấy là nhạc sĩ, nhà báo Thanh Phúc.
Nhạc sĩ, nhà báo Thanh Phúc - (Ảnh: NVCC)

1. Năm 1968, Thanh Phúc được chuyển về làm công tác biên tập cho chuyên mục “Chiến sỹ ta ca hát” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. 21 năm công tác tại đây là thời kỳ mà Thanh Phúc làm việc hăng say, nhiệt huyết và hiệu quả nhất.

Thời ấy, Thanh Phúc luôn hăng hái đi đơn vị, tiếp xúc với phong trào ca hát quần chúng trong các binh chủng, quân chủng qua đó thu âm được nhiều giọng hát tốt nhất của chiến sĩ làm văn nghệ. Lúc đầu đi hội diễn, ông còn xin xe kỹ thuật thu thanh của Đài, nhưng rồi thấy lỉnh kỉnh bất tiện, không phù hợp với thời chiến, với bộ đội đóng quân dã ngoại nên ông đã mạnh dạn sử dụng một máy thu thanh bán dẫn sory 400 để tự mình trực tiếp thu luôn tại chỗ hội diễn. Việc làm này của ông đã được Đài hoan nghênh và được Tổng Giám đốc Đài, khi ấy là ông Trần Lâm khen ngợi, nêu gương trong toàn Đài: “Thanh Phúc là chiến sĩ tiên phong thu âm nhạc bằng máy ghi âm nhỏ, đảm bảo chất lượng tương đối khá, tiết kiệm được sức người, sức của, đỡ cho cả Đài cả ô tô kĩ thuật và ba công nhân thu thanh”. Thanh Phúc rất coi trọng ghi chép, theo dõi, rút kinh nghiệm về cách bố trí âm thanh để thu cho hiệu quả. Qua thực tế, ông nhận ra và sắp xếp các loại nhạc cụ có âm trầm, khó bắt âm thanh nên để ở vị trí nào là thích hợp. Các loại nhạc cụ gõ, trong gõ loại chối tai, rồi đến các loại nhạc cụ dây cho đến điện tử như ba bộ dây đàn ghi ta với một bộ trống… dần dà, ông có kinh nghiệm thu như thế nào cho từng nốt từng loại.

Tuy nhiên điều đáng nói là Thanh Phúc không chỉ “thu hoạch” mà còn “gieo trồng” phong trào văn nghệ quần chúng. Những giọng hát, tay đàn giỏi đã đều được ông phát động rộng rãi ở hầu khắp các đơn vị trong quân đội và đạt kết quả khả quan. Kho băng “Văn nghệ chiến sĩ” do Thanh Phúc chăm lo ngày một phong phú. Bên cạnh đó, ông còn phát hiện, bồi dưỡng cho Đài những giọng hát hay và sau này họ đã đều thành danh như: Dương Minh Đức ở Đại học Kỹ thuật Quân sự sau là Đại tá, Nghệ sĩ Ưu tú, Phó Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Bế Minh Tâm ở Cục Vật tư; Thanh Vinh ở Nhà máy Z133 nay thành ca sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc; Bích Ngọ ở Binh chủng Pháo binh; Quỳnh Hợp ở Binh chủng Thông tin sau chuyển về Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh; Hồng Liên ở Cục Quân nhu sau chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam và là Nghệ sĩ Ưu tú…. Song song với đó ông còn tâm huyết bồi dưỡng đội ngũ sáng tác trong toàn quân. Những lớp học ngắn hạn liên tiếp được mở ra để rồi kết thúc lớp học mỗi học viên đã đều nắm bắt được lý luận cơ bản về môn sáng tác, vừa làm bài tập vừa phải tự sáng tác từ một đến hai bài hát với phương châm “ăn cây nào rào cây ấy”, tức là bài hát phải viết về đơn vị mình.

2. Ngoài việc chăm lo, vun trồng phong trào ca hát chiến sỹ trong toàn quân, ông đã viết nhiều ca khúc cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta được phát trên sóng phát thanh. Trong đó, nổi bật hơn cả là hành khúc hào hùng, như lời hiệu triệu của biết bao thế hiện thanh niên, đặc biệt là sinh viên Thủ đô gác bút nghiêng lên đường nhập ngũ vào những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ XX “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Ca khúc được coi như “lời tuyên thề” của người chiến sỹ với Tổ quốc qua giai điệu hùng tráng,  nghiêm trang: “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi/Chí tiến công như sức mạnh thần kỳ/Lời Tổ quốc đang âm vang sông núi/Thôi thúc ta đi như mùa xuân vẫy gọi…”. Ngày ấy, giữa lúc cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước vào giai đoạn gian khổ ác liệt nhất, ca khúc “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”  luôn vang lên hùng tráng, hào sảng, phơi phới niềm tin chiến thắng ở cả hậu phương lẫn chiến trường. Ca khúc đã được bộ đội hát trên thao trường diễn tập, hát trước giờ hành quân ra trận địa, hát trên đường dải Trường Sơn vào Nam chiến đấu.

Trong chiến thắng của quân và dân Thủ đô trên mặt trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972, Thanh Phúc đã sáng tác hai ca khúc được phát liên tục trên Đài trong những ngày đặc biệt ấy là: “Hà Nội chiến thắng” và “Trong vườn Bách Thảo”.Trong đó “Hà Nội chiến thắng” như muốn khẳng định: Chúng ta chiến thắng Đế quốc Mỹ không phải bằng kỹ thuật, công nghệ mà chúng ta chiến thắng bằng lòng dũng cảm, bằng tất cả trí tuệ, sự thông minh sẵn có của người Việt Nam. Đó là truyền thống đánh thắng giặc ngoại xâm được lưu truyền từ bao đời nay. Rồi “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng” của Thanh Phúc được phát lần đầu tiên vào lúc 21h30 phút tối ngày 30/4/1975 sau bản tin thời sự đặc biệt thông báo, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất như một minh chứng cho sự nhanh nhạy, sắc bén của ông trong vai trò nhà báo- chiến sĩ văn hóa.

Có thể nói hơn 40 năm phục vụ trong quân ngũ (1946-1989), Thanh Phúc luôn phát huy cao độ tinh thần, phẩm chất của người lính cụ Hồ vì thế mà trong tâm tư, tình cảm, tâm hồn của người nhạc sĩ, nhà báo, chiến sĩ luôn luôn toát lên lòng yêu nước, thiết tha với dân tộc, quê hương, đồng bào. Giờ đây, khi tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng trong sâu thẳm ông vẫn luôn dồi dào sức trẻ, sự tâm huyết với công việc phục vụ đời sống tinh thần người lính như ông đã từng đảm nhiệm suốt những năm tháng đã qua./.

 

Nhạc sĩ Thanh Phúc (tên thật là Nguyễn Thanh Phúc) sinh năm 1933, quê gốc ở xã Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội. Trước khi về hưu (năm 1989), ông mang quân hàm Trung tá và là biên tập viên cho chuyên mục “Chiến sĩ ta ca hát” trong chương trình phát thanh Văn nghệ Quân đội trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông được Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt 1, năm 2001 với 5 ca khúc: “Người Mèo ơn Đảng” (1956), “Hà Giang quê tôi” (1972), “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” (1972), “Nhớ giọng hát Bác Hồ” (1969), “Bài hát Hồ Chí Minh giữa thành phố tên vàng” (1975). Ngoài sáng tác nhạc, ông còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết và đã cho xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị như: “Những năm tháng đã qua”, “Số phận”, “Bến đợi”, “Vợ chồng người hát rong”, “Chuyện vui cười”, “Ngày mai em đi xa”….


Theo Đức Duy/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

Các tin khác:
  • Lắp đặt màn hình lớn tại Quảng trường Lam Sơn để xem và cổ vũ đội tuyển Việt Nam (12/12/2018-11:49)
  • Có một “Thu Người đẹp” (07/12/2018-13:04)
  • Đam mê săn tìm cái đẹp Yên Bái (07/12/2018-10:11)
  • Tạo dựng sân chơi nhiếp ảnh xứng tầm quốc gia (27/11/2018-8:05)
  • Món quà văn hóa nâng niu vẻ đẹp tự nhiên của đời sống (19/11/2018-12:03)
  • Người “thổi hồn” cho chương trình dân ca trên sóng phát thanh (11/11/2018-22:05)
  • Nữ biên tập viên sống trọn nghĩa tình với Huế (06/11/2018-9:18)
  • Đội tuyển Việt Nam ‘bắn phá’ mục tiêu top 100 thế giới, nhờ công của HLV Park Hang-seo (01/11/2018-9:27)
  • Người làm báo cháy hết mình trên sân khấu âm nhạc (29/10/2018-8:47)
  • “Bữa tiệc” âm nhạc nhiều màu sắc, ấn tượng và đầy lắng đọng (29/10/2018-8:44)