Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Văn hóa - Thể thao
Nguyễn Hồng Vinh - Một hồn thơ trẻ trung, đằm thắm (18/04/2019-8:59)
    LTS: Nhà xuất bản Văn học vừa phát hành tập thơ thứ 8: XANH MÃI của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết về tập thơ này của Nhà thơ Bằng Việt - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam.
Tác giả chụp ảnh kỷ niệm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ
niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2018)

ầm trên tay tập thơ mới khá dày dặn của tác giả Nguyễn Hồng Vinh, tôi không vội vàng đi tìm câu chữ gì quá lạ lẫm, cách thể hiện gì gây “sốc” quá bất ngờ. Trái lại, tôi lặng lẽ thẩm thấu vào từng câu thơ quen thuộc của anh và tôi biết, rồi một điều gì đấy sẽ tự đến, tự hiện ra, thân thương mà khơi gợi, giản dị mà nhớ lâu. Thì đây, nó đã hiển hiện ngay trong những trang đầu:

“Biết đông dần dà đến

Nhưng chầm chậm thu ơi

Giữ tình ta thời trẻ

Cúc vàng tươi tháng Mười!”

                        (Mong thu chầm chậm…)

Câu thơ của một người muốn âm thầm níu kéo chút hơi thu muộn, dù biết mùa đông khắc nghiệt sắp tới rồi. Và “Chút heo may hiếm muộn” hòa cùng màu hoa cúc vàng rực tháng Mười sao lại khiến ta nao nòng đến thế?! Nhà thơ hẳn từng đã có một kỷ niệm gì quý lắm thời trẻ với khung cảnh bình dị mà sâu lắng ấy của mùa thu, dù không nói hết, nhưng cảm xúc nén chặt vẫn trào lên. Hay nó cũng đồng điệu với cảm xúc về tuổi hoa niên trong chiến tranh, hay một thời ở Trường Sơn huyền thoại? Tất cả chỉ là những nét gợi, mà tác giả cũng chỉ muốn điểm phớt qua thế thôi, không cần tường trình, giải thích. Nhưng đối với bạn đọc, thế cũng là đủ, vì đã bắt chợp được một giây phút đồng điệu cùng tác giả, đâu cần buộc anh kể lể, trần thuật dài dòng?...


Đoàn Nhà báo ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thăm Quân khu 3 nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tháng 12/2018

Tuy nhiên, ở một chỗ khác, lại cũng có một khoảnh khắc nữa, khi tác giả tự cho phép mình được ôn lại ký ức, thì tuy kiệm lời, nhưng cũng vừa đủ để hình dung lại không khí thời sơ tán chống Mỹ hơn nửa thế kỷ trước, gian khổ mà yêu đời một cách hồn nhiên, không hề vướng chút gì bi lụy hay mệt mỏi:

“Tôi qua thăm ga Phổ Yên

Nơi đón sinh viên nhập học

Một thời bom rơi đạn lạc

Hành quân lội bộ thâu đêm!...

Còn đây Suối Đôi hiền hòa

Thày trò cùng nhau chuyển gạo

Chiều sân bóng chuyền náo động

Hò reo át cả hoàng hôn…”

                                   (Về nguồn)

Chỉ tả lại thế thôi, không bình luận, nhưng đã tái hiện đầy đủ khí thế và sức sống của lứa sinh viên thời chống Mỹ ở nơi sơ tán trong núi rừng, mà ngày nay bạn trẻ khó mà hình dung hết.


Tác giả tham gia khánh thành bia di tích Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng

Đấy là chất trẻ kỳ diệu của một “thời thanh niên sôi nổi” như một bài hát Nga nổi tiếng mà mỗi chúng ta từng đã nằm lòng qua nửa thế kỷ rồi! Và cho tới hôm nay, không hề ngẫu nhiên khi tác giả lại đặt đầu đề cho tập thơ của mình là Xanh mãi. Đó cũng là một tâm hồn thơ, tưởng hồn nhiên, song đã từng nếm trải mọi cung bậc gian truân nhưng vẫn giữ được cho mình những cảm xúc trẻ trung, yêu đời, yêu con người, tự tin như vốn đã là như thế trong suốt cuộc đời. Vì vậy, tác giả đã chia sẻ một ý nghĩ tâm đắc khi viết về nhà thơ Trần Gia Thái:

“Ta yêu hơn cuộc sống này

Vì nó mà ta hiện hữu!”.

Nếu như câu thơ trên đây giống như môt sự đúc kết đầy tự hào và có tính duy lý, thì tác giả lại thường xuyên đắp bồi thêm những cảm xúc rất bột phát nữa, để chúng ta hiểu ra, rằng trong con người thơ thuần khiết này, những giây phút được trở về làm “thi sĩ bản năng” từ trong nội tâm mình quả cũng rất thú vị. Khi viết về mùa xuân, tác giả còn nhấn thêm từ “khấp khởi xuân”, với vẻ hào hứng như trẻ thơ khấp khởi đợi mùa xuân để được người lớn phát quà, tặng kẹo! Cũng ở bài này, có một hình ảnh cũng rất bột phát, nhưng lại hoàn toàn nằm trong quy luật thiên nhiên. Đó là khi tác giả vừa “nghe lao xao chiếc lácuối cùng rơi”, vừa đã không để cho mình một phút nào phải buông lơi, chùng xuống than thở, mà lập tức chuyển hóa luôn sang tâm trạng kỳ vọng cái mới đang đến: “Khấp khởi một chồi xuân đang ủ”. Cái nhìn thường trực, dứt khoát về tương lại ấy trước mọi sự vật là xu thế của một tâm hồn trẻ, mạnh mẽ, giàu khát vọng, không chịu đắm mình vào hoài cổ. Và vì thế, tác giả đã nâng lên thành triết lý lạc quan của mình:

“Trằn trọc lời em:

Có giấc mơ không khi nào là thật!”

Còn anh, vẫn nối dài giấc mơ có thật!”

Tác giả cùng nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Khía cạnh trẻ trung và nét hồn nhiên trong thơ Nguyễn Hồng Vinh được lan tỏa ra ở khắp các chi tiết ngẫu hứng mà anh đã đưa vào thơ. Đơn cử một chuyện nhỏ như khi anh mua một cành đào ở Tam Điệp:

“Bạn bè đùa vui

Sao lại làm chuyện ngược đời

Khi đào Nhật Tân

Vẫn nổi danh Hà Nội?”

Nhưng vấn đề lại là ở chỗ: Anh nghe được chuyện vua Quang Trung trước Tết khao quân ở Tam Điệp, chọn một cành đào gửi tặng công chúa Ngọc Hân (chứ không phải như ở một số giai thoại khác, kể rằng sau khi đã đánh thắng quân Thanh xong, từ thành Thăng Long, Quang Trung Nguyễn Huệ mới gửi về Phú Xuân cho Ngọc Hân cành đào Tết). Dĩ nhiên là chuyện cành đào được gửi từ Tam Điệp đáng tin hơn và cũng hợp lẽ hơn nhiều, so với câu chuyện sau khi giải phóng Thăng Long, bề bộn trăm ngàn công việc, mà cũng đã quá Tết ra Giêng rồi, làm sao để vua Quang Trung còn đủ thời gian cầu kỳ cho người tìm mua và gửi cành đào “chạy bộ” theo chân ngựa về tận Phú Xuân?! Hồng Vinh nắm được chi tiết đắt giá này, nên anh viết hào hứng một mạch, tưởng như không cần phải nghĩ:

“Từ năm ấy

Sắc đào Quang Trung

Thấm đất vùng Tam Điệp”.

Và đến đây, tác giả mới nói tới vẻ hồn nhiên duyên dáng, với nụ cười tủm tỉm của cô bán đào, chào mời khách:

“Giữa nắng đông phơ phất

Cô bán đào cười duyên

Người đẹp, đào càng đẹp

Sao không mua một cành?!”.

Đoạn thơ vừa tự nhiên, vừa hóm hỉnh!

Có chút cười mỉm trong thơ Hồng Vinh, tôi nghĩ là anh không cố ý. Cũng như câu thơ dưới đây, có thể là anh cũng không cố “chơi chữ” làm gì, ấy vậy mà từ trong câu thơ, nó lại có cái phong vị “chơi chữ” bất ngờ, có lẽ đấy cũng là cái duyên của Hồng Vinh, khi anh viết rất tự nhiên và cũng rất hồn hậu nữa:

“Bao giờ cho đến tháng Mười

Để hồng Vinh mọng, cùng mời người ăn!”

                                 (Bao giờ)

Đây là nói đến mùa hồng chín mọng có thật ở trong Vinh, nhưng nếu bảo là “chơi chữ” thì cũng vẫn có thể hiểu rằng đến mùa quả chín, thơ Hồng Vinh cũng có lẽ vừa chín tới, để được bày ra mời, đủ cho mọi người cùng thưởng thức...

Tác giả cùng doanh nhân Vũ Văn Trường tặng quà Tết các học sinh quê nhà - Trường tiểu học xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định nhân Tết Kỷ Hợi - 2019

Ở trên, tôi đã dẫn một đoạn dài chứng minh cho sự hồn nhiên, trẻ trung, có lúc bột phát trong thơ Hồng Vinh. Tuy nhiên, không nên quên, khi nhập mình vào các đề tài nghiêm túc và có trách nhiệm chính trị - xã hội cao, thì ngòi bút Hồng Vinh khác hẳn, nó nặng trĩu ý thức công dân và tràn đầy hơi thở sử thi. Đây là đoạn thơ viết ở Nghĩa trang Vị Xuyên, tháng Hai 2019:

“Quên sao những ngày nối đêm

Ù tai đạn cày, pháo dập

Hang đá như lò vôi nóng

Đồng đội bao người hy sinh

Từ đấy qua bao mùa Xuân

Những cuộc kiếm tìm đằng đẵng

Hương khói hòa dòng nước mắt

Các anh đang nằm nơi đâu?”

                            (Thiêng liêng hòa bình).

Hoặc có thể dẫn một bài khác: “Đau đáu miền Trung”, để cùng thấu hiểu một vùng đất anh hùng trong chiến đấu chống giặc giữ nước, nhưng cũng đầy gian lao, vất vả trong cuộc đấu tranh với các hiểm họa thiên tai:

“Đi dọc miền Trung

Giữa mùa mưa thiếu nước

Nắng thiêu đốt

Cả đồi sim héo cành…

Ơi miền Trung

Năm nào cũng mưa trắng trời dằng dặc

Cả xã thành biển nước

Mà nay đất nẻ cây khô!...

Đau đáu miền Trung

Một thời đánh Mỹ

Sản sinh ngàn Mẹ Anh hùng

Vạn vạn gái trai dũng sĩ

Chưa bao giờ đất chết

Vẫn trường tồn cùng dân tộc ngàn năm !”

Giọng điệu của sử thi trong các bài thơ trên là rất rõ.

Như vậy, có thể nói, tác giả Hồng Vinh, đúng như tựa đề tập thơ “Xanh mãi, vừa biết duy trì được cảm xúc trẻ trung, hồn hậu, bột phát, kết hợp với cách thể hiện tự nhiên; lại khéo léo giữ được nhiều ưu điểm của mạch thơ Việt truyền thống, để có được một hơi thơ khoáng đạt, khỏe khoắn, tươi tắn. Những bài trong tập này về người cha, người thầy, người vợ, bạn bè thân thiết... - điểm tựa vững chãi của anh trong đường đời và sự nghiệp, được diễn tả với tình cảm tri ân sâu nặng, vừa thiết tha, vừa bồi đắp tin yêu (Cha vẫn còn đây, Vẫn xanh tri thức, Đạo và Đời...).

Một số bài khác, do đặc thù của đề tài, cần có cách xử lý chất liệu tổng hợp, thì tác giả cũng đã dụng công khai thác sâu hơn, từ nhiều khía cạnh và bình diện khác nhau, để có thể chạm tới hơi thở của sử thi qua cách đặt vấn đề nghiêm túc, có trách nhiệm, mang tính công dân cao.

Tác giả thăm gia đình và tặng quà vợ chồng anh Lai ở xóm 9, xã Vạn Thọ - nơi tác giả sơ tán năm 1966-1967

ặc biệt trong tập thơ này, anh đã dành một số bài nhất định để giao lưu và chia sẻ cảm xúc thơ ca của mình với khá nhiều bạn thơ nhiều lứa tuổi, như các nhà thơ: Hà Minh Đức, Lê Thành Nghị, Bằng Việt, Hà Cừ, Trần Gia Thái, Đỗ Phú Nhuận, Trần Thế Tuyển…

Là người đã hai lần ở Trường Sơn, Hồng Vinh cũng đau đáu với tâm sự của nhà thơ Trần Thế Tuyển, khi cả hai anh có những câu thơ cùng lan tỏa trong nhau:

“Đây vết tích B.52 rải thảm một thời

Xóa sổ cả tiểu đoàn vượt tuyến

Xương cốt các anh chưa thấy

Thắp nhang lệ mãi tuôn rơi!

…Anh trở lại Tây Nguyên

Một mình một quán

Một mình giọt đắng tái tê

Nhớ lại một thời chinh chiến

Nay lẽ nào để dòng đời vơi cạn?”

Rồi đến hai cách bộc lộ tính cách khác nhau của hai loài hoa: hoa Quỳnh và hoa Dã quỳ đã tạo nên những câu thơ thật đẹp, mà nhà thơ Hồng Vinh hào hứng “nối điêu” cùng nhà thơ Đỗ Phú Nhuận trong hai khổ thơ sau:

“Sống trên đất ngàn hoa vùng châu thổ

Thức đêm say ngắm hoa Quỳnh

Trùng tên em ngày gặp

Thầm lặng sống, thầm lặng xanh…

Thầm lặng

Quỳnh đang đâu, giữa nhân gian?”…

“Lặn lội lên cao nguyên

Gặp thảm hoa dã quỳ vàng chang chói

Cứ đa tình, cứ hừng hực cháy

Đất nước này đâu cũng rực sắc hoa

Mỗi cô gái là một bông hoa đẹp …”

Ông, Bà cùng các cháu nội, ngoại trong Tết Mậu Tuất - 2018

Với nhà thơ Hà Cừ, Hồng Vinh lại có chung những cảm nghĩ ngậm ngùi về gánh nặng việc đời; về cái cũ và cái mới đan xen, đâu là đích thực:

“Biết cả đời mang nợ

Chẳng bao giờ trả xong!”.

Và:

“Có cái cũ đâu phải là xưa cũ

Cái mới ngỡ tinh khôi/ Khoảnh khắc hóa cũ rồi!”…

Còn với nhà thơ Lê Thành Nghị, Hồng Vinh lại có thời gian ngẫm ngợi sâu hơn những mạch thơ đậm chất Thiền, cùng bạn thơ vừa chạm ngưỡng “thất thập cổ lai hy”:

“Mừng anh chạm tuổi bảy mươi

Chạm vạt cúc vàng bên vầng trăng lặn…

Suối trôi trong tĩnh tại

Núi động trong dáng thiền!”

Nhưng có lẽ, với nhà thơ Hà Minh Đức đã vượt quá tuổi 80, tác giả Hồng Vinh mới dành nhiều dòng tâm sự, sẻ chia về gia cảnh, về đường đời, về cõi mơ và cõi thực, về hạnh phúc và nỗi đau nhân thế nữa. Tác giả Hồng Vinh đã trích dẫn một câu thơ tình yêu của nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, khiến tôi giật mình:

“Nếu có được kiếp sau

Tôi sẽ là người đánh xe ngựa

Chở em rong ruổi trên đường!...”

Tôi không biết diễn tả cảm xúc vừa bất ngờ, vừa bùi ngùi khi được đọc câu thơ tài hoa và lãng mạn nhường ấy mạnh đến thế nào. Chỉ vụt nhớ, có một nhà doanh nghiệp, gần đây phát biểu một câu, tạo dư luận ồn ào và được các bạn trẻ tranh nhau nhắc đi nhắc lại, để đưa ra những cách trả lời khác nhau trên mạng. Đó là câu:“Vậy thì có tiền và nhiều tiền để làm gì?”. Dù biết rằng mọi sự so sánh trên đời đều khập khiễng, nhưng tôi cũng vẫn muốn hỏi lại câu hỏi, nhại theo ý của nhà doanh nghiệp kia: “Vậy thì có thơ và nhiều thơ để làm gì?”.

Tập thơ vừa xuất bản của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh

Hỏi thế, tôi muốn được dành sẵn câu trả lời: Thơ, cũng giống như người đánh xe ngựa của nhà thơ Hà Minh Đức, nếu như trọn kiếp này không đến được tình yêu và lý tưởng nhân văn cao đẹp mà mình khao khát, thì đành tới kiếp sau, mà cũng chỉ mong vẫn làm “người đánh xe ngựa” tầm thường thế thôi, để chuyên chở không công biểu tượng của Chân, Thiện, Mỹ - là Nàng Thơ -, cho thành chính quả! Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã hầu như dành trọn thời gian sau khi thôi phải gánh vác công tác quản lý để đến với Thơ, lại tâm đắc với những suy tư của nhà thơ Hà Minh Đức, chắc cũng sẽ đủ bản lĩnh để cùng dấn thân đưa lòng yêu Thơ chân chính đi đến đích!

 Nhà thơ BẰNG VIỆT
                 Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật TP Hà Nội,
               Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam/Theo Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Sẽ hấp dẫn Ngày sách Việt Nam lần thứ 6 tại Thanh Hóa (17/04/2019-10:53)
  • Một thời hoa bưởi (19/03/2019-8:45)
  • VOV độc quyền phát sóng vòng loại bảng K giải U23 châu Á 2020 (19/03/2019-8:38)
  • Bảo tàng Báo chí Việt Nam tiếp nhận gần 400 hiện vật tại Hội báo Toàn quốc 2019 (17/03/2019-18:58)
  • Nhà báo Kim Nhũ nồng nàn với “Khúc ru lại về” (06/03/2019-10:44)
  • Làm từ thiện thì không ồn ào (01/03/2019-10:35)
  • Phóng viên quốc tế bị 'hớp hồn' bởi ẩm thực Việt Nam (27/02/2019-19:19)
  • Việt Nam vào top 14 điểm đến ấn tượng nhất năm 2019 (27/02/2019-19:15)
  • Mảnh đất màu mỡ khi viết về văn hóa (18/02/2019-21:04)
  • Đi tìm “Hương vị quê nhà” (31/01/2019-1:01)