Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyện tác nghiệp nơi vạn dặm biển khơi (19/06/2019-22:47)
    “Xuôi ngược trên biển cả để tác nghiệp, nếu bạn muốn quay phim, chụp ảnh những mẻ lưới vây đầy ắp cá thì buộc phải chấp nhận sống chung với sóng gió, nỗi cô đơn và phập phồng khi chỉ còn mỗi con tàu giữa vùng biển mênh mông dưới bầu trời xám xịt, mây chao lượn trên đầu trong tiếng gió rít. Tàu ra khơi, tọa độ cách đất liền 350 hải lý thì xung quanh là một thế giới khác”.
Ngư dân trúng luồng cá (Ảnh: NVCC)
 

Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Văn Chương- Phóng viên Báo Biên phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng (nhưng thường xuyên lăn lộn với ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Định) trong một chuyến đi biển trên tàu cá cùng ngư dân. Anh cũng là tác giả của nhiều phóng sự, công trình nghiên cứu khoa học về đề tài biển đảo, ngư dân đã được nhiều giải thưởng báo chí từ Trung ương đến địa phương, Liên hoan Truyền hình toàn quốc, trong đó có 2 giải Báo chí Quốc gia (năm Giải B năm 2012 và Giải C năm 2016)

Trong cuộc trò chuyện với PV, nhà báo Lê Văn Chương cho biết, sau những chuyến đi như vậy, bên cạnh việc thực hiện phóng sự báo chí, anh còn thực hiện đề tài khoa học: “Phương pháp neo tàu trên bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa để trụ bão và bám đảo”.

Anh kể, ông thuyền trưởng nằm trên chiếc giường rộng trong ca bin đánh một giấc say sau 7 giờ cầm lái. Chiếc bánh lái trong tay một thuyền viên đang phát ra âm thanh lạch tạch theo vòng quay. Sau gần 3 ngày đêm, con tàu hành trình đoạn đường cuối cùng để đến tọa độ 15 độ 45 phút Kinh Đông. Những người hiểu biết về hàng hải nghe từ “15 độ Kinh Đông” thì cũng phải thảng thốt! Vì đây là vị trí giữa biển Đông. Con tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 mà anh đồng hành đi đến một vùng biển xa xôi đến mức muốn chạy vào đất liền trong điều kiện thời tiết tốt cũng phải mất vài ngày. Còn nếu biển động thì hoàn toàn không có cơ may trở về trong bình yên.

Ông thuyền trưởng đang ngủ say, bỗng ngừng ngáy, bật dậy, nhìn qua ô cửa kính tàu với vẻ đăm chiêu suy nghĩ. Cú bật người dậy với vẻ giật thột của người thuyền trưởng tên Tuấn, quê ở Quảng Ngãi đã báo hiệu điều gì đó thoáng chút bất an. Sau này tôi mới hiểu, do con tàu đang chao lắc chòng chành, nhưng dường như một dịp lắc lạ đã khiến thuyền trưởng này rơi vào trạng thái “báo động, cảnh báo”. Đối với những thuyền trưởng có thâm niên, một nhịp chao lắc khác thường thì giống như tiếng chuông réo trong hệ thống thần kinh – một dạng phản xạ có điều kiện của người từng trải biển cả.

Giỏ cá nặng đầy trên tàu vỏ thép (Ảnh: NVCC)

Đến chiều hôm đó, bản tin dự báo thời tiết cho biết, vùng biển giữa biển Đông, tọa độ từ 15 độ Kinh Đông trở ra sẽ có áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 cấp 7. Nghe gió, một ngư dân đi biển kể rằng, trong chuyến biển trước, tàu này nghe gió bão nhưng vẫn nán lại đánh cá, cá đổ la liệt trên sàn tàu. Trên đường lao thục mạng về bờ, thuyền trưởng tiếp tục hô anh em đánh thêm mẻ nữa vì cá bu trắng lốp 2 bên mạn tàu giữa lúc biển sùng sục sóng gió. Lưới được quăng xuống, nhưng chỉ kéo được nửa cá thì cắt lưới chạy tiếp vì sóng gió mỗi lúc một hung dữ, gầm gào.

Nghề biển cũng khá nghiệt ngã. Đó là biển êm thì rất ít cá. Cá chỉ nổi và đi từng đàn khắp mặt biển như đi vũ hội mỗi khi thời tiết chuyển làn, biển động. Đi tác nghiệp trên tàu cá cũng phải chấp nhận nghịch cảnh trớ trêu này. Kỷ niệm tác nghiệp trên con tàu này, tôi không nêu đầy đủ thông tin về số tàu, địa phương, vì có những điều tế nhị liên quan đến việc đánh bắt của thuyền trưởng.

Sau đêm trên tàu vang lên thông tin dự báo thời tiết, sóng biển cao dần, thỉnh thoảng ập vào thành tàu rồi vọt lên phía sau boong lái. Ông thuyền trưởng thoáng chút lo lắng, rồi sau đó nở nụ cười. Không cần nói ra nhưng cũng ngầm hiểu, ông đang nghĩ tới hàng chục tấn cá lọt vào vòng lưới vây, ngư dân phải xẻ thành 10 mẻ lưới, mỗi mẻ kéo một bịch cá to lên boong trong tiếng reo hò “1…2…3, lên ca…á!”.

Thuyền trưởng nghe tinh dự báo biến động thì như vậy, còn thuyền viên thì đan xen nhiều tâm trạng. Ai cũng muốn đánh được nhiều cá, chuyến biển thắng lợi, khi tàu về bến thì sẽ giơ 4 đến 5 ngón tay ra hiệu với người trong bờ rằng: “40-50 tấn, có tiền ăn chia!”. Nhưng rồi ở một nơi quá xa xôi nên ngư dân thoáng chút bất an. Tọa độ 15 độ Kinh Đông được lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhiều lần cảnh báo rằng: “Nếu tàu chết máy thì tự xoay xở, không ai có thể ra ứng cứu kịp”.  

Đứng giữa sự lựa chọn của thuyền trưởng, nhà báo tác nghiệp trên tàu cũng không tránh khỏi chút chộn rộn trong lòng khi nghĩ đến hình ảnh tuyệt đẹp quay cảnh cá tràn ngập khoang tàu, tiếng reo hò và nụ cười trên biển cả. Nhưng rồi không phải là dân đi biển chuyên nghiệp, nên có điều gì đó cũng thoáng lướt qua tim với hơi thở gấp gáp khi nghĩ đến giây phút sóng gió bủa vây, tiếng hò hét “cứu...cứu” mà tôi từng nghe trên máy Icom. Trước khi ra khơi, nhà báo đã được thuyền trưởng dặn dò: “Anh em sao thì mình vậy, có gì cũng ráng chịu chứ đừng đòi vô bờ sẽ lỡ chuyến biển”. Vậy là bắt đầu chuẩn bị máy ảnh, camera với phương châm: “Chấp nhận mọi thứ, kể cả rủi ro”.  

Đêm biển động, tiếng gió thổi khác thường, âm thanh của sóng cũng to hơn và độ chao lắc của con tàu nghiêng hẳn về một phía vì tất cả 14 ngư dân hò dô kéo cá ở mạn trái. Giữa lúc vui nhộn thì Icom của tàu 45 đi gần đó điện sang thông báo: “Đài Hải quân Hoa Kỳ dự báo gió sẽ lớn hơn vào ngày hôm sau anh em ơi…!”.

Nhà báo Lê Văn Chương chia sẻ niềm vui với ngư dân (Ảnh: NVCC)

Nghe gió lớn, thuyền viên trên tàu thỉnh thoảng lại nói bâng quơ từ: “Vô bờ… khi xong lưới thì về…”. Còn thuyền trưởng thì tất nhiên lại đang mỉm cười bởi con số sản lượng vào đêm biển động là 12 tấn. Ông Tuấn cũng không giấu hy vọng: “Chuyến này mong thu về khoảng 1 tỷ đồng, phá vỡ kỷ lục hồi giờ”.  

Giữa lúc sóng gió bủa vây, thỉnh thoảng anh Tuấn lại gọi điện về đất liền nhờ Đài canh cộng đồng tra cứu thêm thông tin trên Đài khí tượng thủy văn. Anh dự đoán, thuyền trưởng đang ở tâm trạng đứng giữa quyết định: “Neo lại hay quay về?”, vì trên tàu cũng đã chở hơn 40 tấn cá.

Một con sóng lớn phủ lên tàu, nước biển văng tung tóe vào phòng ngủ. Vài giọt nước li ti vào giờ phút đó cũng có cảm giác lạnh buốt như nước đá. Thuyền trưởng quay mặt đi và nói vọng xuống khoang dưới: “Anh em ráng nốt đêm nay”.

Con tàu nhấp nhô trên sóng như con lật đật. Toàn bộ cửa kính được hạ xuống để ngăn nước biển bắn vào trong khoang. Lúc 20 giờ, biển bỗng thấp thoáng ánh đèn chiếu rọi như những ngôi nhà ẩn hiện trên mặt biển đen. Thì ra đoàn tàu vỏ gỗ gặp lúc thời tiết xấu đã bắt đầu co cụm lại, bám lấy tàu vỏ thép để làm điểm tựa. Điểm tựa trên biển đối với ngư dân là chạy vào đảo hoặc bám quanh một con tàu nào đó trông có vẻ vững chãi. Chiếc tàu đi bên cạnh có số đuôi là 46 điện sang thông báo: “Đuối quá, chắc phải quay về”.

Thuyền trưởng Tuấn hô thả thúng xuống biển để thử kéo lưới nhưng bị sóng cuốn trôi vùn vụt. Ngư dân trên thúng phải chèo chống với chiếc thúng sắp bị chìm nghỉm. Một ngư dân la lớn: “Giống như có vòi rồng ở bên mạn trái”. Tới lúc đó, thuyền trưởng mới quyết định nhổ neo rút lui. Thủ tục nhổ neo không được thực hiện ngay, vì ngư dân còn phải mất vài phút làm thủ tục thắp hương, dâng rượu, đốt giấy vàng mã thả xuống biển và báo cáo với ông bà về chuyến biển đã xong xuôi, giờ tàu phải trở về.

Âm thanh của tiếng máy Yanmar bị tiếng sóng biển lấn át. Con tàu bám theo lượn sóng giữa biển xám xịt, khung cảnh cô đơn và lạc lõng. Hành trình theo ngư dân để tác nghiệp trên biển cả, nếu muốn có những hình ảnh đẹp thì phải chấp nhận sống chung với sóng gió. Trước khi ra khơi thì phải tự hứa trước với lòng mình: “Đừng bao giờ cất lời đề nghị tàu xuôi về trong khi thuyền trưởng vẫn phát lệnh trụ lại đánh cá”./.

         PV (ghi)/Theo Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam

 

 

Các tin khác:
  • Bức tranh' sống động về đất nước (19/06/2019-13:01)
  • Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và văn hóa (19/06/2019-12:58)
  • Nhà báo đi tìm câu trả lời về chính sách giảm nghèo (11/06/2019-15:05)
  • Nhà báo Chu Minh Khôi và sự “ăn may” trong nghề báo (06/06/2019-7:59)
  • Báo chí cần phải làm tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong giáo dục (30/05/2019-16:05)
  • Phối hợp, định hướng thông tin các vấn đề mới, nóng để hội viên lựa chọn đề tài (30/05/2019-16:03)
  • Câu chuyện độc đáo và chi tiết đắt giá sẽ làm nên “linh hồn” báo chí (23/05/2019-22:10)
  • Đến với Trường Sa để thêm trách nhiệm hơn với nghề! (23/05/2019-22:07)
  • Chú trọng đầu tư và lựa chọn những tác phẩm mà Báo Quân đội nhân dân có thế mạnh (23/05/2019-22:05)
  • Việc tuyển chọn tác phẩm tham dự Giải Báo chí Quốc gia cũng là sự thể hiện màu cờ sắc áo của đơn vị (17/05/2019-17:51)