Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Truyền thông thay đổi nhận thức (05/08/2019-10:16)
    (NLBTH) - Mất vệ sinh an toàn thực phẩm là nỗi lo của cả cộng đồng, trong đó một số mặt hàng thực phẩm có tính mùa vụ càng trở nên đáng lo hơn.

Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng tám trên nhiều tuyến phố lại xuất hiện những biển hiệu dịch vụ cung ứng cỗ cúng mùa vu lan và bánh trung thu sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống giá rẻ.

Đây là những loại thực phẩm mà bởi sự tiện lợi trong cách cung ứng cũng như có giá cả phù hợp, nên được nhiều gia đình sử dụng.

Thế nhưng khi mà thời gian gần đây những vụ ngộ độc thực phẩm trong đó có những vụ ngộ độc từ hai mặt hàng này xảy nhiều hơn, thì những biển báo dịch vụ dựng vội trên phố cùng cơ sở hàng quán luộm thuộm càng làm gia tăng nỗi lo về mất về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều người suy nghĩ khi mà lực lượng thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ an toàn thực phẩm được tăng cường sẽ tác động ngăn chặn, hạn chế tình trạng vi phạm về chất lượng hàng hóa.

Điều đó phần nào đúng, nhưng với những gì đã xảy ra, và đang diễn biến âm ĩ trong đời sống sản xuất, tiêu dùng, thì xin đừng quá chờ đơi vào sự tuân thủ pháp luật của nhiều người sản xuất, kinh doanh. Bởi đơn giản là, lòng tham luôn ngược chiều với trách nhiệm, thậm chí chà đạp lên đạo đức của kẻ sản xuất, kinh doanh bất lương.

Chúng ta chờ đợi sự nghiêm minh và quyết liệt của pháp luật, nhưng không nên xem đó là giải pháp duy nhất, và thụ động.

Bởi dù cho chúng ta có bao nhiêu người, bao nhiêu cơ quan chức năng đi chăng nữa, mà đạo đức của người sản xuất, kinh doanh vẫn ngày càng xuống cấp, thì việc xử kiểm tra, lý vi phạm cũng chả khác gì người đi quét lá trong gió. Quét xong nhìn lại lá lại đã rụng đầy.

Mấu chốt để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm mùa vụ trên vỉa hè vẫn phải là giải quyết, nâng cao được ý thức, trách nhiệm của người sản xuất.

Bởi mọi “lưới lọc” đều có thể bị chọc thủng nếu người sản xuất, kinh doanh cố tình gian dối. Và khi ấy, những mẫu mã hàng hóa dù có đẹp đến mấy cũng không phản ánh chính xác độ an toàn của thực phẩm.

Chỉ có duy nhất lương tâm, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm mới là yếu tố quyết định sự an toàn của người tiêu dùng.

Yêu cầu đặt ra đối với cơ quan chức năng là không chỉ nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, mà còn phải thực sự chú trọng đến công tác truyền thông làm thay đổi nhận thức tới từng đơn vị liên quan, đối tượng sản xuất...

Đồng thời phải để người tiêu dùng nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ về hậu quả của những mặt hàng thực phẩm có tính thời vụ trên vỉa hè, để từ đó chủ động nói không với sản phẩm chưa được kiểm nghiệm này. Không thể vì sự tiện lợi hoặc giá rẻ che mắt mà sử dụng một cách thiếu thông thái.


Lam Vũ

 

Các tin khác:
  • Khi lòng tự trọng lên tiếng (30/07/2019-10:00)
  • Tư tưởng chủ quan và khoảng trống ý thức (29/07/2019-9:14)
  • “Lên dây cót” cho người đứng đầu (25/07/2019-22:42)
  • Đặc quyền xấu xí (23/07/2019-13:30)
  • “Đánh cắp” tính mạng (21/07/2019-22:56)
  • Ban hành quy định gắn với nâng cao nhận thức (19/07/2019-7:04)
  • Tạo môi trường phấn đấu bình đẳng (16/07/2019-9:40)
  • Chờ đợi sự ứng phó cần thiết (15/07/2019-8:20)
  • Doanh nghiệp và nỗi lo tăng trưởng “nóng” (12/07/2019-8:22)
  • Sự vô dụng của quy định (10/07/2019-19:42)