Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhớ mãi những chuyến đi xa... (19/08/2019-20:22)
    Đối với mỗi phóng viên công tác ở tỉnh vùng cao biên giới, kỉ niệm tác nghiệp luôn gắn liền với những chuyến công tác về các bản làng xa xôi. Nhà báo Trần Tuấn Ngọc - báo Lào Cai đã chia sẻ những kỉ niệm ấy với báo Nhà báo & Công luận.
Tác giả Tuấn Ngọc - phóng viên báo Lào Cai ( bên trái) trong chuyến
tác nghiệp trên vùng cao Bát Xát
 

Bát mì tôm lúc 14h

Một sớm tháng 5, tôi cùng người bạn đồng nghiệp có mặt ở UBND xã Trịnh Tường để chuẩn bị cho hành trình viết về một cung đường mới lên xã Y Tý mà tôi gọi là “Cung đường hi vọng”. Mọi cố gắng để liên lạc với vị trưởng thôn người Hà Nhì trên đỉnh núi Lao Chải đều vô vọng vì trên đó sóng điện thoại quá yếu.

Gần trưa, trời đã nắng như đổ lửa, khi chúng tôi đến được thôn Lao Chải cũng đã gần 11 giờ. Thật may mắn là trưởng thôn Lao Chải Lý Giá Xe đang ở nhà. Mặc dù chưa ăn cơm trưa, nhưng ông vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi bộ vượt dốc lên đồi chụp ảnh khu vực trồng cây đương quy. Nắng rát như táp vào mặt, mồ hôi túa ra ướt áo, miệt mài tác nghiệp, khi trở về thôn thì giật mình vì đã gần 13 giờ chiều.

Sáng ăn vội cái bánh mì, lúc này, bụng tôi đã sôi ùng ục vì đói, người bạn đi cùng cũng đã thấm mệt, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nên chúng tôi vội vã chia tay trưởng thôn Lao Chải để tiếp tục lên đường.

Qua đoạn đường nhựa, con ngựa sắt chở hai người cứ chồm lên, hạ xuống với đoạn đường đất đá gập ghềnh, nhiều chỗ sạt lở nguy hiểm chênh vênh sát mép vực, hơn nửa tiếng sau chúng tôi mới đến được thôn Phìn Hồ. Ở đây chỉ có một quán tạp hóa đơn sơ và không có gì ăn khác ngoài mì tôm.

Trong khi chị chủ quán người Mông nhóm lửa đun siêu nước thì chúng tôi năn nỉ mãi một chị nhà gần đó mới bán cho 2 quả trứng vịt để úp mì tôm. Giữa căn nhà nóng hầm hập, mái thủng lỗ chỗ xuyên những tia nắng xuống nền đất, bụng đói cồn cào, bát mì tôm trứng đậy bằng tấm bìa các tông lúc 14 giờ chiều sao mà ngon thế. Vì phải đợi đến tận cuối chiều mới gặp được trưởng thôn Phìn Hồ để phỏng vấn và chụp ảnh tư liệu, nên chúng tôi trở về thành phố khi trăng đã sáng.

Hành trình trong đêm bão

Tác nghiệp bên dòng suối lũ Phìn Ngan là một trong những kỉ niệm khó quên

Tác nghiệp bên dòng suối lũ Phìn Ngan là một trong những kỉ niệm khó quên

Nói thêm về những chuyến đi xa về muộn, cách đây một năm, tôi và người bạn cùng cơ quan thực hiện đề tài về gương thầy giáo “quân hàm xanh” với công tác xóa mù chữ ở thôn, bản vùng cao. Giữ lời hẹn với các chiến sĩ Đồn biên phòng 257 Bát Xát, chiều muộn chúng tôi có mặt ở Đồn và đi xe máy vào thôn San Bang, xã Bản Vược.

Tuy nhiên, phải đợi đến hơn 19 giờ tối mới có những ánh đèn pin lấp lóa của các chị em người Dao Tuyển đến nhà văn hóa thôn học chữ. Đợi lớp học đông đủ, anh chiến sĩ biên phòng tận tình hướng dẫn những bà, những chị người Dao viết chữ, đọc bài. Có cụ đã 60 tuổi, mắt đeo kính lão dày cộp, vậy mà vẫn cặm cụi viết từng con chữ.

Mải mê tác nghiệp, chúng tôi quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn xong xuôi, lớp học kết thúc lúc hơn 22 giờ, nhìn ra ngoài trời trăng sáng vằng vặc giữa núi rừng mênh mông. Từ thôn San Bang ra trung tâm xã bản Vược còn gần chục cây số đường dốc quanh co triền núi, mặc dù trăng sáng và xe có đèn, nhưng chúng tôi vẫn phải mò mẫm bám từng mét đường, chỉ lo xe trượt bánh sa xuống vực.

Đêm khuya, rừng núi vắng vẻ, đi mãi không thấy một nhà dân. Bất chợt, trời nổi gió ào ào đung đưa víu những ngọn tre, mấy tia chớp xẹt rạch ngang bầu trời, có đoạn đổ đèo qua hủm gió, chẳng biết có phải sương rét không, mà đang lái xe bỗng nổi da gà, cảm giác rờn rợn.

Tác nghiệp bên cột mốc 87(2) khu vực cầu Thiên Sinh, xã Y Tý

Tác nghiệp bên cột mốc 87(2) khu vực cầu Thiên Sinh, xã Y Tý

23 giờ đêm, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi về đến chợ Bản Vược an toàn. Trời bỗng nổi cơn giông bão và mưa xối xả. Vừa đói, vừa mệt sau đoạn đường dài, không thể đi tiếp vì mưa quá to, chúng tôi tạt vào quán ăn đêm. Mấy chiến sĩ biên phòng gọi ra mỗi người một bát cháo và mấy quả trứng vịt lộn, vừa ăn cho ấm bụng, vừa uống chén rượu cho ấm người, chia sẻ câu chuyện công việc, cuộc sống gia đình. Chiếc bạt mỏng căng trĩu nước chỉ chực đổ ào xuống, vậy là đang ăn lại phải di chuyển vào bàn phía trong cho khỏi ướt. Câu chuyện cứ dài mãi trong cơn mưa nặng hạt giữa vùng biên giới. Đêm ấy, chúng tôi phải gửi lại xe máy ở Bản Vược, đi nhờ xe ô tô của một cán bộ biên phòng về thành phố.

Chuyến tác nghiệp vất vả nhưng để lại nhiều cảm xúc khó quên, chắp cánh cho tác phẩm thêm hấp dẫn đến với bạn đọc…

Theo Tuấn Ngọc/Báo Nhà báo và Công luận

 

 

Các tin khác:
  • Quản lý hoạt động của phóng viên tại Đài PT&TH vùng Đông Bắc hiện nay (16/08/2019-18:26)
  • Nhiều vụ án tham nhũng được phanh phui bắt đầu từ 1 bài báo (16/08/2019-18:20)
  • Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng khi đưa thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, bảo vệ chủ quyền đất nước (16/08/2019-18:17)
  • Năng lực cạnh tranh của quảng cáo truyền hình trong kỷ nguyên số (15/08/2019-7:30)
  • Trường Sa qua góc nhìn của nhà báo Nguyễn Tri Thức/ (15/08/2019-7:26)
  • Giá trị thời đại từ các tác phẩm chính luận báo chí của nhà báo Hoàng Tùng (02/08/2019-11:06)
  • “Vũ khí cảm xúc” trong cuộc đua niềm tin (31/07/2019-15:33)
  • Vấn nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí (30/07/2019-9:34)
  • Nhà báo Minh Hiền và chuyến tác nghiệp ở “thánh địa ma túy” (18/07/2019-18:20)
  • Logic - Sức mạnh của phản biện (11/07/2019-14:33)