Chủ nhật, ngày 05/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Ngư dân vẫn chủ quan trong mỗi chuyến ra khơi (05/07/2016-14:00)
    Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 đến nay tai nạn trên biển đã khiến 185 người chết và mất tích, bị thương gần 200 người và hơn 260 phương tiện bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Phần lớn ngư dân vẫn chưa chấp hành việc mặc áo phao khi
lao động trên biển.

Để đạt sản lượng khai thác cao, thời gian qua ngư dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất lớn để có thể chống chọi với sóng gió, vươn ra những ngư trường tiềm năng. Tuy nhiên, trong tình hình thiên tai, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, mật độ các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông ngày càng dày, phương tiện thông tin liên lạc, thiết bị an toàn hàng hải, hệ thống phao cứu sinh trên các tàu đánh bắt của ngư dân chưa đầy đủ, đồng bộ... đã dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại nhiều về người và tài sản.

Điều đáng chú ý là hầu hết số tàu, thuyền bị tai nạn đều do bị sóng to, gió lớn đánh vỡ mạn tàu khiến nhiều ngư dân không kịp xử lý tình huống xảy ra. Như trường hợp tàu cá mang số hiệu TH 90598- TS do anh Đồng Văn Tiến, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) làm thuyền trưởng đang đánh cá tại tọa độ 19 độ 49 phút Bắc - 107 độ 15 phút Đông trên vùng biển thuộc tỉnh Thanh Hóa bất ngờ bị sóng to, gió lớn đánh vỡ mạn tàu nên không kịp xử lý tình huống, các ngư dân trên thuyền đã may mắn được các phương tiện đến ứng cứu kịp thời.

Được biết khi gặp nạn trên biển tất cả ngư dân đều không kịp mặc áo phao, do áo phao được đặt ở vị trí không thuận lợi khi gặp tình huống cấp bách.

Một trong những nguyên nhân hàng đầu là do nhận thức của ngư dân về an toàn lao động trên biển còn thấp. Qua thực tế kiểm tra về công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu cá tại một số địa phương ven biển đã cho thấy công tác này bị buông lỏng và bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều tàu cá đi khai thác thủy sản khi ra khơi thiếu trang thiết bị cứu hộ, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thiết bị báo hiệu an toàn, lắp đặt các trang thiết bị  không đúng nơi quy định; vẫn còn tình trạng tàu xuống cấp nhưng vẫn cố tình ra khơi; nguy hiểm hơn, một số ngư dân còn dùng các phương thức đánh sai pháp luật dẫn tới tai nạn đáng tiếc.

Ngư dân Trần Văn Tính, xã Ngư Lộc, Hậu Lộc cho biết: “Dù biết trang bị phao cứu sinh trên biển là điều cần thiết để đảm bảo tính mạng, nhưng nói thật là chỉ khi đi tắm biển người ta mới mặc áo phao thôi, chứ ngư dân ra khơi đánh bắt vất vả, thời tiết nóng nực, vướng víu lắm nên chúng tôi đa số không mặc áo phao trong quá trình lao động trên biển’’.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, Thanh tra chuyên ngành Bảo vệ nguồn thủy sản phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã mở đợt kiểm tra về điều kiện đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản.

Qua kiểm tra thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, hầu hết những trường hợp  vi phạm trên đều không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và không kẻ số tàu theo quy định. Không trang bị đủ số lượng áo phao, phao cứu sinh đúng và đủ số lao động trên tàu.

Ông Lê Bá Lực - Trưởng Phòng Quản lý khai thác tàu cá thuộc Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản Thanh Hóa cho biết: Cơ quan chức năng đang tiếp tục cấp phát tờ rơi hướng dẫn về đảm bảo an toàn lao động, cách phòng tránh thiên tai đến tận tay ngư dân; tăng số lần tập huấn cho ngư dân; lồng ghép các chương trình tập huấn với các buổi giao lưu văn nghệ hay chương trình  hỗ trợ ngư dân khó khăn để thêm phần sinh động và dễ tiếp thu.

Nhằm chủ động đối phó kịp thời với diễn biến bất thường của thiên tai và tai nạn trên sông, biển, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá trong thời gian qua Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn kết hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản rà soát, thống kê hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác PCLB, phân loại chi tiết số lượng tàu thuyền và số lao động làm việc trên tàu cá để phục vụ công tác thông tin, gọi tàu, thuyền khi có thiên tai xảy ra, nhất là tàu có công suất lớn hơn 90CV.

Trong những ngày có bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra, tổ chức trực ban 24/24h, tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, các ngành có thẩm quyền để phối hợp triển khai phương án phòng tránh một cách hiệu quả nhất.

Theo Báo VH&ĐS

 

Các tin khác:
  • Với biển, tôi đã đi, và vẫn muốn đi (05/07/2016-13:20)