Thứ bảy, ngày 27/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Lan tỏa ý thức chấp hành pháp luật (15/11/2019-7:49)
    (NLBTH) - Tháng 11 gắn với hai ngày rất ý nghĩa, là ngày pháp luật Việt Nam và ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông được tổ chức vào chủ nhật tuần thứ ba của tháng, vì thế rất được chờ đợi và hy vọng.
Ảnh minh họa từ Báo điện tử Tổ quốc

Đề cập đến những hoạt động mang tính thường niên như vậy bởi thời gian qua ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân đã trở nên rất yếu kém, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng và xung đột do mẫu thuẫn trong giao thông ở lứa tuổi này đang có những diễn biến phức tạp.

Học sinh thiếu nhận thức là chuyện lo lắng, nhưng đáng lo hơn là có nhiều phụ huynh đang tiếp tay cho các em bằng việc trang bị xe mô tô phân khối không đúng quy định lứa tuổi, cải tạo xe không đảm bảo về mức độ an toàn. Họ thường xem đó như là một sự thể hiện vượt trội về kinh tế cũng như mức độ quan tâm đến con cái.

Nhiều phụ huynh khác thì đưa đón trẻ mà không hề có mũ bảo hiểm. Một việc làm không chỉ gây hại trước mắt, còn tạo thói quen xấu cho trẻ sau này.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông là việc làm được các cơ quan như công an, tư pháp, đoàn thanh niên, ban an toàn giao thông các cấp thường xuyên phối hợp với nhà trường để tổ chức. Tuy nhiên hiệu quả từ các hoạt động này bởi rất nhiều lý do nên chưa thể định lượng được.

Dù đã có nhiều bài học từ sự mất mát về tính mạng, sức khỏe của học sinh do thiếu ý thức chấp hành pháp luật giao thông đem lại, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức mạnh để cảnh tỉnh, ngăn chặn thói quen xấu này.

Trên những tuyến đường có đông học sinh tham gia chúng ta thường xuyên chứng kiến hành động không đẹp của các em như lai đèo vượt quá số người quy định, dàn hàng ngang cản trở phương tiện khác, tùy tiện vượt đèn đỏ, lấn làn, đi vào đường ngược chiều... Trong khi đó việc ngăn chặn, xử lý tình trạng này của lực lượng chức năng lại chưa thật nghiêm và kịp thời.

Học sinh chưa hiểu biết pháp luật và đua đòi dẫn đến chưa biết sợ, cùng với đó là sự tiếp tay bằng suy nghĩ chiều chuộng cực đoan của một số phụ huynh, khiến bức tranh giao thông ngày càng trở nên phức tạp. Nếu không có những biện pháp ngăn chặn sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm ngày pháp luật Việt Nam và tưởng niệm nạn nhân do tai nạn giao thông, đòi hỏi cần có thêm nhiều hoạt động thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn do tai nạn giao thông gây ra.

Phải để tinh thần này không còn là giới hạn về thời gian, mà trở thành sợi dây kết nối, có sức lan tỏa, giác ngộ ý thức tôn trọng pháp luật, nhất là ở lứa tuổi học sinh, để tất cả mọi ngày trong năm pháp luật về giao thông đều được tôn trọng.

Tuệ Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Chọn cách làm đẹp (11/11/2019-9:33)
  • Nhìn vào nỗi đau để có sự điều chỉnh (08/11/2019-14:38)
  • Từ phiên tòa chưa từng có và sự chờ đợi sau án lệ (05/11/2019-21:14)
  • Bệnh nào, tuyến ấy (04/11/2019-8:21)
  • Trên hết vẫn phải là nhận thức (02/11/2019-21:29)
  • Khơi thông cơ chế, thúc đẩy nguồn lực (31/10/2019-22:08)
  • Động lực mạnh mẽ cho mục tiêu dài hơi (28/10/2019-10:44)
  • Để không mắc bệnh “suy thoái” (27/10/2019-11:11)
  • Kiên trì, tạo tiền lệ tốt trong quản lý đô thị (25/10/2019-22:42)
  • Tăng sức “đề kháng” chống lại căn bệnh phản cảm (20/10/2019-18:51)