Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Tin quốc tế đối nội cho truyền hình ở Việt Nam (18/12/2019-16:00)
    Câu chuyện chuyển dịch tin quốc tế vào báo chí Việt Nam được đặt ra và khảo sát, phân tích cách đây hơn 20 năm.
Tin quốc tế đối nội cho truyền hình ở Việt Nam

Sau đó, dù có một số khảo sát nghiên cứu, nhưng phải đến khảo sát nghiên cứu của hai tác giả Hồ Hương Giang năm 1995 và Trần Long Hải năm 1996 mới khái quát một loạt vấn đề cũng như những công đoạn làm tin quốc tế đối nội, nhưng chỉ dừng lại những việc sản xuất loại tin này cho báo chí Việt Nam.

Một số vấn đề đặt ra

Phải chờ đến hai khảo sát và phân tích của Mai Thị Thanh Hà và Cai Thị Ánh Nguyệt năm 1998 về tin quốc tế phát trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội câu chuyện tin quốc tế đối nội cho truyền hình ở Việt Nam mới bắt đầu hé lộ rõ hơn những vấn đề cần bàn thảo.

Sau hơn 20 năm, các phương tiện truyền thông đại chúng đang cung cấp tới công chúng một lượng tin quốc tế một cách nhanh chóng, một số vấn đề đặt ra từ trước về tin quốc tế đối với truyền hình ở Việt Nam vẫn cần được khẳng định, bên cạnh nhiều vấn đề khác cần tiếp tục được nêu ra.

Thứ nhất, vấn đề bản quyền của các hãng thông tấn, đài truyền hình nước ngoài ngày càng kiểm soát khắt khe. Điều đó khiến nhiều đài/ kênh truyền hình nhất là đài truyền hình địa phương bị bó hẹp nguồn tin khai thác, khiến tình hình thế giới khó được phản ánh đầy đủ, thậm chí khá phiến diện, nghiêng nhiều vào phạm trù tin tức này mà vắng bóng hoặc mờ nhạt tin tức ở phạm trù khác. Một số đài truyền hình địa phương do hạn hẹp về tài chính khi mua bản quyền gói tin tức nước ngoài nên chủ yếu mua gói tin quốc tế của một cơ quan báo chí trong nước, một số đài truyền hình khác, chủ yếu khai thác trên các trang mạng/đài cho miễn phí. Tuy nhiên, những gói tin tức miễn phí khó bảo đảm độ, chính xác của nguồn tin hay tín hiệu hình ảnh, thậm chí là cả hai.

Bản tin quốc tế của Đài Truyền hình Việt Nam

Thứ hai, số lượng bản tin thời sự (trong đó có phần tin quốc tế) và những bản tin chuyên biệt quốc tế ngày càng quá nhiều có khoảng 7 - 10 bản tin tùy đài/kênh, thậm chí là 24 bản tin. Số lượng này tiêu tốn một lượng tin quốc tế lớn, mặt khác kéo ngắn thời gian giữa các bản tin, tạo ra một áp lực lớn cho nhiều biên tập viên ở các phòng/ban/tổ quốc tế của đài/kênh truyền hình.

Trong khi nhiều phóng viên thường trú nước ngoài, những biên tập viên tin quốc tế ở trong nước có năng lực tốt đã vượt qua không quá khó khăn thì một số biên tập viên mảng quốc tế gặp không ít trở ngại. Trở ngại do một phần năng lực báo chí của họ còn hạn chế (đã có biên tập viên tin quốc tế nói bằng văn bản rằng, họ không hiểu thế nào là dòng thời sự chủ lưu!).

Họ làm công việc biên dịch thuần túy mà chưa hoặc không nhìn ra quan điểm, góc độ tiếp cận của những tin gốc cùng sự kiện để chọn lọc chi tiết thông tin theo tiêu chí nhất định, làm thành tin quốc tế đối nội theo định hướng và phù hợp với nhu cầu của khán giả Việt Nam. Cũng không ít biên tập viên tin quốc tế thiếu tường minh hoặc không cập nhật kịp lí luận và xu hướng về tin tức nên chủ yếu biên dịch theo kinh nghiệm hoặc theo lối mòn của người đi trước.

Phóng viên Việt Nam và quốc tế tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2

Thứ ba, việc tổ chức các phòng/ban/tổ quốc tế ở một số đài/kênh truyền hình đang đặt ra một loạt vấn đề. Ví dụ, tại một vài đài địa phương có đến hơn hai chục biên tập viên tin quốc tế nhưng ở đài địa phương khác lại không có bộ phận này. Ngay cả ở một vài kênh truyền hình không nhỏ về quy mô nhưng tổ làm tin quốc tế lại quá ít người (chỉ có 4). Một kênh khác, tin quốc tế do hai bộ phận đảm nhiệm (một là phòng quốc tế trực thuộc kênh, còn một do bộ phận trực thuộc cơ quan lớn hơn). Mặc dù có sự chỉ đạo nhưng để thống nhất được tiêu chí chọn tin cũng như một số vấn đề khác cần yếu cho việc tạo sản phẩm tin quốc tế đối nội trên kênh truyền hình này quả là không dễ.

Với những đài không có phòng/ban/tổ quốc tế, tin tức quốc tế được mua từ một địa chỉ chung trong nước để phát. Chúng giống nhau cho nhiều đài trong khi công chúng của những vùng miền này rất khác nhau, nhất là về khả năng tiếp cận với những vấn đề quốc tế.

Thế giới phẳng nhưng “thế giới quả là rộng lớn”. Nhiều công chúng chưa có may mắn ra khỏi đất nước khiến việc nhìn lên TV dù có thấy bản đồ nơi diễn ra sự kiện, sự thiếu may mắn kia cũng là một rào cản với họ, chưa kể đến những vấn đề quốc tế lớn và trừu tượng vốn quá sức hiểu của công chúng có trình độ trung bình trở xuống, trong khi với một số đài/kênh những vấn đề như thế lại có tần số xuất hiện rất cao trên TV.

Thêm nữa, tin quốc tế trước khi lên sóng, đôi khi không còn như ý đồ hoạch định của hội đồng biên tập (super desk) hay chí ít là của ban/phòng/tổ quốc tế bởi nó còn bị phụ thuộc vào bộ phận quyết định đầu ra: khi cụm tin trong nước thời lượng lớn, tin quốc tế bị cắt bớt; cũng có khi, đến phút chót một hai tin quốc tế bị loại khỏi bản tin chỉ vì người quyết định đầu ra thiếu tầm nhìn hoặc giữ cái nhìn khá ấu trĩ về mặt bằng sự kiện quốc tế ít nhất ở thời điểm bản tin lên sóng.

Họ nhầm lẫn giữa việc làm tin tức quốc tế (là sản phẩm truyền hình cho khán giả) với việc làm bản báo cáo các sự kiện quốc tế trong ngày. Và thậm chí cũng không hiếm lí do kiểu “tôi không thích anh” khiến một vài tin quốc tế nào đó bị nơi quyết định đầu ra gạt khỏi bản tin mặc cho vỏ bản tin đã được phê duyệt.

Bản tin Quốc tế của Kênh truyền hình QPTV

Lựa chọn thông tin ưu tiên

Nhiệm vụ và mục tiêu của việc chuyển dịch tin quốc tế vào Việt Nam là hiển nhiên và không cần bàn thảo thêm. Tuy nhiên, sản phẩm tin tức, loại tin này đã đến lúc cần được tính kĩ hơn đến nhu cầu và khả năng xem của công chúng trong nước. Giờ đây, chắc không còn chuyện như kết quả khảo sát cách đây hơn 20 năm: hầu hết phụ nữ ở tuổi 30 - 50 thuộc thành phần tiểu thương đã không bao giờ xem tin quốc tế trên truyền hình vì họ không hiểu.

Nhưng một câu chuyện khác được đặt ra là nhu cầu và khả năng xem tin quốc tế của công chúng ở các vùng miền khác nhau đòi hỏi ít nhất các đài địa phương cần có cách tiếp cận hoặc triết lí phù hợp trong việc làm tin quốc tế. Đã đến lúc cần có những “bản tin quốc tế cho người Việt Nam”, phù hợp hơn với số công chúng chưa thể tự xem tin tức từ các đài nước ngoài. Theo đó, ngoài cung cấp bức tranh chính trị thế giới, ngoài tin nóng và khủng hoảng lớn, những bản tin này sẽ hiệu quả hơn nếu đáp ứng nhiều đến “mối quan tâm” của đông đảo công chúng Việt Nam hơn.

Do vậy, việc chọn những phạm trù thông tin ưu tiên phù hợp với mối quan tâm của người xem trở nên rất quan trọng. Những tin tức này, ngoài nguồn có bản quyền và/hoặc do các cơ quan thường trú nước ngoài sản xuất, có thể được ban/phòng/tổ quốc tế làm nên từ chất liệu thông tin quốc tế đủ độ tin cậy. Sản phẩm chót là bản tin sẽ không còn là bản tin quốc tế toàn cầu (do các đài/kênh/hãng nước ngoài làm cho toàn thế giới) thuần túy được chuyển dịch để phát ở Việt Nam bằng tiếng Việt.

Khi bản tin quốc tế cho người Việt Nam đáp ứng tốt mối quan tâm, thích hợp với trình độ xem của công chúng trong nước sẽ góp phần làm văn minh hóa xã hội Việt Nam (đặc biệt là về ăn uống, đi lại, học hành, lối sống và lối nghĩ).

Bản tin quốc tế ở đài địa phương nên tạo cân bằng giữa thông tin và giải trí

Một số gợi ý

Cùng với xu thế báo chí chuyên biệt, mối quan tâm và nhu cầu xem cũng như năng lực xem của công chúng địa phương (theo vùng miền) đối với tin quốc tế đã cung cấp cho chúng tôi cơ sở để gợi ý một lối làm bản tin quốc tế cho đài địa phương ở Việt Nam.

Đây là bản tin quốc tế về đời sống dân sinh thế giới phục vụ nhu cầu xem của bà con ở địa phương. Theo đó, tập trung nhiều hơn vào các phạm trù tin tức như sức khỏe, đời sống tiêu dùng, thực phẩm an toàn, thị trường (nông sản, hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất), việc làm, thiên tai thời tiết, học hành, đi lại, phát minh, sáng kiến, ý tưởng, thể thao. Bản tin này cũng chú trọng đáng kể đến đời sống cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Đối với các phạm trù khác của tin tức quốc tế, công chúng địa phương sẽ trông đợi chủ yếu vào Chương trình Thời sự 19h của đài quốc gia, một chương trình thời sự hiện có rating cao nhất ở trong nước và điều này nói lên tính cần yếu cũng như khả năng đáp ứng về tin tức phổ quát (trong đó có tin quốc tế) đối với công chúng cả nước.

Ngoài tin tức, bản tin quốc tế của đài địa phương nên bao gồm cả phóng sự ngắn và tiêu điểm về một sự kiện, hiện tượng hay vấn đề nổi bật, có ảnh hưởng rộng hoặc có tính phổ quát hướng nhiều đến lợi ích của người xem địa phương theo vùng miền. Theo đó, các câu chuyện cần được khai thác nghiêng nhiều về công dụng, tác dụng, ảnh hưởng, chỉ dẫn tư vấn và cảnh báo.

Tin đồ họa của TTXVN giới thiệu về Thủ tướng Đức Angela Merkel

Bản tin quốc tế ở đài địa phương nên tạo cân bằng giữa thông tin và giải trí thông qua việc cho người xem giải trí bằng tin tức về âm nhạc, điện ảnh, hội họa, văn học thế giới, cùng với đó là những chuyện lạ/độc/thú vị có ý nghĩa tích cực và thiết thân đến đời sống của họ.

Bản tin này cũng cần lưu tâm đáng kể đến phần dự báo thời tiết trên một số thành phố lớn của thế giới, nhất là khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á và những nước hiện có đông đồng bào Việt Nam sinh sống, học tập, lao động... Ở đây, ngoài bản đồ, với mỗi thành phố, dùng một hình ảnh đặc trưng tràn màn hình, đưa bảng nền nhiệt với chữ và số size lớn. Kết thúc dự báo, khuôn cuối dừng lại ở thành phố nào thì cấp thêm thông tin liên quan về nơi đó, thậm chí nếu có thể đưa thêm thông tin khoảng cách giờ bay từ Hà Nội, TP. HCM. Một số nghiên cứu về truyền thông của nước ngoài cho biết, chính những dữ liệu liên quan này có sức hấp dẫn rất lớn với công chúng.

Bản tin này trong một số trường hợp cũng có thể cấp thêm mục điểm mạng liên quan đến tin quốc tế của bản tin. Tuy nhiên, không phải số bản tin nào cũng làm điểm mạng, mà chỉ nên làm khi trên báo điện tử có nguồn comments (phản hồi) về tin mà bản tin quốc tế của đài sẽ đưa. Và với điều kiện những comments đủ hay, có kịch tính, thú vị. Không chọn những comments quá gay gắt, đi chệch định hướng, cũng như không phù hợp với lợi ích chung. Mục điểm mạng của bản tin này cũng chỉ nên đưa hai luồng comments khác nhau, không bình luận thêm./.

Theo: Vũ Quang Hào/ Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Báo, Tạp chí và tôn chỉ của cơ quan báo chí? (18/12/2019-15:55)
  • Bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 39 (16/12/2019-10:09)
  • Hướng đi mới của báo chí hiện đại (13/12/2019-18:31)
  • Tác nghiệp đáng nhớ tại trận chung kết U22 Việt Nam - U22 Indonesia (12/12/2019-14:30)
  • Nâng tầm văn hóa nhà báo (09/12/2019-8:51)
  • LHTHTQ lần thứ 39 sẽ diễn ra từ ngày 11-14/12 tại TP. Nha Trang (06/12/2019-09:36)
  • Nhà báo Nguyễn Viết Lam và mối duyên tình với đồng bào miền núi (05/12/2019-3:52)
  • Liên hoan Phát thanh hướng tới công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (04/12/2019-16:45)
  • Cuộc thi ảnh "Mái ấm gia đình Việt": Không tìm thấy giải Nhất (04/12/2019-16:36)
  • Khánh Hòa với công tác chuẩn bị cho Liên hoan Truyền hình toàn quốc (03/12/2019-8:44)