Thứ năm, ngày 02/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Khi trao quyền tự chủ (21/12/2019-16:04)
    (NLBTH) - Trao quyền tự chủ được hy vọng sẽ tạo ra lực “đòn bẩy” thúc đẩy bệnh viện công lập thoát khỏi sự bị động về kinh phí và nhân lực. Một “làn gió mới”, nhưng cũng là áp lực, nếu chọn cách làm không phù hợp sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu.

Theo Bộ Y tế, đến nay có gần 100% bệnh viện công đã thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó 0,4% bệnh viện tự chủ, tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển; 27% bệnh viện tự chủ chi thường xuyên; 68% bệnh viện tự chủ một phần chi thường xuyên. Bộ cũng đang thực hiện thí điểm tự chủ hoàn toàn ở 4 bệnh viện lớn để nhân ra diện rộng.

Thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện dù biết sẽ mở ra hy vọng về một sự chuyển đổi nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tuy nhiên qua thực tế vận hành ở nhiều bệnh viện trong thời gian qua lại cho thấy bệnh viện chưa thể đứng vững ngay được sau khi tự chủ. Nguyên nhân của tình trạng này là do có thời gian dài bệnh viện sống dựa vào ngân sách, Nhà nước đầu tư đến đâu làm đến đấy.

Nhiều bệnh viện hiện vẫn phải loay hoay tìm cách để tồn tại, nhưng không phải cách làm nào cũng đúng, được người bệnh và xã hội chấp nhận ngay.

Về nguyên tắc, việc giao tự chủ chính là trao quyền cao hơn cho bệnh viện công cả trong việc thu - chi, đầu tư trang thiết bị cũng như sử dụng con người.

Để thu hút bệnh nhân, bệnh viện phải nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng phục vụ nhằm tạo ra sức hấp dẫn. Đây được xác định là con đường bền vững, tuy nhiên không phải đều được các bệnh viện lựa chọn.

Nhiều bệnh viện đang cho thấy cách làm thực dụng, trái với y đức nhằm “moi tiền” người bệnh như kê đơn thuốc không phù hợp, kéo dài thời gian điều trị nội trú, lạm dụng xét nghiệm không cần thiết... Bên cạnh đó là tình trạng tiết kiệm quá mức vật tư y tế dẫn đến nguy cơ làm sai lệch kết quả thăm dò chức năng.

Dù chưa có cơ sở để khẳng định tình trạng bớt xén vật tư y tế, nhân bản kết quả xét nghiệm ở một số bệnh viện công trong thời gian qua có sự liên hệ với việc bệnh viện phải tự chủ về tài chính hay không. Nhưng tiên lượng cao là, khi việc tự chủ tại bệnh viện còn chưa được đảm bảo bằng một cơ chế kiểm soát đủ mạnh thì tình trạng này sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra nhiều hơn.

Đi đôi với trao quyền tự chủ cho bệnh viện Ngành Y tế cần xây dựng một cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ, nâng cao một bước nhận thức về trách nhiệm trong thực hiện y đức của đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên bệnh viện. Có như thế việc trao quyền này mới thực sự góp phần thúc đẩy sự phát triển.

Lam Vũ

 

 

Các tin khác:
  • Thay đổi nhận thức để xóa bỏ sự mất cân đối (17/12/2019-10:34)
  • Để vơi bớt tâm tư (16/12/2019-22:48)
  • Kiên quyết với tham nhũng (14/12/2019-20:36)
  • Trọng thái độ làm việc (11/12/2019-15:16)
  • Để nỗi lo không còn ảm ảnh (10/12/2019-9:10)
  • Lựa chọn cảm tính (07/12/2019-7:43)
  • Thiện tâm trên phố (05/12/2019-6:33)
  • Thay đổi cách thức, đón nhận sự hài lòng (03/12/2019-14:53)
  • Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định (01/12/2019-17:49)
  • Không mặc định về giới (27/11/2019-18:02)