Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
“Cởi trói” để nâng tầm văn hóa đọc (06/07/2020-23:31)
    (NLBTH) - Hiện nay cả nước có tới 31.000 thư viện, tuy nhiên việc phát huy giá trị của hệ thống thiết chế văn hóa này được nhìn nhận là chưa đồng đều, chưa như kỳ vọng. Thiếu kinh phí và nguồn nhân lực có chuyên môn cao để đảm bảo hoạt động, nhất là ở cấp huyện, đã khiến nhiều thư viện phải “bơi” trong khó khăn.

Ngày 1/7/2020 Luật Thư viện năm 2019 chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi, đặc biệt là việc xác định lấy người đọc làm trung tâm, được chờ đợi sẽ mở ra thời cơ để thư viện kéo bạn đọc trở lại với nhiều kệ sách đang bị phủ bụi.

Một trong những điểm mới rất đáng quan tâm của Luật Thư viện 2019 đó là việc bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp hoặc mô hình khác.

Với sự thay đổi này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai chính sách khuyến khích, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội, cơ sở quan trọng để xây dựng phát triển thư viện, từ đó mở rộng điều kiện, khả năng tiếp cận thông tin cho người dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Luật Thư viện năm 2019 cũng ban hành một số điều quy định về phát triển thư viện số, hiện đại hóa thư viện, để thư viện phát triển và vận hành theo xu thế của thời đại với những yêu cầu đặt ra trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số là chức năng, nhiệm vụ của tất cả các loại hình thư viện.

Một quy định mới nữa là định kỳ hàng năm thư viện phải đánh giá hoạt động theo một số tiêu chí được chọn từ tiêu chuẩn quốc gia theo sự hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc đánh giá hoạt động sẽ góp phần phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thư viện, nâng cao hoạt động thư viện… 

Lâu nay với tư thế Nhà nước đóng vai trò chính trong đầu tư, quản lý, dù đã có nhiều có gắng, nhưng bởi sự hạn chế trong cách vận hành, khai thác, dẫn đến nhiều thư viện không đáp ứng được yêu cầu đặt ra ngày càng cao hơn trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Cùng với đó là tư tưởng xem nhẹ thiết chế này của một số cấp quản lý dẫn đến có thư viện chỉ hoạt động lấy lệ boặc bị bố trí ở những nơi khuất vắng, có nơi lại ghép với những công trình không phù hợp, được ví như “tu viện” sách hơn là nơi để giao lưu, cung cấp thông tin mỗi ngày.

Việc thiếu đồng bộ trong đầu tư, quản lý và vận hành thư viện so với sự ưu việt của những công cụ tìm kiếm thông tin trên nền tảng số hiện nay đã khiến không ít thư viện bị bỏ lại phía sau. Đây là bất cập đã được nhiều người đề cập, cơ quan quản lý văn hóa nhìn thấy, nhưng chưa dễ thay đổi bởi chưa có cơ chế rõ ràng và chính sách huy động nguồn lực cụ thể, hiệu quả.

Với việc Luật Thư viện 2019 có hiệu lực thi hành, được xem như sự “cởi trói”, cơ hội góp phần nâng tầm văn hóa đọc. Tuy nhiên để thiết chế văn hóa này phát huy giá trị thật sự, đòi hỏi việc quản lý, khai thác phải đảm bảo quy định, nhất là sớm có sự thay đổi trong cách nhìn nhận và đánh giá của cơ quan quản lý.

Tuệ Vũ

 

Các tin khác:
  • Tư duy phải theo kịp sự thay đổi (04/07/2020-23:39)
  • Tạo cầu nối pháp luật (02/07/2020-22:02)
  • Lan tỏa việc làm tốt (01/07/2020-10:29)
  • Tạo cảm hứng đầu tư vào nông nghiệp (29/06/2020-11:07)
  • Vẫn phải từ ý thức (28/06/2020-7:34)
  • Hiện đại hóa nền hành chính (26/06/2020-9:35)
  • Cần phải trở thành hoạt động thường xuyên (24/06/2020-11:41)
  • Tương lai và ma túy không cùng tồn tại (22/06/2020-21:15)
  • Giữ sự cao quý (20/06/2020-22:02)
  • Sửa đổi để lấy lại niềm tin (19/06/2020-11:04)