Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo: Anh ở đâu? (17/07/2020-10:32)
    Đã hai lần tôi nghe câu hỏi này. Lần thứ nhất, năm 2000, từ đồng nghiệp ở báo Tuổi Trẻ TP.HCM. lần thứ hai, năm 2003, trong chương trình “Người đương thời” của VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam).
Bức ảnh chụp lén tại một quán “cơm tù” ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), năm 2003.
Ảnh: Vũ Toàn

Câu hỏi trăn trở của nghề

Lần thứ nhất, cách đây đã 20 năm, khi tôi đang công tác tại Báo Nghệ An và làm cộng tác viên Báo Tuổi Trẻ. Có lần, một nhà báo là Phó văn phòng đại diện Báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội vào Vinh “xem giò” cộng tác viên là tôi.

Hôm ấy, chờ Báo Tuổi Trẻ phát hành từ Hà Nội chuyển vào Vinh lúc hơn 7 giờ, anh bạn đi xem tôi bán Báo Tuổi Trẻ tại các sạp báo trong thành phố. Tầm 9 giờ, hai anh em ngồi trò chuyện về những chuyến đi thực tế để có bài đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Anh hỏi chuyện gì tôi kể chuyện ấy. Anh hỏi, thường khi Nghệ An có sự kiện, hoặc phát hiện đề tài báo chí thì anh ở đâu.

Tôi bảo: “Nếu đề tài phù hợp với Báo Tuổi Trẻ, tôi đi ngay, đêm tôi cũng đi, miễn là tiếp cận được con người, vụ việc”. Anh ngạc nhiên, bởi tôi làm biên tập ở Báo Nghệ An thì thời gian đâu để đi viết bài cho Báo Tuổi Trẻ với mật độ đăng tải đáng ghi nhận của một cộng tác viên. Tôi bảo, thường ngày ở cơ quan có bài nào thuộc diện “nằm chờ” tôi biên tập trước. Khi cần đi xa một vài ngày, tôi báo cáo Tổng Biên tập là được ngay. Vì họ hiểu “tính nết” của tôi rồi.

Sau đợt đó, mật độ đăng tải của tôi trên Báo Tuổi Trẻ dày dặn hơn, đa số là phóng sự, kí sự đường xa và kí sự nhân vật. Tôi có cảm giác “tự dưng mình được kích cầu”, nên săn được đề tài là lên đường ngay. Đi nhanh, đến tận nơi, về là ngồi viết ngay còn kịp lo công việc của báo nhà.

Năm 2003, khi trở thành phóng viên Báo Tuổi Trẻ, tôi nhận được điện thoại của Tòa soạn gọi, giao đi làm phóng sự “cơm tù, xe cướp” tại Hà Tĩnh. Cú gọi “nóng” kết thúc, tôi đứng dậy soạn ba lô, ra quốc lộ 1A đón xe Bắc - Nam để vào thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

Vụ đó, biết đi làm phóng sự “cơm tù, xe cướp” là nan giải đấy nhưng “máu nghề” vẫn háo hức lạ kì. Bởi biết sẽ có bài về vấn nạn nhức nhối đăng trên Báo Tuổi Trẻ, sự kiện xã hội đang làm “nóng” các trang báo trên cả nước, trong đó Báo Tuổi Trẻ là “mũi” chủ công. 

Khi xe dừng, khách chuẩn bị xuống xe để vào quán “cơm tù”, tôi nhập vai hành khách thản nhiên đi vào quán. Khi cánh cửa kéo đã đóng kín lại thì hành khách ngồi yên vị vào bàn ăn cơm, không được đi lại, không được ra ngoài kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Tôi đang xoay trở để tiếp cận diễn biến trong quán “cơm tù” thì bị chủ quán đưa cái muôi múc canh dí vào mặt vì chưa chịu ngồi vào bàn đăng kí mua cơm và trả tiền.

Vài chục phút trôi nhanh, tôi đã thu thập được các tình tiết, chứng cứ rồi nhưng vẫn chưa yên tâm. Làm sao chụp được tấm ảnh để bạn đọc biết đó là quán “cơm tù” nhưng khó quá. Tôi sực nhớ tấm biển đề chữ “cấm ra ngoài sân” mà khi xuống xe đã nhìn thấy nên nhanh chóng tìm cơ hội thoát ra ngoài chụp cho được tấm ảnh đó thì mới yên tâm về bài phóng sự.

Ra ngoài, thấy cạnh tấm biển có một “cai tù” đội mũ mềm, đeo kính đen đang đứng canh gác nhằm khống chế khách ra khỏi quán. Tôi loay hoay rồi lọt ra ngoài ruộng nước thải phía trước quán thì dẫm phải một “biển” ruồi nhặng khiến chúng bay vọt lên, toán loạn.

Tôi liều mạng bấm máy tấm ảnh “cấm ra ngoài sân” trong tâm thế lo ngại vì sợ bị “cai tù” phát hiện. Bởi nếu “cai tù” biết chụp ảnh sẽ lộ chuyện đăng báo, rất khó an toàn. Trước đó, tôi vừa nghe “cai tù” này tức tối kể lại chuyện hôm qua mới chém hai hành khách do không chịu vào quán ăn “cơm tù”. Cánh tay trái của y còn quấn một đoạn băng trắng.

Sau loạt bài báo của nhiều phóng viên khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, vấn nạn “cơm tù” nhức nhối suốt 10 năm, hành hạ bao hành khách trên những chuyến xe Bắc - Nam mới được xóa sổ. Tôi và nhiều đồng nghiệp Báo Tuổi Trẻ vinh dự nhận Giải A - Giải Báo chí Quốc gia năm 2003 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An lúc đó trao. Cũng năm 2003, chương trình “Người đương thời” của VTV3 do nhà báo Tạ Bích Loan xây dựng. Tít dẫn là một câu hỏi: “Nhà báo: Anh ở đâu?”.

Người viết báo phải vừa thận trọng, công phu, tỉ mỉ, vừa phải cởi mở, thông thoáng

Câu hỏi vẫn trăn trở

Các nhà báo trẻ đều biết rất rõ làm báo là một “nghề”. Nghề vất vả nhưng có vị thế nhất định trong đời sống xã hội. Nhưng số người ý thức được rằng “nghề làm báo cần có năng khiếu và kiến thức càng sâu rộng càng tốt” không chiếm số đông.

Thực tế cho thấy, rất nhiều người trẻ vào nghề báo bằng “sở thích”, “ý muốn” chứ chưa hẳn bằng kĩ năng, sự đam mê nghề nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng, người cầm bút thiếu đi bút lực. Họ gặp khó khi sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt, biến các tình tiết, lớp lang vụ việc thành một bài báo. Vì thế, sản phẩm báo chí của họ thiếu sức hấp dẫn bạn đọc, cho dù đó là một bản tin ngắn.

Thực tế này dễ nhìn thấy hàng ngày trên các báo điện tử. Đó là, một bản tin đầu tiên xuất hiện trên một tờ báo điện tử, ngay sau đó cũng xuất hiện hàng loạt trên các tờ báo điện tử khác. Mới đây, không ít phóng viên làm báo bằng cách “săn” tin trên Facebook khi mạng xã hội đã loạn tin.

Loạn tin dẫn đến loạn bài. Ví như, khi một kí sự về một nhân vật độc đáo xuất hiện, một số người viết liền “photo” bằng cách gọi điện thoại, hỏi một số chi tiết cần thiết để viết thành bài báo, còn hình ảnh của nhân vật thì... xin.

Mới đây, tôi đọc bài báo viết về ông Vừ Vả Chống, người Mông ở xã Huổi Tụ, huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An) có kì tích “trồng 10 ha pơmu” trên đỉnh mây mù. Bài báo đăng trên hai báo sau khi chỉnh sửa chút ít và đổi tên tác giả. Tôi đọc kĩ, thấy tác giả bài báo này chưa khai thác hết những câu chuyện của con người có việc làm độc đáo, ý nghĩa, nhất là khi nhiều cánh rừng pơmu đã bị lâm tặc hạ đổ trắng rừng.

Tôi ấp ủ đề tài rồi đi viết. Hành trang đầu tiên của tôi là thông tin khai thác được ở Chi cục kiểm lâm Nghệ An, Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn, UBND xã Huổi Tụ. Đường đi từ TP.Vinh lên Kỳ Sơn gần 300 km, ngược rừng vào xã Huổi Tụ hơn 25 km nữa rồi cùng cán bộ xã, kiểm lâm địa bàn vào rừng pơmu của ông Chống. Thấy pơmu rồi nhưng phải gặp cho được người trồng là ông Chống, thậm chí cả vợ ông Chống, người dân đi mua giống pơmu... thì mới bắt đầu khai thác tư liệu cho bài báo.

Nghe ông Chống kể chuyện. Thi thoảng đối chiếu với “ghi nhận” của bà vợ, hỏi chuyện người mua giống, đi trong rừng pơmu, chụp nhiều ảnh (để chọn), tôi mới có đủ các chi tiết, chứng cứ, hình ảnh, cảm xúc để viết phóng sự “Người trồng pơmu trên núi Au Tiên” (đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngày 4/5/2020).

Viết xong bài báo tôi không quên biết ơn tác giả đầu tiên đã phát hiện đề tài. Và nghĩ rằng, nếu có dịp gặp tác giả những bài báo đã đăng, tôi sẽ tâm sự, trao đổi về nhiều chi tiết sai thực tế, trong đó có những lỗi tối kị là “viết khống lên cho nhân vật nổi bật”. Mới hay, câu hỏi “Nhà báo: Anh ở đâu” đang thao thức suốt đời khi đã dấn thân vào nghề làm báo./.

Theo Vũ Toàn/Người làm báo

 

Các tin khác:
  • Trung tá - nhà báo Lê Văn Chương: Người nặng tình với biển khơi (16/07/2020-9:27)
  • TTXVN ra mắt cuốn sách về Đổi mới sáng tạo trong báo chí toàn cầu (11/07/2020-9:23)
  • Truyền thông quốc tế: “Phép màu” chiến thắng đại dịch Covid-19 (11/07/2020-9:21)
  • Đến với Ngôi nhà Di sản Bảo tàng Báo chí Việt Nam (11/07/2020-9:18)
  • Hướng dẫn cấp giấy phép hoạt động cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình báo chí (11/07/2020-9:14)
  • Làm báo "một thời chiến tranh", "một thời hòa bình" (06/07/2020-23:23)
  • Sự trỗi dậy của tạp chí... (06/07/2020-23:17)
  • Văn Hiền - Người viết chân dung các nhà báo liệt sĩ (06/07/2020-23:09)
  • Nhà báo Chu Minh Khôi: Tâm huyết cùng phong trào nông thôn mới (02/07/2020-21:54)
  • Báo chí chính là động lực truyền thông trong bảo đảm ATGT (28/06/2020-7:32)