Thứ hai, ngày 29/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Quy định đạo đức người làm báo
Bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành (21/07/2016-22:28)
    “Từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức triển khai đến tất cả các cấp hội từ Trung ương đến địa phương kế hoạch học tập Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 và góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 và luật pháp hiện hành.

 Đây là đợt hoạt động chính trị, nghiệp vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam, của giới báo chí, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác hội, đặc biệt chú trọng việc trau dồi đạo đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, góp phần thực hiện nghiêm Luật Báo chí (sửa đổi) 2016”- Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao (ảnh dưới) đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận về đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này của Hội Nhà báo Việt Nam.

+ Đây sẽ là hoạt động quan trọng mở đầu Chương trình hành động toàn khóa của Ban Chấp hành HNBVN khóa X, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí Chủ tịch Thuận Hữu: Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Hội nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật Báo chí (sửa đổi) 2016, đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo Việt Nam. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2016).

Đợt sinh hoạt này gồm hai nội dung quan trọng là: Tổ chức cho người làm báo, hội viên học tập, quán triệt sâu sắc Luật Báo chí (sửa đổi) 2016, những điểm mới, điểm nhấn so với Luật Báo chí 1999; phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 và luật pháp hiện hành.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: VGP

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: VGP.

 + Đất nước đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng và thách thức mới. Đời sống báo chí cũng đang có nhiều cơ hội để phát triển khi Luật Báo chí (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Chủ tịch có kỳ vọng rằng việc triển khai đợt học tập, quán triệt Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 trên quy mô toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ khiến Luật nhanh chóng đi vào đời sống báo chí?

Đồng chí Chủ tịch Thuận Hữu: Luật Báo chí 2016 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 5/4/2016 và Chủ tịch nước công bố Luật ngày 29/4/2016, thay thế Luật Báo chí 1999, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2017. Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 gồm 6 chương với 61 điều, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 1999, trong đó có 32 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung.

Đáng chú ý, Luật Báo chí mới quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm. Luật Báo chí cũng “luật hoá” những quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo; quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; bổ sung một số quy định về cải chính và xử lý vi phạm…

Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 đã tạo nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng, giúp những người làm báo dựa vào để phục vụ xã hội và người dân tốt hơn. Người làm báo cần phải học tập, quán triệt để nắm vững các điều luật của Luật Báo chí để phục vụ tốt hơn công việc của mình, tránh sai sót trong quá trình tác nghiệp. Khi Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 ra đời, đã nhận được sự quan tâm, hoan nghênh của những người làm báo và cả xã hội. Luật Báo chí này rất quan trọng, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, là cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền. Đây là luật của chính chúng ta, rất thiết thân với người làm báo, trong Luật Báo chí có nhiều nội dung mới, nên đòi hỏi phải học tập, quán triệt để nắm vững điều Luật.

Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, các địa phương để tổ chức các cuộc hội thảo; tọa đàm về việc thực hiện những nội dung đã được luật hóa đối với hoạt động báo chí, về thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Đây là một hoạt động chính trị, nghiệp vụ quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam, của giới báo chí, rất mong các cơ quan báo chí tích cực tham gia thông tin, tuyên truyền sâu, đậm, bằng nhiều loại hình báo chí, bằng nhiều hình thức về Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 cũng như Quy định đạo đức Người làm báo Việt Nam, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí, chất lượng công tác Hội, đặc biệt chú trọng việc trau dồi đạo đức cách mạng, thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, góp phần thực hiện nghiêm Luật Báo chí (sửa đổi) 2016.

+ Một nội dung khác rất quan trọng trong đợt sinh hoạt chính trị này là việc phát động các cơ quan báo chí, hội viên nhà báo, các cấp các ngành và các tầng lớp nhân dân góp ý kiến tham gia sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 và luật pháp hiện hành. Đây có thể coi là điểm nhấn quan trọng vì hơn bao giờ hết, vấn đề đạo đức của người làm báo được nhắc nhiều đến thế. Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một Quy định đạo đức cho phù hợp với luật pháp cũng như thực tiễn hoạt động báo chí, thưa Chủ tịch?

- Đồng chí Chủ tịch Thuận Hữu: Đạo đức là yếu tố cốt lõi, sống còn đối với hoạt động báo chí. Báo chí là lĩnh vực hoạt động đặc biệt, có tác động chi phối dư luận và đời sống tinh thần của xã hội. Người làm báo có trọng trách rất lớn. Nếu không coi trọng đạo đức, tác hại mang đến cho xã hội không lường hết được. Bảo đảm quyền thông tin của người dân là cần thiết nhưng phải hướng tới giá trị nhân văn, xây dựng xã hội có đạo đức. Người làm báo cần nhận thức rõ trách nhiệm phải xây dựng một đất nước dân chủ, văn minh, xã hội nhân văn, đầy tình thương yêu, trân trọng con người. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam bây giờ đã được “luật hóa”, vì vậy, vi phạm đạo đức cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật.

Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam được Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2005-2010) ban hành gồm 9 điều. Sau 11 năm thực hiện, nhiều nội dung của Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam không còn phù hợp với hoạt động báo chí và Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 nói riêng và luật pháp hiện hành nói chung. Vì vậy, việc tiếp tục điều chỉnh các bộ luật, cũng như cần phải sửa đổi, bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp sao cho phù hợp với Luật Báo chí hiện hành, với hoàn cảnh chính trị, xã hội và thực tế cuộc sống hiện nay… là vô cùng quan trọng, không chỉ với giới báo chí cả nước mà với toàn thể xã hội.

+ Hội Nhà báo Việt Nam sẽ triển khai đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất, thưa Chủ tịch?

Đồng chí Chủ tịch Thuận Hữu: Do tính chất quan trọng của đợt học tập, quán triệt Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 và tổ chức góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 và luật pháp hiện hành, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam quyết định tổ chức với quy mô toàn quốc, tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp của các ngành liên quan.

Thời gian tổ chức triển khai quán triệt Luật Báo chí (sửa đổi) 2016 và lấy ý kiến tham gia sửa đổi Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam diễn ra trong 5 tháng, bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 9/2016. Trong đó, từ 1/6 đến ngày 30/7, các cấp hội và cơ quan báo chí tổ chức quán triệt, thảo luận; từ ngày 1/8 đến ngày 30/9, Trung ương Hội sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến và ban hành Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam. Từ ngày 1/10/2016, các cấp hội tổ chức học tập và thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

+ Trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch!

Theo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Xây dựng bộ quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam phù hợp pháp luật và hoạt động báo chí (21/07/2016-22:18)