Thứ ba, ngày 21/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Chuyện của những phóng viên lao vào rốn lũ (22/10/2020-21:50)
    Thông tin về bão lũ được cập nhật liên tục trên các phương tiện báo chí truyền thông đã phần nào giúp đồng bào cả nước hiểu, cảm thông chia sẻ với bà con mùa lũ. Những phóng viên tác nghiệp tại những tỉnh này, với rất nhiều khó khăn vất vả nhưng đã thể hiện trách nhiệm “điểm nóng” thông tin.
 Phóng viên tác nghiệp.

Suýt chết vì lũ cuốn...

Những ngày này, trong những cuộc điện thoại bập bõm kết nối với các phóng viên tại hiện trường, chúng tôi cũng chỉ kịp hỏi được những điều rất vội, rất nhanh, tranh thủ ít phút giờ ăn trưa để các đồng nghiệp còn dành thời gian cho công việc và đảm bảo an toàn.
Phóng viên Quốc  Nam - Báo Tuổi trẻ - một trong những phóng viên đầu tiên tiếp cận hiện trường ở Cửa Trời, bản Cợp, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị). Đó là nơi mà sau tiếng nổ chát chúa, mạn phía Bắc của ngọn núi tên Cửa Trời sụp xuống, chôn lấp ba dãy nhà trong doanh trại của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337. 5 người may mắn được cứu trong đống đổ nát, 22 người bị chôn vùi nằm lại.
Kể về vụ việc “suýt chết” vì lũ cuốn, Quốc Nam chia sẻ: Sáng 18/10, để vào được hiện trường, phóng viên đã phải vượt qua nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng trên đường. Khi đoàn chúng tôi đi bộ bám theo Bộ đội biên phòng tiến vào điểm sạt lở thứ 2 - điểm rất nguy hiểm vì phải đi qua một khe nước chảy từ trên núi xuống. Khi chúng tôi lội được đến đoạn giữa thì ngay sau lưng tôi có 3 đồng chí biên phòng hét lên “Nước về, nước về, chạy mau, chạy mau”... Theo phản xạ, tôi và vài đồng nghiệp lao thật nhanh qua đó vì chỉ có vài chục giây để lựa chọn, mọi người bắt đầu nhốn nháo la hét rồi đạp bùn chạy. Tôi và bạn Hiếu Minh - Truyền hình Nhân dân ở gần đó nhất, rất may đã nhanh chân chạy thoát được... Vọt lên đồi khoảng 30 giây thì nước ào ào đổ xuống, như lũ quét, mang theo đất đá và cây rừng.  Điểm sạt này ngay sau đó bị sạt nghiêm trọng thành một vực thẳm bằng tòa nhà 5 tầng.
Phóng viên Quốc Nam (ngoài cùng bên trái).
Phóng viên Quốc Nam (ngoài cùng bên trái).
Hơn chục năm làm việc tại Báo Tuổi trẻ, là một phóng viên đúng chất “phóng viên chiến trường”, Quốc Nam cũng đã có kỹ năng, kinh nghiệm làm bão lũ nhiều năm nên trước khi tiếp cận vụ việc anh đã có sự chuẩn bị rất kỹ về tâm thế tác nghiệp và luôn nhắc nhở mọi người phải đi rất nhanh, dù không có lũ quét thì tinh thần luôn phải cảnh giác cao độ. “Chúng tôi cũng phải chuẩn bị sức khỏe thật tốt vì đi đến được đoạn sạt lở thì phải đi bộ mấy cây số. Nhiều đoạn khó khăn, vừa lội bùn vừa leo đồi, vừa đi vừa nghe tiếng nổ ầm ầm trong núi, lũ quét có thể ập đến bất cứ lúc nào... Nói thật là với hơn chục năm trong nghề, cũng là người đã đi tác nghiệp bão nhiều, có năm làm trong “siêu bão” nhưng trong các lần tác nghiệp bão lũ trước đây chưa bao giờ mà ranh giới sống chết lại gần đến vậy” - Quốc  Nam tâm sự.
Mặc dù khó khăn đến vậy nhưng những tin bài cập nhật liên tục trên mặt báo, các video trực tiếp ở hiện trường sạt lở thực sự là những nỗ lực rất lớn của người làm báo. Phóng viên Báo Tuổi trẻ tác nghiệp “3 trong 1”, một người làm việc của ba người, cùng lúc làm cho truyền hình, điện tử, báo giấy, vừa chụp ảnh, vừa tường thuật đưa thông tin, vừa làm video.
Quốc Nam cho biết: “Khi xảy ra một vụ việc nào đó, việc làm đầu tiên của mọi người là sẽ chạy nhưng phóng viên chúng tôi thì là phải ghi lại, quay lại cảnh người ta chạy... Ngay khi sự kiện xảy ra 1, 2 phút là phải chụp vài cái ảnh, ghi nhận thông tin sơ bộ rồi nhập thông tin đó vào trong Group cơ quan, rồi sẽ có biên tập viên xử lý thành tin bài. Phóng viên ở “chiến trường”, tiếp cận thông tin chỉ việc... giơ súng lên bắn, nếu không tác nghiệp nhanh như vậy thì không thể cập nhật tin tức đầy đủ và hiệu quả được”.
Phóng viên tác nghiệp.
Phóng viên tác nghiệp.
Chạy đua với thời gian để đưa thông tin chân thực nhất đến với bạn đọc
Cũng là một trong những phóng viên tác nghiệp đầu tiên tại khu vực sạt lở tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, phóng viên Duy Anh - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (zing.vn) kể lại rằng, trước đó anh cùng nhiều phóng viên khác của tạp chí được cơ quan giao nhiệm vụ vào miền Trung để tác nghiệp trong mùa mưa lũ, sau khi đi chuyến bay từ Hà Nội vào Huế ngày 17/10.
Sáng sớm ngày 18/10, chúng tôi đã được cử đi đưa tin về lễ truy điệu 13 chiến sĩ, cán bộ hy sinh tại Rào Trăng 3. Lễ viếng bắt đầu từ 7h sáng, nhưng khi biết đến vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 tỉnh Quảng Trị tôi được cơ quan giao nhiệm vụ và tôi đã lập tức lên đường” - phóng viên Duy Anh chia sẻ.
Phóng viên Duy Anh rất khó khăn để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở Đoàn 337.
Phóng viên Duy Anh rất khó khăn để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở Đoàn 337.
Di chuyển từ Huế, đến 11h trưa anh đã có mặt tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, khu vực xảy ra sạt lở, nhưng điều lo ngại nhất là 2 con đường dẫn đến khu vực Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đều đã bị sạt lở và vùi lấp, không thể di chuyển bằng bất cứ phương tiện gì để đi vào.
Sau khi gửi xe máy ở nhà dân, chúng tôi lựa chọn phương án đi bộ qua các ngọn đồi và một số con suối để tiếp cận gần hiện trường, cái này là “liều” chứ không biết trước đường đi như thế nào, sợ nhất các con suối liên tục có lũ quét từ thượng nguồn tràn về” - Duy Anh nhớ lại.
Sau khi băng qua một số ngọn đồi và suối nước, phóng viên Duy Anh và nhiều đồng nghiệp lại phát sinh những khó khăn đầu tiên. Không có chỗ tác nghiệp, phần lớn mọi người ngồi nhờ vỉa hè nhà một số hộ dân, vì đây là một thôn hẻo lánh, nên không có nhà văn hóa hay trường học để tá túc. Các phóng viên tự tìm đến các nhà dân để ngồi nhờ, gửi tin tức hình ảnh về tòa soạn. Điều may mắn là các hộ dân cũng nhiệt tình hỗ trợ, cho phóng viên nhanh chóng sạc nhờ các thiết bị tác nghiệp.
Theo phóng viên Duy Anh: “Giờ để đi xuống dưới núi để nhờ sự hỗ trợ của UBND xã hay khu vực tập trung đông dân cư ở dưới cũng khó vì đường đi rất nguy hiểm, chúng tôi đã mất công sức đi nên tôi chấp nhận thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ. Khi lên đường chúng tôi chỉ lo các trang thiết bị, còn quần áo giày dép không chuẩn bị nên phần lớn mọi người đều chỉ có một bộ duy nhất, ướt bẩn không có đồ thay, mà lúc leo lên đồi cũng không thể mang được nhiều đồ”.
Tận dụng quãng thời gian ít ỏi ở khu vực sạt lở, phóng viên Duy Anh và đồng nghiệp đã phân công công việc để mọi người cùng thực hiện. Người quay phim, người chụp ảnh, phỏng vấn… tất cả đều chạy đua với thời gian để gửi thông tin, hình ảnh chân thực nhất đến với bạn đọc.
Trong suốt quá trình tác nghiệp, chúng tôi luôn nhận được những tin nhắn động viên chia sẻ của lãnh đạo tạp chí, người thân và đặc biệt những dòng tin nhắn phản hồi của bạn đọc gửi về… tất cả đã khích lệ thêm tinh thần làm việc cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, dẫu biết còn nhiều khó khăn ở phía trước” - phóng viên Duy Anh tâm sự.
Theo Hà Vân – Lê Tâm/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Công Thương (21/10/2020-10:41)
  • Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam viếng liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng (20/10/2020-1:00)
  • Trao “Nhà tình bạn” cho gia đình Nhà báo – Liệt sĩ Phan Minh Tràng (20/10/2020-9:55)
  • Tấm thiệp sinh nhật cuối cùng lặng lẽ tiễn đưa liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng (19/10/2020-16:33)
  • “Làm Tổng Biên tập tuần” (19/10/2020-8:55)
  • Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh:TTXVN là đơn vị báo chí tiên phong tại Việt Nam trong cuộc chiến chống tin giả (19/10/2020-8:15)
  • Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (15/10/2020-14:52)
  • Phóng viên tác nghiệp trong lũ dữ: Nêu cao tinh thần dấn thân để cống hiến (15/10/2020-9:18)
  • Liên chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam: Phát huy tinh thần Đoàn kết - Sáng tạo - Trách nhiệm (09/10/2020-15:56)
  • Phóng viên có nên xuất hiện trong phóng sự điều tra (08/10/2020-0748)