Thứ sáu, ngày 03/05/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nghề báo
Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại: " Đã là tờ báo thì không thể hạn chế tiếp cận thông tin một cách máy móc, cơ học" (24/10/2020-8:45)
    Trong thời gian qua, báo chí đã kịp thời phản ánh thực tế, định hướng thông tin trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Nhiều cơ quan đơn vị đã cung cấp thông tin, làm rõ nhiều vấn đề được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin của báo chí hiện nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
 Nhà báo Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh TTXVN
Hiện nay trên cả nước có gần 850 cơ quan báo chí. Các nhá báo, phóng viên đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí và tích cực sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến giúp đưa thông tin nhanh chóng kịp thời tới người dân Việt Nam.
Việc các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin chính thức từ các cơ quan, đơn vị đã góp phần tăng cường thông tin một cách công khai, minh bạch kịp thời đến cho người dân, đồng thời cũng tăng hiệu quả trong quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin của báo chí hiện nay vẫn có những khó khăn, vướng mắc. Để làm rõ thêm vấn đề này, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT.
Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện quy chế phát ngôn ở các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay? Các cơ quan báo chí thực hiện quyền tiếp cận thông tin ra sao?
Trong thời gian qua, nhiều bộ ngành, địa phương đã tổ chức quán triệt, phổ biến Luật Báo chí và tập huấn công tác phát ngôn cho cán bộ. Nhờ đó, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã có bước tiến bộ đáng kể. Qua tập huấn, có thể thấy nhiều cơ quan hành chính nhà nước gặp vướng mắc là trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của báo chí.
Thực tế qua khảo sát cho thấy, trong nhiều cơ quan hiện chưa có một quy trình rõ ràng để thực hiện trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cũng chưa có chuyên viên phụ trách công tác truyền thông để tiếp nhận yêu cầu của các nhà báo, đồng thời tham mưu giúp người phát ngôn thực hiện trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo quy định, các cơ quan nhà nước phải công bố danh sách người phát ngôn kèm theo số điện thoại liên hệ. Song trên thực tế, nhiều tỉnh, thành phố chưa công bố hoặc chưa cập nhật danh sách người phát ngôn trên cổng thông tin điện tử. Một số tỉnh, thành phố đã công bố danh sách người phát ngôn nhưng danh sách không đầy đủ, không đúng thành phần, chức danh như quy định của pháp luật. Do đó, nhà báo cần liên hệ trực tiếp với người phát ngôn để tiếp cận thông tin sẽ gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin của báo chí gặp khó khăn một phần là do chính các nhà báo chưa nhận thức rõ ràng, đầy đủ về quyền tiếp cận thông tin của mình. Do chưa hiểu rõ quyền tiếp cận thông tin của mình, nhiều nhà báo chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ trong việc tiếp cận thông tin.
Họ tự coi mình là người phải đi xin thông tin, phải nhờ vả các cán bộ cơ quan nhà nước để có được thông tin. Nhiều nhà báo chưa hiểu rằng người đứng đầu cơ quan nhà nước chính là người phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí, phải bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Vì vậy, khi gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, nhiều nhà báo chưa biết cách khắc phục khó khăn, thúc đẩy việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.
Vừa qua đã có tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị từ chối cung cấp thông tin cho nhà báo, phóng viên chỉ vì lý do tôn chỉ mục đích? Ông nhìn nhận như thế nào về nội dung này?
Đã có các cơ quan, đơn vị cho rằng yêu cầu cung cấp thông tin của nhà báo không phù hợp tôn chỉ mục đích, rồi từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Nói về tôn chỉ mục đích, hiện nay có một số tạp chí chuyên ngành hẹp, nhất là các tạp chí điện tử, nhưng lại cử phóng viên đi tác nghiệp như tờ báo, thì không đúng tôn chỉ mục đích. Nhưng có những tạp chí lại có chức năng nhiệm vụ rộng hơn, không dễ dàng xác định giới hạn tôn chỉ mục đích.
Khác với tạp chí, các cơ quan báo thì không thể giới hạn tôn chỉ mục đích được. Vừa qua tôi có giảng ở một lớp học nghiệp vụ, một số nhà báo cũng có hỏi ví dụ như báo chuyên về y tế thì chỉ được viết trong lĩnh vực y tế mà thôi lĩnh vực khác thì không được viết?
Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia hội nghị tập huấn về công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí.
Nhà báo Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia hội nghị tập huấn về công tác phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí.
Theo tôi, đã gọi là báo thì nó là tin tức, là thời sự, là phân tích tình hình thời sự, như báo của ngành y tế là báo dành cho cán bộ ngành y tế chứ không phải chỉ viết trong lĩnh vực y tế. Báo hướng vào độc giả chính là hàng vạn cán bộ y bác sỹ trong cả nước, báo phục vụ tin tức cho họ, tuyên truyền mọi mặt cho họ, phục vụ mọi nhu cầu thông tin của họ, trên nhiều lĩnh vực, trong nước và thế giới. Họ không chỉ cần biết trong lĩnh vực chuyên môn của họ mà họ cần biết tin tức nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu hiểu báo y tế chỉ viết về ngành y tế là không đúng.
Đối với một báo của một tỉnh nào đó, nếu hiểu báo chỉ nói về tỉnh đó, xuống Hà Nội tác nghiệp thì có ra ngoài tôn chỉ mục đích của báo tỉnh đó không? Theo quan điểm của tôi báo tỉnh thì phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc là cán bộ và nhân dân tỉnh đó, mà bạn đọc thì cần biết thông tin trong khắp cả nước, trong mọi lĩnh vực, cả trên thế giới, nên khó có thể giới hạn về không gian tác nghiệp.
Vậy làm sao giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh liên quan tôn chỉ mục đích?
Khi xảy ra tranh cãi về vấn đề có đúng tôn chỉ mục đích hay không đúng, thì ở đây thẩm quyền giải thích thuộc về Bộ TT&TT, mà trực tiếp là Cục Báo chí và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử. Đó là những đơn vị cấp phép hoạt động của cơ quan báo chí nên mới có thẩm quyền giải thích.
Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh đã là tờ báo thì không thể hạn chế tiếp cận thông tin một cách máy móc, cơ học như vậy. Vì đã là báo thì phải cung cấp tin tức, thông tin, tuyên truyền về mọi lĩnh vực, cả tham gia xây dựng chính sách và chống tham nhũng tiêu cực.
Đã có trường hợp một số cơ quan đơn vị yêu cầu phóng viên khi đến liên hệ làm việc, phóng viên đó ngoài giấy giới thiệu phải có hợp đồng lao động, giấy chứng nhận, bảng lương…
Phóng viên làm việc với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ cần thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của cơ quan nếu chưa được cấp thẻ nhà báo. Những yêu cầu thủ tục khác đều không đúng quy định của Luật Báo chí.
Các phóng viên tác nghiệp trong ngày khánh thành Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
Các phóng viên tác nghiệp trong ngày khánh thành Trung tâm Báo chí TPHCM. Ảnh: Việt Dũng
Ngoài ra, phóng viên tác nghiệp có thể liên hệ với nhiều cách khách nhau, có thể nhắn tin, gọi điện, gửi câu hỏi qua mail, thậm chí là zalo, facebook, không nhất thiết phải đến tận nơi. Nghĩa là chỉ cần nhà báo chuyển được yêu cầu cung cấp thông tin đến người có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đã có những trường hợp các cơ quan đơn vị đùn đẩy trách nhiệm, né tránh khi phóng viên nhà báo muốn tiếp cận thông tin gì đó về vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, ông đánh giá thế nào về việc này?
Cũng đã có trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, trong trường hợp này phóng viên phải nắm được thẩm quyền của từng cấp chính quyền một, trong đó nắm được quy định về trách nhiệm của người phát ngôn.
Ví dụ sự việc xảy ra trên địa bàn xã nào đó, người đứng đầu chính quyền xã là chủ tịch xã sẽ phụ trách phát ngôn về việc quản lý địa bàn, hoạt động kinh doanh đầu tư, sản xuất. Còn huyện hay tỉnh có thẩm quyền gì, cấp phép gì theo đúng trình tự, phân cấp... Nhìn chung phóng viên phải nắm chắc quy trình làm việc với cơ quan nhà nước theo quy chế phát ngôn để thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Xin trân trọng cảm ơn nhà báo!
Theo Lê Hiếu/Báo Nhà báo và Công luận

 

Các tin khác:
  • Tổng kết, trao giải Cuộc thi viết và ảnh báo chí “Khát vọng Thanh Hóa” (24/10/2020-8:30)
  • Báo chí phải là “những người lính đi đầu” trong cuộc chiến chống Covid-19 (23/10/2020-15:14)
  • Chuyện của những phóng viên lao vào rốn lũ (22/10/2020-21:50)
  • Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Công Thương (21/10/2020-10:41)
  • Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam viếng liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng (20/10/2020-1:00)
  • Trao “Nhà tình bạn” cho gia đình Nhà báo – Liệt sĩ Phan Minh Tràng (20/10/2020-9:55)
  • Tấm thiệp sinh nhật cuối cùng lặng lẽ tiễn đưa liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng (19/10/2020-16:33)
  • “Làm Tổng Biên tập tuần” (19/10/2020-8:55)
  • Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh:TTXVN là đơn vị báo chí tiên phong tại Việt Nam trong cuộc chiến chống tin giả (19/10/2020-8:15)
  • Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (15/10/2020-14:52)