Thứ sáu, ngày 26/04/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Góc nhìn báo chí
Đừng tiếp tay cho “rác văn hóa” livestream (03/11/2020-13:30)
    Thời gian qua, việc thông tin, tung hô, “lăng xê” hồn nhiên đến mức vô tâm và có phần vô trách nhiệm của một số tờ báo, nhất là báo mạng điện tử không những vô hình trung cổ súy cho những trào lưu “câu view” của một bộ phận streamer “thừa tục tĩu, thiếu chuẩn mực” trên mạng xã hội, mà còn tác động tiêu cực đến việc định hình văn hóa lành mạnh cho giới trẻ và làm vẩn đục môi trường văn hóa giao tiếp của xã hội.
 Mới đây, Huấn 'hoa hồng' bị công an triệu tập vì giả mạo clip cứu trợ lũ lụt miền Trung

Chiêu trò lôi kéo viewer, follower

Thời gian gần đây, công chúng, nhất là giới trẻ không chỉ bị “đầu độc” bởi một số hình ảnh, clip phản cảm, giật gân câu khách rẻ tiền, thiếu văn hóa của một số youtuber “ăn nhờ, sống bám” trên nền tảng youtube, mà còn có nguy cơ bị “bội thực” từ những lời nói nhảm nhí, nhăng nhít của một số người trẻ lấy công việc livestream trên mạng xã hội là sở thích “liên tu bất tận” của họ.
Thời đại công nghệ “4.0” đã mang đến cho con người vô vàn tiện ích mà cách đây mấy chục năm về trước con người nằm mơ cũng không thấy, nhưng “thế giới phẳng” cũng khiến cho bao người dễ bị/và thực tế nhiều người đã bị “ngập chìm, đắm đuối” trong cái “chợ trời mạng” với đủ thứ thông tin, hình ảnh “thượng vàng hạ cám”.
Khai thác, tận dụng tối đa ưu thế của mạng xã hội, nhiều người trẻ có chút kiến thức công nghệ thông tin cộng với niềm đam mê thích “lướt phây, sống ảo” nên đã tự tạo cho mình một công việc mới mang tên “Livestream” và họ được gọi là “Streamer”. Chỉ cần ngồi trước webcam hay camera điện thoại thông minh bật chế độ phát sóng trực tiếp có kết nối Internet, một người có thể dễ dàng trở thành streamer vừa chơi game, vừa bình luận. Trong khi một số streamer phát sóng những trò chơi khá thú vị, nói năng vui nhộn, hài hước, thời gian gần đây đã xuất hiện không ít streamer thích gì nói đấy, bình luận, phát ngôn một cách bất chấp, bạt mạng, kể cả những lời xằng bậy, chợ búa, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, văn hóa ứng xử của giới trẻ.
Đáng nói hơn, một số streamer tận dụng ưu thế về ngoại hình “trai đẹp, gái xinh” cộng với chút năng khiếu hoạt ngôn của mình đã không ngại ngần thể hiện các chiêu trò phản cảm trên mạng xã hội nhằm vừa muốn nổi tiếng, vừa muốn kiếm tiền. Những streamer này thời gian đầu ít khi xảy ra “lỡ lời, nhỡ miệng”, nhưng về sau vì muốn có nhiều viewer (người xem), nhiều follower (người theo dõi), nhiều fan (người hâm mộ)… nên đã tung ra không ít câu từ ngô nghê, tục tĩu. Giới trẻ, nhất là đối tượng “tuổi teen” vốn non nớt về kiến thức văn hóa ứng xử, ngây thơ về nhận thức chính trị, lại dễ bị cuốn hút, lôi kéo bởi những streamer tinh vi sử dụng “vũ khí lợi hại” của mình là “nói một lời, chửi hai câu” để dễ gây tò mò và làm “sướng tai” các viewer, follower…
Đừng tiếp tay cho “rác văn hóa” livestream
Báo chí - truyền thông không vô can
Đáng lẽ trước thực trạng trên, các cơ quan báo chí và những người làm báo phải cùng chung tay góp sức lên tiếng đồng loạt phê phán, tẩy chay một số streamer lợi dụng mạng xã hội để thực hiện, phát tán các sản phẩm phản văn hóa, vi phạm các chuẩn mực đạo đức cộng đồng và làm “vẩn đục” môi trường mạng.
Thế nhưng, một số tờ báo mạng không những không thể hiện chính kiến của mình, mà còn đăng tải những bài viết cổ xúy cho một số streamer có những lời lẽ, phát ngôn thiếu lành mạnh. Thậm chí có những tờ báo mạng định danh, định vị cho một số streamer như thần tượng, như người nổi tiếng trong giới trẻ và trên mạng xã hội.
Trên nhiều tờ báo điện tử, thật không khó để tìm kiếm những thông tin tung hô streamer với những lời lẽ “lên tận mây xanh” như: “Câu nói đi vào lòng người”, “phát ngôn để đời”, “lời nói đỉnh của đỉnh”, “một câu nói tạo thành hot trend trong đời sống giới trẻ Việt”, “vựa muối” của làng streamer Việt”, “gặt hái được nhiều thành công rực rỡ trong sự nghiệp streamer của mình” v.v..
Thậm chí có tờ báo tôn sùng họ như những người đóng vai trò KOLs (người dẫn dắt quan điểm xã hội), “hot influencer” (người có sức ảnh hưởng lớn). Thế rồi, từ chuyện ăn mặc, đi lại, yêu đương… đến mọi sở thích, sở trường, sở đoản, gu thẩm mỹ… của streamer cũng được một số tờ báo, cây bút ra sức “ăn lùng, săn đón” ở mọi lúc mọi nơi để “lăng xê” họ chẳng khác mấy một ngôi sao thực thụ.
Đáng nói hơn, một số đài truyền hình vì chạy theo lợi nhuận, vì muốn tăng lượt rating nên đã mời một số streamer - dù “kiến thức nông, văn hóa thấp” - tham gia gameshow khiến họ càng ảo tưởng mình là người tài năng thật!
Việc thông tin, tung hô, “lăng xê” hồn nhiên đến mức vô tâm và có phần vô trách nhiệm của một số tờ báo, nhất là báo mạng điện tử không những vô hình trung cổ xúy cho những trào lưu “câu view” của một bộ phận streamer “thừa tục tĩu, thiếu chuẩn mực” trên mạng xã hội, mà còn tác động tiêu cực đến việc định hình văn hóa lành mạnh cho giới trẻ và làm vẩn đục môi trường văn hóa giao tiếp của xã hội./.
áo chí là một sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội nên phải có trách nhiệm tham gia góp phần kiến tạo, định hướng và làm cho đời sống văn hóa xã hội ngày càng phát triển lành mạnh và thấm sâu những giá trị chân-thiện-mỹ. Điều này đã được Luật Báo chí năm 2016 quy định, ngoài việc thông tin trung thực, phát hiện và nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, báo chí cần đề cao trách nhiệm tuyên truyền để góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, đồng thời tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi phản văn hóa, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Những câu từ nhảm nhí, nhăng nhít và những lời nói tục chửi bậy của các streamer trên mạng xã hội là biểu hiện của những hành vi trái văn hóa, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, do đó báo chí cần lên tiếng phê phán kịp thời để góp phần định hướng dư luận và phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin “rác rưởi” làm ô nhiễm không gian văn hóa mạng và môi trường văn hóa xã hội.
Theo Thiện Văn/Người làm báo

 

 

Các tin khác:
  • Năm học mới, để vơi đi nỗi lo bệnh cũ (24/08/2020-11:47)
  • Nhận thức đúng, thực hiện nghiêm (20/08/2020-22:55)
  • Chung sống an toàn có điều kiện (18/08/2020-22:56)
  • Chờ đợi những điều mới mẻ (18/08/2020-7:48)
  • Tinh thần yêu nước (16/08/2020-13:02)
  • Cơ hội cho hàng Việt (13/08/2020-8:40)
  • Nhìn vào để soi sửa bản thân (10/08/2020-23:03)
  • Động lực mới cho sự phấn đấu cao hơn (09/08/2020-20:43)
  • Hiệu ứng xấu! (08/08/2020-21:12)
  • Chấn chỉnh cải cách thủ tục hành chính (07/08/2020-17:36)