Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Email: nguoilambaothanhhoa@gmail.com
Trang chủ Tin tức - Sự kiệnĐời sống xã hộiGóc nhìn báo chíNhà báo đi và viếtNghề báoVăn hóa - Thể thao
Nhà báo đi và viết
Nhà báo Quán Tuấn – Trưởng ban Nội chính – Pháp luật – Báo Nhà báo & Công luận: “...Chúng tôi có thêm lửa nghề để dấn thân với mảng đề tài gai góc này” (11/11/2021-15:20)
    Loạt 5 kỳ về hành trình đi tìm công lý cho cán bộ đi B Nguyễn Ngọc Lợi của nhóm tác giả Quán Tuấn – Minh Diễn - Trần Quốc – Hà Đương của Báo Nhà báo & Công luận đoạt Giải B Giải Báo chí Toàn quốc về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2020.

 Nhà báo Quán Tuấn trao đổi với nhà báo Nguyễn Ngọc Lợi - nhân vật của loạt bài được giải.

Loạt 5 kỳ về hành trình đi tìm công lý cho cán bộ đi B Nguyễn Ngọc Lợi của nhóm tác giả Quán Tuấn – Minh Diễn - Trần Quốc – Hà Đương của Báo Nhà báo & Công luận đoạt Giải B Giải Báo chí Toàn quốc về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2020 là “quả ngọt” cho những nỗ lực của người làm báo trong hành trình góp phần vạch trần góc khuất, tháo nút rối cuối cùng để kết thúc một vụ khiếu kiện kéo dài suốt 32 năm qua, giải oan cho một hội viên, nhà báo, cựu chiến binh. Nhà báo Quán Tuấn đã chia sẻ nhiều điều xung quanh loạt tác phẩm này.

Vụ việc ly kỳ nhất trong rất nhiều vụ việc tôi đã thực hiện

+ Có thể nói loạt phóng sự điều tra đã có một cái kết có hậu sau hơn 30 năm đi tìm công lý. Trong hành trình ấy có đóng góp quan trọng của những người làm báo. Xin anh cho biết cụ thể hơn về ý tưởng và quá trình triển khai đề tài của nhóm tác giả?

- Khi được Ban Biên tập Báo Nhà báo & Công luận giao tìm hiểu điều tra về vụ việc của ông Nguyễn Ngọc Lợi (sinh năm 1953), nguyên Thư ký Chi hội Nhà báo Tạp chí Môi trường và Sức khỏe, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Sức khỏe, chúng tôi bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ như bao vụ việc đã từng làm trước đó.

Nhưng quả thực, tôi thấy rằng đây là vụ việc ly kỳ nhất trong rất nhiều vụ việc tôi đã thực hiện. Nó ly kỳ đến mức mà với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề nhưng khi tiếp nhận hồ sơ của ông Lợi tôi vẫn đặt câu hỏi có phải hồ sơ giả không? Bởi có quá nhiều chứng lý quan trọng như Công văn 400, Quyết định 54 của Ủy ban thống nhất Chính phủ cử ông ấy đi học hay nhiều văn bản chỉ đạo, đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nay là Chủ tịch nước nhưng không hiểu tại sao hơn 30 năm mà các cơ quan chức năng vẫn không giải quyết.

Thêm vào đó, vụ việc của ông Lợi không có bất cứ thông tin nào trên mạng, trên các báo để đối chiếu với nguồn thông tin ông Lợi cung cấp, nên ban đầu tôi rất băn khoăn. Chỉ đến khi chúng tôi quyết định vào cuộc bằng việc tiếp cận trực tiếp các cơ quan chức năng, tôi mới tin những hồ sơ ông Lợi cung cấp là sự thật. Tôi báo cáo và đề xuất Ban Biên tập Báo cho triển khai thực hiện tuyến bài dài kỳ và quyết tâm đưa vấn đề này ra ánh sáng.  

+ Khởi đầu điều tra một sự việc ly kỳ lại không có nhiều manh mối, nhóm tác giả đã phải “gỡ những nút thắt” như thế nào để đưa sự việc ra ánh sáng, thưa nhà báo?

- Quả thực đó là một hành trình gian nan. Vào tháng 5/2020, sau khi Báo Nhà báo & Công luận tiếp nhận đơn thư kêu cứu của ông Nguyễn Ngọc Lợi khiếu kiện cách làm “tắc trách” của một số cán bộ, lãnh đạo Trường Đại học Y Bắc Thái (nay là Đại học Y Dược Thái Nguyên); Sở Y tế Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ); Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… đã khiến hơn 30 năm qua, những quyền lợi chính đáng của ông - một quân nhân, thuộc diện cán bộ đi B được Ủy ban Thống nhất của Chính phủ điều động bị bỏ rơi. Hơn 30 năm qua cũng là từng ấy năm ông lầm lũi vác đơn đi khiếu kiện để “giải oan” cho chính mình. Đây là vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên.

Chính vì thế, chúng tôi xác định rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến quyền lợi ích hợp pháp của một nhà báo, quân nhân, người có công cống hiến với đất nước trong giai đoạn khó khăn. Vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích của nhà báo cũng phù hợp với tôn chỉ mục đích của Báo Nhà báo & Công luận. Đặc biệt, vụ việc khiếu nại của ông Lợi là có cơ sở để tiến hành tìm hiểu, xác minh thông tin kêu cứu.

Tất nhiên để tháo gỡ, trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên phải mất nhiều thời gian để lập trình, sắp xếp lại tài liệu, tư liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc từ những năm 1976, 1977, 1983 đến nay. Đồng thời, phải xác minh vụ việc ở nhiều cơ quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, Sở Y tế Phú Thọ... Đồng thời, cử phóng viên phỏng vấn, xin ý kiến từ các chuyên gia Luật, Luật sư và Đại biểu Quốc hội phân tích cơ sở pháp lý để đòi quyền lợi chính đáng cho ông Lợi.

+ Một trong những thành công của loạt tác phẩm này chính là sự đeo bám đến cùng một sự việc. Đó cũng là điều mà không phải phóng sự điều tra nào cũng đạt được. Anh cùng đồng nghiệp có gặp những khó khăn gì trong hoạt động tác nghiệp không?

- Vụ việc thiếu trách nhiệm trong giải quyết đơn thư khiếu nại của các cơ quan chức năng dẫn tới hậu quả ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức (làm Tạp chí Môi trường và Sức khỏe theo sự bảo lãnh của Chính phủ và được cấp Thẻ Nhà báo theo quy định - ông Lợi cho biết) và không được hưởng chính sách, chế độ theo quy định pháp luật, chúng tôi càng theo đuổi, càng thấy có nhiều uẩn khúc.

Tuy nhiên, để đi đến được kết quả và giải oan được cho nhân vật của mình, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình đi tìm sự thật. Bởi, các cơ quan có sai phạm phần lớn đều đóng cửa với báo chí, không muốn cung cấp thông tin cho báo chí. Vụ việc của ông Lợi, khi tác nghiệp phải mất rất nhiều thời gian lặn lội ngược xuôi từ Sở Y tế Phú Thọ, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên rồi Bộ GDĐT, nhưng có cơ quan không những không cung cấp hồ sơ mà còn có phản ứng ngược lại... Cũng rất may mắn là, đã có hàng trăm tờ báo cùng vào cuộc trong vụ việc này như Nhân dân, Báo điện tử Chính phủ, Thanh Niên, Lao Động, Dân trí, Vnexpress, Thanh tra, Tuổi trẻ, Pháp luật Việt Nam...

Chúng tôi có thêm nhiệt huyết, quyết tâm đi đến cùng sự thật…

+ Tôi cho rằng, sức lan tỏa, hiệu lực tác phẩm này rất lớn khi được Chính phủ hết sức quan tâm, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ liên tục có những chỉ đạo. Với những người làm báo, sự ủng hộ vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan ban ngành... đã tạo nên sức mạnh như thế nào đối với hành trình đưa sự thật ra ánh sáng, thưa nhà báo?

- Khi đạt được kết quả như hôm nay, thành công lớn nhất của người làm báo, nhất là mảng báo chí điều tra đó là tác phẩm, đứa con tinh thần của mình có hiệu lực xã hội lớn, tức là đạt được những kết quả như kỳ vọng. Sự vào cuộc, quan tâm của Chính phủ, các ban ngành, của người dân là nguồn động viên vô cùng quý giá để người làm báo vững tin hơn với tác phẩm của mình. Đây có thể nói là niềm vui lớn nhất đối với tôi và các đồng nghiệp. Để từ đó, chúng tôi có thêm nhiệt huyết, quyết tâm đi đến cùng sự thật… Đồng thời cũng là nguồn cổ vũ tinh thần đối với những người làm báo tại Báo Nhà báo & Công luận nói riêng và người làm báo điều tra theo đơn thư bạn đọc cả nước nói chung. Có thể nói, sự quan tâm ấy giúp chúng tôi có thêm lửa nghề để dấn thân với mảng đề tài gai góc này.

+ Quả thực tôi rất xúc động khi đọc lá thư ông Nguyễn Ngọc Lợi viết cảm ơn Ban Biên tập Báo Nhà báo và Công luận sau khi vụ khiếu kiện kéo dài 32 năm khép lại. Tôi cho rằng, niềm tin của người dân vào công lý, vào nghề báo đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thêm “lửa nghề” cho những người cầm bút, thưa anh?

- Đúng là như vậy! Trong hành trình nghề nghiệp của mình chúng tôi cũng từng nhận không ít những lời cảm ơn của độc giả, của nhân vật và đó thực sự là những hạnh phúc nghề nghiệp không gì hơn thế. Cầm lá thư của một người với nỗi đau dai dẳng trong suốt hơn 30 năm qua, vỡ òa cảm xúc được minh oan thực sự rất khó diễn tả hết được.

Tôi vẫn nhớ ông ấy viết rằng: “Nội dung các bài báo của Báo đã góp phần vạch ra góc khuất của vụ việc, tháo nút rối cuối cùng để kết thúc vụ khiếu kiện. Đến nay, Thanh tra Chính phủ đã giải oan cho tôi sau 32 năm bị sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, cam go, khốc liệt. Nhóm phóng viên đều là những người sinh ra trong thời hậu chiến nhưng họ đã có cách nhìn lịch sử, có trách nhiệm chính trị, can đảm lao vào bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của những cựu chiến binh. Hơn thế, cựu chiến binh lại là đồng nghiệp của họ”...

Điều ấy đã tiếp thêm cho tôi và các đồng nghiệp rất nhiều động lực để cố gắng hơn nữa. Đâu đó trong cuộc sống sẽ còn nhiều vụ việc oan sai và người dân rất cần được lên tiếng, được bảo vệ. Chúng tôi hy vọng, với những nỗ lực của người làm báo cùng sự quyết liệt từ các cơ quan chức năng, tình trạng ấy sẽ ngày một hạn chế để người dân thêm tin yêu vào công lý, vào lẽ phải.

+ Xin trân trọng cảm ơn anh!     

Theo Hà Vân (Thực hiện)/ NB&CL

https://congluan.vn/chung-toi-co-them-lua-nghe-de-dan-than-voi-mang-de-tai-gai-goc-nay-post166255.html

 

Các tin khác:
  • Kỷ niệm về chuyến công tác dài ngày trên biển (29/06/2021-10:22)
  • Bài học qua mỗi lần tác nghiệp (29/06/2021-10:05)
  • Tuổi trẻ là những chuyến đi dài không mỏi… (29/06/2021-9:39)
  • Trên bản người Mông. (31/05/2021-9:21)
  • Nơi ấy, đến để đắm say (11/02/2017-10:01)
  • Kỷ niệm tác nghiệp ở Cao Sơn (13/10/2016-16:28)
  • Những chuyến đi để đời (13/10/2016-16:25)